221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
213441
Việt Nam – Thái Lan mong muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược
1
Article
null
Việt Nam – Thái Lan mong muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược
,

(VietNamNet) - 8h30 sáng 21/2, hai Thủ tướng Phan Văn Khải và Thaksin Shinawatra cùng đoàn Chính phủ hai nước đã rời Đà Nẵng đến tỉnh Nakhon Phanon, tiến hành phiên họp thứ 2 của cuộc họp nội các Việt – Thái lần đầu tiên. Trước đó, khi kết thúc phiên họp thứ nhất tại Đà Nẵng, hai bên đã ký kết 5 văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác.

Toàn cảnh phiên họp chung thứ nhất của cuộc họp nội các chung Viêt Nam - Thái Lan tại Đà Nẵng

So với chương trình dự kiến thì trong phiên họp thứ nhất, đã có thêm văn kiện hợp tác về y tế đuợc soạn thảo và ký kết bổ sung. Như vậy, kết thúc phiên họp tại Đà Nẵng, đã có 5 văn kiện gồm "Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Thái Lan bước vào thập kỷ đầu thế kỷ 21", "Bản ghi nhớ về gợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Thái Lan", "Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Thái Lan về hợp tác y tế", "Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thái Lan về hợp tác kỹ thuật" và "Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Thái Lan về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và tạo điều kiện cấp thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông". Các văn kiện được ký kết với sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Thaksin Shinawatra cùng các thành viên trong đoàn Chính phủ hai nước Việt – Thái.

Tối qua, Ngoại trưởng hai nước Việt – Thái đã có cuộc họp báo chung để thông tin về những kết quả đạt được qua các cuộc làm việc giữa hai bên. Bên lề phiên họp thứ nhất của cuộc họp nội các Việt – Thái, VietNamNet đã có các cuộc phỏng vấn riêng với Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

- Cuộc họp nội các này có gì khác so với những cuộc gặp gỡ giữa các thành viên Chính phủ hai nước trước đây?

- Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng: Đây là cuộc họp làm việc thật sự chứ không phải là cuộc thăm viếng ngoại giao. Ví dụ tại cuộc họp nhóm kinh tế, chúng tôi nêu ra những vấn đề cần hợp tác. Các Bộ trưởng đều được phát biểu thảo luận để đi một sự nhất trí “làm cái gì, nên hợp tác thế nào?". Từ sự nhất trí đó, hai bên đã đi đến ký kết Tuyên bố chung, sau đó các Bộ trưởng sẽ tiếp tục bàn cụ thể. Đây là một cuộc họp để làm việc với tinh thần thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Hai nội các của hai nước họp - làm việc thật sự nhằm mục tiêu hợp tác phát triển cùng có lợi.

- Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Trước đây, các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng của nước này sang nước kia là những chuyến đi không mang tính chất tổng hợp như cuộc họp lần này. Đây là cuộc họp đầu tiên chúng ta thực hiện với một nước láng giềng, với sự tham gia của tất cả nội các. Nó đưa lên thành vấn đề chúng ta nhìn nhận quan hệ trên một cơ sở tổng thể, mà cơ sở tổng thể đó lại đi vào những vấn đề cụ thể. Tức là từng Phó Thủ tướng, từng Bộ trưởng phụ trách mỗi lĩnh vực đều phối hợp, trao đổi với nhau. Tôi nghĩ cái tầm của nó vừa là vĩ mô, nhưng đồng thời lại đi vào những vấn đề cụ thể.

Riêng với cuộc họp nhóm hợp tác an ninh – chính trị, tôi nghĩ đây là một cuộc gặp rất lịch sử. Quan hệ giữa hai nước Việt – Thái từng có những bước thăng trầm và chưa bao giờ những người lãnh đạo cao nhất về an ninh, quốc phòng, đối ngoại cùng ngồi lại với nhau trong một bàn tròn để thảo luận tất cả những vấn đề liên quan đến an ninh của hai nước, an ninh khu vực. Do vậy, tôi nghĩ sự thoả thuận vừa đạt được rất là tốt, rất cơ bản, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước chúng ta, cũng như những ưu tiên của chúng ta hiện nay là làm sao tạo được môi trường hoà bình, ổn định để tập trung xây dựng và phát triển đất nước.

- Nhận định về việc ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác giữa hai nước đầu thế kỷ 21?

