221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1309452
Chuyện nghề mò xác chết
0
Article
null
Chuyện nghề mò xác chết
,

Đại đa số công chúng Trung Quốc không mấy thiện cảm với những thợ mò xác chết trên sông nước, nhưng đây quả thực là một ngành nghề đang phát triển ở nước này.

TIN BÀI NỔI BẬT

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Cui Jie, 62 tuổi, đã làm nghề vớt thi thể người chết đuối ở Bắc Kinh được 10 năm. Nhưng ông cảm thấy nghề của mình đã bị những kẻ trục lợi làm cho mang tiếng xấu.

"Không giống họ, tôi làm điều này hầu như vì lợi ích cộng đồng", ông Cui nói. Ông lên tiếng chỉ trích các ngư dân ở Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, những người đã đòi 12.000 Nhân dân tệ (2.000 USD) cho mỗi thi thể mà họ vớt được sau khi 3 sinh viên đại học chết đuối trong lúc cố cứu các em nhỏ vào ngày 24/10/2009.

"Đây là sự quảng bá vô cùng tệ hại khi họ trục lợi từ những người đã dũng cảm hy sinh", ông Cui phát biểu.

Wang Shouhai (áo trắng) đang kéo một thi thể trong bức ảnh đạt giải Ống kính vàng nhan đề
Wang Shouhai (áo trắng) đang kéo một thi thể trong bức ảnh đạt giải Ống kính vàng nhan đề "Giữ xác đòi tiền" gây chỉ trích mạnh mẽ. (Ảnh: IC)

Trong một bức ảnh nổi tiếng có liên quan đến vụ việc này, Wang Shouhai, 72 tuổi, trông như đang mặc cả giá trong khi kéo mạnh một nửa xác người khỏi mặt nước sông Dương Tử. Ông Wang khăng khăng rằng bức ảnh đạt giải Ống kính vàng hồi tháng 8 vừa qua đã xuyên tạc hành động của ông.

Gần đây, tính xác thực của bức ảnh lại bị hoài nghi, làm hé lộ nhiều chi tiết về một ngành nghề đang phát triển nhưng ít được biết đến tại các vùng sông nước nguy hiểm của Trung Quốc.

Chen Bo, ông chủ của thợ mò xác Wang và là người đứng đầu một công ty trục vớt bị đồn thổi có xã hội đen bảo kê, đã bị bắt giam 15 ngày và bị buộc nộp phạt 1.000 Nhân dân tệ vì tống tiền các giáo viên và sinh viên đã cầu cứu ông ta giúp đỡ. Sau khi nhận ra các sinh viên đã hy sinh tính mạng để cứu những người khác, ông ta đã trả lại 26.300 NDT. Tuy nhiên, ông ta tiếp tục duy trì công việc kinh doanh ở khu vực Baotahe, nơi thác ghềnh và các dòng chảy siết vẫn cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Những người liên quan đến vụ việc đều kể chuyện theo cách riêng của họ, nhưng đâu là sự thật?

Dịch vụ công?

Ông Cui bắt đầu làm nghề mò xác sau khi mở một câu lạc bộ lặn vào năm 1994. Ông cũng cộng tác với những nhà quay phim nổi tiếng trong các cảnh quay và giải cứu dưới nước.

Từng tốt nghiệp chuyên ngành y khoa, ông Cui không e sợ việc tiếp xúc với những tử thi ngâm nước. "Nó giống như việc đụng chạm một chiếc ghế và khi đêm xuống, tôi khó có thể trông thấy nó nữa", ông Cui giải thích. Với thù lao khoảng 5.000 NDT cho một thi thể trục vớt được, ông Cui cho rằng nghề "săn" xác người là hoạt động vì cộng đồng nhiều hơn là việc làm thu lợi nhuận.

Theo ông Cui, hai bên có thể thỏa thuận giá cả và nó phụ thuộc vào việc gia đình nạn nhân có thể chi trả đến đâu. "Chúng tôi chắc chắn sẽ vớt xác nạn nhân lên ngay khi chúng tôi tới hiện trường", ông Cui quả quyết. Ông đã mò được 17 tử thi tại các vùng sông nước ở Bắc Kinh trong hai tháng qua.

So sánh với những đồng nghiệp tham lam, ông Cui nói mình là một người có nguyên tắc. "Tôi biết cần tiến xa đến đâu và khi nào nên dừng lại", chuyên gia mò xác thổ lộ. Ông kể đã không được trả công cho việc vớt xác một phụ nữ tự tử vào ngày 20/8 dù cảnh sát đã hứa với ông điều đó.

"Tôi không quan tâm nhiều đến điều đó vì tôi phải giúp họ duy trì trật tự khi một đám đông lớn tụ tập ở hiện trường", ông Cui nói. Đó cũng không phải là thời điểm phù hợp để hỏi người thân của cô gái xấu số về tiền thù lao vì họ đang bị sốc và đau khổ tột cùng.

Bóp nặn các gia đình nạn nhân

Mặc dù đã mò xác người suốt nhiều năm, ông Cui tỏ ra không thích nghề này. Do thiếu những thợ lặn chuyên nghiệp, Sở Công an Bắc Kinh đã thuê các câu lạc bộ lặn vớt những tử thi dưới nước từ năm 2004.

"Nó giống như một đống rác họ vứt trên đường để chúng tôi phải xử lý. Mặc dù chúng tôi được thuê để dọn sạch nó nhưng rác mới tới từ các cống xả tiếp tục làm ô nhiễm môi trường", ông Cui cho biết và đổ lỗi cho nhà chức trách đã lơ là trọng trách của họ.

Ông Cui nhớ lại một ngày hè năm 2006, khi thi thể của chàng trai  bị chết đuối Chen Mansheng, 26 tuổi bị bỏ mất tích trong vùng nước có hào bao quanh ở gần sông Longtan, phía nam Bắc Kinh do em trai không thể trả nổi phí 20.000 NDT cho những người thợ lặn thuộc một câu lạc bộ nổi tiếng.

Cảnh sát cũng nói giá cả do câu lạc bộ quyết định và việc tìm kiếm xác dưới làn nước chảy siết trong một khu vực rộng lớn là công việc rất khó khăn. Trang thiết bị lặn được sử dụng cũng khá đắt.

Tuy nhiên, theo ông Cui, "Câu lạc bộ lặn đó đang bóp nặn tiền gia đình nạn nhân một cách đáng xấu hổ, vì họ nghĩ họ đang kinh doanh. Họ thậm chí tin rằng các quỹ từ thiện sẽ phải chi trả cho việc đó nếu gia đình nạn nhân không thể". Ông Cui cho rằng chính quyền cần phải kiểm soát nghề này do thị trường chợ đen ngày càng trở nên rối loạn hơn.

Đổi xác lấy tiền

Hồi tháng 7 vừa qua, Zhang Feng, phó lãnh đạo Hội đồng nhân dân thành phố Bắc Kinh đã đề xuất chuyển hoạt động trục vớt này thành dịch vụ công và kêu gọi sự điều phối của thị trường.

"Hám lợi, một số công ty hoặc cá nhân không đủ tiêu chuẩn đã đi quá xa. Họ không có nguyên tắc xử thế chuyên nghiệp, lợi dụng những gia đình cần sự giúp đỡ và đẩy giá lên cao", ông Zhang cho hay.

Tuy nhiên, vẫn có những định kiến và sự kỳ thị của xã hội đối với các thợ lặn. Họ thường bị công chúng bêu xấu vì không giải cứu những người đang gặp nguy hiểm chết người và kiếm tiền từ người chết. Theo thợ lặn Cui, họ không nên bị đổ lỗi. Thực tế, việc chết đuối diễn ra rất nhanh, chỉ trong khoảng 2 - 3 phút trong nước ngọt và 6-8 phút trong nước mặn.

"Công việc của họ là tìm ’các vật thể’ có thể phá vỡ trật tự xã hội, gây sự hoảng sợ cho công chúng và làm ô nhiễm nguồn nước tự nhiên. Cứu sống không phải là mối quan tâm của họ", ông Zhang nhấn mạnh.

