221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1226495
Không được áp đặt "những yếu tố bên ngoài" vào lễ hội
1
Article
null
Lễ hội Lảnh Giang:
Không được áp đặt 'những yếu tố bên ngoài' vào lễ hội
,

- Kinh nghiệm nhiều năm qua ở nước ta cho thấy những gì áp đặt từ bên ngoài vào các sinh hoạt văn hóa ở làng xã, cộng đồng trước sau rồi cũng sẽ bị đẩy ra ngoài... - PGS-TS Nguyễn Văn Huy.

Mô tả ảnh.
Yếu tố lạ trong lễ hội đền Lảnh Giang.

Trong lễ hội đền Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam), Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thử nghiệm việc đưa nghệ thuật đương đại vào diễn xướng tái hiện huyền tích các vị thánh được thờ ở đền, và diễn xướng hầu thánh. PGS đánh giá thế nào về thử nghiệm này?

- Tôi có đọc trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng những ngày gần đây nói về lễ hội đền Lảnh Giang. Càng xem càng thấy ngỡ ngàng. Gọi thế nào được nhỉ: một cuộc cách mạng trong lễ hội ư? Thật quá mạnh dạn, quá mới ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Tâm điểm ở đây là vấn đề đưa nghệ thuật đương đại với những dàn múa được các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp – đạo diễn dàn dựng, với những nhân vật thần thánh hay những người hầu dâng được các họa sĩ đương đại vẽ lên thân thể những thanh niên tình nguyện trong làng, vào các hoạt động tâm linh, vào nghi lễ hầu đồng như một phần của lễ hội.

Tất cả những ý tưởng này đều xuất phát từ một nhóm các nhà nghiên cứu - đạo diễn. Đó là nguyện vọng từ bên ngoài cộng đồng là chủ thể của những nghi lễ này. Tôi có cảm tưởng nghệ thuật đương đại kiểu này, nghệ thuật vẽ lên thân thể như đã làm là hoàn toàn du nhập từ bên ngoài vào, nó rất hiện đại, rất Âu-Mỹ nhưng không thể thích hợp được khi kết hợp trong những nghi lễ mang tính tâm linh, thực hành tín ngưỡng dân gian.

Người Việt xưa có tục xăm mình, cũng vẽ hình giao long lên người nhưng chắc không vẽ kiểu này. Người dân có thể hồ hởi ban đầu vì sự hiếu kỳ, vì sự mới lạ. Nhưng cần suy ngẫm cho kỹ. Xét về phương diện bảo tồn văn hóa phi vật thể, tôi quan tâm và trân trọng nhiều hơn những gì tự cộng đồng sáng tạo, những cái mới được nảy sinh từ nhu cầu thực chất của cộng đồng và phù hợp với điều kiện vật chất và tinh thần của cộng đồng.

TS Bùi Quang Thắng (Tổng đạo diễn chương trình) đã lý giải về thử nghiệm này rằng: "Muốn mỗi lễ hội có bản sắc riêng của mình, mỗi thời đại phải có sự bổ sung, sáng tạo thêm. Có những cái đời trước chưa làm (bởi những giới hạn về kinh tế, công nghệ…) thì đời sau có thể bổ sung thêm. Đây là xu hướng mới của các nước phát triển trên thế giới trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá". Ông có đồng tình với TS Thắng không? Liệu đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội có phải là sự bổ sung, sáng tạo để bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống?

- Tôi nghĩ về một loạt câu hỏi rất quan trọng cần phải trả lời là bản sắc của mỗi lễ hội là của ai và do ai sáng tạo ra? Người ta có cần cố tạo ra bản sắc không hay cái quan trọng hơn là nội dung của các hoạt động lễ hội. Chính từ nội dung sẽ cho người ta biết và hiểu về bản sắc. Hình như chúng ta nói quá nhiều và quá nhấn mạnh đến bản sắc mà ít chú ý đến cái chính là nội dung của các hoạt động lễ hội.

Có lẽ chúng ta đều nhất trí với nhau là các giá trị văn hóa không phải bất biến mà luôn luôn biến đổi, thay đổi theo những điều kiện kinh tế-xã hội ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau. Điều quan trọng là xem xét những sự thay đổi đó xuất phát từ nhu cầu nội tại của các chủ thể văn hóa, có vậy nó mới hài hòa, mới sống lâu bền được.

