,
221
1563
WTO từ A-Z
tuaz
/wto/tuaz/
217180
Hoàn thiện chính sách thuế trong quá trình hội nhập WTO
1
Article
1561
Đường vào WTO
wto
/wto/
,

Hoàn thiện chính sách thuế trong quá trình hội nhập WTO

Cập nhật lúc 12:15, Thứ Năm, 26/02/2004 (GMT+7)
,

Khó khăn lớn đầu tiên đối với hệ thống thuế của Việt Nam là phải xây dựng lộ trình cắt giảm thuế phù hợp với các nguyên tắc của WTO. Phải sử dụng thuế như một công cụ kích thích và điều tiết sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng cường sức cạnh tranh của các DN, góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực trạng chính sách thuế

 

Khai báo thuế ở Hải quan Tân Cảng.

Hệ thống chính sách thuế của Việt Nam mới được hình thành vào cuối những năm 80 cùng với việc chuyển đổi cơ chế của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế.

 

Mặc dù đã từng bước được cải cách và hoàn thiện vào những năm 1990-2000, nhưng hiện nay chính sách thuế vẫn còn nhiều vướng mắc cần tiếp tục cải cách, sửa đổi cho phù hợp với các nguyên tắc của WTO.

 

Một là, hệ thống chính sách thuế hiện nay vẫn còn phức tạp và thiếu tính ổn định, làm cho chi phí quản lý thu thuế lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả thu thuế, tạo điều kiện cho việc trốn thuế và bóp méo hệ thống thuế. Đồng thời, nó làm mất định hướng của nhà đầu tư, bóp méo sự lựa chọn của người sản xuất và vi phạm một nguyên tắc chung của thông lệ quốc tế là tính rõ ràng và có thể dự đoán trước của hệ thống chính sách thuế.

 

Việc thường xuyên thay đổi trong chính sách thuế, quy định không rõ ràng về phạm vi của các sắc thuế và trong một sắc thuế có quá nhiều thuế suất, nhiều chế độ ưu đãi, miễn giảm khác nhau đã cản trở quá trình hội nhập quốc tế trên các phương diện: khuyến khích xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

 

Hai là, việc quy định các sắc thuế thiếu tính rõ ràng, còn lẫn lộn trong chức năng của từng sắc thuế, thể hiện ở phạm vi của đối tượng chịu thuế, các mức thuế suất quá cao vì gặp nhiều loại thuế trong một sắc thuế. Ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài chức năng điều tiết tiêu dùng với một số mặt hàng đặc biệt còn đảm đương cả chức năng của thuế VAT, vì đối tượng chịu thuế VAT không áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, thuế suất cao của thuế tiêu thụ đặc biệt đã gồm thuế VAT.

 

Thuế tiêu thụ đặc biệt còn được sử dụng cho chức năng bảo hộ sản xuất trong nước, nên có sự phân biệt đối xử giữa một số mặt hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước (như ô tô, thuốc lá…) dẫn đến vi phạm nguyên tắc của WTO. Mặt khác, có một số mặt hàng tiêu dùng có tính chất xa xỉ lại không thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nên trong biểu thuế nhập khẩu đang được áp dụng mức thuế suất cao, tạo sự hiểu lầm của dư luận quốc tế về thuế nhập khẩu không phù hợp thông lệ quốc tế.

 

Ba là, hệ thống chính sách thuế được xây dựng để phục vụ nhiều mục tiêu trong từng sắc thuế, làm mất đi tính trung lập – một yếu tố dẫn tới hiệu quả trong phân bổ nguồn lực. Có nhiều mục tiêu trong chính sách thuế không thống nhất với nhau, do đó nếu đạt được mục tiêu này thì lại gây thiệt hại tới mục tiêu khác. Một số mặt hàng nhập khẩu như: phân bón, sắt xây dựng, kính xây dựng, đường… có thuế suất thuế nhập khẩu thấp vì là đầu vào của một số ngành sản xuất, nhưng biện pháp quản lý lại là bảo hộ phi thuế quan (hạn chế số lượng nhập khẩu), rõ ràng là vi phạm quy định của WTO. Một số mặt hàng thuế nhập khẩu quá cao sẽ kính thích sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu; đồng thời cũng sẽ chiếm mất nguồn vốn, lao động, công nghệ của những hoạt động sản xuất hàng hóa khác có hiệu quả cao hơn.

 

Việc kết hợp các mục tiêu của chính sách xã hội trong các sắc thuế xét về khía cạnh xã hội là tốt, tuy nhiên nó thực sự làm chính sách thuế trở nên phức tạp, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh, ảnh hưởng đến sự minh bạch của hệ thống thuế.

 

Bốn là, còn thiếu sự kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trong hệ thống chính sách thuế, giữa mục tiêu số thu cho ngân sách và mục tiêu kích thích sản xuất phát triển và điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua từng sắc thuế. Trong điều kiện mở cửa hội nhập và tích cực chuẩn bị để tham gia WTO,  hệ thống chính sách thuế phải được sửa đổi cho phù hợp với các nguyên tắc của tổ chức này, đồng thời phải đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng cường sức cạnh tranh cho các DN trong nước, đồng thời phải có sự bảo hộ hợp lý cho một số ngành then chốt trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

 

Và những giải pháp hoàn thiện

 

Từ 1/1/2003, Việt Nam đã tiến hành cắt giảm thuế một loạt các mặt hàng theo cam kết CEPT/AFTA.

Một là, để chủ động trong tiến trình hội nhập WTO, đảm bảo sự nhất quán trong các cam kết với các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế và các cam kết khi gia nhập WTO, cần phải hoạch định một phương án cam kết tổng thể, trọn gói tất cả các lĩnh vực (cho thương mại, dịch vụ, hàng hóa). Đó là cam kết về tiến trình sửa chữa các điểm chưa phù hợp với WTO trong chính sách; cam kết về mở cửa thị trường (ràng buộc về thuế quan, cam kết về các vấn đề trợ cấp, cam kết về các loại phí, cam kết về quản lý giá thành trong nước…). Trong đó, cam kết về thuế phải được xác định sau cùng khi đã có đầy đủ những cân nhắc, tính toán và dự kiến cho các cam kết khác, để đảm bảo rằng hàng rào thuế quan là hàng rào bảo hộ cuối cùng được phép cho các DN trong nước, theo đúng quy định của WTO. Các cam kết về thuế cần được tính toán để đảm bảo khi đưa ra đàm phán phải đạt được mục tiêu cuối cùng là sản xuất trong nước có thể đứng vững và phát triển khi thực hiện hội nhập WTO, mở cửa thị trường, tự do hóa thương mại.

 

Hai là, việc sửa đổi các quy định trong hệ thống chính sách thuế và trong từng sắc thuế theo quy định của WTO là một đòi hỏi bắt buộc. Tuy nhiên việc sửa đổi này phải được tiến hành một cách thận trọng trong một khoảng thời gian xác định để đảm bảo không gây hụt hẫng nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo điều kiện cho các DN có đủ thời gian chuẩn bị thích ứng với những thay đổi trong chính sách cũng như trong cạnh tranh. Việc sửa đổi này có thể cần thực hiện trong một thời kỳ quá độ từ 8 - 10 năm. Mặt khác, việc cải cách chính sách thuế cho công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ đòi hỏi một thời hạn dài hơn, thậm chí đến 2020, vì chính sách thuế này đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho một hệ thống chính sách có chức năng điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

 

 Khi gia nhập WTO, hàng rào thuế quan sẽ giảm một cách căn bản và theo đó tỷ lệ thuế xuất nhập khẩu và thuế gián thu trong cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ giảm mạnh; đồng thời thuế thu nhập và đặc biệt là thuế VAT sẽ trở thành hai sắc thuế chủ yếu. Tuy nhiên, về dài hạn khi Việt Nam đã trở thành một nước công nghiệp và đã thực hiện tự do hóa thương mại với ASEAN thì thuế thu nhập sẽ trở thành nguồn thu cơ bản từ thuế của NSNN, giống như thực tế hiện nay ở các quốc gia phát triển.

 

Ba là, việc xây dựng hoàn chỉnh chính sách thuế xuất nhập khẩu phải trên nguyên tắc khuyến khích xuất khẩu và bảo hộ có trọng điểm, có thời hạn một số ngành sản xuất trong nước. Thông qua hệ thống các mức thuế được xác định một cách khoa học, hợp lý và phù hợp với trình độ phát triển sản xuất, hệ thống chính sách thuế sẽ thực hiện vai trò khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ hữu hiệu và đúng hướng cho những ngành có lợi thế cạnh tranh, hay những ngành sản xuất mũi nhọn trong kế hoạch công nghiệp hóa đất nước.

