NS Minh Thu: ''Giọt nước tràn ly, hớt lại cũng không đầy''
14:53' 03/02/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Tôi đã bị tổn thương quá nhiều trong chuyện tình cảm. Đến thời điểm này, sau gần 5 năm sống trong cảnh ''gà mái một mình nuôi con'' nhưng vẫn không có ý định tìm một người bạn nào khác để sẻ chia...'' - NS Minh Thu tâm sự.

Nghệ sĩ Minh Thu

Chị và anh Quốc Anh từng được xem là đôi vợ chồng nghệ sĩ lý tưởng, đồng nghiệp cùng nghề trước kia còn nói ''đó là  một cặp Quỳnh và Giao'' nhưng thật tiếc sau nhiều năm chung sống ''mỗi người lại chia mỗi ngả''. Một số người vẫn thắc mắc không biết lý do vì sao?

Nghệ sĩ Minh Thu: - Mặc dù những chuyện đời tư mà mình nói ra thì cũng không phải hay lắm nhưng bạn đã hỏi thì cũng chẳng giấu gì. Thực ra, chúng tôi chia tay nhau không phải vì cả hai đều quá bận rộn không dành thời gian cho nhau mà tất cả chỉ là tình cảm cá nhân thôi. Trước đây, cả tôi và Quốc Anh đều rất bận, đi diễn cùng nhau suốt, lại cùng một đoàn của Nhà hát chèo Việt Nam nên nắm lịch của nhau rõ lắm. Hồi đó, cuộc sống tuy nghèo nhưng rất gắn bó với nhau, được Nhà hát chèo Việt Nam phân cho mảnh đất từ năm 1994 nhưng mãi tới 1998 mới dám xây nhà.

Chị có nghĩ một ngày nào đó vết ''nứt'' xưa kia sẽ được hằn gắn lại hay không?

 Nghệ sĩ Minh Thu: - Bạn hỏi thế tôi thấy hơi khó trả lời? (cười). Thú thật với bạn để đi đến quyết định chia tay nhau có rất nhiều nguyên nhân. Chia tay là theo góc độ gia đình chứ còn trong công việc vẫn là một đôi bạn nghề. Bây giờ, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có những buổi đi diễn cùng nhau, gặp nhau vui vẻ bình thường nhưng để quay lại thì tôi nghĩ khó lắm. Tôi đã bị tổn thương quá nhiều trong chuyện tình cảm này. Không biết sau này, suy nghĩ dần dần có thay đổi gì không nhưng ở góc độ bây giờ thì không.

Công việc càng bộn bề, tất bật bao nhiêu thì hình như người phụ nữ lại càng cần một điểm ''tựa'', chị không nghĩ thế sao?

Nghệ sĩ Minh Thu: - Trước đây, mỗi khi đi diễn, lúc nào cũng có hai người, đèo nhau cùng đi đỡ vất vả hơn chứ. Bây giờ chỉ có một mình, có những hôm phải lọ mọ dậy từ 3 - 4h sáng để đến các điểm diễn cho kịp giờ. Nhiều khi nghĩ lại cũng thấy tiếc lắm. Nếu như có một người đàn ông nào đó đến với tôi thì có lẽ chỉ làm bạn để chia sẻ những lúc vui buồn thôi, chứ không có suy nghĩ lấy một ai khác nữa. Không bao giờ - đó là lời khẳng định đấy, tôi đã thề với mình như vậy rồi! Giọt nước tràn ly - hớt lại cũng không đầy.

Nghe nói chị mới tham gia biên tập và trình bày một số làn điệu chèo cổ trong đĩa ''Tưởng vọng xuân tình'' của Hồ Gươm Audio, xin chị nói qua về ấn phẩm chào Xuân Ất Dậu này?

Nghệ sĩ Minh Thu: - Đó là những bài chèo cổ đã rất nổi tiếng như: Đường trường vị thuỷ, Đường trường phải chiều, Con nhện giăng mùng, Tò vò, Ba mươi tết... trong đó có 1 số làn điệu chèo chưa được nhiều người biết đến như Sa lệch bằng chuyển cung Bắc. Là người biên tập nên trước khi làm đĩa này tôi muốn đưa một số làn điệu chèo mang tính chất bác học vào nhưng phía nhà sản xuất có ý kiến rằng: Nếu tính bác học quá đậm, sợ khán giả không tiếp thu được ở những phần họ chưa bao giờ nghe. Vì thế, tôi phải chọn lựa lại.

Các làn điệu trong bài ''Sa lệch bằng chuyển cung Bắc'' được giới trong nghề nhận xét là rất khó hát và đã 30 năm trôi qua hầu như không thấy nghệ sĩ nào thể hiện trên sân khấu chèo. Vậy, chị có gặp khó khăn gì khi tập lại những làn điệu đó cũng như trong quá trình thu âm? Cả các nhạc công nữa, có thể họ đã quên cách chơi?

Nghệ sĩ Minh Thu: - Về phần tôi thì không có vấn đề gì bởi lâu nay dù không diễn nhưng vẫn thường xuyên tập, nghe lại băng tư liệu gồm những làn điệu chèo cổ, trong đó có bài ''Sa lệch bằng chuyển cung Bắc'' mà các người thầy như nghệ nhân Minh Lý, Bùi Trọng Đang, Lệ Hiền, Diệu Hương đã dạy. Tuy thế, dàn nhạc thì đã quên nên mất một số buổi dạy và tập. Bởi các nhạc công trẻ chưa hề biết, chưa hề nghe những làn điệu đó. Phải thú thật là trước khi bắt tay thu âm, chúng tôi cũng định mời một số nghệ nhân nhưng họ bận biểu diễn ở nước ngoài nên phải mời các nhạc công trẻ.

