221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
49767
''Đừng cảm giác là hình như chúng ta đã hoàn thành việc chống tham nhũng''
1
Article
null
''Đừng cảm giác là hình như chúng ta đã hoàn thành việc chống tham nhũng''
,

(VietNamNet) - Đại biểu Dương Trung Quốc đã nói lại những sự kiện lịch sử để nhắc nhở những vấn đề của hiện tại. Ông thể hiện nhiều bức xúc về việc chống tham nhũng và lãng phí, khi góp ý về báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội hôm qua (6/5). 

''Ngay trong những trang đầu tiên, báo cáo của Chính phủ đã nhấn mạnh đến thực tế là bộ máy hành chính còn nhiều bất cập, hoạt động kém hiệu lực, tệ tham nhũng và quan liêu còn nặng nề. Nhưng hơn 20 trang sau đó không hề nhắc lại chuyện liên quan tới chống tham nhũng và quan liêu. Chỉ có một lần duy nhất nhắc lại khi nhấn mạnh đến việc đưa Pháp lệnh công chức vào việc chống tham nhũng và quan liêu. Trong phần về giải pháp sắp tới cũng không đề cập đến và người đọc báo cáo có cảm giác là hình như chúng ta đã hoàn thành việc chống tham nhũng rồi. Trong khi chúng ta vẫn coi đây là nội dung thường trực và đấu tranh lâu dài.

Như một sự ngẫu nhiên, vụ án Năm Cam dự kiến diễn biến trong 55 ngày, trùng với thời gian chúng ta tiến hành cuộc chiến thắng ở Điện Biên Phủ và kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh. Con số đó làm chúng ta liên tưởng là cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy, chống quan liêu, tham nhũng rất lâu dài. Chính vì thế báo cáo Chính phủ tôi thấy chưa đề ra giải pháp cụ thể. Tất nhiên, các giải pháp trong cuộc chiến ấy được thể hiện ở những bộ luật như Luật Xây dựng, Luật Đất đai... Song, chúng ta chưa tạo ra một phong trào của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội đối với mặt trận này.

Vụ án Năm Cam đang xét xử ở giai đoạn cao trào tại TP.HCM được nhân dân theo dõi rất sát cho thấy đã có những cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật bị tội phạm mua chuộc. Vụ án này làm tôi liên tưởng đến vụ án Trần Dụ Châu cách đây nửa thế kỷ, mở đầu cho việc chống tham nhũng của bộ máy nhà nước thời chống Pháp. Từ một quân nhân có nhiều đóng góp, Trần Dụ Châu tha hoá thành kẻ lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong bối cảnh cả nước đang thắt lưng buộc bụng chống giặc ngoại xâm. Cái gì đã khiến cho chỉ cần phát hiện của một đại biểu Quốc hội - nhà văn Đoàn Phú Tứ - một tuần sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Nhà nước ta vào cuộc và đã đưa ra một bản án nghiêm khắc, tạo sự tin tưởng cho dân chúng. Đó là bài học rất thiết thực của chúng ta.

Nói tới tham nhũng còn có một vấn đề mà tác hại lớn hơn cả tham nhũng. Nếu tham nhũng chỉ ở một số đối tượng thì lãng phí trở thành một tệ nạn toàn xã hội. Từ trong những chai nước lọc đóng uống dở ở các hội nghị mà mỗi chai nước trị giá hơn 1 lít xăng đến những toà nhà trụ sở cấp huyện to hơn cả Phủ toàn quyền Đông Dương. 

Chúng ta năm nay vừa tròn 55 cải cách ruộng đất. Pháp lệnh cải cách ruộng đất 1953 chúng ta đã có những sai lầm trong khi thực hiện, nhưng đừng quên đó là bước ngoặt quan trọng mang lại ruộng đất cho dân cày. Từ đó, chúng ta có kinh nghiệm lớn là dám nhìn thẳng vào sai lầm, nhận sai lầm và từ đó dược dân tin và vượt qua những khó khăn dường như không qua nổi. Bài học ấy hết sức gần gũi.

Sự kiện ở Đăk Lăk, có những quan chức đã lợi dụng chính sách để trở thành những ''địa chủ mới''. Khi chúng ta đã trải qua chặng đường rất dài, đã mang lại ruộng đất cho dân cày và đang đổi mới thì vẫn có những tàn dư tái hiện. Chúng ta đang khuyến khích sự tích tụ đất đai cho nông nghiệp và nếu không cảnh giác chúng ta sẽ làm sống lại những cái mà chúng ta đã chiến đấu để đánh đổ. Mỗi quan hệ giữa địa chủ mới và nông dân không khác nhiều ngày xưa. Đáng tiếc những địa chủ ấy không nhỏ là những cán bộ Đảng viên. Chúng ta phát triển nhưng phải cảnh giác đừng quên những bài học rất gần gũi ấy.

Xin ghi nhận những bước đi giữa hai báo cáo của hai kỳ họp Quốc hội. Chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng và quan liêu vẫn là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ chứ không chỉ là để chúng ta nhắc qua''. 

Lãng phí không kém gì tham nhũng!

Đóng góp tại hội trường, nhiều đại biểu cũng đồng tình với đại biểu Dương Trung Quốc, ông Lê Minh Hồng - Ninh Bình - đề nghị phải chấn chỉnh cho được việc đấu thấu trong xây dựng cơ bản. Đây là vấn đề được đề cập nhiều lần trong các kỳ họp nhưng vẫn chưa thấy giải quyết mạnh mẽ. Đại biểu Nguyễn Mạnh Đức, đoàn Yên Bái dẫn chứng báo cáo chính phủ: ''80% công trình thiếu vốn. Như vậy, sẽ có một lượng người không nhỏ chạy vốn và cũng ngần ấy người cấp vốn. Ở đây tất nhiên sẽ nảy sinh hiện tượng xin - cho, mà đã xin cho thì có tiêu cực. Tại sao các công trình biết không có vốn mà vẫn triển khai thực hiện?''.

Phân tích về việc lãng phí trong việc thiếu quy hoạch, đại biểu Nguyễn Mạnh Đức bức xúc: ''Một con đường đầu tư nhiều tỷ vừa làm xong. Ông nước đào lên rồi lấp xuống. Ngành điện có vốn lại đào lên lấp xuống, rồi đến ông Bưu chính có tiền lại moi lên. Chưa kể việc quản lý đoạn đường ấy không rõ ràng. Dù mốc giới đường đã có nhưng cấp huyện, xã vẫn tiếp tục cấp đất cho dân. Chúng ta muốn mở rộng đường thì bắt đầu vận động nhân dân và đền bù tốn kém. Đây là những tổn thất vô cùng lớn lao". Đại biểu Nguyễn Mạnh Đức kết luận: "Tổn thất không kém gì tham nhũng, nhiều khi còn nhiều hơn".

Cũng về việc lãng phí, đại biểu Lê Thanh Long của đoàn Long An cho rằng: ''Việc đầu tư dàn trải là vấn đề cần xem xét. Có một miếng bánh mà chia đều hết tất cả tỉnh thành làm sao được? Thành ra bây giờ ở đâu cũng có phong trào xây bến cảng, sân bay. Hôm rồi, họp tại đồng bằng sông Cửu Long do Chính Phủ chủ trì, có đồng chí chủ tịch đề nghị xây cái gì ra cái ấy. Bến cảng ra bến cảng, sân bay ra sân bay, để bến cảng như bến xuồng thì không được, còn sân bay thì như sân banh cũng không được. Chẳng phát huy được gì hết''. Theo ông Long, Chính phủ cần có đầu tư đúng mức tùy theo tình hình, đặc điểm của các địa phương. Nếu không, thất thoát do đầu tư tràn lan là rất lớn.

  • Hồng Phúc

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,