 

Tuy nhiên, các mức độ ưu tiên hay bảo hộ phải xác định một cách cụ thể và phải có lịch trình giảm dần phù hợp với các cam kết WTO và các hiệp định khu vực và quốc tế mà chúng ta cam kết, nhằm tạo áp lực buộc các DN trong nước vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh gay gắt khi thực hiện mở cửa thị trường, tự do hóa thương mại, dịch vụ. Đồng thời cần thiết nghiên cứu và ban hành một số loại thuế mới nhằm bảo vệ thị trường nội địa và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh như: thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng…

 

Bốn là, cần xây dựng một chính sách thuế nội địa thống nhất cho tất cả các loại hình DN của mọi thành phần kinh tế không phân biệt DN trong nước hay DN có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó đòi hỏi phải rà soát, sửa đổi và hoàn chỉnh nội dung của hệ thống chính sách thuế, của từng sắc thuế: VAT, thuế thu nhập DN, thuế tiêu thụ đặc biệt, ban hành thuế thu nhập cá nhân thay thế cho thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, cần xác định rõ mục tiêu cơ bản cần đạt được của từng sắc thuế để có giải pháp thích hợp.

 

Đối với thuế VAT, cần đơn giản hóa thuế suất theo các nguyên tắc của WTO, đồng thời thực hiện điều chỉnh đối tượng chịu thuế với tất cả các hàng hóa dịch vụ (kể cả những hàng hóa là đối tượng thuế tiêu thụ đặc biệt), mở rộng đối tượng chịu thuế với hoạt động chuyển nhượng tài sản vô hình, mua bán bất động sản… Đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và những dịch vụ hoạt động kinh doanh khó thực hiện thu và quản lý bằng chính sách thuế VAT thì có thể nên áp dụng thu thuế doanh thu hoặc thuế bán hàng tính trên tỉ lệ % tổng doanh thu. Cần xem xét xóa bỏ những ưu đãi miễn giảm thuế VAT.

 

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, cần xóa bỏ phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc của WTO. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần được điều chỉnh dần cho thích hợp với các cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam với WTO. Tuy nhiên, một mặt cần điều chỉnh đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn phải tính thuế VAT; một mặt phải xem xét mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để làm cơ sở thực hiện nguyên tắc chỉ bảo hộ qua thuế quan.

 

Đối với thuế thu nhập DN cần duy trì một số thuế suất hợp lý, mang tính ổn định lâu dài với các qui định đơn giản, rõ ràng. Chính sách thuế thu nhập DN cần phải thể hiện nội dung của các hiệp định tránh đánh thuế trùng, các hiệp định của các tổ chức khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời phải hạn chế việc trốn tránh thuế của các công ty đa quốc gia, đặc biệt là vấn đề chuyển giá.

 

Thuế thu nhập cá nhân cần được sớm ban hành để thay thế cho thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài bằng việc thu ở khâu khác hợp lý hơn.

 

Thuế thu nhập cá nhân cần được sớm ban hành để thay thế cho thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và được áp dụng chung cho cả người Việt Nam và người nước ngoài để thực hiện các nguyên tắc của WTO. Cần hạ thấp và đơn giản hóa các mức thuế suất để đáp ứng các nguyên tắc của WTO và bảo đảm quản lý thu thuế; đồng thời, cần mở rộng diện đánh thuế cho cả thu nhập từ cổ tức, từ cho vay vốn, chuyển quyền sử dụng đất.

 

Cần rà soát lại tất cả các sắc thuế khác cũng như các loại phí và lệ phí có liên quan tới quá trình hội nhập. Những gì cần xây dựng thành luật thì nhanh chóng tiến hành xây dựng và ban hành luật, những vấn đề gì cần sửa đổi bổ sung cũng cần khẩn trương tiến hành, những loại thuế, phí không phù hợp cần xem xét để xóa bỏ.

 

Năm là, các biện pháp ưu tiên, ưu đãi, miễn giảm rất có ý nghĩa đối với việc khuyến khích đầu tư, thực hiện điều tiết vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, và thực hiện các chính sách xã hội, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Tuy nhiên, cần xác định thời hạn miễn giảm cụ thể, sau đó hạn chế và chuyển dần sang thực hiện các biện pháp khác để đảm bảo tính trung lập và vai trò phân bổ các nguồn lực của thuế, đảm bảo tính công bằng và đảm bảo các cam kết với WTO.

 

  • TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính
,

Tin khác

Tin khác của 'WTO từ A-Z'

,
,