221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
235145
"Xử lý nghiêm minh những trường hợp đầu cơ nâng giá"
1
Article
null
'Xử lý nghiêm minh những trường hợp đầu cơ nâng giá'
,

(VietNamNet) - Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, nhận định, biến động giá cả thời gian qua không phải là hiện tượng nhất thời, mà là biểu hiện bắt đầu của lạm phát. Ủy ban này đã kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện các biện pháp khống chế sự tăng giá đột biến.

Ông Nguyễn Đức Kiên.

- Vì sao 3 tháng đầu năm nay giá cả biến động theo hướng tăng cao như vậy?

- Sau nhiều năm ổn định, giá cả thị trường từ 3 tháng qua có những biến động phức tạp. Nếu so với tháng 12/2003, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, giá cả thị trường đã tăng 4,9%, trong khi Nghị quyết của Quốc hội đề ra là chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2004 ở mức không quá 5%.

Sự biến động giá trong thời gian qua đã thể hiện những yếu tố không bình thường. Thứ nhất, giá cả tăng liên tục, tháng sau cao hơn tháng trước. Thứ hai, đồng tiền Việt Nam không chỉ mất giá so với hàng hóa mà còn có xu hướng mất giá so với các ngoại tệ mạnh, ngay cả so với đồng đô-la Mỹ đang mất giá trên thị trường thế giới. Thứ ba, sự tăng giá diễn ra với hầu hết các mặt hàng, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm có có chỉ số giá tăng cao nhất.

Cụ thể, tính chung lương thực - thực phẩm đến cuối tháng 3 đã tăng 8,5% so với tháng 12/2004. Giá thép tăng đột biến, tăng 38% chỉ trong vòng 2 tháng. Qua 3 đợt tăng giá, thuốc chữa bệnh tăng đến 20 - 25%. Phân u-rê biến động liên tục, tăng khoảng 44% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, giá một số nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu khác như xăng dầu, nhựa hạt… cũng tăng cao.

Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan. Có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ yếu tạo nên tình hình trên, đó là:

Giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao. Ngoài việc giá nguyên, nhiên  vật liệu tăng, thì các tập đoàn quốc tế độc quyền cung ứng cũng gây sức ép đối với các nhà nhập khẩu Việt Nam. Việc này cho thấy các doanh nghiệp trong nước chưa chuẩn bị kỹ các điều kiện chủ động hội nhập kinh tế, khiến cho nhiều ngành kinh tế trong nước thua thiệt trong cạnh tranh.

Bên cạnh đó là các doanh nghiệp trong nước cũng tự động tăng giá. Chẳng hạn giá thuốc trong nước vẫn tăng trong khi giá nhập nguyên liệu thuốc có chiều hướng giảm. Hoặc như thép, khi nhập vào 330USD/tấn (tương đương 5 triệu/tấn), nhưng giá bán lại lên đến 889 triệu đồng/tấn.

Chính sách tiền tệ là một yếu tố tạo nên tăng giá.  Xét trên khía cạnh tiền tệ, mặt bằng giá lên là do tăng tổng lượng tiền lưu thông ngoài thị trường, hoặc do tăng tốc độ quay vòng đồng tiền, hoặc do đồng thời cả hai nguyên nhân trên. Việc áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng đã tạo điều kiện để lượng tiền ngoài thị trường tăng thêm. Cụ thể là lãi suất thấp làm giảm lượng tiền gửi, tăng lượng tiền tái đầu tư, tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại tăng thêm tiền cho vay. Chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian qua mới chỉ quan tâm đến khía cạnh tăng trưởng kinh tế mà chưa chú ý đến đúng mc đến vấn đề kiểm soát giá cả.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chức năng trong việc thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ còn thiếu gắn kết. Ngành Ngân hàng chỉ kiểm soát được lượng tiền lưu thông qua Ngân hàng, còn các hoạt động khác tiền tệ thông qua hoạt động tín dụng của các tổ chức tài chính khác (như hệ thống kho bạc, Quỹ Hỗ trợ phát triển, các tổ chức bảo hiểm, chứng khoán...).

Những yếu tố này sẽ tác động làm tăng tổng phương tiện thanh toán và gây áp lực lạm phát.

Nguyên nhân thứ ba là khâu lưu thông phân phối, xuất nhập khẩu còn nhiều bất cập. Ngay từ năm 2003 và đầu năm 2004, Chính phủ đã ban hành một giải pháp bình ổn giá một số mặt hàng hóa, dịch vụ có biến động nhiều như thuốc chữa bệnh nhập khẩu, xăng dầu… Tuy nhiên quá trình điều hành, tổ chức thực hiện còn thiếu chặt chẽ, chưa có sự phối hợp bảo đảm hiệu quả cao.

Giá thuốc, giá thép tăng không phải là do cung cầu mất cân đối mà chủ yếu là do việc tổ chức, điều hòa lưu thông còn bị động, lúng túng, tạo sơ hở cho đầu cơ và đẩy giá lên.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là các mặt hàng vừa qua tăng giá mạnh phần lớn đều thuộc các mặt hàng lâu nay thiếu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, đồng thời các doanh nghiệp Nhà nước không nắm được thị phần chi phối. Việc chọn lựa thời điểm thực hiện các các quyết định tăng giá hàng hóa, dịch vụ còn thiếu sự chỉ đạo thống nhất, làm cho mặt bằng giá chung tăng lên.

Ngoài 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu trên, tác động của dịch cúm gà đến giá hàng thực phẩm thay thế và quyết định kế hoạch điều chỉnh tiền lương vào cuối năm 2004… cũng là những yếu tố tác động làm tăng giá hoặc tạo tâm lý đẩy giá hàng hóa lên cao.

- Biến động giá cả đã dẫn đến biến động đời sống kinh tế - xã hội như thế nào?

- Biến động này có những tác động tích cực lẫn tiên cực. Việc tăng giá lương thực, thực phẩm thể hiện xu thế chuyển dịch cơ cấu giá theo hướng có lợi cho sản xuất nông nghiệp, góp phần cả thiện thu nhập của nông dân. Tương tự, biến động giá cả trên thị trường thế giới cùng với sự giảm giá tương đối của đồng Việt Nam so với các ngoại tệ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu, và đem lại lợi nhuận cao cho một số doanh nghiệp trước đó nhập nguyên liệu giá thấp.  

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất nhập khẩu và lưu thông phân phối cũng được hưởng lợi đáng kể trong đợt biến động giá vừa qua.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì những lợi ích trên chỉ mang tính nhất thời, không vững chắc và có tính cục bộ. Giá lương thực tăng cao, một phần do giá phân u-rê tăng, thì phần tăng thu nhập của nông dân vẫn không cao. Giá thép tăng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng có bản, đến ngành sản xuất thép. Các doanh nghiệp chế biến thép đang đứng trước nguy cơ thua lỗ và đình trệ sản xuất.

Sự mất giá của đồng tiền Việt Nam với ngoại tệ có lợi cho xuất khẩu, nhưng gây bất lợi cho nhập khẩu. Hơn nữa, nền kinh tế của chúng ta vẫn trong tình trạng nhập siêu, nên xét về tổng thể thì tình hình trên gây bất lợi cho ngành kinh tế.

Về đời sống xã hội, giá thuốc tăng cao gây ảnh hưởng xấu lâu dài đến sức khỏe cộng đồng. Giá hàng tiêu dùng cao ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của nhiều người, trước hết là những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Xét ở phạm vi rộng toàn nền kinh tế, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tiêu cực đến đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

- Đến thời điểm này, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đã có đề xuất gì về giải pháp bình ổn mặt bằng giá cả?

Những biến động thời gian qua không phải là hiện tượng nhất thời, mà là sự bắt đầu của của hiện tượng lạm phát. Việc bình ổn giá cả là một yêu cầu cấp bách.

Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đã có kiến nghị, bên cạnh những biện pháp bình ổn giá đối với từng ngành hàng cụ thể, Chính phủ sớm thực hiện các biện pháp điều tiết kinh tế vĩ mô theo hướng khống chế sự tăng giá đột biến và bảo đảm chất lượng tăng trưởng kinh tế, để vừa tạo thuận lợi cho việc khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, vừa góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đã đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai các giải pháp đồng bộ, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ. Cần dự kiến các yếu tố có khả năng tác động làm tăng giá để có những biện pháp xử lý kịp thời, tạo mặt bằng giá cả hợp lý. Cần phải tính toán kỹ thời điểm, thận trọng, có bước đi thích hợp trong việc điều chỉnh một số mặt hàng là “đầu vào” của sản xuất. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp độc quyền, đầu cơ nâng giá bất chính. Cần nhanh chóng tổ chức lại mạng lưới phân phối hàng hóa, trước mắt là các sản phẩm đang biến động lớn, với sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó các Tổng công ty Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, chủ động chi phối thị trường gắn với đặc thù từng vùng kinh tế.

Cơ quan Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ có cơ chế tập trung đầu mối thông tin về hoạt động tiền tệ, tín dụng của các tổ chức khác hoạt động ngân hàng như bảo hiểm, kho bạc, quỹ hỗ trợ phát triển… để nắm được chính xác diễn biến về tiền tệ.

Dự báo, tình hình thị trường thế giới và trong nước trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục diễn biến phc tạp. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tích cực, chủ động hơn trong việc theo dõi sát tình hình biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ để có những giải pháp phù hợp. Nếu có những biến động lớn xảy ra thì các đơn vị phải kịp thời báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét quyết định.

  • Đặng Vỹ thực hiện.

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,