(VietNamNet) - Nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển giáo dục nghề nghiệp là hai vấn đề được đặt ra trong ngày thứ hai (5/3) tại phiên họp thường kỳ tháng hai của Chính phủ khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình.
Phương pháp dạy và phương pháp học được coi là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục. |
Nhiều thành viên Chính phủ đặt câu hỏi: Liệu với những sửa đổi, bổ sung như đã nêu ra trong dự án Luật có đáp ứng được hai vấn đề quan trọng và cấp bách mà xã hội đang quan tâm và đòi hỏi phải giải quyết đó không?
Chất lượng giáo dục chưa cao
Chất lượng giáo dục do nhiều nguyên nhân, từ vai trò của người dạy, người học đến đến nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học. Trong dự án Luật có nêu các tổ chức, cá nhân căn cứ chương trình giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, được tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Đây là một điểm mới, tạo điều kiện phát huy năng lực sáng tạo và kinh nghiệm giảng dạy, quản lý giáo dục, làm phong phú và nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho chất lượng giáo dục không cao, một bộ phận không nhỏ người học sau khi ra trường thiếu năng động, sáng tạo chính là phương pháp dạy và học mang tính thụ động theo kiểu “thầy đọc, trò viết”, “thầy nói sao, trò nói vậy” . Đây là vấn đề chưa được xử lý trong khi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Có thành viên Chính phủ đặt câu hỏi: Đành rằng việc nâng cao chất lượng giáo dục không chỉ thể hiện trong Luật nhưng không lẽ một vấn đề quan trọng và cấp bách như vậy mà không tìm cách thể hiện trong sửa đổi, bổ sung Luật lần này?
Giáo dục nghề nghiệp: còn quá khiêm tốn
Dự án Luật đề cập rõ hơn về giáo dục nghề nghiệp như quy định giáo dục nghề nghiệp gồm dạy nghề với ba trình độ đào tạo là bán lành nghề, lành nghề và trình độ cao, giáo dục trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ (trung học chuyên nghiệp hiện nay) và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Với hệ thống văn bằng, chứng chỉ gồm chứng chỉ nghề, bằng nghề và bằng trình độ cao. Nhưng giáo dục nghề nghiệp, một điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chưa được đề cập đúng mức trong lần sửa đổi, bổ sung này. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Nguyễn Thị Hằng cho rằng giáo dục nghề nghiệp được đề cập trong dự án Luật quá khiêm tốn và đề nghị nên có một chương riêng về lĩnh vực này trong Luật. Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cũng tỏ ra băn khoăn về sự liên thông chưa rõ ràng giữa giáo dục nghề nghiệp với các bộ phận khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Chính sách đãi ngộ và học phí: cần có sự nhất trí cao
Bên cạnh một số nội dung sửa đổi, bổ sung đạt được sự nhất trí cao giữa các thành viên Chính phủ như bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và bỏ bằng tốt nghiệp tiểu học, quy định việc được dùng tiếng nước ngoài để giảng dạy và học tập (bên cạnh tiếng phổ thông và tiếng dân tộc theo quy định hiện hành), vẫn còn nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung chưa có sự nhất trí cao, chủ yếu là trên hai vấn đề:chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo khi chuyển sang làm công tác quản lý giáo dục và học phí của sinh viên ngành sư phạm.
Theo quy định hiện hành, nhà giáo được phụ cấp nghề nghiệp (phụ cấp đứng lớp) nhưng khi chuyển sang làm công tác quản lý thì không còn hưởng phụ cấp nghề nghiệp nữa. Vì vậy, nhiều giáo viên, nhất là giáo viên dạy giỏi không muốn về công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục (sở, phòng…) trong khi các cơ quan này rất cần bổ sung những giáo viên dạy giỏi để nâng cao chất lượng quản lý. Dự án Luật đưa ra quy định: Nhà giáo được hưởng phụ cấp nghề nghiệp, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giáo dục đang công tác tại các cơ quan chuyên môn quản lý đã trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Một số ý kiến phân tích đồng tình với việc cần có chế độ (hoặc bảo lưu phụ cấp nghề nghiệp hoặc hưởng phụ cấp thâm niên) cho nhà giáo chuyển sang làm công tác quản lý nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng việc này sẽ được xử lý đồng bộ khi cải cách tiền lương.
Vấn đề học phí của sinh viên ngành sư phạm cũng đã được đưa ra mổ xẻ, phân tích. Theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, sinh viên ngành sư phạm không phải đóng học phí. Dự án Luật đưa ra quy định Nhà nước ưu tiên sinh viên vay tiền từ quỹ tín dụng đào tạo để đóng học phí, sau khi ra trường, nếu phục vụ trong ngành giáo dục thì được miễn nợ, nếu không phục vụ trong ngành giáo dục thì phải hoàn trả. Một số thành viên Chính phủ băn khoăn về quy định này và đề xuất nhiều phương án nhằm khắc phục tình trạng miễn học phí tràn lan cho sinh viên học sư phạm nhưng không giảng dạy sau khi ra trương đồng thời phải có quy định ưu đãi cho sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường phục vụ giảng dạy.
Có trình hay không trình dự án Luật?
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT phải có sự sửa đổi cơ bản để có một Luật Giáo dục đúng tầm. Ảnh: T.T.D |
Trước quá nhiều vấn đề đặt ra, Thủ tướng Phan Văn Khải đã yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung lực lượng nghiên cứu sâu hơn để đáp ứng yêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Thủ tướng chỉ rõ, nền giáo dục hiện đang có nhiều vấn đề về chất lượng giáo dục, cách dạy, cách học, việc phân công, phân cấp quản lý. Luật Giáo dục là một luật lớn và rất phức tạp. Vì vậy, cần phải có sự sửa đổi cơ bản để có một Luật Giáo dục đúng tầm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị kỹ để thông qua Hội đồng Giáo dục quốc gia, nếu được thì thì báo cáo lại Chính phủ để trình Quốc hội. Nếu không thì xin phép Quốc hội để chuẩn bị tiếp. Trong trường hợp đó, trong thẩm quyền, Chính phủ có thể xử lý đối với những vướng mắc trong giáo dục hiện nay.
Cũng trong ngày 5/3, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về đề án Chiến lược vay và trả nợ nước ngoài giai đoạn 2001-2010; nghe báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng hai và hai tháng đầu năm cũng như những vấn đề cấp bách cần chỉ đạo trong thời gian tới. Phát biểu kết thúc phiên họp, Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng, tình hình hai tháng qua tiếp tục chuyển biến tốt trên nhiều mặt nhưng một số mặt giảm sút so với cùng kỳ năm trước, do dó cần có sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết với những giải pháp mạnh để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng yêu cầu, trước mắt đối với những mặt hàng Nhà nước quản lý không được tăng giá; các nhà thầu tiếp tục đẩy mạnh thi công các công trình trong kế hoạch, Nhà nước sẽ bù phần trượt giá vật liệu xây dựng do bất khả kháng.
-
Kiều Minh