Bài 2:

Gặp lại 5 người đàn bà nông dân ở tù vì đất

Cập nhật lúc 08:28, 13/02/2010 (GMT+7)

- 5 người đàn bà cùng cư trú ở một thôn, cùng bị tuyên án tù trong một phiên tòa vì tội “chống người thi hành công vụ”, từng phải đón cái Tết đầu tiên trong cuộc đời ở trại giam.

 

Họ là những người nông dân chân chất, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, trú tại thôn Do Lộ, xã Yên Nghĩa, Hà Đông, TP Hà Nội.

 

5 người đàn bà, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận bất hạnh khác nhau nhưng đã đấu tranh hết mình để giữ những tấc đất cuối cùng khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Cái giống nhau duy nhất giữa họ, có chăng là ở chỗ: đều bị tạm giam cùng một ngày, cùng phải đón một cái Tết đầu tiên của cuộc đời trong trại giam, cùng đau đáu ngóng trông về người thân, gia đình trong thời khắc giao thừa, cùng ngồi bó gối bên trong song sắt để mơ về nồi bánh chưng đêm giao thừa...

 

Đêm giao thừa một năm về trước

 

Trong tâm trí của mình, những người phụ nữ nơi thôn Do Lộ không thể quên được ngày họ bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) xét xử vì tội "chống người thi hành công vụ" cách đây hơn 1 năm về trước.

 

Trong số 5 bị cáo, ngoại trừ bà Lê Thị Hòa có trình độ 12/12, là đảng viên đang bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, tháng 6/2008, bị Công an xã Yên Nghĩa xử phạt hành chính vì “gây rối trật tự công cộng”, tất cả những người còn lại đều chỉ có trình độ văn hóa 3/10 hoặc 3/12.

 

Mô tả ảnh.

Những người phụ nữ này từng bị đi tù vì hành vi "chống người thi hành công vụ", từng phải đón cái Tết đầu tiên trong cuộc đời ở trại giam. Ảnh: Hoàng Sang.

Tất cả 5 bị cáo đều có chung nghề nghiệp: Làm ruộng.

Người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ với những nếp nhăn chằng chịt  ngồi trước mặt  tôi là chị Phạm Thị Mạo (56 tuổi, trú tại tổ số 2, Phường Yên Nghĩa, Hà Đông). Cũng như những người phụ nữ khác, chị bị kết án 6 tháng tù giam vì tội "Chống người thi hành công vụ".

 

Câu chuyện mà chị kể cho chúng tôi thi thoảng bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt chợt lăn ra trên khóe mắt hằn những nếp chân chim như cuộc đời cơ hàn của chị.

 

Sáng 30/7/2008, chị vừa nấu cơm cho mấy đứa con ăn để còn kịp đi làm thuê thì thấy người dân lũ lượt kéo nhau ra nghĩa trang Do Lộ. Chẳng kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào, chị cũng xách cái nón rách đi theo người dân ra nghĩa trang.

 

Theo lời chị kể, khi vừa mới ngồi xuống khu đất nghĩa trang để phản đối việc chính quyền xã thu hết những nơi sau này sẽ là "nhà" của chị và người dân Do Lộ, chị đã bị "xách" lên xã vì hành vi "chống người thi hành công vụ".

 

Sau khi bị tạm giam đủ 3 tháng 15 ngày, tòa án đã tuyên chị 6 tháng tù giam. Bản án tại tòa nêu rõ:cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhằm cải tạo, giáo dục các bị cáo trở thành người có ích cho xã hội”.

 

Trước khi cánh cửa chiếc xe bịt bùng khép lại, chị cố nhoài ra phía sau để nhìn những người thân gia đình. Đứa cháu nội nước mắt giàn giụa, cố chạy theo sau chị rồi ngã dúi dụi, đập đầu xuống đất. Chị gạt nước mắt, quay mặt đi để không còn nhìn thấy cảnh người thân khổ đau vì chị.

 

Chị bảo: "Ngày tòa xử, tôi nhắn với gia đình là không được đưa đứa cháu lớn đến tòa. Bởi, cháu đang là học sinh, tôi không muốn trong tâm hồn cháu, bà của cháu đã có một vết "nhơ", từng phải đi tù. Tôi sợ cháu nhìn thấy cảnh tôi bị dẫn đi và nhốt vào xe bịt bùng".

 

Đêm đầu tiên trong trại giam, cả 5 người phụ nữ thôn Do Lộ không ai ngủ được. Tất cả đều khóc cho cuộc đời khi bỗng dưng bị giam cầm giữa bốn bức tường lạnh lẽo. Đã có lúc, chị Mạo nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi, chị sực tỉnh, bởi nếu chị chết đi, ai sẽ thay chị nuôi chồng, con và mấy đứa cháu. Và rồi, chị gồng mình lên để chống chọi với những tháng ngày nghiệt ngã nhất trong cuộc đời mình.

 

Đêm 30 Tết năm 2008, sau khi nhận được một ít thịt kho và bánh chưng từ gia đình, chị lại ngồi khóc. Ngồi trong trại giam, chị lại mường tượng về cảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói và thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Chị khóc, nước mắt ướt đẫm cả vạt áo.

 

Mô tả ảnh.

Đến bây giờ, chị Mạo vẫn không thể quên được cảm giác khi đón giao thừa giữa 4 bức tường lạnh lẽo trong trại giam. Ảnh: Vũ Hoàng.

Chị Mạo kể rằng, cả 5 người phụ nữ nơi thôn Do Lộ bị bỏ tù, chị thương nhất là Lê Thị Hòa và Lê Thị Xuân bởi cả 2 đều dang dở về đường tình duyên, chưa một lần được nếm trải những giây phút hạnh phúc bên chồng con.  

"Trước, chị Hòa là đảng viên, hoạt động rất năng nổ trong thôn. Hơn 30 tuổi nhưng nó vẫn chưa lấy chồng, một mình nuôi cha mẹ già yếu. Đêm giao thừa, mấy chị em chúng tôi ngồi khóc, còn nó thì chốc chốc lại cười nắc nẻ. Chẳng hiểu sao, trước nó là người bình thường, từ ngày bị giam ở đây, nó đổi tính đổi nết. Thi thoảng lại cười, nói một mình như đứa dở hơi. Nhìn nó như vậy, mấy chị em chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc rưng rức" - chị Mạo thở dài.

 

"Đã mấy năm nay chúng tôi không có Tết"

 

Tôi ngỏ ý muốn được gặp chị Hòa, người phụ nữ mà người dân thôn Do Lộ thường tỏ ra ái ngại mỗi khi nhắc tới nhưng người dân nơi đây can ngăn: "Có 2 lí do khiến nhà báo không nên gặp. Thứ nhất, nếu hỏi về cuộc đời chị ấy hay về nguyên do khiến chị ấy phải đi tù, kiểu gì chị ấy cũng chửi bới hoặc đuổi đánh. Thứ 2, giờ này chắc cái Hòa đi chợ chưa về. Nó còn phải đi bán từng mớ rau, kiếm ngày ít tiền mua gạo nuôi cha mẹ già".

 

Chợt nhìn lên đồng hồ treo tường. Gần 20 giờ, còn chợ búa gì nữa? Chị Mạo lại thở dài thườn thượt: "Khổ, mỗi ngày nó đi 4 lần chợ. Phiên chợ này tan thì đạp xe đi kiếm phiên khác để bán rau. Chẳng biết có lời lãi được gì không nhưng cứ thấy nó đi từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt mới về. Nó mà không làm thì lấy gì nuôi 2 cái thân già đã ngoài 80. Mà gần Tết, cũng bán được ngày mấy chục ngàn, có thêm đồng ra đồng vào chuẩn bị mà mua sắm chứ."

 

Người dân nơi đây kể rằng, những năm trước, giờ này làng xóm đông vui lắm. Vui nhất là nhà nào cũng sáng sớm tinh mơ, quẩy gánh ra những ruộng rau xanh bạt ngàn hút tầm mắt. Chỉ cần hái một luống ra đi chợ bán, đã có hơn trăm ngàn để góp tiền mua sắm cho ngày Tết. Dư dả đồng nào thì sắm thêm cho mấy đứa con bộ quần áo mới để chúng khoe bạn trong những ngày xuân đầu năm.

Mô tả ảnh.

Bản lí lịch "dính chàm" sẽ ám ảnh những người phụ nữ Do Lộ dằn vặt lương tâm suốt cuộc đời này. Ảnh: Hoàng Sang.

"Giờ thì chẳng còn ruộng nữa mà gieo cấy. Làng xóm bắt đầu vắng hoe. Trai làng có sức thì đi làm thuê nơi trung tâm thành phố Hà Nội, người già thì nằm trong nhà trốn cái rét. Là nông dân vốn từng tần tảo trên những thửa ruộng mà Tết đến vẫn phải đi đong từng mớ gạo, từng cọng rau" - chị Mạo thở dài. 

Người như chị Mạo khổ nhưng dù sao vẫn còn chồng, con phụ giúp, ốm đau còn có người chăm sóc. Với chị Mạo, trong 5 người phụ nữ thôn Do Lộ  từng phải vào trại giam, có lẽ khổ nhất vẫn là chị Hòa và Lê Thị Xuân.

 

Với chị Xuân, khổ về vật chất đã đành, nhưng nỗi khổ về tinh thần còn ghê gớm hơn, đáng sợ hơn. Quá lứa lỡ thì, lại cộng thêm bản lý lịch đã "dính chàm" vì từng có tiền án, chị muốn kiếm một tấm chồng cũng khó. Những đêm đông giá buốt, một mình trong căn nhà trống trải, trái tim của người phụ nữ này lại thổn thức. Chị mong có một bờ vai, một vòng tay, hơi ấm của đàn ông.

 

Nhưng, những ước muốn rất đỗi con người ấy vẫn chưa bao giờ dành cho chị cả. Chị Xuân bảo rằng, nhiều lúc cũng muốn kiếm một người đàn ông để gắn kết cuộc đời mình nhưng khi họ nghe tin mình từng vào tù thì chẳng ai thèm để ý nữa cả.

 

Gần 9 giờ tối, chúng tôi chia tay những người dân nơi đây để trở về. Đi qua những con phố ánh điện sáng trưng, chợt nhớ những thổn thức mà người dân nơi đây vẫn ngày đêm trăn trở.

 

Chợt rùng mình khi nghĩ đến tiếng cười chát chúa mà cay đắng của chị Hòa, thương cho ước muốn tìm một người đàn ông để nương tựa của chị Xuân. Lời của chị Mạo như một câu hỏi lớn mà chưa có lời đáp: "Có ai giải những nỗi đau đớn cho chúng tôi hay không? Làm thế nào để những đứa con, cháu tôi không phải xấu hổ vì bản lý lịch trích ngang đã nhuốm màu đen của mẹ?".

 

  • Hoàng Sang - Vũ Hoàng

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác