221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1230417
Làng quê bề bộn, cán bộ xã bù đầu
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Một năm sau mở rộng Hà Nội:
Làng quê bề bộn, cán bộ xã bù đầu
,

 - Sáp nhập về Hà Nội, công việc của các cán bộ địa phương (thuộc địa bàn Hà Tây cũ) phần lớn nặng nhọc hơn, thậm chí nhiều bộ phận luôn trong tình trạng quá tải. Dự án "đổ bộ" lên ruộng vườn, nhiều trưởng thôn nhận thêm việc đi phát giấy mời họp cho các doanh nghiệp, tối ngày không nghỉ; đơn thư khiếu nại gia tăng so với trước...

Công việc tăng 400%

2 giờ chiều, tại trụ sở UBND phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội), rất nhiều người dân đứng như xếp hàng để được vào lấy xác nhận giấy tờ và hỏi ý kiến của chính quyền về những vướng mắc trong việc sang nhượng đất đai.

Mô tả ảnh.
Bộ phận địa chính phường Dương Nội (Hà Đông) mặc dù đã tuyển thêm 3 nhân sự nhưng vẫn không đáp ứng được quá nhiều công việc mới phát sinh. Ảnh Trọng Tuyến.

Anh Trịnh Như Hà, Phó chủ tịch phường cho biết, từ khi địa phương sáp nhập về Hà Nội, việc người dân chen nhau đến UBND đã trở thành một cảnh tượng quen thuộc. Công việc nhiều nên cán bộ phải làm việc rất nỗ lực. Bản thân anh vừa ngồi tiếp dân và xem xét đủ thứ văn bản, giấy tờ, nhưng vẫn liên tục phải nghe điện thoại để chỉ đạo công việc từ xa do cán bộ địa phương gọi đến hỏi ý kiến.

Vừa nói, anh Hà vừa chỉ tay giới thiệu hai cán bộ thuộc Ban giải phóng mặt bằng quận Hà Đông đang chờ anh để cùng đi vận động người dân giao đất làm khu đô thị.

Đó là yêu cầu của cấp trên, nhưng vì quá đột xuất nên anh Hà đã phải từ chối, bảo chuyển sang ngày khác. Anh giải thích: Vì chủ tịch phường đi họp, tất cả công việc liên quan đến chính quyền đều phải trông chờ anh ở nhà giải quyết nên anh không thể đi đâu được.

Theo anh Hà, từ khi xã Dương Nội về Hà Đông, rồi Hà Đông lại về Hà Nội, công việc của cán bộ địa phương bận rộn hơn rất nhiều. Mặc dù một số bộ phận đã được tăng cường thêm nhân sự nhưng cán bộ địa phương lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.

Anh Đỗ Quang Hưng, cán bộ phụ trách địa chính của phường cho biết, từ khi sáp nhập về Hà Nội, địa chính là một trong những lĩnh vực công việc tăng lên nhiều nhất. Có thời điểm, công việc đã tăng 400%, trong khi nhân sự được bổ sung thì có hạn.

Theo anh Hưng, từ khi về Hà Nội, các dự án đô thị mọc lên quá nhiều. Công việc đo đạc, rồi vận động người dân giao đất làm đô thị mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, những giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất trong dân cũng tăng rất nhiều. Ngay cả những cuộc kiện tụng, khiếu nại liên quan đến đất cát, nhà cửa cũng xảy ra nhiều hơn và phức tạp hơn. Tất cả những việc liên quan đến đất đai ấy, dù phát triển thế nào, cuối cùng đều phải qua tay địa chính giải quyết.

Sáp nhập vào Hà Nội, bộ phận Tư pháp của các địa phương có thêm nhiều việc mới để làm. Ảnh Vũ Điệp.
Sáp nhập vào Hà Nội, bộ phận tư pháp của các địa phương có thêm nhiều việc mới để làm. Ảnh Vũ Điệp.