Nghệ sĩ Minh Thu

Nhiều người nhận xét các vở chèo ngày càng có xu hướng bị ''kịch hoá'' nhiều hơn, chị nghĩ sao?

Nghệ sĩ Minh Thu: - Tôi cũng nghĩ như vậy. Thú thực, trong cuộc họp nào của Phòng nghệ thuật, những cán bộ của Nhà hát cũng đưa ra vấn đề này. Đây cũng là điều băn khoăn trăn trở của các nghệ sĩ thực sự tâm huyết với chèo. Nhưng cũng phải nói rằng, một phần do nhu cầu thiết yếu của cuộc sống buộc phải lấy ngắn nuôi dài nên phải có những vở thích ứng theo thị hiếu của khán giả. Chỉ buồn ở chỗ, những làn điệu chèo đôi khi bị người ta ''nắn điệu'' đi không còn là chèo nữa, mở đầu là chèo nhưng sau đó lại lái sang cái gì đó như cải lương chẳng hạn. Hiện nay, có những vở chèo mà giới trong nghề chúng tôi phải gọi là ''kịch cắm hát''. Gần đây, trừ những vở chèo cổ mà người ta củng cố lại, những vở mới hầu như không sử dụng chèo cổ, hát theo kiểu chèo cải biên. Chính nguyên nhân đó làm mai một, rơi rụng đi những kiến thức chèo truyền thống.

Ai cũng biết chị là cô con gái cưng của NSND Mạnh Tuấn, hẳn trước đây chị được ông cụ truyền đạt nhiều kinh nghiệm về cách hát chèo cổ?

Nghệ sĩ Minh Thu:- Có chứ. Bố tôi là một trong những nghệ nhân kỳ cựu trong làng chèo, cùng thế hệ với cụ Bùi Trọng Lang và cụ Chu Văn Thức. Chính ông là một trong những nghệ nhân đã đào tạo ra thế hệ học trò nổi tiếng như Xuân Hinh, Quốc Trượng. Trên thực tế, bố tôi không chuyên về những làn điệu trữ tình nên cụ chỉ dạy tôi những làn điệu chèo cổ mang tính hài hước. Cũng phải nói thật là rất ít khi tôi hát hề chèo bởi đó không phải sở trưởng chính. Nhưng khi nói đến những làn điệu chèo hát hề, hát lão thì tôi cũng nắm được bởi ngày trước có nhiều lần bố ''bẻ làn nắn điệu'' cho con gái tập rồi mà.

Mọi người vẫn nói gia đình chị là tuýp mẫu 'Cha truyền con nối''. Câu nói này sẽ được kế tiếp giữa chị với cô con gái duy nhất của mình chứ?

Nghệ sĩ Minh Thu:- Không. Hồi nhỏ Hạnh Quyên, cô con gái duy nhất của tôi học văn hoá rất giỏi và có năng khiếu bộ môn ngoại ngữ nên cũng định hướng cho cháu sang một lĩnh vực khác để thay đổi bởi cả gia đình tôi ai lớn lên cũng ''chui đầu vào nghệ thuật'' rồi. Nhưng dường như hướng nghiệp nó lại là nghiệp chướng ý. Khi nằm trong bụng mẹ, Hạnh Quyên đã được nghe chèo nên cũng biết các làn điệu chèo, nhưng không yêu, lại thích dòng nhạc nhẹ. Khi cháu chuẩn bị thi vào trường CĐ VHNT-QĐ, tôi khuyên thế nào cháu cũng không nghe và nói: ''Mẹ cứ để con thi, nếu không được thì con sẽ xác định thật rõ ràng và học văn hoá thật giỏi''. Không ngờ nó trúng và được các thầy cô khen nữa chứ. Cuối cùng, cháu vẫn theo nghệ thuật đấy, bây giờ hát nhạc Tây và nhạc trẻ. Nhưng tôi cũng vui vì cháu vẫn biết nhiều làn điệu chèo. Nhiều khi ở nhà mẹ nghêu ngao hát, con cũng hát theo.

  • Sơn Hà (thực hiện)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sắp Tết hỏi chuyện Hồng Nhung (02/02/2005)
Minh Quân và đêm nhạc ''Tình yêu muôn màu'' (02/02/2005)
Đi tìm phong cách mới: Thách thức của các ca sĩ (28/01/2005)
Nhạc phim Việt Nam giành lại thị phần? (28/01/2005)
Ra mắt album "Đảng cho ta cả một mùa xuân" (28/01/2005)
Ca sĩ lưu diễn nước ngoài: Được & mất (27/01/2005)
Ca sĩ Mỹ Linh: Tôi hát vì nạn nhân sóng thần (26/01/2005)
Journey và chuyến viễn du tới Đại lộ Danh vọng (23/01/2005)
Phó Đức Phương: Nhạc sĩ sang trọng và giám đốc "bần hàn"? (23/01/2005)
Thanh Lam ăn Tết với ai? (22/01/2005)
Đêm ca nhạc thời trang Khúc giao mùa (22/01/2005)
''Thầy dởm'' sẽ... cháy chợ? (21/01/2005)
Kết quả Tiền giải Cống Hiến của báo TT&VH (21/01/2005)
Thêm nhiều anh tài cho Grammy Hall of Fame 2005 (21/01/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang