Mối tình của bác sỹ Đặng Thùy Trâm

Cập nhật lúc 08:15, 23/10/2010 (GMT+7)

Người nhận, người chuyển thư đều đã hy sinh, thư quay về với người viết. Người được nhắc tên trong thư - bác sỹ Thuỳ Trâm cũng đã anh dũng ngã xuống. Bức thư trở thành kỷ vật sâu sắc của người viết - Đại tá Khương Thế Hưng, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 48, Tỉnh đội Quảng Ngãi. "Biết Dũng trách mình nhiều. Xin đành "Thương nhau chín bỏ làm mười" - mình chịu lỗi với mọi người (cả với ba mẹ và gia đình mình, với Thùy Trâm thân yêu) - Lòng mình thì vẫn bề bộn nhớ thương mà cuộc đời thì vẫn nối những chuyến ra đi không dứt".

 

Đó là những dòng tâm trạng trong bức thư Khương Thế Hưng (Nhân vật M. trong nhật ký Đặng Thùy Trâm) viết cho đồng đội. Bức thư có một hành trình kỳ lạ, không đến được tay người nhận và nằm ngủ yên trong sổ tay của người viết suốt 40 năm...

 

Mô tả ảnh.
Khương Thế Hưng
Chặng đường 40 năm của bức thư 

 

Chiếc phong bì nhỏ xíu 6,5 x 8,8cm, làm bằng giấy kẻ ô ly. Trên đề: Hưng. 736. GM TQTuấn, dưới là tên người nhận: Nguyễn Đức Dũng, Binh vận Đức Phổ.

 

Bức thư đã không bao giờ đến được tay người nhận vì mặt sau phong bì có dòng chữ viết bằng mực đỏ: "Hưng ơi! Dũng hy sinh rồi, địch càn vừa rút, Dũng lên công sự, địch càn trở lại gặp trong nhà bắn chết. HL”.

 

Tiếp phía dưới là dòng chữ viết bằng mực xanh: "Và bây giờ thì Hoàng Liên, người viết những dòng trên cũng đã hy sinh vì giặc Mỹ bắn chết - 12/69". Nét chữ của anh Khương Thế Hưng.

 

Thư được viết hai mặt trên tờ giấy kẻ ca rô, kích thước 9,6 x 14cm, được gập làm tư, đặt gọn trong chiếc phong bì đã nhuốm màu thời gian. Bức thư viết:

 

"Dũng thân yêu,

Lan về họp, nhưng mình lại phải đi gấp. Vẫn là lần đi của Mùa xuân 68 chứa chan niềm tin và hy vọng, Dũng ơi! Mọi riêng tư gác lại, mọi nhớ thương tạm dừng, mọi ước mơ chỉ dồn vào ước mơ chân lý: "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do".

Biết Dũng trách mình nhiều. Xin đành "Thương nhau chín bỏ làm 10" - mình chịu lỗi với mọi người (cả với ba mẹ và gia đình mình, với Thùy Trâm thân yêu) - Lòng mình thì vẫn bề bộn nhớ thương mà cuộc đời thì vẫn nối những chuyến ra đi không dứt. Mình vừa bị pháo đè, vậy là 3 lần trong năm 68 khói lửa chiến tranh muốn trùm phủ lên mình, vật mình ngã xuống. Nhưng mình vẫn đứng dậy và lại ra đi - mỗi chuyến đi là những trận chiến đấu đêm ngày. Đành hẹn lại ngày mai, ngày mà nắng hồng tràn ngập từng căn cửa sổ Cẩm Thành - Xuân Lý - cái tên vô vàn thân yêu mà xa vắng và buồn đau ấy, cuộc đời buồn biết mấy Dũng hè! Chiến tranh, mình căm thù nó, căm thù thằng Mỹ. Và vì vậy, mình càng trân trọng những tâm hồn trong sáng như người nữ bác sỹ quê hương.

Dũng cho mình có lời hầu thăm bác, vợ Dũng và mấy cháu thân yêu.

Hôn Dũng 5/8"

 

Người nhận, người chuyển thư đều đã hy sinh, thư quay về với người viết. Người được nhắc tên trong thư - bác sỹ Thuỳ Trâm cũng đã anh dũng ngã xuống. Bức thư trở thành kỷ vật sâu sắc của người viết - Đại tá Khương Thế Hưng, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 48, Tỉnh đội Quảng Ngãi. Anh viết thư này ngày 5/8/1969, sau Đợt II Mùa Tổng tiến công và nổi dậy năm 1969, trước khi tham gia các trận đánh vào các căn cứ của lữ đoàn 11, sư đoàn Americal bộ binh Mỹ ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, để trả thù cho đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát trong vụ Mỹ Lai và biết bao đồng bào, đồng đội thân yêu khác nữa...

 

Anh kẹp kỹ nó trong một cuốn sổ ghi chép. Rồi anh cũng ra đi mãi mãi, bức thư cứ thế ngủ yên trong suốt 40 năm.

 

Người lính - nghệ sỹ - nhà báo...

 

Khương Thế Hưng sinh ngày 18/9/1934, tại Hội An, Quảng trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và giàu nghĩa khí. Anh là con trai thứ hai của nhà giáo, nhà thơ Khương Hữu Dụng.

 

Từ nhỏ, anh đã thể hiện rõ sự thông minh và sự tài hoa của mình trên nhiều lĩnh vực như thi ca, nhạc, họa. Năm 1950, khi chưa đầy 16 tuổi, Khương Thế Hưng nhập ngũ và xung phong vào chiến trường cực Nam Trung Bộ.

 

Vùng Bình Thuận, nơi anh sống và chiến đấu là một miền đất xa xôi, ác liệt và gian nan đến mức một giọt nước ngọt cũng phải đổi bằng máu với quân thù. Cuộc sống ở chiến trường ác liệt này đã tôi luyện anh thành một người lính thiện chiến. Hưng vừa đánh giặc giỏi, vừa vận động quần chúng rất giỏi. Với sự nhạy cảm của một nghệ sĩ, anh đã hòa mình vào cuộc sống của người dân Chàm, hiểu được phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt của họ, và hơn thế anh nắm được linh hồn của văn hóa Chàm, chắt lọc tinh hoa văn hoá Chàm, để sau này sáng tác nên điệu múa Chàm Rông nổi tiếng phục vụ đồng bào và chiến sỹ. 

 

Năm 1962, Khương Thế Hưng trở lại chiến trường miền Nam. Năm 1965, sau một thời gian lăn lộn xây dựng Đoàn Văn công Quân giải phóng Quảng Ngãi, anh trở về Tỉnh đội, tiếp tục làm phái viên chiến trường tại các đơn vị chủ lực, đặc công, trực tiếp tham gia chiến đấu, về những vùng địch kiểm soát vận động nhân dân "phá ấp chiến lược" giành dân.

 

Rồi anh bị thương nặng phải đưa ra miền Bắc cứu chữa. Sau đó anh được phân công về Báo Quân đội nhân dân, tham gia Phái đoàn quân sự bốn bên khi Hiệp định Paris được ký kết.

 

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh được phân công về Ban Ký sự Lịch sử - Tổng cục Chính trị. Với vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc về chiến tranh được tích lũy và một kiến thức uyên bác, một khả năng khái quát, tổng hợp cao, anh có đóng góp quan trọng trong các công trình nghiên cứu tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của quân và dân ta. Nhưng rồi, những vết thương chiến tranh tái phát và do ảnh hưởng của chất độc hóa học, sức khỏe ngày một suy kiệt, người chiến sỹ - nghệ sỹ - nhà báo đa tài đã vĩnh viễn ra đi ngày 13/11/1999 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng đội và người thân.

 

 

Mô tả ảnh.
Bức thư gửi Nguyễn Đức Dũng.

 

 

...và người yêu

 

Trong lá thư có số phận kỳ lạ vừa được nói tới ở phần đầu, anh Hưng có nhắc tới "Thuỳ Trâm thân yêu". Vâng, đó chính là bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Trong rất nhiều đoạn trong nhật ký của mình, chị luôn nhắc đến M. Những tài liệu mới đây đã khẳng định, Khương Thế Hưng - với bút danh Nguyên Mộc - chính là nhân vật M. trong cuốn nhật ký. Nhân cách trong sáng của Khương Thế Hưng, lối sống quên mình, vì mọi người rất tự nhiên, vô tư của anh, có thể lý giải vì sao Thùy Trâm dành cho riêng anh một tình cảm sâu nặng đến vậy.

 

Chị yêu anh đắm say mãnh liệt và thủy chung. Vậy mà anh im lặng. Chị tự ái và trách giận. Trong lá thư gửi anh Dương Đức Niệm, ngày 15/2/1968, chị viết: "Còn anh H - khói lửa đau thương của cuộc chiến tranh đã làm cạn đi niềm mơ ước và yêu thương của anh ngày xưa. Anh bây giờ sống thật đơn giản, anh không mơ gì hơn là diệt được thật nhiều giặc Mỹ, anh không cần gì cho bản thân, kể cả tình yêu và sự nghiệp. Đối với Thùy, anh thương với tình thương rất đỗi chân thành, anh tôn trọng và cảm phục trước tình yêu chung thủy của Thùy, nhưng cũng chỉ có thế thôi. Con tim anh không còn những rung cảm sâu xa, những vần thơ thắm đượm tình yêu, những lời ca bay bổng ước mơ nữa rồi". Khi lòng tự ái đã ngự trị lên trên tình yêu, ngày 13/1/1970, chị đã viết trong nhật ký: "M. không phải của riêng mình. Đành rằng M. chỉ dành tình yêu cao nhất cho Đảng, cho nhân dân nhưng nếu để mình quá ít yêu thương thì... không thể đáp ứng với trái tim sôi nổi yêu thương của mình...".

 

Về phía Khương Thế Hưng, tình cảm anh dành cho Thuỳ Trâm còn mãnh liệt hơn nhiều, cháy bỏng hơn nhiều. Tận sâu thẳm trái tim, hình bóng chị luôn chiếm trọn trong anh. Không một trận đánh lớn, nhỏ nào anh không nhớ đến chị. Một chiếc bật lửa thu được của lính Mỹ, anh cũng khắc tên hai người. Khi bị ngất đi giữa chừng trận đánh, điều duy nhất anh nhớ cũng là hình ảnh chị...

 

Nhưng anh đã ghìm nén. Anh chọn cách im lặng với tình yêu của chị.

 

Hơn ai hết, là người trực tiếp cầm súng, anh hiểu sự ác liệt của chiến tranh, sự nghiệt ngã của số phận. Anh lo ngại, rất có thể một ngày nào đó, anh cũng sẽ ngã xuống như những người đồng đội của mình và như thế anh không thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho chị. Có thể anh đã sai, nhưng anh không thể quyết định được tình yêu.

 

Trong bức thư cuối cùng viết cho chị, anh viết: "Sự sống của tình yêu không cần sự có mặt của nhau, dù ở Nam hay Bắc, dù là gần nhau hay xa cách ngàn dặm đường nắng mưa cát bỏng. Ở đâu anh cũng vẫn là anh của 8 năm qua và nhiều năm nữa, để mà yêu em tha thiết. Hãy sống với nhau như một người thân yêu nhất trên đời. Quyền quyết định hoàn toàn do em". Và trong nhật ký ngày 8/3/1970, Thùy viết: "Đừng để tình cảm chỉ đạo cuộc sống. Phải như Paven, như Ruồi Trâu, hay như M. của mình. Nhất định phải như vậy nghe Thuỳ!".