Cũng bận không kém cán bộ địa chính là cán bộ tư pháp địa phương. Anh Nguyễn Trí Nhiệm, cán bộ phụ trách tư pháp của xã Song Phương (huyện Hoài Đức) cho biết: Ở nhiều địa phương, quản lý hộ khẩu hộ tịch đã chuyển cho bên công an, nhưng Song Phương thì chưa. Vì vậy, hiện một mình anh vẫn kiêm nhiệm quản lý mảng hộ khẩu, hộ tịch, vừa làm công chứng viên của xã. Vào những ngày bình thường còn đỡ, chứ vào mùa thi hay mùa nhập trường, người đến công chứng đông, làm bù đầu vẫn không hết việc.

Còn với bản thân ông Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, từ ngày về Hà Nội hầu như không có ngày nghỉ. Hằng ngày, liên tiếp các hội nghị, hội thảo rồi tiếp khách, xem như không có lúc nào ông được nghỉ ngơi.

Gặp chúng tôi tại ủy ban xã Yên Trung, huyện Quốc Oai, ông Kiều Chí Thành than thở vì phải đi lại đến lần thứ tư mới nhập được hộ khẩu cho đứa cháu của mình.

“Sáp nhập về Hà Nội, lượng người lên nhập khẩu quá đông. Chúng tôi lên từ buổi sáng đợi đến trưa, thậm chí chờ đến chiều tối nhưng vẫn không nhập được khẩu cho cháu mình. Phải năm lần bảy lượt mới được giải quyết, không đơn giản như trước đây", ông Thành ái ngại.

Trưởng thôn chuyên đi... phát giấy mời cho chủ dự án

Sáp nhập vào Hà Nội, ruộng đất không còn nữa, chức năng của ông trưởng thôn cũng không còn như xưa. Đó là lời than của anh Nguyễn Hữu Đích, trưởng thôn Yên Lũng (xã An Khánh, huyện Hoài Đức).

Mô tả ảnh.
Phó trưởng thôn Nguyễn Văn Nhật bận hơn từ ngày thôn được nâng cấp thành tổ dân phố. Ảnh Trọng Tuyến

Anh Đích cho rằng, từ khi ruộng đất không còn, đặc biệt khi địa phương thành một bộ phận của Hà Nội, trưởng thôn như anh cũng đang dần bị “hành chính hóa”.

Nếu như trước kia, trưởng thôn phụ trách đời sống văn hóa, xã hội, rồi những công việc lặt vặt như vệ sinh thôn xóm, hỗ trợ đi thu thuế nhà đất, thì nay, ngoài những công việc truyền thống đó, trưởng thôn phải làm thêm rất nhiều việc do UBND xã giao.

Ông Trần Đức Viên, trưởng thông Kim Hoàng, xã Vân Canh cũng than: “Với mức phụ cấp 120 nghìn đồng/tháng, mình làm vì trách nhiệm với địa phương và để cho vui là chính. Chứ giấy tờ bây giờ nhiều quá, tuần mấy lần đi quanh thôn phát giấy, rồi lại họp, lại tập huấn thường xuyên. Ngày xưa có thế bao giờ đâu!".

Bác Nguyễn Văn Nhật, 70 tuổi, tổ phó tổ dân phố Thống Nhất tâm sự, trước Thống Nhất là thôn La Nội, nhưng từ khi xã lên phường, thôn gọi thành tổ dân phố, nghe nó cứ không xuôi tai thế nào.

Ngay cả khi thôn được “nâng cấp” lên tổ dân phố, thì phụ cấp của một tổ phó như ông cũng chỉ được 100 nghìn đồng/tháng. Trong khi ở các phường bên cạnh, phụ trách tổ dân phố đã có lương lên đến 480 nghìn đồng kể từ khi xã được lên phường.

