Bài 1:

Những người đón Tết giữa trùng dương

Cập nhật lúc 08:11, 14/02/2010 (GMT+7)

– Trong thời khắc thiêng liêng đêm giao thừa, vẫn có những người lính nơi đầu sóng ngọn gió ngày đêm canh giữ biển trời. Giữa trùng dương bao la, giữa những đợt sóng bạc đầu, họ vẫn luôn luôn cầm chắc tay súng để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Họ là những chiến sỹ cảnh sát biển thuộc Cục Cảnh sát biển Việt Nam.

Một cái bắt tay thật chặt cũng đủ ấm lòng

Buổi cơm tối tại Hải đội 102 thuộc Vùng cảnh sát biển 1 (đóng tại Nghi Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) một ngày cuối năm có sự hiện diện của Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 1 - Đại tá Trần Hữu Khoan. Những ngày cuối năm, mặc dù rất bận nhưng Đại tá Khoan vẫn bớt chút thì giờ, đi từ Hải Phòng vào thăm các chiến sỹ đóng quân nơi đây để chúc Tết và động viên anh em sẵn sàng chiến đấu.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, hơn ai hết, Đại tá Khoan là người hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người lính cảnh sát biển đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ, từng khoảng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.

Những người lính tại Hải đội 102 thuộc Vùng cảnh sát biển1 luôn vững chắc tay súng để bảo vệ sự bình yên trên biển. Chính tình yêu mãnh liệt với biển đã giúp họ vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ảnh:Hoàng Sang.

Đặc biệt, vào những giờ khắc thiêng liêng đêm giao thừa, khi mọi người đang quây quần bên gia đình, bên bàn thờ tổ tiên và cùng cầu nguyện một năm mới an lành thì những người lính nơi đây vẫn ngày đêm nắm chắc tay súng giữa trùng dương mêng mông sóng vỗ. Có thể có một chút xao lòng, một chút da diết nhớ người thân nhưng rồi những suy nghĩ đó nhanh chóng được gạt sang một bên bởi họ hiểu rất rõ nhiệm vụ và trọng trách mà mình mang trên vai.

Mô tả ảnh.

Người lính nơi đây bảo rằng, gần lính và hiểu lính thì không ai bằng Đại tá Trần Hữu Khoan - Chỉ huy trưởng Vùng cảnh sát biển 1. Những ngày cuối năm, mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng Đại tá Khoan vẫn tranh thủ thời gian đi chúc Tết anh em chiến sỹ, động viên họ hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Quốc Huy.

Mâm cơm của thủ trưởng được ưu tiên thêm một đĩa thịt gà và một ít rau sống. Đi vội một vòng, nhìn vào mâm cơm của người lính, Đại tá Khoan quay sang hỏi Hải đội trưởng Hải đội 102: “Sao mỗi mâm mình có thịt gà và rau sống, các chiến sỹ khác không có à?”.

Nghe thủ trưởng chất vấn, Trung tá Đào Anh Tú - Hải đội trưởng gãi đầu: “Dạ, mọi người chỉ có cá và ít thịt. Mâm này ưu tiên cho thủ trưởng nên có thêm đĩa thịt gà”.

Nghe vậy, Đại tá Khoan một tay cầm đĩa thịt gà còn nguyên vẹn, một tay cầm đũa đi đến từng bàn một rồi sẻ ra cho mỗi người một ít. Đại tá Khoan khẽ vỗ vai Hải đội trưởng rồi tươi cười: “Trong công việc, chúng ta vừa là thủ trưởng, vừa là anh em, vừa là đồng chí, đồng đội. Còn trong bữa ăn như thế này, chúng ta là anh em, là đồng chí nên phải công bằng, không thể ưu tiên cho riêng mình tôi được”.

Mô tả ảnh.

Và chính những lời động viên kịp thời, những cái bắt tay thật chặt giữa người chỉ huy với lính sẽ tiếp thêm tinh thần cho người lính, cho dù cuộc sống hôm nay còn nhiều khó khăn.Ảnh: Quốc Huy.

Đại tá Khoan trở về chỗ ngồi rồi uống rượu cùng anh em. Thi thoảng lại có một người lính lại chúc sức khoẻ vị chỉ huy. Sau cái bắt tay thật chặt, vị chỉ huy hỏi thăm tình hình gia đình, sức khoẻ của từng người lính. Hình như giữa họ không còn ranh giới của thủ trưởng và cấp dưới nữa.

Hải đội 102 có rất đông chiến sỹ. Ấy vậy mà ông vẫn nhớ vanh vách tên tuổi, quê quán của từng người một. Ông bảo: “Những người lính đóng quân tại đây đều từ các tỉnh, thành phố khác nhau, mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau. Họ gặp nhau ở đây bởi lòng đam mê với biển, với vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, để giữ nguyên vẹn dáng hình của đất nước. Có hiểu rõ về hoàn cảnh của lính, mình mới có thể sẻ chia với lính, động viên kịp thời những chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn".

Mô tả ảnh.

Lại thêm một cái Tết những chiến sỹ nơi đây phải sống xa nhà. Chính tình yêu với biển, chính vì để giữ nguyên dáng hình của Tổ quốc, để cho lá cờ Tổ quốc tung bay ngạo nghễ giữa trùng khơi nên những chiến sỹ cảnh sát biển tại Hải đội 102 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ảnh: Hoàng Sang.

Có tận mắt chứng kiến những cái siết tay thật chặt, những cái ôm vai như không muốn dứt ra giữa người chỉ huy và các chiến sỹ, tôi mới thấy lời của Đại uý Trần Hồng Quế - Chính trị viên phó Hải đội 102 - hoàn toàn không phải là lời “xu nịnh” có cánh của cấp dưới với thủ trưởng: “Gần lính, hiểu lính thì không ai bằng Đại tá Khoan cả. Những lời động viên của thủ trưởng có lẽ là động lực rất lớn để anh em chiến sỹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy luôn luôn rình rập và những cám dỗ về vật chất để hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó”.

Nghe những lời hỏi thăm ân cần của vị đại tá chỉ huy, chợt nhớ tới lời ví von về người chiến sỹ cảnh sát biển của một vị tướng trong ngành: “cảnh sát biển là một viên đạn bọc đường”, mới hiểu rõ vì sao gian khó, hiểm nguy là thế nhưng người lính nơi đây vẫn vững vàng, kiên định để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo chồng đi đón Tết

Trong căn phòng nhỏ ở tầng 2 của Hải đội 102, chị Lê Thị Hồi - vợ của Hải đội trưởng Đào Anh Tú - đang ngồi gấp nốt bộ quần áo cho chồng và dỗ đứa con ăn cơm. Kế bên, đứa con trai Đào Minh Khuê đang cặm cụi với những nhành san hô lung linh huyền ảo mà anh Tú đem về sau mỗi chuyến công tác.

Chị Hồi bảo, năm nay, vì anh Tú phải trực chiến nên chị đưa con từ Hải Phòng vào Hà Tĩnh để đón Tết với chồng. Hơn ai hết, chị hiểu rõ những vất vả và trọng trách mà chồng chị đang mang trên mình; hơn ai hết chị hiểu rõ nỗi buồn của bản thân và con trai khi đón Tết mà không có bố bên cạnh.

Bởi vậy, sau khi sắp xếp xong việc nhà, chị vội khăn gói đồ đạc lỉnh kỉnh, bắt xe vào để vợ chồng, bố con được cùng nhau đón Tết, được ở bên nhau vào thời khắc giao thừa.

Mô tả ảnh.

Vợ và con trai của Hải đội trưởng Hải đội 102 đã đi theo chồng vào Hà Tĩnh để đón Tết. Hơn ai hết, chị Hồi hiểu rõ trọng trách mà chồng mình đang mang trên vai. Ảnh: Quốc Huy.

Chị Hồi bảo, đã lấy chồng là bộ đội, tất nhiên là chị phải chấp nhận những khó khăn, chấp nhận phải sống xa nhau. Anh đi công tác biền biệt, có khi lênh đênh trên biển cả tháng trời nên chẳng mấy khi có thời gian để gần vợ và con.

Thi thoảng, được cấp trên cho phép, anh mới tạt về ngang nhà một lúc.

Đứa con chưa kịp quen với mùi mồ hôi của cha thì anh lại phải đi công tác. Thành thử, lúc anh trở về, đứa con trai duy nhất thường tròn mắt nhìn bố như một người xa lạ.

Nhiều đêm khuya, 2 mẹ con vò võ bên nhau. Nhớ anh cồn cào mà chẳng biết làm sao cả. Lúc đầu mặc dù đã xác định tư tưởng: lấy lính thì phải chấp nhận sống xa nhau nhưng chị cũng không chịu nổi. Lâu rồi thành quen, một mình phải vừa nuôi con, vừa phải chăm sóc gia đình nội ngoại. Khổ nhất là những lúc con ốm đau, muốn có anh ấy bên cạnh, muốn có một bờ vai vững chắc để dựa vào cho tan đi mọi nỗi muộn phiền nhưng không thể” - chị Hồi vừa ôm con vừa kể.

Mô tả ảnh.

Với người lính nơi đây, hạnh phúc là được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật, ngạo nghễ giữa biển trời, được bảo vệ sự yên bình cho từng vùng biển của Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Sang.

Trung tá Đào Anh Tú kể rằng lấy vợ đã 10 năm nay nhưng thời gian mà anh ở bên vợ con cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Suốt ngày lênh đênh trên biển, lấy tàu làm nhà, lấy biển làm bạn nên mọi thông tin về gia đình gần như bị mất liên lạc.

Những lần con đau, vợ ốm anh dường như không có mặt ở bên để động viên. Nhiều lần, vợ anh nhớ quá, hẹn đến thăm nhưng vừa đến cổng cơ quan thì anh lại phải lên đường đi làm nhiệm vụ. Anh chỉ kịp ôm hôn đứa con một cái rồi lên tàu. Vợ anh vì sợ ảnh hưởng đến công việc của mình nên chỉ biết quay mặt đi rồi nuốt nước mắt vào trong.

“Làm vợ lính thì phải biết chấp nhận thôi. Đặc điểm công việc của chúng tôi lại hơi khác một tý, đi làm nhiệm vụ hầu như không được báo trước để bảo đảm bí mật tuyệt đối. Sau khi nhận lệnh từ chỉ huy, anh em chỉ được phép chuẩn bị trong vòng 30 phút là rời đất liền đi làm nhiệm vụ. Chỉ khi tàu rời đất liền, chúng tôi mới biết được nhiệm vụ mà mình đang làm là gì. Tất cả điện thoại đều không được mang theo, trừ Thuyền trưởng và Biên đội trưởng. Vì vậy nhiều lần vợ và con đến thăm thì tôi đã rời tàu mất rồi” - Hải đội trưởng Hải đội 102 kể lại.

Trung tá Tú bảo rằng, mỗi người lính, khi đã nguyện gắn mình với nghề cảnh sát biển, đều phải xác định rõ ràng tư tưởng: sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ, hiểm nguy rình rập và sống xa gia đình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với họ, hạnh phúc là được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật, ngạo nghễ giữa biển trời, được bảo vệ sự yên bình cho từng vùng biển của Tổ quốc.

  • Hoàng Sang - Quốc Huy
    (Còn tiếp)

Ý kiến của bạn

Các tin khác