Nhà văn Võ Thị Hảo: Kiêu ngạo chẳng có gì là xấu
14:59' 29/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Việc nhà văn Võ Thị Hảo từ chối đưa tiểu thuyết “Giàn thiêu” vào cuộc toạ đàm do Hội văn học Hà Nội (NVHN) tổ chức cũng như từ chối tham dự giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn VN (2002-2004) không phải không có lý do. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với nhà văn Võ Thị Hảo.

Nhà văn Võ Thị Hảo

- Thưa nhà văn Võ Thị Hảo, tọa đàm tác phẩm văn học là một trong những công việc thường kỳ của Hội Nhà văn Hà Nội về các tác phẩm hay, lạ, độc đáo và được nhiều độc giả quan tâm. Tại sao chị lại từ chối cuộc tọa đàm này?

- Tôi cảm động về thiện ý của Hội Nhà văn Hà Nội dành cho. Nhưng tôi thấy gần đây Hội cũng đã quá bận bịu với nhiều cuộc hội thảo về những cuốn khác, và tôi không hào hứng khi “ Giàn thiêu “ được đưa ra hội thảo. Tôi nghĩ rằng mình có thể đến được với độc giả bằng những con đường khác, thế cũng đã may mắn lắm rồi.

Chị có ngại rằng sau việc này sẽ bị coi là ''kiêu ngạo'' và ''chơi trội''?

- Không, vì nếu được coi là kiêu ngạo và chơi trội thì cũng chẳng có gì là đáng xấu hổ. Trong nghề viết, chỉ có một điều đáng xấu hổ, đó là thiếu trung thực với chính mình và với bạn đọc, là leo lẻo nói và viết dối, là xui bạn đọc đi vào chỗ chết trong khi mình thì tìm cách “đục nước béo cò”. Tôi cố gắng không phạm điều này. Nếu ai đó nói rằng tôi kiêu ngạo và biết chơi trội, nghĩa là khen. Tôi mừng lắm đấy!

- Đối với cuộc thi tiểu thuyết thường niên của Hội Nhà văn VN ( 2002-2004), mảng đề tài lịch sử luôn được coi trọng. Đây có thể sẽ là một cơ hội tốt với cuốn “Giàn thiêu“ của chị? Lý do gì khiến chị rút lại trong khi chỉ còn mấy ngày nữa là hết thời hạn cuộc thi?

Tiểu thuyết Giàn thiêu

- Tôi là một con bò cắm mặt kéo cày trên mảnh ruộng của mình. Tôi chăm chú vào đường cày, không vì bất cứ cuộc thi nào hay vì bất kỳ ai. Tôi viết vì những khát vọng của chính mình. Tôi không quan tâm rằng cuộc thi tiểu thuyết nào đó bao giờ bắt đầu và bao giờ chấm dứt và mảng đề tài nào đang được coi trọng. Tôi chưa hề có ý định dự thi nên không từng rút lại trước thời hạn. Tôi chỉ biết có một buổi sáng, biên tập viên NXB Phụ nữ gọi cho tôi, nói rằng NXB định đưa “Giàn thiêu“ vào đề nghị dự xét giải của Hội Nhà văn và Ban tổ chức nói rằng phải được sự đồng ý của tác giả. Tôi đáp rằng, tôi cảm động rất nhiều về thiện ý và sự quan tâm của NXB Phụ nữ, nơi đã đỡ đầu “Giàn thiêu”, nhưng tôi không đồng ý tham dự cuộc thi hay xét giải đó. Chẳng qua là vì, tôi viết văn không theo tiêu chí của một ban giám khảo nào đó hay vì một cuộc thi nào đó.

Chị có nghĩ rằng mình từ chối như thế sẽ tạo ra một tiền lệ với chính những tác phẩm sau này của chị như “Dạ tiệc quỷ” chẳng hạn?

- Tôi tin rằng, nếu có sự công bằng thì không có tiền lệ. Những giám khảo chân chính, vì sự phát triển của một nền văn chương, sẽ luôn háo hức săn tìm những tác phẩm có giá trị thực sự, khao khát bồi đắp thương hiệu văn hóa cho đất nước. Không định kiến, không vì mất lòng, không vì sự luồn cúi, không vì bất cứ điều gì khác, ngoài tôn vinh sự chân chính và tài năng. Đó mới là một ban giám khảo thực sự chúng ta đang cần. Tôi đang có chân trong một ban giám khảo, và tôi nghĩ rằng trách nhiệm của tôi cùng mọi người trong ban đó là phải săn lùng cho được những tác phẩm hay để chúng tôi được vinh dự, được hân hạnh trao giải cho nó, chứ không phải là ngược lại. Nếu không làm được việc đó, tôi sẽ rất xấu hổ.

Với “ Dạ tiệc quỷ”, tôi cũng viết hết lòng, và để hết lòng, tôi không mưu cầu một giải thưởng. Cho đến giờ này, tôi chưa thể cả đóan về nó. Chỉ biết rằng, đó là một cuốn tiểu thuyết có số phận trắc trở.

Chị từng nói: “Nhân vật Đạo Hạnh trong chính sử và dã sử chỉ là “cái đinh” để tôi treo bức tranh của mình lên đó…”. Vậy chị sắp có bức tranh nào mới?

- Tôi vẫn còn tiếp tục đánh vật với “Dạ tiệc quỷ”. Bức tranh lập thể này đang được treo dần lên vài “cái đinh”. Chà, ai nói viết văn hạnh phúc, tôi thấy viết thật khổ. Có lúc tôi ngủ gật trên máy. Thật chẳng thơ mộng chút nào. Tôi thích đi chơi lêu têu hơn. Cái số giời đày thì phải viết vậy thôi. Và nếu không lười, nếu Hảo kiên trì hơn, Hảo khá hơn thế này, nếu giời cho bình yên, thì sau “Dạ tiệc quỷ” sẽ là một bức tranh khác, thuộc dòng “tiểu thuyết lịch sử”…

- Xin cám ơn chị.

  • Trần Mạnh Hào (thực hiện)
     
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Món ngon và người nổi tiếng (28/06/2004)
Tự lo tiền đi thi opera tại Mỹ (27/06/2004)
Hồ Tây - Mặt gương phản chiếu lịch sử (26/06/2004)
Sóng nhạc trở lại với một diện mạo mới (24/06/2004)
Anna Karenina "tái xuất" ở Việt Nam (22/06/2004)
Hòa nhạc hữu nghị Việt - Nhật tại Hà Nội (22/06/2004)
Ra mắt bộ Tổng tập báo chí Việt Nam (21/06/2004)
Phóng viên VietNamNet đoạt giải nhất! (21/06/2004)
Lẩu tươi giải nhiệt (20/06/2004)
Tác giả “Trò chuyện ở Hà Nội” qua đời (19/06/2004)
Một người Úc đoạt giải thưởng văn học Anh (19/06/2004)
Jessica Simpson - ngôi sao "hot" nhất (17/06/2004)
Mariah Carey "tranh thủ" viết sách cho trẻ em (16/06/2004)
''Eve’s Women'' sang Việt Nam biểu diễn (13/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang