221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
637890
Người sở hữu trên 3.000 tấm bản đồ cổ Việt Nam
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Người sở hữu trên 3.000 tấm bản đồ cổ Việt Nam
,

Tuy có trong tay tổng cộng đến bốn bộ sưu tập với hàng ngàn thứ vật dụng "cổ", từ đồ cổ, sách cổ đến bản đồ cổ và địa bạ, nhưng ông lại chẳng nhận mình là một người chơi đồ cổ chuyên nghiệp. Đối với ông, đó chỉ như chuyện "học mà chơi".

Soạn: AM 395039 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu

Căn phòng nhỏ của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nằm trên gác hai một ngôi nhà cũng nho nhỏ, tọa lạc tại góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân, quận 1, Tp.HCM. Giữa bộn bề sách là hàng ngàn tấm bản đồ các loại. Cái thì treo trên vách. Cái thì đặt dưới bàn. Cái thì được cất giữ trong tủ kính để tránh mối mọt... Tổng cộng ít nhất cũng phải trên 3.000 cái. Đó là cả một gia tài mà ông cất công sưu tập, tìm kiếm hơn 50 năm nay.

Bộ sưu tập đồ sộ của ông có rất nhiều loại, từ bản đồ địa giới của một tỉnh như Sài Gòn - Gia Định, đến một vùng - Nam Bộ, một nước Việt Nam và cả thế giới. Trong bộ sưu tập những tấm "Bản đồ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử", có thể kể đến những tấm bản đồ mà theo tìm hiểu của ông, có lẽ chúng được vẽ ra từ thời Lê Thánh Tông - thế kỷ thứ XV... rồi những tấm khác như Đại Việt - năm 1590, Đại Nam nhất thống toàn đồ - năm 1840, Nam An quốc đồ, Đại Việt trong vùng Đông Ấn, Đồng Khánh địa dư chí... Hầu hết những bản đồ này đều do người ngoại quốc (Anh, Pháp, Đức...) vẽ. Còn riêng bản đồ về Sài Gòn - Tp.HCM, ông hiện đã có hơn... 300 tấm. Ngoài ra, ông còn có 10 cuốn bản đồ Trung Quốc qua các thời đại.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cho biết, trong tổng số 3.000 tấm bản đồ mà ông lưu giữ, tấm to nhất có kích thước 1,3m x 3m. Tấm cổ nhất có niên đại từ thế kỷ thứ V do người Ai Cập vẽ khi đi thuyền buồm trên biển. Để có tấm bản đồ này, ông đã vào kho lưu trữ của Paris, phôtô thành nhiều mảnh rồi ghép lại.

Không kém phần giá trị đó là tập bản đồ "Bán đảo Đông Dương", gồm hơn 300 tấm do người Pháp vẽ năm 1909. Đó là những tấm bản đồ được in rất đẹp, có nếp gấp bằng vải và có thể gấp lại giống như một cuốn sách. Trong mỗi tấm đều có ghi cặn kẽ, chi tiết từng tên xóm, tên làng của tất cả các tỉnh của ba nước Đông Dương.

Ông nói, vốn là một nhà sử học nên việc sưu tầm lúc đầu chỉ nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu. Ông đã tận dụng tất cả mọi khả năng, mọi dịp may có được để sưu tập. Hầu hết bản đồ gốc đều là những bản vẽ đắt tiền, một nhà nghiên cứu với đồng lương ba cọc ba đồng làm sao có tiền mà mua? Cái khó ló cái khôn. Những giờ rảnh rỗi, ông hết tha thẩn trong các hiệu sách cũ của Sài Gòn, hoặc các khu chợ trời để tìm kiếm. Rồi mỗi khi có dịp xuất dương, ông lại tranh thủ vào các thư viện lớn ở nước ngoài để... tìm bản đồ. Lúc đầu người ta rất lấy làm lạ, nhưng rồi chính những vị thủ thư ngoại quốc khó tính, sau khi biết công việc mà ông theo đuổi, đã tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho ông phôtô, chụp lại các bản vẽ... Có người còn biếu tặng ông bản đồ họ có và mách ông những địa chỉ có thể có cái mà ông đang cần.

Một nhà sử học mê cổ vật

Từ mục đích ban đầu là sưu tầm nhằm phục vụ việc nghiên cứu, lần hồi, vô hình trung công việc sưu tập bản đồ cổ đã tạo cho ông một niềm đam mê thích thú. Ông khoe: “Có nhiều người lần đầu được cho xem những tấm bản đồ này, mới thốt lên ngạc nhiên mà biết rằng: “À, thì ra, không phải lúc nào hình dáng, diện tích đất đai của nước ta đều giống như nhau!”. Trải qua dòng thời gian, nhiều địa danh và ranh giới hành chính giữa các tỉnh, các vùng, các xã, các làng... không còn như trước nữa. Tôi có may mắn là người hiểu biết được những thay đổi đó, dù có khi, sự thay đổi đó là rất nhỏ. Qua từng niên đại, tôi nhận ra sự phát triển, sức sống của dân tộc ta”.

Sinh ra tại Hà Nội, vào Sài Gòn sinh sống từ năm 1956, năm nay đã trên 80 tuổi, nhưng lòng say mê sưu tầm và nghiên cứu sử học Việt Nam trong ông dường như không hề có tuổi. Sưu tầm bản đồ là thú vui của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu. Ông có thói quen  từ khá lâu cất giữ cẩn thận hàng ngàn tấm bản đồ này như báu vật, coi nó như một bảo tàng cá nhân. Để những lúc rảnh rỗi, ông lại giở chúng ra xem. Nhiều tấm còn được ông cho đóng khung treo ở các lối lên cầu thang, trên khắp các bức tường trong căn nhà nhỏ của mình, nhìn không khác gì những bức tranh đẹp mắt. Ông viện dẫn ví dụ cụ thể là ngay chính bản thân ông, khi xem trong những cái mà với nhiều người chỉ đơn thuần là “những tấm giấy”, ông không chỉ thấy được các đường biển, những sông, những núi, những ao, những hồ... "Xem bản đồ, ta còn có thể thấy được từng bước đi của người Việt cổ, hiểu được lối sống, tâm hồn, văn hóa của cha ông".

Bấy nhiêu năm bỏ công sưu tập, nên ông rất sành bản đồ. Sành đến nỗi, chỉ cần nhìn nét vẽ, tên các địa danh trong đó là ông có thể nói ngay được nó được vẽ ở thế kỷ nào, tỉ lệ ra sao, có những ưu điểm và hạn chế gì... Ông tiết lộ, những tấm bản đồ này cũng đã giúp cho ông rất nhiều trong việc viết sách, viết báo về lịch sử các vùng đất ở nước ta. Và một điều cần nói thêm, chính kho bản đồ này của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã từng cung cấp nhiều cơ sở pháp lý cho Bộ Ngoại giao ta trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.


(Theo CAND)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,