,
221
1561
Đường vào WTO
wto
/wto/
873820
"Hậu WTO" và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ
1
Article
null
,

'Hậu WTO' và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Cập nhật lúc 08:25, Thứ Bảy, 09/12/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Cùng với dự báo về một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, đăng ký quốc tế quyền SHTT của các công ty kinh doanh ở Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng trong những năm tới.

Trong những năm đầu gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam sẽ là vấn đề có ảnh hưởng rõ nét nhất đến hoạt động kinh doanh, thương mại do những tác động trực tiếp từ các nguyên tắc, yêu cầu thực thi “luật” của WTO. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT trong khuôn khổ WTO (viết tắt là TRIPS) sẽ buộc VN phải đạt được hai chuẩn mực lớn về nội dung bảo hộ và hiệu lực thực thi.

Soạn: HA 979596 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bảo vệ bản quyền phần mềm đang là vấn đề nóng ở các nước (hình minh họa: www.concord.org)

Thực thi quyền SHTT trước khi gia nhập WTO

Câu chuyện đã được đặt ra từ những năm 1990, với các điều khoản về SHTT trong Bộ Luật Dân sự 1995 và khoảng trên 40 văn bản liên quan khác, cho đến năm 2005 khi Luật SHTT ra đời. Việc tham gia vào các các điều ước quốc tế song phương và đa phương đã tạo điều kiện để chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT. Hầu hết các đối tượng của quyền SHTT đã được điều chỉnh bởi pháp luật.

Về mặt hành pháp, Nhà nước đã bước đầu quy định cho ba cơ quan: Cục SHTT (Bộ Khoa học - Công nghệ) đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá - Thông tin) đăng ký xác lập quyền tác giả và các quyền liên quan; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đăng ký xác lập quyền đối với giống cây trồng mới.

Trên thực tiễn cũng hình thành ba cách thức thực thi quyền SHTT chính, đó là: (i) Biện pháp hành chính, qua một số cơ quan như Thanh tra Khoa học công nghệ, Thanh tra văn hoá thông tin, Công an; Quản lý thị trường; Hải quan... (ii) Biện pháp dân sự, khi người sở hữu có quyền khiếu nại hành chính hoặc khởi kiện, và (iii) Biện pháp hình sự.

Bộ Luật Hình sự 1999 đã đưa các tội danh xâm phạm quyền SHTT là căn cứ để các cơ quan tố tụng có thể điều tra, truy tố, xét xử. Luật SHTT 2006 đã mạnh tay hơn khi xác định biện pháp hình sự là một biện pháp răn đe chính.

Thực thi quyền SHTT sau khi gia nhập WTO: Có gì mới?

Gia nhập WTO, chúng ta sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về SHTT. Chắc chắn các quan hệ thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải tranh bị những kiến thức về pháp luật quốc tế. Lâu nay chúng ta vẫn quen chỉ sử dụng luật “nước mình”. Việc áp dụng chính xác luật, việc dẫn chiếu pháp luật, sử dụng thành thảo quy phạm xung đột pháp luật... là rất quan trọng đối với cả nhà nước và doanh nghiệp.

Hiện tại, cùng với Bộ Luật dân sự 2005, Luật SHTT 2006, Chính phủ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết về các quyền và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam như các Nghị định số 120/2005/NĐ-CP; 100/2006/NĐ-CP; 103/2006/NĐ-CP; 104/2006/NĐ-CP; 105/2006/NĐ-CP; 106/2006/NĐ-CP. Với các nghị định này, pháp luật SHTT nước ta đã tiệm cận dần đến các nguyên tắc và quy định của WTO, WIPO...

Về đối ngoại, chúng ta đã là thành viên của các Điều ước quan trọng như Công ước Paris, Thoả ước Madrid, Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, Hiệp ước hợp tác Patent, Công ước Berne về bản quyền... và đặc biệt là Hiệp định TRIPS.

Ngoài ra, các điều ước quốc tế đa phương và song phương liên quan đến việc khiếu nại, xét xử, trọng tài, thi hành bản án, quyết định, tương trợ tư pháp... giữa Việt Nam và các nước là những cơ sở quan trọng trong công tác thực thi quyền SHTT.

Khoa học công nghệ và các phương thức kinh doanh của thế giới thay đổi nhanh chóng hàng ngày, hàng giờ. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành quả khoa học, công nghệ giữa các quốc gia, khu vực cũng gia tăng nhanh chóng và hứa hẹn sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế. Các phương thức kinh doanh mới như nhượng quyền thương mại (franchising), bán hàng trực tuyến (sales online)... gắn chặt với quyền SHTT đã xuất hiện và có chiều hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới. Điều này cũng tất yếu kéo theo những mặt trái như sự gia tăng của tình trạnh xâm phạm bản quyền, vấn nạn hàng giả, ăn cắp bí mật, thông tin...

Trong một cuộc thống kê gần đây của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ thì riêng ở khu vực Châu Á, tỷ lệ xâm phạm bản quyền ở Trung Quốc là trên 90%, Indonesia là gần 90%, Thái Lan là gần 80%... Việt Nam cũng trên 80%. Riêng nạn xâm phạm bản quyền hàng năm đã làm tổn thất của Nhật Bản là 400 tỷ USD, Trung Quốc là hơn 550 tỷ USD, Thái Lan là gần 300 tỷ USD...

Vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực SHTT thì nhiều, trong khi đó, hiểu biết, kinh nghiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan thực thi quyền SHTT ở nước ta còn thấp. Chúng ta chưa có Toà án quyền SHTT, chưa có được các thẩm phán, công chức chuyên trách về các tội phạm, hành vi xâm phạm quyền SHTT... Do đó, cần phải có những thay đổi về lượng và chất của các cơ quan, cán bộ thực thi quyền SHTT trong những năm tới nhằm đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng đó.

Cuối cùng, nhận thức của chính cộng đồng doanh nghiệp đối với vấn đề SHTT nói chung, thực thi quyền SHTT nói riêng mặc dù đã được cải thiện nhưng còn thấp. Theo thống kê của Cục SHTT Việt Nam, số lượng doanh nghiệp Việt Nam nộp đơn xác lập các quyền SHTT chiếm tỷ lệ thấp so với doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ, cho đến hết năm 2005, đơn đăng ký sáng chế chỉ là 9,24%, giải pháp hữu ích là 60,13%, kiểu dáng công nghiệp là 84,32%, nhãn hiệu hàng hoá là 58,12%...Và số lượng văn bằng được cấp, sáng chế chỉ là 4,5%, giải pháp hữu ích là 60%, kiểu dáng là 86%, nhãn hiệu hàng hoá là 53%...

Trong khi đó, trên thế giới (ngay chính các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), người ta coi SHTT là một yếu tố quan trọng cấu thành giá trị hàng hoá, dịch vụ. Nhiều tập đoàn như CocaCola, IBM, Toytota... có giá cao trên thị trường chứng khoán vì thương hiệu chứ không phải là tài sản hữu hình.

Cùng với việc dự báo về một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, số lượng đơn đăng ký quốc tế các đối tượng của quyền SHTT của các tập đoàn, công ty muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng trong những năm tới. Vấn đề chính phải là cải thiện nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề SHTT, đặc biệt lưu ý đến việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền.

  • Bùi Thanh Lam  

Ý kiến của bạn đọc:

,

Tin khác

,
,