Ma, người từ chối cung cấp họ tên đầy đủ, là một huấn luyện viên lặn 33 tuổi từ Côn Minh, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Anh kể đã tham gia mò vớt xác người nhiều lần theo đề nghị hỗ trợ hoạt động lặn chuyên nghiệp của chính quyền địa phương. "Tôi chẳng đòi một xu. Việc đó hoàn toàn tự nguyện", anh Ma quả quyết. Những người như anh cũng giúp các hoạt động giải cứu ở sông và các hồ chứa nước.

Theo anh Ma, hầu hết các nạn nhân là những người đi bơi bị chết đuối ở hồ chứa nước, sông và suối. Một số người thiệt mạng trong những chiếc xe ôtô bị chìm sau tai nạn.

Trong bộ đồ lặn, Cui Jie đang đưa một xác nạn nhân xấu số lên khỏi mặt nước ở Bắc Kinh tháng 3/2006. (Ảnh: Global Times)
Trong bộ đồ lặn, Cui Jie đang đưa một xác nạn nhân xấu số lên khỏi mặt nước ở Bắc Kinh tháng 3/2006. (Ảnh: Global Times)

Đối với những kẻ trục lợi, anh Ma bình luận: "Những người này không hề có đạo đức". Anh nói thêm rằng, những người này không có giấy phép kinh doanh có hiệu lực, sự công nhận và chứng chỉ lặn quốc tế.

Việc mò vớt xác một nhân vật quan trọng, ví dụ như người đứng đầu một công ty, có thể mất phí tới 250.000 NDT. Số trang thiết bị được sử dụng trong cuộc tìm kiếm cũng làm tăng giá công.

"Thông thường, lính cứu hỏa được cử tham gia cuộc giải cứu chung nhưng họ không có khả năng hoạt dộng dưới nước. Nếu những kẻ tội phạm bị cáo buộc này tiếp tục công việc, điều đó chỉ cho thấy chính quyền địa phương tham nhũng", anh Ma nhận định về trường hợp ở Kinh Châu.

Sinh viên bị lừa gạt?

Trong khi đó, một số nghi can trong vụ ở Kinh Châu thậm chí còn bẩn thỉu hơn. Một cư dân giấu tên ở Kinh Châu tuyên bố trên trang tianya.cn rằng, các ngư dân đã thông đồng với những đứa trẻ suýt bị chết đuối, lừa các sinh viên và kiếm tiền từ thi thể của họ.

Zhang Yi, người chụp các bức ảnh, cho rằng suy đoán trên "hoàn toàn vô lý" và anh từ chối bình luận thêm. Zhang nói, sự chú ý của công chúng đã làm tổn hại nghiêm trọng cuộc sống của anh. Do bị các ngư dân dọa giết, anh phải rời bỏ quê hương và tìm một công việc ở tỉnh Hồ Nam lân cận.

"Tình hình vẫn chưa thay đổi", anh Zhang phát biểu trên Nhật báo Quảng Châu. "Chỉ cách đây vài ngày, cha mẹ của những đứa trẻ chết đuối đã phải đợi xác con họ nổi lên sau 3 ngày vì không thể trả khoản thù lao 12.000 NDT cho các thợ mò tử thi".

Anh Zhang nghi ngờ vấn đề này bắt nguồn từ hoạt động kém hiệu quả của cơ quan chức năng. Anh đề nghị nhà chức trách ra các quy định đối với hoạt động tìm kiếm xác người nhằm chấm dứt việc trục lợi và những lợi ích kèm theo đó.

Liên kết các thợ mò xác

Zhou Yu, đạo diễn một bộ phim tài liệu về các thợ mò xác ở Hoàng Hà từng theo chân những người trong nghề suốt một tháng, bày tỏ mong muốn chính quyền đứng ra quản lý ngành công nghiệp này và đưa ra các quy định cụ thể.

