221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
719974
Thú rừng Phong Nha - Kẻ Bàng ngắc ngoải kêu cứu...trong nồi
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Thú rừng Phong Nha - Kẻ Bàng ngắc ngoải kêu cứu...trong nồi
,

Kề bên di sản thế giới này là lớp lớp nhà hàng thịt thú rừng, mang, nai, lợn, nhím, chồn... đủ tiết lẫn mật giá bình dân 200.000-250.000 đồng/kg, theo lời tiếp thị, có thể chữa được bệnh hen, “gút” thừa đạm và cả chứng… thần kinh.

Thịt rừng ven vùng di sản

Tôi bắt đầu chuyến “thưởng thức thịt rừng” bằng cách nghe lời ông bạn lên xã Sơn Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Cái xã miền núi này là nơi vinh dự nhất Quảng Bình vì có di sản Phong Nha-Kẻ Bàng và cũng là “sào huyệt” của rất nhiều nhà hàng, quán sá có thịt thú rừng. Quán nào cũng cho in trang trọng danh thiếp để nhân viên tiện tiếp thị với khách.

Soạn: AM 589384 gửi đến 996 để nhận ảnh này

 

Hồ Cường, một thợ săn khét tiếng với chiến lợi phẩm đầu sao la.

Đội ngũ nhân viên tiếp thị ngay ngoài đường Hồ Chí Minh. Một nhân viên của quán Hương Giang tiếp thị với tôi rằng: “Xin ủng hộ quán em, quán em có đặc sản rừng tuyệt nhất”. Vừa nói, cô vừa rút đưa tấm danh thiếp in dòng chữ: “Đặc sản quê hương Rừng và biển”. Tấm danh thiếp có chữ rừng viết hoa rất ấn tượng.

Vào trung tâm xã, nhiều người của nhiều quán ra chèo kéo vào thưởng thức thịt rừng, tôi chọn quán gần đường lộ. Người đàn ông có nước da đen nhẻm tên P. vừa xi-nhan cho những chiếc xe con, cả thảy 10 chiếc, vừa đon đả: “Thịt rừng lúc nào cũng sẵn sàng. Chú đi đông thì nên nhậu nhím, chồn hương, một ký 250.000 đồng, bảo đảm đầy đủ tiết lẫn mật, chữa được bệnh hen, bệnh “gút” thừa đạm và chữa luôn những ai có chứng… thần kinh”.

Lấy cớ khách đông, chúng tôi sang quán Hương Giang. Một chú chồn hương và một cô nhím nặng 6kg vừa được xẻ thịt và chế biến thành đủ các món “lăn, xào, hấp, nướng” thơm lừng cho khách đặt với giá gần 3 triệu đồng. Được biết, con chồn này mua từ các thợ săn là 800.000 đồng, nhím cũng có giá tương đương.

Thấy tôi tần ngần, bà chủ quán nhanh nhảu: “Thịt rừng có mang, nai, lợn, nhím, chồn… em dùng gì chị phục vụ liền”. Tôi gọi món lợn rừng nướng mọi. Chưa đầy chục phút, nhân viên đã phục vụ chúng tôi như ý.

Ra khỏi quán Hương Giang, chúng tôi đảo nhiều vòng ở trung tâm xã Sơn Trạch, ghé vào quán S.S, hỏi thịt rừng, chủ quán xới lởi: “Quán em giá cả phải chăng lắm, chỉ 200.000 đồng/cân thịt nhím, 250.000 đồng/cân thịt chồn có xương, heo rừng 150.000 đồng/ký không xương”. Tôi chê đắt, chủ T. phân bua: “Di sản mà anh, ở đây bữa ni họ bắt bớ dữ lắm không như trước đây mô…”.

“Xã hội hóa”... ăn thịt rừng

Ở Phong Nha, ngoài những quán bán thịt rừng chuyên nghiệp như trên, còn có vô số quán bán thịt rừng theo lối lẻ tẻ, khách hỏi thì gọi điện cho những quán lớn chuyển đến. Tình trạng này nhan nhản ở Đồng Hới và bùng ra ở cả các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy... nghĩa là chuyện ăn nhậu thịt thú rừng gần như được “xã hội hóa” ở miền đất này.

Soạn: AM 589410 gửi đến 996 để nhận ảnh này
 
 

 

Nếu ở Đồng Hới khách thích nhím, chồn, mang, lợn rừng thì ở vùng Quy Đạt, khỉ được xem là món ngon nhất.

Leo Botrill, chuyên gia của FFI (Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế) nhận xét: “Động vật hoang dã bị buôn bán, giết thịt thường xuyên bởi có sự hỗ trợ và làm ngơ của các cán bộ nhà nước. Một số trường hợp lãnh đạo thôn, lãnh đạo xã lại là lái buôn động vật hoang dã. Thậm chí ở thị trấn Quy Đạt, một công an lại là chủ một nhà hàng tiêu thụ động vật hoang dã”.

