Hà Nam

Ô nhiễm từ làng nuôi lợn lớn nhất miền Bắc

Cập nhật lúc 10:52, 13/03/2010 (GMT+7)

- Được biết đến là nơi nuôi lợn lớn nhất khu vực miền Bắc, xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam hàng năm xuất chuông từ 7 tới 8 vạn con lợn. Kinh tế của người dân thì phát triển rõ rệt nhưng đi kèm theo đó là vấn đề ô nhiễm đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Nuôi lợn xây nhà tiền tỷ

Nhìn từ ngoài vào, khó ai có thể hình dung được đằng sau dáng vẻ khang trang của xã Ngọc Lũ lại là một bức tranh xù xì và xấu xí. Chất thải từ chăn nuôi được tống trực tiếp ra ngoài khiến nhiều con mương, rạch trở thành những dòng nước chết mà không một thứ cây cỏ nào có thể tồn tại được.

Trước đây người dân xã Ngọc Lũ nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào nghề mộc, trồng nhãn và vải thiều nhưng vài năm trở lại đây do giá thực phẩm tăng cao, đầu ra cho con lợn ổn định nên từ một vài hộ dân nuôi nhỏ lẻ, tới nay toàn bộ xã đã có khoảng gần 1500 hộ nuôi lợn.

Mô tả ảnh.

Chuồng nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh hàng năm xuất tới hàng tấn lợn hơi chủ yếu vào thị trường miền Bắc.

Chị Nguyễn Thị Thanh, một hộ chăn nuôi lợn trong xã cho biết gia đình chị hiện nay nuôi tới gần 200 con lợn. Với giá như thị trường hiện nay, gia đình chị một năm có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Đó là còn chưa tính đến đợt giáp Tết Nguyên Đán này, gia đình chị có thể xuất tới hàng tấn lợn hơi với giá thành từ 34.000- 36.000 đồng/kg tùy theo sức mua.

Với quy mô hiện nay, nhà nào ít cũng phải nuôi tới gần 100 con. Thông thường lợn khi xuất chuồng sẽ được thương lái từ các nơi lân cận tới đặt mua rồi được đem tập chung tại chợ Chủ trước đi được đem đi bán. Tới xã Ngọc Lũ bây giờ không khó gì để nhận ra số hộ gia đình giàu lên từ nuôi lợn là khá nhiều.

Hiểm họa từ chất thải

Mô tả ảnh.

Ao hồ ngập trong rác thải.

Chăn nuôi với quy mô lớn cũng đồng nghĩa với việc lượng chất thải mà cũng không nhỏ chút nào. Xét ngay như hộ nhà chị Thanh với số lợn nuôi gần 200 con thì lượng phân thải ra trung bình một ngày không dưới vài tạ. Toàn bộ số phân và nước thải được đổ xuống bình Biogas. Nhưng tất cả số hầm biogas nhà chị cũng chỉ xử lý được một nửa số phân thải của số lợn nói trên.

Theo chị Thanh: “Mỗi hầm chứa như vậy chỉ có thể đáp ứng được với 50 con lợn, nếu như không xử lý được thì nó lại đẩy lên đường ống rồi chảy ra sông”.

Một số hộ chăn nuôi khác với quy mô lớn hơn thì lại tính đến cách xây bể chứa tới hàng trăm khối. Thế nhưng chất thải thì ngày một nhiều nhưng cách xử lý thì không có nên thành ra người dân đành phải chữa cháy bằng cách xây đường ống để xả ra bãi hoặc sông ngòi. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện xây hầm chứa, phần lớn đều xả thẳng ra ao hồ trong vườn. Và thế là những ổ dịch cũng vì thế mà mọc lên đe dọa không chỉ tới việc chăn nuôi mà còn cả tới đời sống của người dân xã Ngọc Lũ.

Mô tả ảnh.

Những dòng nước đen kịt như thế này là nơi lý tưởng để dịch bệnh phát triển.

Phân và chất thải chưa qua xử lý không chỉ bốc mùi xú uế mà còn là nơi lý tưởng cho ruồi, nhặng sinh sống và phát triển. Nhất là vào mùa hè thường xuyên xảy ra các bệnh như đau mắt, tiêu chảy, tả…

Chị Trần Thị Nụ cho biết: “ Cũng chính vì dịch bệnh mà năm ngoài nhà chị bị thiệt hại tới hơn 4 chục con lợn. Người lớn thì còn ít bị bệnh chứ trẻ con thì ốm đau liên miên, nhiều trường hợp phải đi viện do tiêu chảy cấp”.

Hệ thống xử lý thì có hạn trong khi quy mô chăn nuôi lại càng được mở rộng nên tất yếu sẽ không đủ đáp ứng. Chất thải cũng vì thế mà dồn ứ ra ngoài còn người dân cũng chả có cách nào là hàng ngày vẫn phải sống chung với ô nhiễm.

Sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải

Trao đổi với ông Trần Như Đệ - phó chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ được biết địa phương cũng nhiều lần nhắc nhở, vận động các hộ chăn nuôi có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chứ kinh phí và nhân lực cũng hạn chế nên rất khó cho việc kiểm tra và quản lý.

Không những thế việc thiếu quy hoạch trong chăn nuôi cũng gây cản trở không nhỏ trong việc quản lý, thường thì các hộ chăn nuôi có hệ thông chuồng trại khá chằng chịt. Người dân chỉ chú trọng tới việc mở rộng quy mô chứ việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải chưa được chú trọng.

Mô tả ảnh.

Mặt bằng khu xử lý chất thải đang được xây dựng tại xã Ngọc Lũ.

Ông Đệ cho biết thêm: “Có những hộ tại đây xây tới 2 hầm biogas thế nhưng lượng chăn nuôi nó lớn với cả chất thải trong chăn nuôi cũng nhiều nên với những nhà chăn nuôi ít thì vừa chứ nếu mà nuôi nhiều thì không đảm bảo”.

Trước tình trạng ô nhiễm này, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã hỗ trợ xây dựng thí điểm nhà máy xử lý chất thải tại xã Ngọc Lũ với kinh phí lên tới 7 tỷ đồng. Tuy nhiên theo tính toán, công trình này cũng chỉ giải quyết được nhu cầu của khoảng 200 hộ so với gần 1500 hộ chăn nuôi tại đây.

  • Vũ Thành

Các tin khác