"Đây là một vùng xám thiếu sự giám sát từ bất cứ ban ngành liên quan nào. Cách tốt nhất là để chính quyền kiểm soát và thiết lập một cơ quan đặc biệt chuyên trách việc mò tìm tử thi", ông Zhou nhấn mạnh.

Thực tế, một số một số chính quyền địa phương đã cân nhắc việc thành lập một cơ quan điều phối, nhưng phần lớn trong số họ đã từ bỏ ý định này sau khi xem xét những khó khăn tiềm tàng về vấn đề nhân sự và tài chính.

"Vấn đề này liên quan đến nhiều cơ quan và cũng khó để giải quyết. Vì vậy, chúng tôi không thể thành lập một tổ chức để quản lý hoạt động mò xác", Guan Haobo, lãnh đạo Cục đánh bắt thuộc Sở Thủy sản Trịnh Châu, phát biểu trên báo Tin tức Bắc Kinh. Quan chức này đề xuất các ngư dân nên thiết lập một tổ chức phi chính phủ (NGO) để tự điều tiết hoạt động.

"Việc thiết lập một tổ chức NGO như vậy là một ý tưởng rất tốt. Nó có thể khuyến khích các ngư dân tham gia cuộc tìm kiếm và cũng đặt ra mức giá tiêu chuẩn cho hoạt động này", ông Guan nói.

Trong khi đó, một số thợ mò xác bày tỏ sự sẵn sàng trở thành một công chức. "Tôi ước chính quyền có thể thuê và trả cho chúng tôi một mức lương tháng hợp lý", một ngư dân ở tỉnh Hồ Bắc thổ lộ.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng có thể giúp hỗ trợ trang thiết bị cho việc tìm kiếm, ví dụ như móc câu, dây thừng và các chi phí đi lại. Nếu điều này thành hiện thực, người thợ mò xác nọ thề rằng: "Chúng tôi sẽ chẳng lấy một xu của gia đình người chết’.

Chen Tao, một luật sư ở Bắc Kinh, cũng chia sẻ quan điểm rằng đã đến lúc chính quyền vào cuộc kiểm soát thị trường và ấn định giá cho ngành công nghiệp mò xác. Ông nói: "Rốt cuộc, đây là một đòi hỏi từ công chúng".

Dẫu vậy, theo một tờ báo ở Nam Kinh, các quan chức thuộc sở cảnh sát và sở thủy sản tại các địa phương thừa nhận, ngư dân rất thành thạo trong việc mò xác và nhà chức trách thường phải nhờ đến sự giúp đỡ của họ khi tình hình dưới nước phức tạp.

"Các ngư dân quen thuộc với sông nước hơn và rất thành thạo ngụp lặn, vì vậy chúng tôi cảm thấy an tâm khi để họ tìm kiếm các thi thể", một quan chức giấu tên tiết lộ.

  • Thanh Bình (Theo Sina)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
Rợn người xem những ly cocktail cho lễ Halloween
Rợn người xem những ly cocktail cho lễ Halloween

Các nghệ nhân đã chế ra những loại cocktail đặc biệt, với tạo hình rùng rợn chỉ dành riêng cho lễ hội ma Halloween.

Xem thi múa cột toàn nước Mỹ
Xem thi múa cột toàn nước Mỹ

Múa cột có thể bị kết tội là xấu nhưng tại cuộc thi Vô địch múa cột hàng năm toàn nước Mỹ lần thứ nhất, đó là môn thể thao về sức mạnh, nhanh nhẹn và mềm dẻo.

Chiêm ngưỡng ngày hội ma tại Hollywood
Chiêm ngưỡng ngày hội ma tại Hollywood

Từ hóa trang tới đục bí ngô, các sao Hollywood đã tìm được một cách để đắm mình trong tinh thần ngày lễ Halloween.

Kỳ lạ đá biết “đẻ trứng”
Kỳ lạ đá biết “đẻ trứng”

Khu tự trị dân tộc Miêu (Trung Quốc) có một nơi mà cảnh quan cực kỳ độc đáo đó là những hòn đá biết “đẻ trứng”.

,
,
,