Kinh nghiệm nhiều năm qua ở nước ta cho thấy những gì áp đặt từ bên ngoài vào các sinh hoạt văn hóa ở làng xã, cộng đồng trước sau rồi cũng sẽ bị đẩy ra ngoài. Cho nên mọi sự bổ sung, sáng tạo nhất là với các hội làng truyền thống, với các hoạt động tâm linh dứt khoát không được áp đặt từ bên ngoài. Theo tôi hiểu nguyên tắc đầu tiên trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể là tôn trọng những gì chủ thể văn hóa nắm giữ chứ không phải là sáng tạo ra những giá trị mới, nhất là không xuất phát từ nhu cầu nội tại của họ.

Theo tôi việc đưa nghệ thuật đương đại vào hội làng, vào các hoạt động tâm linh cần được nghiên cứu thận trọng và có ý tưởng rõ ràng (làm ở đâu, làm đến đâu, làm đến mức độ nào và làm như thế nào). Không nên lồng ghép mà cần tách lễ hội và hoạt động tâm linh ra khỏi nghệ thuật đương đại để giữ lấy tính thiêng của tín ngưỡng. Nghệ thuật đương đại là một lĩnh vực hoạt động nghệ thuật độc lập, nó có thể lấy ý tưởng từ lễ hội hay bất cứ hoạt động tâm linh nào khác làm nền tảng cho nội dung tư tưởng hay hình thức chuyển tải của mình.

Nó cần được biểu diễn độc lập như trên các sàn diễn nếu như cộng đồng có nhu cầu, nhưng tuyệt nhiên không nên lồng ghép các hoạt động này vào với lễ hầu đồng, một hoạt động tín ngưỡng thuần túy với ý tưởng là tạo nên bản sắc mới cho lễ hội hay coi đó là xu thế mới trong việc bảo tồn các di sản văn hóa.

Viện Văn hóa nghệ thuật VN khẳng định chỉ "làm mẫu" lễ hội trong năm nay, còn từ năm sau sẽ để người dân lặp lại đúng theo mô hình này (để lại các video clip, chỉ chỗ thuê trang phục...). Nếu những người dân - chủ nhân của lễ hội cảm thấy "hào hứng" với thử nghiệm được các nhà hoạt động văn hóa chuyên nghiệp "áp đặt" cho họ thì đây có phải tín hiệu tốt không? Ta có nên phát huy cách làm này cho các lễ hội khác không?

Mô tả ảnh.
Nụ cười của một bác nông dân sau khi trở thành "tác phẩm"

- Chúng ta phải rất cảnh giác với sự “hào hứng” như  vậy vì có nhiều kiểu “hào hứng” với những nguyên nhân rất khác nhau. Người ta rất dễ háo hức với cái mới như “gà đua tiếng gáy”. Chẳng hạn như từ chương trình “làng vui chơi, làng ca hát” trên VTV với các kiểu thi đố khác nhau về văn hóa như gói bánh chưng thi, giã gạo thi, đan thi, nặn gốm thi… đã trở thành một nét văn hóa đương đại trong các ngày hội văn hóa ở nông thôn khắp từ nam đến bắc mà tôi cho là một sự đón nhận cần phải xem lại, vì nó cào bằng văn hóa, làm mất đi những nét riêng biệt của mỗi ngày hội. Nó như một sự “áp đặt” qua phương tiện truyền thông.

Một sự “hào hứng” cũng có tính áp đặt khác được nhìn thấy ở hội Đền Trần Thương trong tương lai. Trên web của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam có viết “Để chuẩn bị cho lễ hội này, TS Thắng cất công tìm được 10 người có khả năng xiên lình và một người đi được trên lưỡi cày nung đỏ. "Đền Trần Thương phải đồng ý đưa những màn trình diễn hầu thánh này vào tôi mới đồng ý làm. Có như thế mới có khách du lịch, mới có hương khói cho các ông" v.v.. Những điều kiện kiểu như thế này sẽ làm mất đi tính dân dã, dân chủ của các hội làng, không còn tính sáng tạo của các chủ thể văn hóa nữa.  

Vì là “thử nghiệm” nên chúng ta cần thời gian để chờ xem phản ứng của xã hội, của cộng đồng như thế nào. Chúng ta cũng cần đánh giá một số thử nghiệm khác của viện này đã làm mấy năm qua xem hiệu quả đến đâu, được cái gì và chưa được cái gì. Đặc biệt cần phân biệt, không nên lẫn lộn, hòa đồng giữa sân khấu hóa biểu diễn và các hoạt động thuần túy tâm linh. Đó là vấn đề lý thuyết cần phải giải quyết hết sức rõ ràng nhưng chắc không phải dễ thống nhất giữa các nhà khoa học và văn hóa trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể với một quá trình khác là hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

  • Khánh Linh
    Ảnh: Macli
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));