221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
241251
"Giá cả tăng không có nghĩa là lạm phát!"
1
Article
null
'Giá cả tăng không có nghĩa là lạm phát!'
,

(VietNamNet) - Trao đổi với báo giới ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, giá cả một số mặt hàng leo thang chủ yếu là do yếu tố giá (cung cầu thị trường) chứ không phải thể hiện của lạm phát.

- Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 5,4% có phải đã vượt giới hạn lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

- Hiện nay chúng ta là nền kinh tế hội nhập, giá cả quốc tế tăng đưa mặt bằng giá cả của Việt Nam lên. Vừa qua, có một số mặt hàng giá cả quốc tế lên tác động đến Việt Nam như giá xăng dầu tăng lên, giá sắt thép tăng lên. Giá một số nguyên liệu có nguồn gốc từ dầu lửa như phân bón cũng tăng lên... Điều cần nói nữa là trong chỉ tiêu tính giá cả của ta chủ yếu là giá các mặt hàng tiêu dùng, ''rổ'' giá phần lớn là giá gạo, thực phẩm, giá một số vật liệu tiêu dùng, vật liệu xây dựng. Giá các mặt hàng này tăng chủ yếu do yếu tố giá là chính chứ đừng nói là lạm phát. Vì tất cả các chỉ tiêu về tài chính, tiền tệ trong thời gian qua vẫn đảm bảo giữ vững, ổn định. Một số tổ chức kinh tế thế giới như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá nền kinh tế, tài chính của Việt Nam vẫn ổn định.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội:

Xoay quanh chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 5%, đừng nên có kết luận Nghị quyết của Quốc hội đúng hay chưa đúng! Nhưng giá tăng có 3 nguyên nhân rất là rõ. Một là giá thị trường ngoài nước tác động vào. Hai là lúng túng trong xử lý ở trong nước. Thứ ba, việc nâng giá nhiều mặt hàng dịch vụ thuộc tầm quản lý của Nhà nước thì diễn ra trong một thời gian ngắn, dồn dập, là yếu tố cộng hưởng kích giá cả lên. Các nguyên nhân này đã và đang thiết lập một mặt bằng giá mới. Mặt bằng giá mới, ngoài mặt tích cực ra thì nhiều người cho rằng mặt không tích cực nhiều hơn. Vì giá tăng gắn liền với nhân tố không lành mạnh về lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và sức mua, có nghĩa là nhu cầu giảm. Nhu cầu giảm dẫn đến không có cửa mở cho sản xuất.

- Nhưng có người cho rằng chỉ số giá tăng đồng nghĩa với lạm phát?

- Nếu chỉ căn cứ vào giá không thôi thì người ta cho rằng lạm phát quá mức vì nó vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. Nhưng tôi cho rằng vấn đề chính là giá tăng chứ không phải là lạm phát do yếu tố tài chính tiền tệ, chưa phải yếu tố đồng tiền. Vì thời gian qua tất cả các chỉ tiêu tài chính tiền tệ đều đảm bảo trong cân đối chung và giữ mức ổn định.

Chẳng hạn như lượng tiền đưa ra, phương tiện thanh toán... đều lành mạnh. Mức bội chi của ngân sách cũng đảm bảo trong mức Quốc hội cho phép. Chúng tôi cho rằng chưa có lạm phát trong thời gian qua.

- Giá cả tăng còn một phần do lỗi của công tác quản lý?

- Đúng là tăng giá có một phần do vấn đề quản lý của chúng ta. Chẳng hạn để tình trạng các công ty nước ngoài độc quyền và tăng giá thuốc chữa bệnh cao hơn thị trường quốc tế. Giá thép tăng không chỉ do độc quyền mà còn là đầu cơ của một số DN. Ví dụ, cũng do ảnh hưởng của giá thép quốc tế, giá thép ở thời điểm cao nhất ở Việt Nam là 9,3 triệu đồng/tấn nhưng ở Thái Lan chỉ 6,3 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, thời gian qua việc tổ chức mạng lưới đại lý phân phối thép của các nhà sản xuất chưa tốt. Người ta thường nói có tình trạng một số nhà độc quyền thép ở khu vực phía Bắc. Biến động giá thép ở miền Nam chậm hơn còn ở miền Bắc tăng cao đột biến. Điều này do một số nhà phân phối lũng đoạn thị trường, đầu cơ găm hàng.

- Còn nhớ cuối năm ngoái, chúng ta dự báo tình hình năm 2004 rất khả quan với tốc độ tăng trưởng GDP 7,5- 8%. Nhưng đến thời điểm này...?

- Hiện nay mới được 4 tháng nên chưa được nói vội! Quý I năm nay tăng trưởng 7%, cao hơn mức 6,88% của quý I năm ngoái. Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng năm nay đạt chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra. Thường bao giờ cũng vậy, tăng trưởng quý II, quý III, IV đều lên. Nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam về các tháng cuối năm thường cao hơn từ đó thúc đẩy sản xuất. Nhưng chúng ta phải có biện pháp quyết liệt hơn để tăng trưởng nhích gần đến 8%.

- Có những biện pháp nào đạt được mục tiêu tăng trưởng như Bộ trưởng vừa nói?

- Biện pháp hàng đầu vẫn phải tập trung vào vấn đề tạo môi trường kinh doanh. Hoàn thiện môi trường kinh doanh ở đây tôi muốn nói là môi trường cho khu vực đầu tư nước ngoài, đầu tư của khu vực dân cư, đầu tư của DN nhà nước và lành mạnh hoá hoạt động tài chính của DN nhà nước. Còn nữa là biện pháp về thu hút nguồn vốn, biện pháp về bình ổn giá cả, biện pháp về kinh tế đối ngoại và các biện pháp về các mặt xã hội. Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh về cải cách hành chính. Vấn đề hành chính hiện nay là khâu gây cản trở nhiều nhất cho hoạt động kinh doanh cũng như đầu tư.

- Có một số ý kiến dự báo khả năng tăng giá sẽ trở lại vào cuối năm khi chúng ta dự định tăng lương từ tháng 10/2004?

- Như tôi đã nói, chúng ta đang hội nhập và tác động của giá cả bên ngoài đến thị trường giá cả Việt  Nam là điều tất nhiên và không thể tránh khỏi. Cho nên giá cả là vấn đề diễn biến phức tạp và chúng ta phải theo dõi để có biện pháp xử lý, điều hành kịp thời. Cái cách tiền lương sẽ có tác động nhất định đến việc tăng giá, nhưng cái chính là chúng ta phải theo dõi để có biện pháp điều hành, đảm bảo giá cả ổn định ở mức hợp lý.

  • Văn Tiến ghi
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,