221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
195806
MTTQ sẽ ra quân trên "mặt trận" chống cúm gà
1
Article
null
MTTQ sẽ ra quân trên 'mặt trận' chống cúm gà
,

(VietNamNet) - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm đã cam kết trước Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm quốc gia về sự hợp tác chặt chẽ của MTTQ trong việc tham gia chiến dịch chống cúm gà. Một số thành viên MTTQ đã đóng góp sáng kiến hạn chế tác hại của dịch bệnh này.

Phát biểu tại Hội nghị phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm do UB Trung ương MTTQ và Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức chiều 4/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ đã một lần nữa lên tiếng cảnh báo về những tác hại to lớn do dịch bệnh cúm gà gây nên. Bộ trưởng nói: "Đây là một đại hoạ, gây tổn thất nặng nề đối với kinh tế và sức khoẻ của nhân dân. Thú thực những người nuôi gà đã là những người nông dân nghèo nhất rồi, bởi nếu giàu có thì họ đã nuôi ba ba thuồng luồng, bê bò... Nay dịch bệnh đến cướp trắng đàn gia cầm của họ, đau xót vô cùng..."

Bộ trưởng Lê Huy Ngọ còn đưa ra dự đoán: "Hiện nay đã có hơn 10 triệu gia cầm mắc bệnh, nếu không cẩn thận thì trong trường hợp xấu nhất chúng ta sẽ mất đến 30 triệu con. Lúc đó con số thiệt hại của chúng ta sẽ có thể lên tới 1.200 tỷ đồng". Ông tiếp tục nhấn mạnh: "Đối với gia cầm bị bệnh chúng ta phải tiêu diệt ngay, tiêu diệt sạch, không chần chừ, không luyến tiếc!".

Trước quyết định của Chính phủ về mức trợ cấp đối với những hộ nuôi gia cầm bị bệnh là 5.000 đồng/con, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho rằng số tiền này chưa thực sự khuyến khích được người dân trong vùng dịch tham gia tiêu huỷ gia cầm. Ông nói: "Nếu khoản tiền đó là 15.000 đồng/con như TP.HCM đang làm thì tôi tin việc tiêu huỷ gia cầm sẽ xong sớm hơn". Qua đó, ông đề xuất phía MTTQ ủng hộ chiến dịch chống virus cúm gà này. 

Ngay sau khi Bộ trưởng Lê Huy Ngọ trình bày, Tổng Thư ký Huỳnh Đảm khẳng định: "Dịch bệnh cúm gà đã lây lan đến mức nghiêm trọng, đã đến lúc chúng ta phải phát huy sự hưởng ứng tương trợ của toàn dân. Trước hết là mặt trận phải tham gia tuyên truyền tốt để người dân ý thức được tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh, từ đó để người dân phát hiện kịp thời và thực hiện nghiêm túc việc cách ly khoanh vùng dịch bệnh". Ông Huỳnh Đảm cũng kêu gọi các thành viên MTTQ trong đó đặc biệt là các hội có liên quan cùng hưởng ứng tương trợ bằng những đóng góp cụ thể nhất.

Đại diện Hội Nông dân lên tiếng: "Chúng tôi đã triển khai tham gia chống dịch cúm gia cầm nhưng thực sự là hội đang có lúng túng. Chúng tôi có chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền cho người nông dân tác hại của dịch bệnh, chỉ có điều trong tay chúng tôi chẳng có một tài liệu chính thức nào để tuyên truyền. Hội Nông dân đã tích cực cùng bà con tiêu diệt gia cầm bị bệnh, theo dõi nắm chắc kết quả thực hiện nhưng cũng chưa rõ là phải báo cáo cho những ai. Chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo sớm cho tài liệu để tuyên truyền và xin được Ban phân công cụ thể chúng tôi sẽ tham gia ở nội dung nào...".

Bộ trưởng Lê Huy Ngọ sau đó đã giới thiệu với các thành viên Mặt trận về tài liệu tuyên truyền về dịch cúm gia cầm vừa được Ban chỉ đạo cho phát hành. Ông hứa Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm sẽ làm việc trực tiếp với các hội, tổ chức để phân công nhiệm vụ cụ thể.

Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi, ông Đinh Văn Tư lại có đề xuất: "Với một cuộc chiến dịch chống dịch bệnh lớn như thế này thì nên chăng chúng ta nên tập hợp thêm lực lượng cùng trợ giúp. Tôi nghĩ nếu Đoàn Thanh niên đứng lên kêu gọi các bạn học sinh, sinh viên tình nguyện tham gia thì chúng ta sẽ thực hiện hiệu quả và nhanh chóng hơn".

