221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1228613
Lời hứa ảo cho thanh niên thành thị "một nửa"
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Một năm sau mở rộng Hà Nội:
Lời hứa ảo cho thanh niên thành thị 'một nửa'
,

 - Trao ruộng đất cha ông để lại cho các dự án, người nông dân không chỉ vì vài trăm triệu đền bù từ đất, mà còn bởi lời hứa của chủ đầu tư lo công ăn việc làm cho con cháu họ. Không còn ruộng để yên phận ở lại làng quê kiếm sống, nhiều thanh niên vùng Hà Nội mới dù chưa kịp trang bị gì cho bản thân vẫn tin rằng, sẽ có cuộc sống như một thị dân nhờ công việc từ những dự án được xây trên chính mảnh ruộng nhà mình. Tuy nhiên, dù đã quen với xe máy, điện thoại di động, quần áo model và nhiều trò mới của thanh niên thành thị, nhưng việc làm mà những công dân mới của Hà Nội chờ đợi vẫn chỉ là "lời hứa".

Ngóng ba năm, chối bỏ một giờ

Ngày 9/6/2003, sau khi mua lại 562,5 m2 đất ruộng của bà Trương Phương Hòa, tổ dân phố số 7, thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội, ông phó Tổng giám đốc TTTM Mê Linh Plaza đã ký một bản cam kết là sẽ nhận con trai bà Hòa vào làm việc tại trung tâm với nhiều ưu đãi về chế độ, lương bổng, điều kiện làm việc…

Ba năm sau, niềm vui của bà Hòa bỗng bị dập tắt trong chính ngày tuyển dụng của Mê Linh Plaza, khi hồ sơ của con bà bị trả về với lý do công ty không sắp xếp được vị trí phù hợp khả năng.

Hầu hết các hộ dân của thôn 5, 6 ,7 đã bán ruộng cho Mê Linh Plaza cũng tiu nghỉu cầm hồ sơ ra về như vậy. Ông Trương Quang Luyến, trưởng thôn Gia Trung, thị trấn Quang Minh có một cuốn số trong đó ghi lại danh sách đen những DN đã thất hứa với nông dân, từ những xưởng tư nhân nhỏ cho đến những DN lớn như Lilama, Vinaconex, Công ty sữa HN…

Bản cam kết của Mê Linh Plaza với bà Trương Phương Hoà (thôn Gia Trung, Mê Linh) về việc sẽ nhận con của bà vào làm việc. - Ảnh: TD.

Bản cam kết của Mê Linh Plaza với bà Trương Phương Hoà (thôn Gia Trung, Mê Linh) về việc sẽ nhận con của bà vào làm việc. - Ảnh: TD.

Theo thống kê mới nhất của thị trấn Quang Minh, hiện nay có hơn 1.000 lao động trên tổng số 12.000 dân đang làm việc tại các khu công nghiệp nằm trên địa bàn. Con số này ở xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Tây là xấp xỉ 150 trên 4.000 nhân khẩu trong độ tuổi lao động.  

Ông trưởng ban Lao động việc làm xã Thạch Hòa - Bùi Văn Vượng kể rằng, hầu hết các doanh nghiệp khi lấy đất của dân đều đưa ra những ưu đãi về việc làm nhưng đó đều là những cam kết bằng… miệng. “Có những doanh nghiệp lớn của nhà nước cũng hứa hẹn nhưng con em nông dân bị mất đất vào làm việc tại những doanh nghiệp này là rất ít, mà chủ yếu là người dân ở các tỉnh thành khác đổ đến”.

Trên địa bàn xã Phùng Xá luôn tấp nập, sôi động với hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng không ít nông dân vẫn đang ngồi chơi xơi nước kiếm việc vì có DN phá sản, DN hoạt động cầm chừng, DN “ma” mọc lên để giữ đất.

Ông Phùng Khắc Luyến – trưởng thôn Gia Trung, Quang Minh, Hà Nội phản ánh tình trạng các DN cam kết nhận con em nông dân vào làm việc nhưng khi đi vào hoạt động họ lại bán đất đai, công xưởng cho DN khác, thế là “lời nói gió bay”.

“Chính quyền xã cũng bất lực vì không có một chế tài nào xử lý sự “thất hứa” của DN” - ông Chu Văn Bảy, chủ tịch xã Phùng Xá, ngao ngán nói.

Thanh niên thị dân chống cằm mong việc

Từ 2008, do kinh tế khủng hoảng, một loạt các xí nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng thì con em làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất lũ lượt về nhà “ngồi chơi xơi nước” hoặc theo anh em, làng xóm đi làm thợ sơn, thợ nề, bốc vác… theo thời vụ. Ông Phùng Khắc Tuấn, thôn 9, làng Bùng vừa khánh thành căn nhà ba tầng trị giá 500 triệu từ tiền bán ruộng và tiền vợ chồng chiu chắt hơn 20 năm nay.