 

Trong thư trả lời Khương Băng Ngọc, em gái của anh và cũng là người rất thân với Đặng Thùy Trâm, anh viết: "Anh đã hành quân qua hàng ngàn thôn xóm cháy rụi, những cánh đồng khô héo vì chất độc hóa học... Anh đã từng lặng người trước 70 bà con Hành Đức bị thuốc độc Mỹ làm chết trong hầm, thân thể bầm tím, anh đã nhìn tận mắt chị phụ nữ Gành Cả bị lính Pắc Chung Hy hiếp, ruột chị bị dao găm rạch từ dưới lên trên, cổ chị bị giặc vác cối đá đè lên, lưỡi chị bị thè ra ngoài! Tay anh đã từng cầm chuỗi cườm của em bé; mảng da đầu dính tóc của người con gái; mảnh xương sọ của bà mẹ - những người trong số 390 người bị giặc Pắc Chung Hy tàn sát trong một giờ vào một sớm mưa lạnh ngày đông năm 1966 ở Bình Hòa. Anh đã từng chứng kiến những vụ vây ráp bắt thanh niên ta đi làm bia đỡ đạn cho chúng, chúng đã giành giật trong tay những bà mẹ, những người chị những đứa con thân yêu, những người em hiền hậu... một cách vô cùng man rợ!". Vì vậy, anh phải cầm súng chiến đấu, tạm quên đi chuyện riêng tư của mình. 

 

Sau ngày chiến tranh kết thúc, anh đã đi tìm chị. Dưới gốc cây dầu rái thẳng tắp, tán lá rộng, phủ bóng râm mát một vùng chị nằm. Cánh rừng Ba Tơ yên lặng khác thường. Qua sợi khói mỏng tang từ nén hương anh thắp, anh bỗng nghe thấy tiếng hát vút lên, bay bổng của bài "Xa khơi" mà chị hay hát dành tặng riêng anh: "Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi!... Biển nói lên lời thương nhớ... Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay! Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay...".

 

Thuỳ đã nói đúng, cuộc chia tay đã không có ngày gặp lại. Viên đạn của kẻ địch vòng qua anh bắn vào Thuỳ. Trái tim anh đau đớn.

 

Gia đình anh đã gìn giữ những kỷ niệm của hai người. Với họ, chuyện tình cảm của hai người, chỉ có hai người mới thấu hiểu. Thế Hưng và Thùy Trâm cũng đã không còn nữa, gia đình muốn những kỷ vật của họ được ngủ yên.

 

Trung tướng Lê Hai, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã giúp hóa giải vấn đề này. Rất cảm động sau khi đọc những di bút gồm những trang ghi chép còn lại, những bức thư Khương Thế Hưng gửi về gia đình, một số bài thơ và nhạc của Khương Thế Hưng, ông đã đề nghị với gia đình: "Những di sản tinh thần của Khương Thế Hưng là những kỷ vật vô giá của gia đình, nhưng đó không chỉ là tài sản riêng của gia đình mà còn là của văn hóa kháng chiến, của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của cả một thế hệ thanh niên sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì nhân dân, Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Không thể để những tài sản đó bị quên lãng, phải để di sản tinh thần đó lan tỏa trong nhân dân. Nó sẽ có tác dụng to lớn cảm hóa và thuyết phục người đọc, góp phần giáo dục những người trẻ tuổi hôm nay".

 

Cuối cùng, những lá thư có số phận kỳ lạ ấy đã được gia đình cho phép công bố và trưng bày tại triển lãm "Những kỷ vật kháng chiến".

 

Những tư liệu trên chỉ là một phần nhỏ trong cuốn sổ ghi chép của Khương Thế Hưng gia đình hiện giữ. Vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn chưa hé lộ nhưng phần nào người đọc đã có thể hiểu về mối tình của anh với người nữ bác sỹ quê hương...

 

(theo CAND)

 

 

Ý kiến của bạn

Các tin khác