(VietNamNet) - Đứng trước lựa chọn hoặc thông qua luôn Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao với mức khởi điểm chịu thuế đã được Chính phủ nâng lên 5 triệu đồng nhưng chấp nhận một lần nữa "vi hiến", hoặc chờ đến cuối năm QH biểu quyết, UBTVQH đã quyết định giữ lại Pháp lệnh này để Chính phủ ''tiếp tục nghiên cứu nâng mức khởi điểm chịu thuế".
"Giải pháp chữa cháy" của Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng - dự án Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao - chưa kịp thuyết phục các thành viên UBTVQH bởi những sửa đổi "rất có lợi cho người dân có thu nhập cao", thì đã đẩy các vị ĐB vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhắc nhở: "Đề nghị chúng ta cân nhắc lại khi quyết định thông qua Pháp lệnh này bởi theo Hiến pháp, quyền huỷ bỏ, bổ sung, sửa đổi... các loại thuế là quyền của Quốc hội. Tất nhiên, Pháp lệnh lần này có những sửa đổi có lợi cho người dân, nếu quyết sớm được thì tốt, nhưng làm như vậy thì UBTVQH chúng ta sẽ vi phạm Hiến pháp đấy!".
Bà Trần Thị Tâm Đan: Nói thật, về mức khởi điểm tính thu nhập thì tôi thích mức của người Việt Nam là khoảng 7 triệu đồng.
Ông Hồ Đức Việt: Tôi thích nhất là mức khởi điểm của ta bằng với người nước ngoài, tức là 8 triệu. Ông Vũ Mão: Tôi thích 8 triệu hơn... |
Giật mình trước lời cảnh báo của Chủ tịch, nhiều vị trong UBTVQH ngay sau đó đã tìm Hiến pháp để... tra lại. Chủ nhiệm UB Dân tộc và miền núi Tràng A Phao hưởng ứng: "Đúng vậy, nếu không vội vàng thì chúng ta cứ giữ lại để báo cáo đàng hoàng cho Quốc hội thông qua có được không?". Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội, bà Trần Thị Tâm Đan đồng tình: "Tự Thường vụ Quốc hội sửa đổi thuế theo kiểu này là vi phạm Hiến pháp đấy. Lần trước làm chúng ta đã vi hiến rồi, lần này ta nên sửa sai chứ đừng tiếp tục như vậy nữa"...
Lùi một bước để tiến hai bước
Biểu thuế với thu nhập thường xuyên của người trong nước của dự thảo | |
Thu nhập chịu thuế (triệu đồng/tháng) | Thuế suất (%) |
đến 5 triệu đồng | 0% |
trên 5-10 triệu đồng | 10% |
trên 10-15 triệu đồng | 20% |
trên 15-25 triệu đồng | 30% |
trên 25 triệu đồng | 40% |
Bỏ thuế suất 50% và thuế suất bổ sung 30% |
Một giải pháp "vớt vát" đã được Chủ nhiệm UB Pháp luật Vũ Đức Khiển mạnh dạn đưa ra sau khi ông đã kiểm tra kỹ Hiến pháp 92: "Dù sao đi nữa thì Pháp lệnh hiện hành đang còn hiệu lực với những bất cập như mức đánh thuế khởi điểm 3 triệu là quá thấp... Để khắc phục sự bất hợp lý này mà không vi phạm Hiến pháp, nên chăng chúng ta chỉ sửa Điều 9 và 10 - hai điều luật sửa đổi lớn và quan trọng nhất về biểu thuế".
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu lưỡng lự: "Sửa 2 điều như anh Khiển nói cũng chưa ổn lắm. Chúng ta đang cần Pháp lệnh này thật, nhưng nếu Chính phủ đồng tình, ta có thể cùng xắn tay nâng Pháp lệnh này thành Luật, ngắn thôi cũng được, để Quốc hội khoá 5 này sẽ xem xét luôn có được không?".
Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ và Môi trường Hồ Đức Việt lại quan tâm đến khía cạnh khác: "Chúng ta quy định đánh thuế chuyển quyền sử dụng đất của DN trong Luật thuế thu nhập, thế nhưng lại quy định tính thuế chuyển quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình trong một pháp lệnh. Như vậy là kênh nhau rồi! Đã sửa thì ta nên bỏ đối tượng điều chỉnh là hoạt động chuyển quyền sử dụng của cá nhân ra ngoài pháp lệnh này".
Trong khi các ĐB đang phân vân tìm giải pháp xử lý thì Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng: "Pháp lệnh này mang tính chữa cháy nhưng chưa được hay lắm. Vậy tôi xin chọn phương án bỏ đối tượng chuyển quyền sử dụng đất ra khỏi pháp lệnh bởi dù sao hiện chúng ta đã có quy định riêng về thuế chuyển quyền sử dụng đất. Vì thế, nếu ta chỉ sửa một số điều liên quan đến thuế suất thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến mức thu từ thuế của Nhà nước".
Cuối cùng, phương án "khổ một tý" nhưng vừa đúng luật, vừa hợp lý - theo lời của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu - là "chưa thông qua Pháp lệnh mà để Chính phủ sửa lại mức thuế, biểu thuế và nâng thành luật, sau đó sẽ đưa ra trình các ĐB Quốc hội khoá 5 tới để cuối năm thông qua" đã được UBTVQH nhất trí 100%.
Trước đó, UBTVQH đã đồng ý thông qua báo cáo của Chính phủ về việc xin hoãn trình dự án Luật thuế sử dụng đất năm 2004 với lý do chưa đủ điều kiện khách quan để thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng: "Tôi cũng tán thành việc xin hoãn trình luật này của Chính phủ. Nhưng theo tôi nên nhìn nhận thẳng, lý do ta chưa thể trình chỉ đơn giản vì ta làm chậm, không kịp chứ không phải lý do nào khác...".
-
L.Anh