221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
238270
WB: Chính phủ VN tích cực đẩy lùi nạn tham nhũng
1
Article
null
WB: Chính phủ VN tích cực đẩy lùi nạn tham nhũng
,

(VietNamNet) - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Martin Rama, nhận xét, Việt Nam đã và đang có những thay đổi mạnh trong công cuộc chống tham nhũng, nhất là việc sử dụng phương pháp luận quốc tế và tư vấn quốc tế để phát hiện, xử lý có hiệu quả những biểu hiện tham nhũng.

Minh bạch hóa hệ thống ngân hàng cũng giúp đẩy lùi tệ tham nhũng.

Đánh giá này được đưa ra tại buổi họp báo công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á ngày 20/4, tại Hà Nội.

Ông Martin cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái tích cực trong việc chống lại nạn tham nhũng. Những chính sách này đang dần trở thành những chính sách đúng đắn và bền vững. Ví như, trong một điều của Luật Thanh tra, Quốc hội Việt Nam đang xem xét việc chỉ cho phép một cơ quan duy nhất được thanh tra hoạt động của các DN, tránh tình trạng chồng chéo trong việc thanh tra các DN, nhất là DN tư nhân hiện nay. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu thanh tra nhà nước có chiến lược rõ ràng và kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, đề án cải cách quản lý tài chính do Bộ Tài chính xây dựng và đang được thực hiện là một minh chứng rõ ràng. Với việc triển khai đề án này, hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam sẽ được hoạt động trong môi trường minh bạch hơn từ kho bạc đến các đơn vị chi tiêu, giảm đáng kể nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực nhạy cảm này. Ngành hải quan, một trong những "cửa ngõ" của tệ tham nhũng, cũng đang được cải cách theo hướng hiện đại hoá, minh bạch và giảm thủ tục hành chính.

Ông Martin nhấn mạnh đến sự quan trọng của công cuộc cải cách hành chính, đang được thực hiện mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương, các cơ quan hành chính tại Việt Nam đang nỗ lực trong việc áp dụng cơ chế "một cửa". Ông lấy dẫn chứng, việc TP.HCM đang thực hiện, bước đầu là cho DN nước ngoài có số vốn 500.000 USD, thực hiện đăng ký cấp phép qua mạng, không chỉ giúp DN tránh bị vướng vào thủ tục hành chính rườm rà mà còn công khai các khoản phí, lệ phí để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và giảm nguy cơ tham nhũng.

Ông Martin cũng đưa ra một minh chứng khác cho quyết tâm đẩy lùi nạn tham nhũng của Việt Nam là việc quy định kê khai tài sản đối với những ứng cử viên cuộc bầu cử HĐND các cấp, được tổ chức vào 25/4 tới.

Khi đề cập đến việc IMF ngừng giải ngân dự án cho vay theo thể thức tăng trưởng và giảm nghèo cho Việt Nam, các chuyên gia của WB đánh giá rằng, điều này không gây tác động nhiều. Nguồn lực của IMF chủ yếu dùng để hỗ trợ dự trữ tiền tệ cho các quốc gia mà Việt Nam hiện nay đã có năng lực dự trữ khá tốt. Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi những chính sách cải cách và những cam kết đối với cộng đồng quốc tế.

Trước đó, khi trả lời câu hỏi của báo giới về việc IMF không tiếp tục giải ngân số tiền viện trợ cho Việt Nam, Trưởng nhóm chuyên viên Kinh tế của UNDP, ông Robert Glofcheski, nói, đó là do IMF muốn Ngân hàng Trung ương ở Việt Nam phải minh bạch hóa. Không những thế, số liệu mà NHNN đưa ra về dự trữ ngoại tệ cần chính xác hơn, điều này đòi hỏi hệ thống kiểm toán cần hoạt động tốt.

"Theo tôi, vấn đề còn liên quan đến việc Quỹ Hỗ trợ phát triển được thực hiện như thế nào ở Việt Nam trong quá trình cải cách, đổi mới. Các chuyên gia IMF đang lo ngại trước tình trạng nhiều nguồn vốn đổ vào Việt Nam nhưng không rõ hình thức và hiệu quả đầu tư như thế nào, liệu có dẫn đến tình trạng quá ưu ái cho một lĩnh vực nào đó không? Vì việc này làm cho Việt Nam không trả được những khoản vay, dẫn tới bất ổn định về tài chính. Nguy cơ này trước mắt chưa thể xảy ra ở Việt Nam, nhưng các bạn cần nhanh chóng cải cách hệ thống ngân hàng, kiểm toán", ông Robert Glofcheski nhấn mạnh.

  • H.Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,