221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
216824
"Phải cố mà giữ thanh tra nhân dân thôi!"
1
Article
null
'Phải cố mà giữ thanh tra nhân dân thôi!'
,

(VietNamNet) - Trái với ý kiến một số ĐB trong kỳ họp Quốc hội (QH) thứ 4 về bất cập của hệ thống thanh tra nhân dân, trong 2 ngày thảo luận về dự Luật Thanh tra vừa diễn ra tại Hội nghị ĐB QH chuyên trách lần thứ 3, nhiều ĐB lại cho rằng nên giữ lại cơ quan này. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu nói: "Chúng ta cố sức mà giữ đi vì chúng ta đã có 14 năm thực hiện và có kết quả tốt...".

Giữ để hoàn thiện

ĐB Nguyễn Đình Lộc. Ảnh: Nguyên Vũ.

Đây cũng là ý kiến của ĐB Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp. Đề cao vai trò của cơ quan thanh tra nhân dân trong việc đấu tranh chống tiêu cực tại các địa phương, ĐB Nguyễn Đình Lộc hóm hỉnh nói: Cứ nhìn những thanh tra nhân dân có dũng khí như vậy thì những người vi phạm hay có ý định vi phạm cũng thấy sợ rồi!

Cũng như ông Lộc, nhiều ĐB khác đề xuất nên giữ lại cơ quan này trong Luật Thanh tra, bởi thực tế hơn chục năm thực hiện cơ chế thanh tra nhân dân vừa qua đã cho thấy những tác động tích cực đối với xã hội. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu tổng kết: Nhiều khả năng chúng ta không bỏ cơ quan thanh tra nhân dân ra khỏi dự luật này. Chúng ta cố sức mà giữ đi vì chúng ta đã có 14 năm thực hiện tốt cơ chế thanh tra nhân dân.

Phó Chủ tịch cũng kêu gọi các ĐB: "Tất nhiên, giữ thanh tra nhân dân không có nghĩa chúng ta vẫn tiếp tục để tình trạng lẫn lộn giữa chức năng thanh tra của cơ quan này với giám sát, cũng như không thể để thanh tra nhân dân tiến hành thanh tra thường xuyên bộ máy chính quyền cơ sở được bởi đấy là việc của thanh tra nhà nước. Muốn giữ lại thì chúng ta phải hoàn thiện, gọt giũa các quy định của luật để cơ quan này được vận hành một cách hiệu quả và hợp lý hơn". Ông cũng bày tỏ sự tán đồng với sáng kiến "khoanh phạm vi hoạt động của thanh tra nhân dân" và yêu cầu các ĐB cùng tiếp tục nghiên cứu thêm.

"Ở đâu có quản lý, điều hành thì có thanh tra"

Nếu như trước đây nhiều người tỏ ý lo ngại khả năng "ông thanh tra" và "ông chủ tịch" câu kết với nhau trong việc bưng bít vi phạm thì trong Hội nghị này, đa phần các ĐB lại ủng hộ việc tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Với quan điểm này, mô hình thanh tra sẽ gồm: thanh tra Bộ (thuộc Bộ và các cơ quan ngang Bộ), thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, thanh tra xã...

Ý kiến của UBTVQH cũng nghiêng về quan điểm: cần xác định thanh tra nhà nước là một bộ phận của hoạt động quản lý nhà nước, hệ thống cơ quan thanh tra phải đặt trong hệ thống cơ quan hành pháp, bao gồm Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp.

Với phương án tổ chức này, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo về việc bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan thanh tra thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp. Cụ thể, chánh thanh tra Bộ do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Nhà nước; chánh thanh tra tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Nhà nước; chánh thanh tra sở do giám đốc sở bổ nhiệm sau khi thống nhất với chánh thanh tra cấp tỉnh; chánh thanh tra cấp huyện do chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm sau khi thống nhất với chánh thanh tra cấp tỉnh...

Do nhiều ĐB kiến nghị về khái niệm thanh tra trong dự luật hiện đang trùng với khái niệm giám sát nên Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu cân nhắc: Đây là vấn đề lớn, cần ý kiến của nhiều người nên có thể chúng tôi sẽ mở riêng một cuộc hội thảo để thảo luận.

Trước lo ngại của nhiều người về giá trị pháp lý và hiện thực của các kết luận thanh tra, có ĐB cho rằng: Nếu cơ quan có thẩm quyền cố tình không xử lý vụ việc theo kết luận và kiến nghị của đoàn thanh tra thì làm thế nào? Nên chăng thành lập riêng một cơ quan chuyên đôn đốc việc thực hiện kết luận của các đoàn thanh tra đối với những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm. Đánh giá ý kiến này, ông Nguyễn Văn Yểu cho rằng: "Làm như vậy sẽ khó khả thi. Hiện nay, ông quản lý cùng cấp sẽ có trách nhiệm thực hiện kết luận và kiến nghị của thanh tra cùng cấp. Còn trong trường hợp ông này cố tình không thực hiện, trong luật đã có cơ chế cơ quan thanh tra cấp dưới có thể vừa báo cáo lên cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, vừa được báo cáo lên cơ quan thanh tra cấp trên của mình về những vấn đề như vậy...".

Ngày 26/2, Hội nghị các ĐB Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận cho ý kiến về Luật Khiếu nại tố cáo.

  • L.Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,