VietNamNet) - Hôm qua (19/6) tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo tìm hiểu về quan hệ Á-Âu nhằm trang bị thông tin chung cho các quan chức và giới quản lý kinh tế Việt Nam, hướng tới ASEM 5 tổ chức ở Hà Nội năm 2004. Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Bùi Huy Khoát - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu châu Âu tại Việt Nam về tiến trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh này.
Đại biểu tham dự ASEM 4. |
- Xin ông cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị thế nào cho ASEM 5?
- Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 5. Ủy ban Quốc gia về ASEM 5 do Phó Thủ tướng Vũ Khoan làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên là Phó Chủ tịch, ông Đỗ Văn Sơn-Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao - Vụ trưởng vụ ASEAN làm Tổng Thư ký. Về ba lĩnh vực trụ cột bàn đến trong Hội nghị thượng đỉnh là: chính trị, kinh tế và văn hoá. Chính phủ đã giao cho các bộ ngành liên quan trực tiếp nghiên cứu, xem xét sẽ đưa vấn đề gì ra thảo luận tại Hội nghị. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm chung và đề xuất những vấn đề về chính trị. Bộ Thương mại đưa ra thảo luận các khía cạnh kinh tế, lĩnh vực thứ ba do Bộ Văn hoá Thông tin chuẩn bị. Nhiều viện nghiên cứu, Trung tâm thông tin... đã có kế hoạch tổ chức các khoá học hoặc hội thảo về ASEM...
- ASEM 5 sẽ mở ra cho Việt Nam những cơ hội gì, thưa ông?
- ASEM 5 diễn ra tại Hà Nội năm 2004 sẽ là Hội nghị rất lớn với sự tham gia của không chỉ 15 thành viên châu Âu hiện tại, có thể sẽ có sự tham dự của 10 quốc gia mới gia nhập EU, chưa kể Nga, Lào, Campuchia, Myanmar cũng mong muốn có mặt. Như vậy, điều lớn nhất khi đóng vai trò là quốc gia tổ chức ASEM 5, Việt Nam sẽ có cơ hội giới thiệu hình ảnh của mình về mọi tiến bộ, thành tựu phát triển kinh tế xã hội với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, tại Hội nghị ASEM 4 ở Copenhagen, Việt Nam có đưa ra một sáng kiến về Hợp tác du lịch, tôi cho rằng, đây là dịp thuận lợi để Việt Nam mở rộng sự hợp tác trong kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.
- Xin ông cho biết về lợi ích cụ thể khi Việt Nam là thành viên của ASEM?
- Đó là việc tăng cường hiểu biết, hợp tác trên nhiều phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá giữa các nước châu Á và châu Âu. Hội nghị Thượng đỉnh ASEM II tại London đã quyết định thành lập Quỹ tín thác ASEM (ATF) tại WB. Quỹ này bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 29/6/1998 với tổng số tiền hàng chục triệu USD từ đóng góp của tám nước thành viên châu Âu (Pháp, Anh, Italia, Hà Lan, Phần Lan, Ðan Mạch, Thuỵ Điển và Luxambua). Các hoạt động trợ giúp tập trung vào hai lĩnh vực là tài chính và xã hội. Việt Nam có thể khai thác quỹ này thông qua các dự án khả thi.
ASEM cũng đã thành lập Mạng lưới chuyên gia tài chính châu Âu (EFEX). Ðây là sáng kiến của châu Âu đề ra nhằm tạo đầu mối tìm kiếm và hỗ trợ kiến thức của các chuyên gia tài chính của châu Âu và các khu vực khác trong quá trình giúp châu Á cải cách và hội nhập kinh tế. Ngoài ra, ASEM cũng đang triển khai sáng kiến về các biện pháp chống rửa tiền trong ASEM và xem xét xây dựng mạng thông tin điện tử giữa các nước ASEM nhằm tạo cơ sở trao đổi và phối hợp thông tin giữa Bộ Tài chính các nước. Đặc biệt, ASEM rất chú trọng đến chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
- Diệu Thuý (thực hiện)