Đại diện Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh có mặt tại Hội nghị kịp thời thông báo với VietNamNet, Đoàn Thanh niên đã có công văn gửi đến các trường khối nông, lâm nghiệp. Đến thời điểm này, sinh viên trường ĐH Nông nghiệp 1 đã tình nguyện tham gia. Tiếp theo, Đoàn sẽ vận động sinh viên khối này ở khu vực phía Nam hưởng ứng chiến dịch.

Với tư cách là một tổ chức thành viên quan trọng của MTTQ, thay mặt Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN, GS. Vũ Tuyên Hoàng (Chủ tịch Hội) đã đưa ra sáng kiến của Hội để Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia cầm "tham khảo". Theo đó, GS cho rằng nếu chúng ta quyết tâm thực hiện tiêu diệt sạch gà ở những vùng có dịch mà không có sự chọn lọc thì khả năng các giống gà đặc sản truyền thống của Việt Nam - trong đó có một số giống "được thế giới đánh giá là thịt gà ngon nhất thế giới" - sẽ bị "tuyệt chủng" là điều tất yếu.

Ông lập luận: "Ở các nước phương Tây người ta nuôi gà bằng công nghệ tiên tiến, hàng nghìn đến chục nghìn con gà được nuôi chung trong một trại. Một khi dịch bệnh xảy ra, họ chỉ cần tiêu huỷ gà trong các trang trại đó. Còn ở VN, gà công nghiệp chỉ chiếm 12% số lượng gà trong cả nước, trong khi đó đa số là gà nhà (gà ri, gà mía, gà chọi...), được nuôi rải rác theo từng đàn trong các hộ nông dân, thậm chí cách vùng nuôi còn ở vị trí cách ly. Việc tiêu diệt hết số gà này chắc chắn không dễ dàng".

GS nói thêm: "Không thể khẳng định một cách chắc chắn đây là loại virus cúm đầu tiên xuất hiện ở VN. Tất cả những hộ nuôi gà đều biết, dịch cúm gà là hiện tượng thường xảy ra trong năm. Người dân từ lâu đã chữa cúm cho gà bằng các biện pháp dân gian như chữa bằng tỏi và nhiều loại thuốc khác. Có những con gà không qua khỏi bệnh nhưng cũng có những con gà sống sót và sinh trưởng đến ngày nay. Điều đấy cho thấy gà nhà của ta có khả năng chống chọi rất cao".

Đề phòng khả năng một số giống gà truyền thống của VN có thể "một đi không trở lại", GS. Vũ Tuyên Hoàng thay mặt Hội nêu ra một số giải pháp: "Mỗi gia đình có gia cầm thuộc giống quý hiêm cần đăng ký với chính quyền sở tại để quản lý chặt chẽ bằng cách chốt quản lý; lập vành đai an toàn bảo vệ 2 vòng sao cho có thể di tản gia cầm khi khu vực đó bị lây nhiễm; giữ 200 - 250 trứng cho mỗi loại gia cầm hiếm; sử dụng loại thuốc tiệt trùng do Trung tâm KHTN QG vừa sáng chế...".

Giáo sư còn "gợi ý": "Thay vì đem chôn sống hàng loạt gà để rồi dẫn đến ô nhiễm môi trường, tại sao chúng ta không mở những nhà mổ đặc biệt, được tiệt trùng cẩn thận và trang bị bảo hộ tốt cho công nhân để tiến hành mổ những con gà còn khoẻ, chưa nhiễm bệnh. Nguồn thịt gà đó có thể cung cấp dinh dưỡng cho con người, gia cầm hay thậm chí có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng...".

Tiếp thu những ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho VietNamNet biết: "Những sáng kiến này sẽ được Ban chỉ đạo tập hợp, chọn lọc để tiếp thu và áp dụng một cách hợp lý nhất. Ngay trong sáng 5/2, Bộ NN&PTNT sẽ mở Hội nghị để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các hội về nông nghiệp trong việc xử lý vấn đề này".

Ngày 5/2, Uỷ ban Trung ương MTTQVN sẽ soạn công văn gửi đến các cấp mặt trận, các đơn vị thành viên để chỉ đạo kế hoạch tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm.

  • L.Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,