Phụ cấp không đáng bao nhiêu nên ông tổ trưởng đương nhiệm của tổ dân phố Thống Nhất đang nhất quyết thoái thác nhiệm vụ. Vì vậy, công việc đại sự của tổ dân phố giai đoạn này, tất cả đều một mình ông Nhật làm.

Ông bảo, hôm trước, ông đã phải đi khắp thôn, đến tận 10 giờ tối mới phát hết 70 tờ giấy mời họp đến các hộ gia đình. Đang mừng thầm vì tưởng sẽ có một ngày nghỉ thì lại nghe báo có giấy cần đi phát, vì vậy, ông lại phải lên uỷ ban nhận giấy. Cũng may, mấy ông chủ dự án cũng nghĩ đến đồng phụ cấp còm của ông tổ phó nên mỗi đợt phát giấy, họ đều bồi dưỡng trả thêm cho ông 2,3 chục nghìn đồng.

Bù đầu giải quyết đơn kiện

Anh Nguyễn Hoàng Tiến, cán bộ địa chính của xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội), từ khi xã về Hà Nội thì công việc của anh cũng trở nên bộn bề. Gần 20 dự án chủ yếu là xây dựng khu đô thị, kéo theo đủ công việc liên quan: giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của dân, họp hành tuyên truyền, giải đáp thắc mắc của dân… khiến anh Tiến bận rộn suốt ngày.

Anh Tiến cho hay, khi sát nhập về Hà Nội, xã Mê Linh có nhận thêm 2 cán bộ địa chính để cùng anh giải quyết công việc liên quan đến đất đai, nhưng chỉ riêng việc giải quyết đơn thư khiếu kiện của bà con cũng khiến các anh đủ mệt.

Trường hợp nhà bà Nguyễn Thị Lan, ở xóm Đường được anh Tiến nêu ra như một điển hình về kiện tụng đất đai ở xã Mê Linh mà đến nay vẫn nan giải. Gia đình bà Lan có 5 khẩu, theo quyết định 450 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây, mỗi khẩu trong gia đình bà Lan được cấp 228m2,  tổng cộng gia đình bà Lan được 1.362m2. Nhưng theo sổ, hiện tại gia đình bà chỉ được 1.281m2. Cân đối giữa tiêu chuẩn và thực tế gia đình bà Lan vẫn thiếu 81m2 nên liên tiếp đệ đơn khiếu kiện lên xã.

“Trước đây khi các dự án vào chưa nhiều, đất chưa đắt thì không sao, nhưng rồi khi về Hà Nội, đất đền bù trở nên đắt đỏ, những hộ gia đình được chia đất chưa đủ tiêu chuẩn lại đệ đơn lên xã đòi quyền lợi, khiến chúng tôi bận tối mắt tối mũi”, anh Tiến chia sẻ.

Xã Dương Nội, Hà Đông khoảng chục năm nay đời sống của người dân “phất lên” trông thấy nhờ vào nghề trồng đào. Mỗi năm một sào đào có thể cho thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng nên việc phải nhường đất cho các dự án với giá 70 đến 90 triệu đồng/sào đất khiến người dân phản đối, kiên quyết không nhận tiền.

Vì thế, theo như ông Đỗ Văn Tiến, Phó chủ tịch xã Dương Nội (Hà Đông), từ khi đô thị hóa cũng là lúc cán bộ xã tối tăm mặt mày vì hàng trăm lá đơn của dân đề đạt nguyện vọng không muốn mất đất, thậm chí, dân còn kéo nhau tập trung ở UBND xã phản đối việc dự án lấy đất. Nhiều cán bộ vì không thuyết phục được người dân nên đã phải luân chuyển đi nơi khác. Công việc chính của nhiều cán bộ thôn, xã vì thế chỉ xoay quanh việc lo lắng, chạy việc cho các dự án mới ở địa phương?

Tiếp theo: Lóng ngóng vào việc mới, cán bộ vừa làm vừa sợ

  •  Nhóm phóng viên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));