Mong nghe tiếng con gọi: Mẹ ơi! dù chỉ một lần!
- Trải qua bao thăng trầm mất mát, khổ đau trong cuộc sống, đằng sau nụ cười chứa đựng bao nỗi đau tận cùng ruột gan. Cố nén bao khổ đau, bà vẫn gắng sống, dù trời nắng hay mưa, trưa hay tối, còm cõi thân già đi từng góc phố, ngõ ngách nhặt ve chai, bán bánh xèo, bán nước vỉa hè…
Trải qua bao thăng trầm mất mát, khổ đau trong cuộc sống, đằng sau nụ cười chứa đựng bao nỗi đau tận cùng ruột gan. Cố nén bao khổ đau, bà vẫn gắng sống, dù trời nắng hay mưa, trưa hay tối, còm cõi thân già đi từng góc phố, ngõ ngách nhặt ve chai, bán bánh xèo, bán nước vỉa hè… Để có tiền nuôi hai con “thơ” bị tật nguyền vì nhiễm chất độc màu da cam. Cơ cực là vậy nhưng bà không một lời than vãn, “ ngày mai 20 tháng 10, không mong được nhận gì hơn, chỉ mong hai con gọi một tiếng mẹ..”. Một mong muốn “không có gì giản dị hơn” ấy, nghe sao khó quá với Bà Hoàng Thị Dung (66 tuổi, Số nhà 14, ngõ 69, phường Hai Bà Trưng, Thành phố Phủ Lý, Hà Nam).
Hình ảnh bà Hoàng Thị Dung bên quán nước. |
Lấy nhau chưa được bao lâu, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Chồng là Nguyễn Văn Vui, lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền nam. Trong quá trình chiến đấu, cũng như nhiều chiến sĩ khác, ông bị nhiễm “ thuốc diệt cỏ”, thứ chất độc ấy không chỉ làm quãng đời còn lại của ông sống trong bệnh tật đớn đau, mà nó còn ảnh hưởng tới hai người con. Hai người con sinh ra không bình thường như bao đứa trẻ khác, năm nay Chị Nguyễn Thị Hạnh (39 tuổi) và anh Nguyễn Văn Hưởng (36 tuổi) vẫn thơ dại, ngây ngô như những đứa trẻ mới lên ba tuổi. Bệnh tật dày vò, năm 1990 ông Vui qua đời, để lại một mình bà với năm người con thơ dại.
Nhớ lại lúc đó, tinh thần bà suy sụp hoàn toàn, có đôi lúc bà như mất phương hướng, trở nên đờ đẫn như người bị tâm thần. Ai cũng tưởng bà sẽ không chịu nổi cú sốc mất đi người chồng hết mực yêu thương, chăm lo chu đáo cho cả gia đình dù mang trong mình biết bao nhiêu thứ bệnh tật, mất đi một trụ cột, một người hàng ngày vẫn san sẻ gánh nặng nuôi con. Ngọn lửa sống đã không tắt trong bà, ngược lại cam chịu và gắng sức mình để vượt qua nỗi đau khôn cùng ấy, bà cảm thấy càng phải gắng sức vì các con, và bà đã làm nên được điều kì diệu ấy. Cuộc đời bà đã sóng gió, từ đấy càng sóng gió, khổ cực hơn, bà lao vào làm đủ mọi thứ việc chỉ mong các con không phải đói từng bữa cơm.
Ban đầu bà mở quán bán cơm bụi, nhưng cũng chỉ được một thời gian dài làm nhiều mà vẫn không có tiền, trong khi sức khỏe ngày càng kém,chi phí sinh hoạt đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình sáu người ngày càng cao. Các con thì đau ốm triền miên lúc nào cũng cần có thuốc, không thể chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp nhà nước cho hai con. Nhìn con vật lộn với bệnh vì không có tiền mua thuốc chữa trị, bà không khỏi rơi nước mắt. Rồi bà chuyển sang nghề bán nước, bán bánh rán, ngô luộc ở vỉa hè. Những lúc ấy bà còn tận dụng chút thời gian buổi trưa đi từng ngóc ngách, ngõ hẻm nơi thành phố nhặt ve chai để có thêm thu nhập. Cũng từ ấy cuộc sống gia đình bắt đầu tạm ổn, năm đứa con bà dần trưởng thành, sự nỗ lực nuôi con của bà thật sự là một kì tích. Mọi người trong khu phố vẫn thường gọi bà với cái tên trìu mến là bà béo bán nước. Ai cũng hiểu, thông cảm cho hoàn cảnh gia đình bà, ai cũng khâm phục sự vượt lên số phận của chính bản thân bà và các con bà.
Cả một chuỗi ngày tháng dài khốn cùng, vất vả một mình bà bươn chải nuôi các con, vì các con mà quên đi cả bản thân mình, thường trực trong suy nghĩ của bà là gắng làm sao kiếm tiền chữa bệnh cho con, không để con phải đau đớn vật lộn với bệnh tật. Tuổi ngày càng cao, ngày một già yếu, đau đáu trong thâm tâm bà là nỗi lo tương lai của hai người con tật nguyền. Bà đã ví thân mình như ngọn đèn dầu bé xíu đang cháy trước gió, không biết sẽ bị gió thổi tắt lúc nào.
Khi chúng tôi hỏi, ngày mai là ngày phụ nữ Việt Nam, mẹ có mong muốn gì không, một nụ cười nhẹ nhàng nở trên khuôn mặt khắc khổ, nhăn nheo và chai sạm vì sương nắng bà nói “không mong nhận được gì hơn, chỉ mong hai con cất tiếng gọi mẹ ơi dù một lần là tôi sung sướng lắm rồi”. Một mong muốn giản dị, mà mong muốn ấy dường như người làm mẹ ai cũng không phải nghĩ tới, vậy mà với Mẹ Dung được một lần con mình cất tiếng gọi mẹ ơi!, lại trở thành sự mơ ước, thèm khát dù hơn bốn mươi năm mẹ đã làm mẹ của những đứa con.
. Xuân Hiếu