Chào Giao thừa bằng tiếng còi tàu
– Những người lính nơi Hải đội 102 mà chúng tôi được gặp đều có tuổi đời rất trẻ và từ nhiều vùng miền khác nhau tập trung ở đây. Họ đều có một tình yêu với biển mãnh liệt. Chính tình yêu đó đã giúp họ vượt qua những khó khăn về tinh thần và những cám dỗ vật chất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lỗi hẹn với mùa cưới vì tình yêu với biển
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết, ấy vậy mà các chiến sỹ trên tàu Cảnh sát biển (CSB) 3006 vẫn đang mải mê làm nhiệm vụ trực chiến. Một số thì đi kiểm tra lại máy móc, một số thì kiểm tra sức gió và thời tiết.
Với nhiều người, Tết đang gõ cửa, còn với những người lính nơi đây, chưa có gì để chuẩn bị Tết. Không khí trên tàu vẫn luôn khẩn trương, mỗi người một vị trí để sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh từ chỉ huy.
Đêm. Gió từ ngoài cửa biển thổi tốc từng đợt rét buốt. Tranh thủ phút giải lao, các chiến sỹ trên tàu CSB 3006 lại chụm đầu bên ấm nước chè đã nguội ngắt và kể chuyện gia đình, một số thì tranh thủ thời gian này đọc thêm sách hay viết thư về thăm người nhà.
Họ bảo, chỉ có thể gửi những nỗi nhớ nhung về người thân nơi quê hương qua những lá thư mà thôi. Và chỉ có lúc đang ở trên đất liền thì mới rảnh rỗi để viết thư cho gia đình. Một lời hỏi thăm, động viên của lính chắc cũng đã làm người thân của họ ở quê ấm lòng hơn khi Tết đã cận kề.
Sơn kể rằng, cậu đang có một cô người yêu tận Hải Phòng. Hai gia đình đã qua lại, dự định cuối năm 2009 sẽ tổ chức đám cuới. Thế nhưng, rút cuộc đám cưới buộc phải hoãn lại vì đợt đó toàn tàu trực chiến với quân số lúc nào cũng phải đảm bảo 100%. Gia đình nhà gái lúc nào cũng gọi điện, nói nặng, nói nhẹ cũng có, rằng:"không muốn cưới thì cũng nói một câu để con gái tôi đi tìm đám khác, chứ cứ “treo” mãi thế này sao, con gái có thì”.
Nghe những lời trách móc, cực chẵng đã, cậu đã phải khất từ tháng này sang tháng khác. Chịu không nổi, nhà gái đã ra “tối hậu thư” cho Sơn: “nếu cuối năm 2009 mà không cưới thì sẽ trả lại trầu cau, gả con cho đám khác”. Bạn gái Sơn khi nghe bố mẹ nói vậy thì khóc hết nước mắt, lần nào gọi điện cho Sơn cũng nghẹn ngào nói không thành lời.
Thiếu úy Hoàng Thái Sơn bảo rằng, anh có thể lỗi hẹn với tình yêu chứ không thể lỗi hẹn với biển. Ảnh: Quốc Huy.
Cuối 2009, Sơn quyết định bằng mọi giá xin phép về cưới vợ. Thế nhưng, đùng một cái, Hải đội lại nhận nhiệm vụ đột xuất, Sơn phải theo tàu ra biển làm nhiệm vụ.
Trước lúc lên tàu, Sơn tranh thủ gọi điện nhanh về thông báo cho người yêu và gia đình nhà gái. Đến lúc này thì gia đình nhà gái cũng đành bó tay, thôi thì trời không nghe đất thì đất nghe trời, đành chờ đến sang năm vậy.
“Lại lỡ hẹn với người yêu rồi. Em đành phải “khất nợ” đến sang năm vậy. Biết làm sao được, đời lính mà anh. Vả lại trước lúc xác định đến với nhau, em đã nói rõ với bạn gái và gia đình họ là: nếu không chấp nhận được khó khăn, nếu không kiên nhẫn chờ đợi, không chấp nhận được cảnh sống xa chồng thì không thể làm vợ được cảnh sát biển đâu. Lúc đó, trước mặt mọi người, bạn gái em đã cười rằng: vì yêu anh, em sẵn sàng chấp nhận và chờ đợi” – Sơn hạnh phúc nhớ lại.
Sơn bảo, sang năm không thể “khất nợ” được nữa, phải cố gắng cưới chứ không thể “dự án treo” mãi. Nhưng, chính cậu cũng không thể biết chắc chắn được ngày nào, tháng nào mình mới tổ chức nữa.
Dưới con mắt của cánh lính trẻ nơi đây, dù sao Sơn cũng may mắn hơn bởi còn có người để nhớ, để thương, để hẹn hò và chờ đợi. Còn với trung uý Trần Văn Khởi - trưởng cơ điện tàu CSB3006 - thời gian rỗi rãi, anh chỉ biết ngồi đọc sách hoặc gọi điện hỏi thăm bố mẹ, người thân ở tận Thái Bình.
Trung uý Trần Văn Khởi tự hạnh phúc khi dành trọn tình yêu với biển, với những con sóng bạc đầu giữa trùng dương. Ảnh: Hoàng Sang.
Khuôn mặt điển trai, da trắng nõn như trai thành phố nhưng đến giờ, mặc dù đã 28 tuổi nhưng cậu vẫn chưa có một mối tình vắt vai. Bố mẹ Khởi hoảng quá, tìm cách mai mối cho Khởi một vài đám.
Thế nhưng, những lần về nhà đều gấp gáp, chưa kịp tìm hiểu “đối tác” thì đã phải vác ba lô đến đơn vị và hẹn nàng đến lần sau sẽ về. Cái lần sau ấy, khi cậu trở về quê thì cô bạn gái bụng đã thùm lùm rồi.
“Thôi thì mình dành hết tình yêu ấy cho biển vậy, cho những con sóng bạc đầu vẫn ngày đêm gối đầu lên nhau, cho tiếng còi tàu hú vang mỗi khi rời đất liền” - Khởi cười.
Đất liền có pháo hoa, lính biển đón Giao thừa bằng tiếng còi tàu
Nhiều năm liền làm thuyền trưởng, Đại uý Hoàng Quang Linh không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần cùng đồng đội cưỡi sóng truy bắt tội phạm trên biển. Thông thường, thời điểm mà bọn tội phạm thường hay hoạt động là nhằm vào những hôm thời tiết xấu để tránh các lực lượng khác truy đuổi.
Tuy nhiên, nhất cử nhất động của các đối tượng buôn lậu trên biển không thể qua được mắt của lính trinh sát. Mặc dù sóng to, gió lớn, mặc cho những con sóng chồm cao, phủ kín cả khoang lái thì những người lính vẫn vững vàng bám trụ, kiên quyết đuổi bắt các đối tượng đến cùng.
Đại uý Hoàng Quang Linh - thuyền trưởng tàu CSB 3006 - nói rằng, những cám dỗ tầm thường về vật chất không bao giờ mua được ý chí của người lính nơi đây. Bởi, họ luôn tâm niệm rằng: mỗi khi mình đã mang trên mình bộ sắc phục của người chiến sỹ cảnh sát biển, họ sẽ sống sao cho không phải xấu hổ với bản thân mình, để không phải hổ thẹn với những lời tuyên thề của người lính. Ảnh: Quốc Huy.
Thuyền trưởng Linh vẫn nhớ như in lần mà cả đội đi bắt tàu chở gỗ lậu thuộc vào nhóm quý hiếm, cấm khai thác và vận chuyển.
Hôm đó là vào ngày 14/4/2007, sau khi xuất phát đi tuần từ Hòn Mê (tỉnh Thanh Hoá), khi tàu đến Cồn Cỏ (Quảng Trị) thì bắt gặp một chiếc tàu đánh cá. Nhìn thấy chiếc tàu nặng nhọc nhích từng bước, thấy khả nghi, anh cho tàu đuổi theo. Phát hiện bị truy đuổi, chiếc tàu cá trên liền tăng tốc bỏ chạy rồi.
Đã từng nhiều năm làm thuyền trưởng nên Đại uý Linh bình tĩnh điều khiển tàu. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ truy đuổi dưới những thác sóng cao vút, cuối cùng, tàu cá lạ đã bị bắt. Qua khám xét, lực lượng phát hiện trong tàu chở rất nhiều gỗ sưa với khối lượng lên đến 23-25m3. Ngay lập tức, cả tàu thông báo về cho chỉ huy trưởng và được lệnh dẫn giải toàn bộ tang vật về Hải đội 102.
Cho dù còn đó những khó khăn, những giây phút thoáng nhớ người nhà nhưng những người lính nơi đây vẫn luôn tâm niệm rằng: một khi đã mang trên mình bộ quân phục Cảnh sát biển, họ nguyện sẽ làm tròn nhiệm vụ được giao. Ảnh: Hoàng Sang.
“Trên tàu, rất nhiều lần đối tượng dùng tiền để mua chuộc cán bộ chiến sỹ. Chúng tôi không thể nhớ được là số tiền “bôi trơn” mà đối tượng dùng hòng làm lung lay ý chí của người lính, chỉ biêt rằng, so với mức lương của tôi lúc đó (2,8 triệu) thì lớn gấp trăm lần. Tuy nhiên, anh em chúng tôi vẫn kiên định và áp tải tàu về giao cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý” - Đại uý Hoàng Quang Linh nhớ lại.
Những cám dỗ tầm thường về vật chất không bao giờ mua được ý chí của người lính nơi đây. Bởi, họ luôn tâm niệm rằng: mỗi khi mình đã mang trên mình bộ sắc phục của người chiến sỹ Cảnh sát biển, họ sẽ sống sao cho không phải xấu hổ với bản thân mình, để không phải hổ thẹn với những lời tuyên thề của người lính.
Với họ, vùng biển Tổ quốc thật thiêng liêng, họ nguyện sẽ cống hiến cả cuộc đời, sẵn sàng hy sinh cho biển trời. Ảnh: Quốc Huy.
Vật chất không thể làm người lính nao núng. Thế nhưng, trong mỗi góc khuất tâm hồn họ, đôi khi vẫn có nỗi buồn thoáng qua. Đó là những ngày tháng lênh đênh trên biển, xa gia đình và người thân, nhớ đất liền. Đặc biệt là vào những thời khắc giao thừa thiêng liêng.
Thuyền trưởng Linh kể rằng, anh không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần đón Tết trên biển. Không gia đình, không anh em họ hàng nhưng bù lại, họ có đồng đội.
Giao thừa, khi thời gian chuyển mình sang một năm mới, khi đất liền mở sampanh và pháo hoa đỏ rực cả một khu phố thì ở biển, người lính lại đón Tết bằng những tiếng còi tàu.
Với người lính nơi đây, con tàu cùng với đại dương bao la như là một phần máu thịt, một phần không thể thiếu được trong cuộc sống thường nhật hàng ngày. Vị mặn mòi của biển, cái nắng bỏng rát cháy da cháy thịt giờ đây đã trở thành gia vị của cuộc sống thường ngày. Và hơn ai hết, tình yêu với biển, với đại dương bao la luôn hừng hực cháy trong tim của mỗi người lính nơi đây. Ảnh: Hoàng Sang.
Giây phút chuyển mùa, đoàn tàu rùng mình rồi hú lên mấy hồi còi liên tục, xé toang bầu không khí đêm 30, đánh dấu một năm mới bắt đầu.
Người lính nơi đây kể rằng, họ đã quá quen với tiếng còi tàu đêm 30 Tết hơn là được mở sâm-banh và ngắm góc phố rực rỡ sắc màu pháo hoa. Ai đó may mắn được đón Tết ở quê, đêm 30 lại nhớ tiếng còi tàu. Nhớ da diết.
Với họ, có lẽ con tàu cùng với đại dương bao la như là một phần máu thịt, như là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống thường nhật hàng ngày. Vị mặn mòi của biển, cái nắng bỏng rát cháy da cháy thịt giờ đây đã trở thành gia vị của cuộc sống thường ngày.
Và hơn ai hết, tình yêu với biển, với đại dương bao la luôn hừng hực cháy trong tim của mỗi người lính nơi đây.
- Hoàng Sang - Quốc Huy
(Còn tiếp)