221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1311880
Những chiêu kinh doanh "độc" dịp Đại lễ
1
Article
null
Những chiêu kinh doanh 'độc' dịp Đại lễ
,

- Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ là dịp để vui chơi, thưởng hội, nhiều bạn trẻ còn tranh thủ thời gian này để kinh doanh.

>> Toàn cảnh Đại lễ 1.000 năm Thăng Long

Cơ hội không thể bỏ lỡ

Có mặt ở Bờ Hồ từ sáng sớm đến đêm khuya, thiếu ngủ nhưng trên khuôn mặt của Hoa và Thanh (CĐ Du lịch Hà Nội) vẫn rạng ngời niềm vui. Vui vì được hoà chung không khí náo nức của Đại lễ và vì công việc kinh doanh của hai bạn đang rất thuận lợi.

Thích kinh doanh và biết nắm bắt thời cơ, hai bạn trẻ đã quyết định chung vốn mua đồ lưu niệm về bán cho du khách. Mặt hàng kinh doanh của hai bạn là cờ, cờ dán và băng đô, mũ lưỡi trai in dòng chữ hướng về Đại lễ như "1.000 năm Thăng Long - Hà Nội", "I ♥ Hà Nội", "Tôi yêu Việt Nam"...

Mô tả ảnh.
Băng đô và cờ dán là mặt hàng kinh doanh chính của nhiều "ông buôn, bà buôn" trẻ tuổi

Hoa chia sẻ: "Chúng mình lên kế hoạch kinh doanh từ khi mới vào năm học mới cơ. Lúc đầu định mở một quán cóc bán nước uống và đồ ăn vặt. Nhưng khi nghe được thông tin cấm bán hàng rong ở trung tâm Đại lễ chúng mình chuyển hướng ngay. Mất mấy ngày dạo quanh phố cổ chúng mình mới tìm được những món đồ thay thế này".

Không lên kế hoạch kinh doanh từ trước như Hoa và Thanh, Trần Kiên (ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) quyết định xông vào cuộc khi thấy "dân tình" làm ăn được. "Học năm cuối bận, không định buôn bán gì dịp này cả nhưng đến đây thấy tấp nập nên "máu" kinh doanh của mình lại nổi lên. Trước mình cũng từng bán cờ và băng đô cổ vũ bóng đá ở sân Mỹ Đình nên đã có mối lấy hàng", Kiên chia sẻ.

Giá bán bình dân nên những phụ kiện này được giới trẻ rất ưa chuộng. Cờ dán có hai loại, hình trái tim và hình chữ nhật, giá bán là 5.000đ/đôi. Băng đô có giá bán dao động từ 5.000-10.000đ/chiếc, mũ lưỡi trai từ 25.000-40.000đ/chiếc tuỳ từng khách mặc cả.

Những phụ kiện này được bán nhiều ở phố Hàng Mã, Hàng Trống. Nhập theo giá bán buôn khá rẻ: băng đô 1.500đ/chiếc nếu lấy trên 100 chiếc, cờ dán là 10.000đ một tấm 30 chiếc.

Ngoài băng đô và cờ dán, Kiên còn nhập thêm áo phông in dòng chữ "I ♥ Hà Nội". Kiên thổ lộ: "Áo phông đắt hơn (100.000 - 120.000đ/chiếc) nên mình không dám nhập nhiều. Nhưng đã bán thì thường bán được mấy cái một lúc vì các bạn trẻ đi theo nhóm thích tậu làm đồng phục".

Kinh doanh phụ kiện là lựa chọn của nhiều người trẻ vì số vốn bỏ ra không lớn. Thêm vào đó người bán có thể cầm trên tay, dễ dàng di chuyển nên không chiếm dụng không gian bày bán.

Mô tả ảnh.
Áo phông in dòng chữ "I ♥ Hà Nội" được rất nhiều bạn trẻ yêu thích

Những bạn có năng khiếu về hội hoạ, thư pháp cũng nhanh chóng "ra quân" trong dịp này. Nhiều sinh viên chuyên ngành hội hoạ của trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tập trung ở Bờ Hồ để mở dịch vụ vẽ chân dung bằng bút chì. Với khoảng thời gian từ 10-15 phút hoàn thành một bức chân dung, người vẽ có thể kiếm được 30.000 - 50.000 đồng.

Chắc chắn là không lỗ

Đó là khẳng định của Kiên và nhiều người trẻ khác khi quyết định kinh doanh vào dịp Đại lễ. "Kinh doanh dịp lễ hội chắc chắn là không lỗ rồi. Dân du lịch thường chịu chi nên rất ít người mặc cả. Chỉ cần bán được khoảng 1/3 sản phẩm là có thể lấy lại được vốn", Kiên khẳng định.

Còn Trần Minh Tuấn (SN 1993, Lớp 12 THPT Hậu Lộc 4, Thanh Hoá) cùng mẹ bán băng đô và cờ dán ở Hoàn Kiếm không quan tâm nhiều đến chuyện tiền nong lỗ, lãi. Với Tuấn được ra Hà Nội vào dịp này là lãi lớn lắm rồi.
 
Tuấn hồ hởi: "Được nghỉ học mấy ngày nên em từ Thanh Hoá ra đây bán hàng phụ mẹ. Tiền lãi được bao nhiêu em không biết chứ được ngắm Hà Nội đẹp thế này là thích lắm rồi. Nghìn năm mới có một lần cơ mà, hội bạn em ở quê muốn ra cũng chẳng được".

Mục đích ban đầu khi kinh doanh ai cũng tính đến chuyện kiếm lời, nhưng khi bắt tay vào làm rồi nhiều bạn trẻ còn phát hiện ra có những cái được nhiều hơn cả tiền bạc. "Chạy đi chạy lại cả ngày mệt nhưng mà vui. Cứ mỗi lần có người nước ngoài dừng lại mua hàng là hai đứa lại tranh thủ học mót tiếng Anh. Có một ông người Ý nhờ mình dạy đọc chữ "Tôi yêu Hà Nội" bằng tiếng Việt. Tiếng lơ lớ của ông ấy vừa khiến mình buồn cười vừa thấy tự hào biết mấy. Người nước ngoài nói yêu Hà Nội, là người Việt ai mà không tự hào", Thanh bộc bạch.

Mô tả ảnh.
 Một bạn trẻ tên Nhung (SV năm thứ 4, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) đang kí hoạ chân dung bằng chì cho hai vị khách nước ngoài.

"Cả hai đứa đều chưa có người yêu, ở nhà vào những dịp lễ này cũng buồn. Ra đây đông vui từ chiều đến tối, hôm rồi còn được tận mắt thấy cụ rùa nổi nữa", Hoa nói thêm.

Đại lễ còn kéo dài thêm nhiều ngày nữa, các hình thức kinh doanh khác của người trẻ sẽ tiếp tục nở rộ. Kinh doanh luôn đi kèm với những rủi ro và thách thức nhưng là cơ hội tốt để các bạn trẻ thử sức và có thêm thu nhập.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,