Giờ thì thằng con cả lông bông không việc làm ba năm nay, lâu lâu nó lại xin tiền ông tiền mua cái quần bò hoặc đôi dép tông trắng phớ. Thằng thứ hai vừa tốt nghiệp 12, mấy ngày này suốt ngày leo lên xe máy của đám bạn rồ ga chạy khắp xóm.

Thế nên, cả năm miệng ăn trong gia đình trông chờ vào vài chục nghìn đem lại từ nghề sơn hoặc bốc vác mà ông Tuấn thất thường làm theo mùa vụ. Ngày nào chồng không có việc, bà vợ lại lúi húi hái ít rau muống trồng ở nóc sân thượng luộc lên ăn cùng muối lạc.

Ông Tuấn đang định nộp hồ sơ cho thằng con thứ hai vào trường Cao đẳng nghề Việt Hưng cách nhà chưa đầy 1km. Nhưng ông cũng thấp thỏm không biết năm nay có khóa nào tuyển sinh, vì nghe nói trường đã khánh thành nhưng vẫn còn ngổn ngang vôi vữa.

Cả xã Phùng Xá và những làng lân cận khác cũng đã chờ ngôi trường này từ mấy năm nay…

Cơn mưa tháng bảy đang xối xả đổ xuống mảnh vườn héo úa trước mặt, ông Phùng Viết Quân, người thôn 3, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội bó gối nhìn ra cửa. Trong lòng ông như có kiến bò vì lo không biết bà vợ với ba vại rau, dưa, cà sẽ về nhà thế nào trên con đường liên xã lở loét bùn lầy đã bị bỏ hoang vài năm kể từ khi người dân nơi đây biết xã của họ sẽ bị “xóa xổ” để xây dựng khu CN cao Láng Hòa Lạc.

Hai thằng con trai ông, một thằng đang học lớp 12, một thằng vừa mất việc và một thằng cháu cũng thất nghiệp nằm dài thườn thượt trên giường ỉ ôi theo bản nhạc vàng hắt ra từ chiếc radio rỉ cũ. Thằng cu đang đi học xin phép ông lát nữa cho ra hàng điện tử ngoài xã chơi game với đám bạn.

Ông nhẩm lại 130 hộ trong thôn và rầu rầu nói, gần như 100% gia đình nào cũng có người thất nghiệp. Những người đã qua tuổi lao động lại không bằng cấp mà thất nghiệp đã là một nhẽ. “Đằng này”, ông Quân chỉ vào cậu con trai 24 tuổi đang nằm dài trên giường: "thằng con tôi đã từng đi học cơ khí hơn một năm ở trung tâm dạy nghề huyện Thạch Thất, nhưng ba năm nay vẫn long đong đi kiếm một công việc ổn định”.

Ông Quân cũng không quên phản ánh, số tiền hỗ trợ học nghề của NN nằm trong tiền đền bù đất không đủ 1/10 chi phí mà ông đã bỏ ra để nuôi hai đứa con đi theo học. “Doanh nghiệp thất hứa, công ăn việc làm trong các khu CN phập phù, lương bổng, đãi ngộ thấp, dự án treo, con em bị sa thải vì không đáp ứng được yêu cầu DN… Điều đó làm cho các bậc cha mẹ chúng tôi thấy lo lắng và có lỗi với con cháu mình lắm” - ông bức xúc.

Trong ngôi nhà mái bằng bỏ hoang nằm lẻ loi giữa vườn sắn Tầu cao nghễu nghện, gia đình chị Mai (thôn 8, xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất) tất bật với công việc chích thuốc ngừa cúm cho đàn vịt gần 1.000 con vừa mới gột.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mẹ con chị Mai và gia tài đáng giá nhất là đàn vịt. Ảnh: K.T
Hai đứa con trai nhà chị Mai không có nghề, nên những ngày nông nhàn chỉ đi làm thuê làm mướn. Dành dụm chút tiền phụ vốn bố mẹ, hai em trở thành nhân lực trụ cột chăm sóc đàn vịt ngót 1.000 con. Ngôi nhà hoang mà anh chị “tận dụng” làm chuồng nuôi vịt, nguyên là nhà tạm được dựng lên để “giữ đất” của các chủ đất ngoài Hà Nội về Thạch Hoà đầu tư mua đất cách đây ngót hai chục năm trước.

Xung quanh thôn 8, có rất nhiều ô đất với những ngôi nhà có cùng một kiểu, tường gạch không trát vữa, không cửa nẻo, rêu mọc xanh bỏ trống giữa những vườn sắn. Khoảng năm 1993, phong trào các “đại gia” ngoài Hà Nội về Thạch Hoà mua đất đồi của người dân. Miếng đất của gia đình chị Mai cách đường quốc lộ chừng vài trăm mét.. “Năm đó, nhà tôi bán miếng đất ngót bốn sào được 9 triệu đồng, đủ tiền mua được chiếc xe 79".

Nhưng "chiếc xe 79" hồi đấy nay cũng chẳng còn, cả gia sản nhà chị là gần 1.000 con vịt thả ở khu nhà hoang. Đấy cũng là tương lai của hai cậu con trai đang tuổi mười tám, đôi mươi của chị.