 
Ngoại trưởng hai nước trao đổi "Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Thái Lan bước vào thập kỷ đầu thế kỷ 21"

- Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên: Tại cuộc họp ngày hôm nay, đã chứng kiến lễ ký 5 văn kiện hợp tác quan trọng. Trong đó, văn kiện quan trọng nhất là Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Thái lan trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Tuyên bố này đuợc xây dựng trên tinh thần tin cậy lẫn nhau, làm thế nào để thực hiện mối quan hệ toàn diện, không chỉ trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà còn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, văn hoá và cả về vấn đề hợp tác trên các diễn đàn quốc tế. Đây là một cương lĩnh, là định hướng rất quan trọng cho sự hợp tác toàn diện của hai nước trong nhiều năm tới. Trên cơ sở của đường lối này và những nguyên tắc rất cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc cũng như của ASEAN, hai nước Việt – Thái sẽ hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tôi nghĩ Thái Lan và Việt Nam sẽ hỗ trợ cho nhau vì đây là hai nước thành viên rất quan trọng của ASEAN. Nếu sự hợp tác giữa hai nước tốt lên sẽ góp phần củng cố cho ASEAN.

3 trụ cột của ASEAN hiện nay là kinh tế, an ninh và văn hoá – xã hội. Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác Việt – Thái trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đều đã bao gồm 3 trụ cột đó. Nếu chúng ta thực hiện tốt sẽ không chỉ đóng góp cho quan hệ của hai nước mà còn đóng góp cho sự phát triển của ASEAN.

- Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Su-ra-kiệt Sa-thiên-thai: Cuộc họp nội các chung lần thứ nhất đã tạo điều kiện rất tốt cho các thành viên của Chính phủ hai nước trao đổi quan điểm sâu rộng về những vấn đề cùng quan tâm. Chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược hợp tác giữa hai nước trên cơ sở hợp tác song phương với nhau. Ví dụ trong nhóm thảo luận về tình hình chính trị - an ninh, chúng tôi đã nhất trí thành lập nhóm làm việc chung để tăng cường hợp tác an ninh trên các vấn đề chống khủng bố, chống rửa tiền, chống buôn lậu, buôn người... Về lĩnh vực kinh tế, chúng tôi đã thoả thuận giao cho hai bên soạn thảo chiến lược hợp tác kinh tế chung trong vòng 15 tháng. Chúng tôi cũng nhất trí hợp tác mở đường bay mới trong để thúc đẩy phát triển hàng không, du lịch; hợp tác xuất khẩu gạo, nông thuỷ sản sang thị trường nước ngoài, như thị trường Châu Âu... và thoả thuận thúc đẩy hợp tác trong Hành lang kinh tế Đông – Tây. Về lĩnh vực văn hoá – xã hội, chúng tôi đã nhất trí thiết lập mạng lưới thông tin trong khu vực, đặc biệt là hành lang về thông tin giữa Việt Nam và Thái Lan...

Tôi nhất trí với Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên rằng, văn kiện quan trọng nhất vừa được ký kết chính là Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Thái Lan trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Văn kiện này đã đặt nền tảng cho sự hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Chúng tôi đã làm việc tích cực suốt 3 năm trời để có thể đi đến ký kết văn kiện này. Trong đó, có một số điểm rất quan trọng như chúng tôi đã nhất trí không để cho một bên thứ 3 hay bất cứ ai sử dụng lãnh thổ của mình để gây ra những vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị cho nước kia. Tôi nghĩ rằng, bản thân việc hai nước ký bản Tuyên bố chung này đã thể hiện sự tin cậy lẫn nhau, thể hiện mong muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược!

- Thái Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong quá trình Việt Nam gia nhập WTO?

 
 
 

- Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng: Trước đây Ngài Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã có ý kiến tạo sự ưu đãi đối với Việt Nam bằng cách Thái Lan đồng ý miễn đàm phán song phương với Việt Nam trên lĩnh vực này. Trong lần họp này, chúng tôi chính thức đề cập và các bạn Thái Lan cũng rất đồng tình!

- Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên: Tôi nghĩ là Thái Lan hoàn toàn ủng hộ chúng ta trong việc gia nhập WTO. Phía bạn hết sức ủng hộ và giúp chúng ta về mặt kỹ thuật.

- Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Su-ra-kiệt Sa-thiên-thai: Chúng tôi vẫn đang tiếp tục thảo luận, nhưng tôi nghĩ là không có gì khó khăn vì Thủ tướng Thaksin Shinawatra của chúng tôi đã cam kết với Ngài Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải tại Hội nghị ASEAN 4 sẽ giải quyết vấn đề hỗ trợ Việt Nam gia nhập WTO trên cơ sở của sự hợp tác thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, theo quy định của WTO thì chúng ta có lẽ vẫn phải tiến hành việc đàm phán. Hiện nay chúng tôi cũng đã dành cho Việt Nam dòng thuế ưu đãi theo đề nghị của phía Việt Nam!

