221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
215227
Đừng để đại biểu "câu giờ" khi trả lời chất vấn!
1
Article
null
Đừng để đại biểu 'câu giờ' khi trả lời chất vấn!
,

(VietNamNet) - Thảo luận về Quy chế hoạt động của UBTVQH, trong đó có quy định mới về chức năng tổ chức thực hiện chất vấn của UBTVQH, một số ĐB chuyên trách của Quốc hội đã phàn nàn về tình trạng "buông xuôi" việc kiểm soát chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn. Có ĐB trách: "Chúng ta vẫn để một số ĐB câu giờ khi trả lời chất vấn, như vậy không hay!".

Dự thảo Quy chế hoạt động của UBTVQH (sửa đổi) theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, được xây dựng với mục đích "nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBTVQH", thể hiện bằng việc "cụ thể hoá các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức, trình tự, cơ chế thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đó" của cơ quan này.

Theo đó, Quy chế bổ sung quy định giao UBTVQH chủ động điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo sự uỷ quyền của QH, hoặc dự kiến điều chỉnh chương trình để QH quyết định tại kỳ họp gần nhất. Trong việc triển khai thực hiện chương trình giám sát của QH, UBTVQH có trách nhiệm phân công cụ thể nội dung giám sát để các thành viên của UBTVQH, HĐ Dân tộc và các UB của QH, đoàn ĐB QH thực hiện. Các cơ quan này phải gửi báo cáo kết quả giám sát đến UBTVQH để tổng hợp báo cáo QH tại kỳ họp cuối năm. 

Nói về Điều 24 của dự thảo Quy chế hoạt động của UBTVQH với quy định: trong thời gian QH họp, UBTVQH có quyền tổ chức thực hiện quyền chất vấn, trong đó được dự kiến nội dung và danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn của các ĐB Quốc hội tại kỳ họp và báo cáo Quốc hội quyết định, ĐB Nguyễn Thạc Nhượng (Bắc Ninh) có ý kiến: "Danh sách này không nên để UBTVQH quyết định mà nên lấy ý kiến của Quốc hội. Bởi thời gian qua, nhiều khi chất vấn của chúng ta chỉ tập trung vào một số Bộ trưởng, trong khi nhiều Bộ trưởng của nhiều lĩnh vực quan trọng khác lại gần như không bao giờ bị chất vấn. Lắm lúc, sau mỗi ngày có phiên chất vấn tại nghị trường, ĐB chúng tôi đi về trên xe cứ bàn tán với nhau: hôm nay Bộ trưởng A thoát, lần này Bộ trưởng B may không bị chất vấn (!?)".

Ông phát biểu thêm: "Quy chế chưa quy định chặt chẽ quyền giám sát của UBTVQH đối với chất vấn và trả lời chất vấn. Sau mỗi phiên chất vấn, có những Bộ trưởng đã trả lời thoả đáng nhưng nhiều trường hợp còn trả lời quanh co, chưa đi thẳng vào vấn đề. Nhiều Bộ trưởng còn cố kéo dài thời gian trả lời chất vấn. Do đó, UBTVQH cũng cần phải có văn bản kết luận xem nội dung chất vấn đã thoả đáng chưa".

ĐB Trương Thị Mai, UB Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hưởng ứng: "Luật quy định thời gian Quốc hội họp, UBTVQH có quyền dự kiến danh sách và báo cáo để Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, nên chăng chúng ta quy định để Quốc hội thảo luận cho ý kiến trước rồi UBTVQH căn cứ vào đó mà tổng hợp danh sách hay không? Bởi thông thường, khi UBTVQH trình danh sách ra Quốc hội thì các ĐB cũng chỉ vỗ tay đồng ý, ít khi có ý kiến phản hồi!".

Bàn về hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn, bà Mai đề xuất: "Khi ĐB Quốc hội chất vấn có thể đưa ra một số thông tin để Bộ trưởng trả lời chất vấn giải trình, Bộ trưởng có quyền đính chính lại thông tin đó nếu thấy sai. Có trường hợp đính chính của Bộ trưởng cũng không chính xác, do đó Quốc hội cũng cần có bộ phận giám sát cả thông tin của ĐB chất vấn và ĐB trả lời chất vấn, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng và chính xác".

Một ĐB tỉnh Hà Tây cũng bức xúc khi đề cập đến chất lượng chất vấn: "Có kỳ họp QH nội dung chất vấn và trả lời chất vấn rất tốt, nhưng cũng có kỳ họp lại diễn ra rất hình thức. Quy chế của chúng ta đúng là chưa có quy định điều chỉnh chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn. Theo tôi, chúng ta cần điều chỉnh để UBTVQH có quyền được xem xét, đánh giá chất lượng chất vấn, chứ như hiện nay là chúng ta đang buông xuôi. Chúng ta vẫn để tình trạng một số ĐB câu giờ khi trả lời chất vấn, như vậy không hay!".

Tham gia thảo luận, ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ sung ý kiến: "Kỳ họp QH cũng như các phiên họp của UBTVQH là nơi những ý kiến của ĐB có giá trị pháp lý cao nhất cho nên các ĐB không nên coi nội dung thảo luận tại Hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách là chính thức, đến các kỳ họp kia lại không phát biểu nữa. Ngược lại, tại các kỳ họp của QH và UBTVQH chúng ta cần phát biểu nhiều và mạnh mẽ hơn".

Tán đồng với ý kiến của một số ĐB về giải pháp nâng cao hiệu quả chất vấn, ông Thuận phát biểu: "Sau khi chất vấn phải có ban thẩm định đúng sai, nếu không thì huề cả làng. Luật quy định HĐ Dân tộc và các UB của Quốc hội giám sát lời hứa của các Bộ trưởng trả lời chất vấn nhưng thực tế chưa thấy có văn bản nào về kết quả thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng...".

  • L.Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,