(VietNamNet) - Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải vừa có văn bản đề nghị UBTV QH ban hành nghị quyết mới về kê khai tài sản (KKTS) đối với ứng cử viên HĐND các cấp. Việc KKTS nhằm mục đích gì, liệu có được UBTV QH chấp thuận? Đó là vấn đề mà VietNamNet đã đặt ra với Chủ tịch QH Nguyễn Văn An.
Chủ tịch Nguyễn Văn An nói: “Ở các nước, việc kê khai tài sản được làm thường xuyên, còn ở ta từ trước đến nay mới chỉ có quy định về kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức, còn với những người của cơ quan dân cử thì chưa có. Đến năm 2002, khi tiến hành bầu cử QH khoá XI lúc đó UBTV QH mới có nghị quyết buộc các ứng cử viên đại biểu QH phải kê khai tài sản. Và sau này, khi ứng cử viên trở thành đại biểu QH thì việc KKTS đó vẫn có giá trị, nhưng ai theo dõi, quản lý việc này thì hiện giờ chưa có. Chính vì vậy nên vừa qua UBTV QH mới có một công văn đề nghị Chính phủ phải đưa các đại biểu QH vào đối tượng của Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh chống tham nhũng để quản lý. Nhưng còn các đại biểu HĐND cũng chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này cả.
- Vì thế Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị UBTV QH ban hành nghị quyết mới về KKTS đối với ứng cử viên HĐND, thưa Chủ tịch?
- Đúng vậy! Việc ban hành một nghị quyết mới về KKTS đối với ứng cử viên HĐND là cần thiết, vừa để có sự nhất quán về chính sách pháp luật, vừa để nhân dân giám sát, chống tham nhũng. Tôi đã giao cho anh em chuẩn bị, để đến phiên họp thứ 17 này (dự kiến ngày 17/3), sẽ báo cáo việc này ra UBTV QH để có một nghị quyết đối với các ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp. Sau đó, Chính phủ mới bổ sung đối tượng này vào Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh chống tham nhũng, để quản lý cả những đối tượng này. Vì Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước về chống tham nhũng.
- Việc buộc các ứng cử viên HĐND KKTS là nhằm để cho nhân dân biết và giám sát, thưa Chủ tịch?
- KKTS để người dân có quyền phát hiện xem ứng cử viên kê khai có trung thực không, nếu trong quá trình đó mà nhân dân phát hiện ra có hiện tượng che dấu tài sản…thì cử tri có quyền chất vấn và ứng cử viên phải có trách nhiệm giải trình. Người dân thấy được thì bầu, không thì thôi. Còn sau khi trúng cử thì việc quản lý là do Chính phủ.
- Có nghĩa là tài sản của các ứng cử viên sẽ phải công khai để cho cử tri biết?
- Hiện giờ chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Ngay như trước đây các ứng cử viên đại biểu QH cũng chỉ kê khai rồi công khai ở trong tổ chức như: cơ quan và Hội đồng bầu cử biết thôi. Cái này rồi sẽ phải bàn. Có thể công bố công khai ở nơi bầu cử chẳng hạn. Vì về nguyên tắc thì không có gì bí mật, để người dân bầu ai thì cũng biết tài sản của người đó thế nào !? rồi sau này hết nhiệm kỳ thì tài sản ra sao? Cái đó là bình thường thôi. Nhưng ở ta, có nhiều cái là bình thường nhưng mình cứ quan trọng hoá lên. Ngay như trước đây, khi UBTV QH họp và mời báo chí dự cũng có nhiều ý kiến lắm. Có người lo ngại nói với tôi: “anh An ơi, cho báo chí vào thế này, mình nói thế này, thế kia họ đưa lên báo thì gay lắm”.Tôi bảo: “thì phải xem anh em nói có đúng không đã. Anh là Uỷ viên thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban thì anh nói bất cứ ở chỗ nào, cũng là nói trước dân. Nhưng thực tế đã cho thấy UBTV QH họp và báo chí thông tin là tốt chứ có sao đâu. Bây giờ thì thì mọi người đã quen rồi và coi đó như là một lẽ đương nhiên...
- Thưa Chủ tịch, ở một số nước các ứng cử viên cơ quan dân cử khi ứng cử phải KKTS và khi kết thúc nhiệm kỳ thì phải kiểm kê tài sản. Biện pháp này tỏ ra rất hiệu quả trong việc chống tham nhũng?
- Đây là vấn đề mới đối với chúng ta, nhưng làm như vậy là “văn minh” lắm. Vì người ta kiểm kê tài sản cả "đầu vào” và "đầu ra”, nên anh nào có chuyển biến về tài sản là biết ngay. Đây là vấn đề cần nghiên cứu, chúng tôi dự kiến cũng sẽ cử đoàn sang Trung Quốc xem kinh nghiệm của bạn làm cái này thế nào…
- Xin cảm ơn Chủ tịch!
-
Hà Linh (thực hiện)