Hết thất hứa thì bị "chê"

Hồn nhiên tin vào những lời hứa lo công ăn việc làm của các chủ dự án còn thể hiện người nông dân và đặc biệt lớp trẻ ở những vùng nông thôn Hà Nội chưa kịp trang bị cho mình hành trang để tiến lên trở thành một thị dân. Kiến thức nghèo nàn, tay nghề chỉ là con số không, họ dễ dàng bị các DN gạt sang một bên với lý do không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Chủ tịch HĐQT công Ty Transmeco kiêm Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật và Nghiệp vụ du lịch Quang Minh, ông Vũ Kim Bảng phân trần lý do "chê" thanh niên địa phương: Trình độ và chất lượng lao động của nông dân những vùng bị thu hồi đất là quá yếu và quá kém so với yêu cầu của DN, nhất là những lao động phổ thông chưa từng qua đào tạo.

Nhà máy xẻ đá của ông Bảng tại Hưng Yên đã từng nhận không ít lao động bị thu hồi đất vào làm việc, nhưng biết bao chuyện cười ra nước mắt đã xảy ra vì những công nhân này lại thao tác máy móc công nghiệp bằng thói quen, nếp nghĩ, tác phong của một nông phu trên đồng ruộng.

Mô tả ảnh.
Trường CĐ Nghề Việt Hưng là đơn vị đào tạo nghề cho lao động nông dân mất đất. - Ảnh: TD.

“Sự thất hứa của doanh nghiệp, đầu ra bất cập cộng chất lượng đào tạo nghề kém cỏi, khiến nông dân không còn mặn mà với các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm của nhà nước” - ông Bùi Văn Vượng, trưởng ban Lao động xã Thạch Hòa chia sẻ.

Tại những địa phương mà phóng viên khảo sát như  xã Quang Minh, xã Phùng Xá, xã Thạch Hòa hay An Khánh…, chính quyền xã đều khẳng định là mọi thông tin về tuyển dụng, đào tạo nghề được loan tin rộng rãi trên loa phát thanh hoặc trưởng thôn đến từng nhà thông báo, nhưng nông dân vẫn… thờ ơ.

Năm 2007-2008, trường trung cấp nghề kỹ thuật và dịch vụ du lịch Quang Minh chỉ thu hút khoảng 20-30 con em nông dân trên địa bàn thị trấn Chí Đông, Quang Minh tham gia. Huyện Thạch Thất còn cho mỗi con em nông dân đi học khóa 6 tháng tại Trung tâm dạy nghề huyện mỗi ngày 10 nghìn tiền cơm (quyết định 81 của TTCP về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho nông dân bị thu hồi đất được hỗ trợ 300 ngàn đồng/người/tháng được phân bổ cho các cơ sở dạy nghề- PV), nhưng theo ông phó Chủ tịch xã Thạch Hòa Nguyễn Đức Hạnh thì hầu như không có con em địa phương nào tham gia. Ông Hạnh nói thêm, mỗi mét vuông đất bị thu hồi, xã còn hỗ trợ cho bà con 20 đến 30 nghìn đồng để chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng hiếm ai dùng số tiền đó để học nghề.

Hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với những bức bối của người dân về vấn đề việc làm, ông Bùi Văn Vượng, trưởng ban Lao động Việc làm xã Thạch Hòa cũng cho rằng chính sách của NN đối với nông dân bị thu hồi đất mới chỉ dừng lại ở việc đền bù bằng những đồng tiền cụ thể, còn cuộc sống cho người dân sau đền bù như thế nào thì vẫn chồng chất những ngổn ngang.

Theo ông Hòa, trước khi thu hồi đất thì chính quyền phải có một điều tra, nghiên cứu cụ thể là số nông dân cần việc làm là bao nhiêu? Những công việc như thế nào thì phù hợp với khả năng và nhu cầu thu nhập của họ? các DN lấy đất sẽ cần bao nhiêu công nhân? Yêu cầu về công việc, trình độ, kỹ năng, kỷ luật lao động với công nhân là gì? Cơ chế giám sát việc DN ưu tiên nhận con em vào làm việc được quy định cụ thể bằng những chế tài như thế nào?

Mô tả ảnh.
Những khu đất ruộng còn sót lại bên chân của các KCN, KĐT mới liệu có thể tồn tại được bao lâu nữa...? - Ảnh: TD.

Sắp tới, còn nhiều ruộng vườn, nhà cửa của nông dân khu vực Hà Nội mở rộng sẽ tiếp tục được thu về cho các dự án, và đám thanh niên luôn háo hức trước những thông tin này. Nhưng những người con trai, con gái đang muốn thay chiếc áo nhà nông của mình bằng bộ quần áo thị dân hợp mốt không có lỗi trước niềm vui đó, họ chỉ có lỗi vì đã không kịp chuẩn bị cho mình hành trang về kiến thức, nghề nghiệp, cuộc sống đủ để không bị các doanh nghiệp chê đẩy, từ chối cơ hội việc làm lẽ ra phải là của họ!

  • Sơn Khê - K.Trung - V.Lụa
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,