(VietNamNet) - Khoản tài trợ này sẽ được cung cấp ngay lập tức và sử dụng để mua thiết bị bảo hộ cho các cán bộ thú y và những nông dân tiếp xúc trực tiếp với các khu vực gia cầm nhiễm bệnh, cũng như dùng cho các thiết bị phòng thí nghiệm và y tế.
"Việt Nam đang ở tuyến đầu phòng chống cúm gia cầm"
Đây là khẳng định của Cao uỷ Châu Âu về Y tế và Bảo về Quyền lợi Người tiêu dùng David Byrne. Ông này khẳng định: "Đây là mối đe doạ không chỉ riêng cho khu vực mà cho cả thế giới. Trách nhiệm của chúng tôi là hỗ trợ những nỗ lực này". Sau chuyến thăm của ông Byrne, ECđã cử một số chuyên gia y tế đến Việt Nam.
Tính đến nay, khoản tiền viện trợ lần này của EC có thể xem là lớn nhất trong hàng loạt những nỗ lực giúp đỡ Việt Nam của cộng đồng quốc tế trên trận tuyến chống nạn dịch nguy hiểm.
Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 11/2, đại diện Uỷ ban Châu Âu cho biết, việc mua sắm các thiết bị cần thiết sẽ được thực hiện thông qua đầu mối là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong bối cảnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế khác nhau.
Bà Pascal Brudon, Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam cho hay, số tiền này sẽ được ưu tiên mua các thiết bị bảo hộ cung cấp cho khoảng hơn 15,000 người tham gia vào công việc thu gom và tiêu huỷ gia cầm nhiễm bệnh ở Việt Nam, đồng thơì đầu tư cho việc nâng cấp. Được hỏi về khả năng sử dụng khoản viện trợ để mua thuốc men cho những người nhiễm bệnh cúm gia cầm hiện nay, theo bà Pascal Brudon, WHO cần có thêm thời gian để xác định rõ hơn phác đồ điều trị bệnh cúm ở người.
Trả lời báo giới về việc liệu EC có kế hoạch viện trợ cho những người nông dân trong công tác tiêu huỷ gia cầm, ông Markus Conaro, Trưởng đại diện EC tại Việt Nam giải thích: "Hiện nay chúng ta chưa đánh giá được mức độ thiệt hại kinh tế của dịch cúm gia cầm. Một khi có bức tranh rõ ràng hơn về nạn dịch này, chúng tôi có thể phối hợp với Ngân hàng Thế giới để có chương trình giúp đỡ trực tiếp cho những người nông dân phải tiêu huỷ gia cầm".
Khống chế dịch trong tháng 2? Hãy còn quá sớm để khẳng định
Theo ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kể từ ngày 9/2, số tỉnh có dịch không tăng, số huyện có dịch chỉ tăng ở Đồng Nai, số xã có dịch tăng 92 xã (so với trước đó là 169 xã). Ông Bùi Quang Anh cho rằng, đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy dịch đã bắt đầu chững lại.
Tuy nhiên, nhận định trên của Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có vẻ lạc quan khi chuyên gia y tế của EU khẳng định "Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn nạn dịch đã được khống chế hay tạm dừng bởi diễn biến quá phức tạp của nó. Chúng ta đã biết được nguyên nhân của nạn dịch bắt nguồn từ các loài chim hoang dã, do đó cần phải có sự làm việc và hợp tác chặt chẽ hơn nữa mới có thể hy vọng khống chế được dịch bệnh".
Vì thế, mặc dù đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam sẽ dập tắt dịch trong tháng 2 nhưng ông Arnold Bosman cho rằng "với kinh nghiệm của Hà Lan, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định một điều gì đó. Chặng đường trước mắt còn tương đối dài" bởi theo ông "khả năng lây lan có thể xảy ra ngay cả khi tiếp xúc với trang trại, khu vực từng có vật nuôi nhiễm bệnh trước đó".
Chia sẻ ý kiến này, bà Pascal Brudon cho hay việc khẳng định khi nào khống chế được dịch cúm gia cầm phức tạp hơn nhiều so với SARS bởi "Chúng tôi phải khẳng định được trong môi trường, không khí không còn tồn tại virus, không còn trường hợp nhiễm bệnh và tất cả các thông tin đưa ra chúng tôi sẽ phải điều tra lại".
-
Việt Lâm