Họp nhóm kinh tế trong khuôn khổ phiên thứ nhất cuộc họp nội các chung Việt - Thái

- Về hai vấn đề thời sự hiện nay là vụ kiện tôm và dịch cúm gia cầm, phía Thái Lan có ý kiến gì?

 

- Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng: Về vụ kiện tôm, Thái Lan nêu vấn đề hai nước cùng hợp tác đấu tranh để đảm bảo công bằng, hợp lý trong việc này. Bạn nói rằng cả hai đều là "bị can", nên phải hợp tác đấu tranh đòi cho được bản chất của vấn đề là công bằng, hợp lý. Chúng ta rất đồng tình! Về vấn đề dịch cúm gia cầm, hai nước thoả thuận hợp tác chia xẻ kinh nghiệm, kể cả trong việc nghiên cứu khoa học. Không chỉ để dập tắt được dịch hiện nay mà còn cho việc phòng chống về sau.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Su-ra-kiệt Sa-thiên-thai: Hai bên nhất trí hợp tác trong việc phòng chống dịch bệnh lây lan. Trên cơ sở hợp tác song phương giữa hai nước, Việt Nam và Thái Lan đã nhất trí tăng cường giám sát, minh bạch thông tin, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát hiện và giám sát. Trong bản ghi nhớ về hợp tác y tế giữa Bộ Y tế hai nước, chúng tôi cũng đã đề cập đến việc phòng chống dịch cúm gia cầm cũng như dịch bệnh SARS. Bộ Y tế hai nước sẽ thiết lập cơ sở liên lạc với nhau thường xuyên. Đối với vụ kiện tôm, chúng tôi đã thống nhất với nhau ra tuyên bố chung để Bộ Thương mại Mỹ hiểu rằng các nước châu Á không bán phá giá tôm mà bán đúng theo giá trị trường.

- Sau cuộc họp nội các lần này sẽ có các bước phát triển tiếp theo như thế nào?

- Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tại cuộc họp của nhóm hợp tác kinh tế, chúng tôi đã thảo luận trên tinh thần của hai nước ASEAN láng giềng hữu nghị, đều mong muốn hợp tác có lợi, giúp nhau cùng phát triển. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã thảo luận rất thẳng thắn, xây dựng, thật sự mong muốn hợp tác. Do vậy, hai bên đã thoả thuận được với nhau rất nhiều vấn đề cần thiết nhằm thúc đẩy nhanh việc hợp tác cùng có lợi. Như đẩy mạnh thương mại, ưu đãi về thuế quan, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh đầu tư. Riêng về lĩnh vực thương mại và xuất khẩu, Thái Lan sẵn sàng hỗ trợ bằng ưu đãi thuế quan để hàng Việt Nam vào thị trường của mình được nhiều hơn nhằm giảm bớt nhập siêu của Việt Nam trong cán cân thương mại giữa hai nước, hợp tác với Việt Nam về xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, đặc biệt là xuất khẩu nông sản như gạo, cao su, café, thuỷ sản... Trên lĩnh vực đầu tư, Việt Nam hoan nghênh Thái Lan đầu tư phát triển công nghiệp dầu khí, khai thác khoáng sản, điện năng... và đề nghị phía bạn đưa dự án cụ thể. Phía Thái Lan tỏ ra rất mong muốn tham gia vào các lĩnh vực này. Ngoài ra, trên lĩnh vực du lịch, hợp tác về giao thông đường bộ, đường hàng không, khoa học - công nghệ, giáo dục – đào tạo... hai bên cũng đã thống nhất được nhiều vấn đề cần đẩy mạnh hợp tác và phải hợp tác trên tinh thần láng giềng hữu nghị, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để có hiệu quả thiết thực.

Hai bên cũng thống nhất giao cho các Bộ trưởng chuyên ngành bàn bạc để có thoả thuận cụ thể. Sau cuộc họp nội các này, các Bộ trưởng sẽ gặp nhau để tính toán những vấn đề cần hợp tác cụ thể.

Có thể nói đây là cuộc họp đầu tiên. Qua đây, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét, đánh giá lại để xem nên tiếp tục như thế nào. Hiện chúng tôi vẫn chưa thể nói trước là mô hình này có thể định kỳ tổ chức, hay Việt Nam có dự định phát triển mô hình này với các nước khác hay không?

  • Thanh Hải (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,