Theo lời của Leo Botrill, chúng tôi lên thị trấn Quy Đạt xác minh và chứng thực lời của Leo rất chính xác. Nhà hàng của vị công an này thuộc loại xịn nhất thị trấn rẻo cao này và đây cũng là địa điểm lui tới của các quan chức huyện Minh Hóa.

Ở Đồng Hới, mỗi lần nói đến đề tài thịt thú rừng, người ta thường nói đến ba quán đình đám ở Cộn là “nhất Quân (Quán Quân) nhì Hải (Hồng Hải) tam Huệ (Mỹ Huệ)”. Tổ hợp ba quán này mỗi ngày ngốn hàng tạ thịt rừng. Món ăn khách thường thích là tiết canh lợn rừng và vô số món tươi sống khác.

Mỗi quán có một chiêu dụ khách rất đặc biệt. Quán Quân dụ khách bằng cái tên quán như để khẳng định với khách chỉ có Quán Quân là số một về thịt rừng. Quán nằm sâu sau nhiều dãy nhà nhưng khách đông không đếm xuể, có hai lối vào quán, một lối dành cho khách còn lối kia dành cho những người chở thú rừng vào nhập.

Để khách tiện liên hệ, chủ quán còn cho ghi số điện thoại di động lên bảng hiệu dựng ngoài đường. Chúng tôi tiện tay móc máy gọi vào số 0912… (*), giọng chủ quán cất lên, tôi hỏi dò quán ông có thịt rừng những thức nào, ông chẳng cần e dè mà thông thoát nói: “Ưng gì có nấy, nhưng sẵn nhất là tiết canh lợn rừng, chồn, nhím, khỉ”.

Quán Mỹ Huệ nhốt thú rừng ngay cái hồ trước nhà để khách tiện chọn, còn quán Hồng Hải nhử khách bằng món thịt rừng hon. Khách đến những quán thú rừng này thường đi trên những chiếc xe con biển số xanh hẳn hoi và người dân vẫn thường “mát mẻ” rằng ngày nào quán thịt rừng không có xe biển số xanh mới là chuyện lạ!

Người ta đã thống kê con số chi tiết rằng mỗi ngày Đồng Hới tiêu thụ 1.825 con lợn rừng, tính ra thịt là 500kg, 6.025 con cầy và chồn bị đánh chén, 9.125 con ba ba hoang dã bị hóa kiếp và mỗi tuần có 16 con nai bị xẻo thịt, một năm có hơn 11 tấn khỉ bị ép khô (8kg khỉ tươi được 1kg khỉ khô) được tiêu thụ trên địa bàn Quảng Bình.

Thú rừng bị săn bắt từ đâu?

Soạn: AM 589424 gửi đến 996 để nhận ảnh này
 

Danh thiếp của quán Hương Giang với dòng quảng cáo công khai “Đặc sản quê hương Rừng và biển”

Qua tìm hiểu, chúng tôi đã tìm ra lộ trình săn bắt của các nhóm thợ săn như nhóm xã Xuân Trạch huyện Bố Trạch thường săn thú ở khu vực rừng Chà Nòi huyện Minh Hóa, nhóm thợ săn xã Phúc Trạch thường vào rừng U Bò huyện Quảng Ninh, và theo cả những tay thợ săn có súng ở xã Thượng Hóa đổ về Phù Nhiêu.

Những địa danh trên đều thuộc khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng. Còn thợ săn ở nơi khác đến thường đi săn ở những khu rừng xa hơn như Khe Nét ở Tuyên Hóa, Khe Nước Trong ở Lệ Thủy, Quảng Ninh. Mỗi thợ săn có thu nhập trung bình một tháng từ 900.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Có thể nói không ngoa rằng núi rừng Quảng Bình ngày đêm tràn dấu lâm tặc, nghĩa là rừng xanh đang vô vọng kêu cứu.

Một thợ săn tên Hồ Cường ở bản Rum xã Kim Thủy, Lệ Thủy từng biểu diễn tài nghệ săn thú rừng với tôi bằng cách lấy cái bẫy gà lôi mang lên rừng, hai ngày sau một con gà so Trung bộ (một loài chim đặc hữu) sập bẫy; ngày sau một con thỏ vằn lại chui vào.

Loài thú này cũng là loại thú đặc hữu quý hiếm. Hồ Cường còn khoe là đã thịt một con niệc nâu, một loài chim bị đe dọa toàn cầu. Ông còn nói bản thân ông cũng đã từng giết được mấy con sao la, loài mà cả thế giới sững sờ khi được phát hiện vào những năm cuối của thế kỷ XX! Như để chứng minh, Hồ Cường lôi cái đầu sao la cho tôi xem một cách hồn nhiên.

Thú rừng đang bị giết từng ngày ở Quảng Bình, tiếng kêu cứu của chúng vang lên thống thiết từ trong di sản, ngoài di sản và ven di sản Phong Nha-Kẻ Bàng…  

(Theo SGGP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,