221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1250001
Obama - một người Mỹ trầm lặng
1
Article
null
Obama - một người Mỹ trầm lặng
,

Có phải Obama có một chiến lược và thuật ngoại giao khôn khéo, hay chỉ là sự ngờ nghệch và yếu kém?

 

Ảnh: The Economist

Rốt cuộc, Barack Obama dường như đã bắt đầu quyết tâm hơn. Sau những tháng dằn vặt, ông đã thông báo sẽ tăng viện quân Mỹ tới Afghanistan. Hơn nữa, dù rất ít đề cập đến tình trạng biến đổi khí hậu kể từ khi ông nhậm chức, ông đã nói với thế giới rằng ông sẽ tham dự hội nghị quốc tế ở Copenhagen cùng với một lời hứa nước công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới sẽ cắt giảm khí thải

Quả là những bước đi dũng cảm. Nhưng cả Afghanistan và Copenhagen đều là những bằng chứng về sự yếu kém trong chính sách đối ngoại của ông. Có vẻ như ông đã dao động, thiếu thận trọng. Ở Afghanistan, chẳng những không hề khôn ngoan, mà  sự nhút nhát của ông trong việc thuyết phục Quốc hội hay dàn xếp vụ bầu cử lộn xộn ở Afghanistan đã khiến sứ mệnh của Mỹ ở Afghanistan chẳng đạt được gì mấy ngoài việc tạo thêm cơ hội cho kẻ thù. Về biến đổi khí hậu, dù ông vội vã tới Copenhagen, nhưng việc không hề có một dự luật nào được thông qua ở Quốc hội sẽ chỉ khiến tiến trình này trở nên tuyệt vọng.

 

Vấn đề này trở thành tâm điểm thảo luận về tài ngoại giao của ông Obama. Ông khôn ngoan hay yếu kém? Liệu vị tổng thống này có một chiến lược để dàn xếp thế giới? Hay ông ta chỉ đơn thuần là một phiên bản Alden Pyle, của Graham Greene. (Vào năm 1955, một thời gian dài trước khi Hoa Kỳ bước chân vào cuộc chiến Việt Nam thì Graham Greene đã viết một cuốn tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng”. Cuốn sách đó đã lấy khung cảnh tại Sài Gòn, và nhân vật chính trong cuốn sách đó là một điệp viên trẻ tuổi của chính phủ Mỹ có tên là Alden Pyle). Alden Pyle là một người Mỹ trầm lặng muốn thay đổi thế giới, nhưng lại không đánh giá đúng thế giới tồi tệ đến thế nào và kết cục đã gây ra thảm họa? 

Mặc dầu có vẻ lưu loát và phong nhã, nhưng những người hoài nghi cho rằng ông Obama đã bị coi là người bị động. Tháng 11 vừa qua, sau khi tổng thống làm hài lòng Trung Quốc bằng việc từ chối gặp Dalai Lama, Trung Quốc đã lấn lướt nhiều hơn bằng việc không cho phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo giữa ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Khi ông Obama đề nghị rằng Israel ngừng xây dựng các khu định cư ở vùng chiếm đóng, Thủ tướng Isarel ông Binyamin Netanyahu đã bất chấp đề nghị của ông Obama, mà vẫn nhận được sự ủng hộ từ ngoại trưởng Hillary Clinton. 

Những người hoài nghi nói rằng, những đề nghị của Obama thường bị xem thường. Kể từ khi ông đối phó với Iran, Tehran liên tiếp trì hoãn và che giấu chương trình hạt nhân của họ. Khi ông Obama từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, ông đổi lại được một cam kết từ Tổng thống Nga Dmitry Medvedev rằng Nga sẽ ủng hộ lệnh trừng phạt Iran nếu nước này ngoan cố. Nhưng thủ tướng Vladimir Putin lại cho rằng ông thấy không cần thiết. Mặc dầu Mỹ cam kết viện trợ 7,5 tỉ đô la cho Pakistan trong hơn 5 năm, quân đội Pakistan dường như vẫn miễn cưỡng đảm nhận nhiệm vụ chống Taliban.

 

Phe phái “thông minh” lập luận rằng ngoại giao không phải là sự hài lòng trong chốc lát. Ông Obama đã thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp bắt đầu rút quân khỏi Iraq và thiết lập lại mối quan hệ vốn mâu thuẫn với Nga. Ông đã thúc đẩy G20 như một diễn đàn toàn cầu mới. Tuần trước, Israel đã thông báo bình ổn một phần khu định cư.

 

Bên cạnh đó, khó mà kết luận rằng ông Obama nhút nhát. Trong ba bài phát biểu ở Prague, Cairo và Accra, ông trình bày một chính sách đối ngoại mới, bác bỏ quan điểm của người tiền nhiệm. Ông định thương lượng về cắt giảm vũ khí hạt nhân, kiến tạo hoà bình giữa các nước Ảrập và người Do Thái, chống Iran, thoả thuận về vấn đề biến đổi khí hậu, củng cố nước Mỹ là một trụ cột ngay thẳng và mạnh nhất của thế giới đa cực. Đúng vậy, những công việc này còn ở phía trước, nhưng không thể đòi hỏi đạt kết quả ngay sau một năm đầy chiến tranh và suy thoái kinh tế?

 

Đó là một quan điểm công bằng, nhưng thời gian càng trôi càng cho thấy quan điểm cho rằng ông Obama “yếu kém” đang thắng thế. Cho đến nay ông Obama chưa cho thấy ông có khả năng đối phó được với một thế giới hiểm nguy và "cứng đầu". Tổng thống đã không thể thực hiện lời hứa thúc đẩy lộ trình hoà bình Trung Đông “với tất cả sự cống hiến và kiên trì mà nhiệm vụ này đòi hỏi” ông cũng chưa biết dùng “cây gậy” để bổ sung cho tài hùng biện của mình, bằng chứng là ông chỉ tăng thuế đối với lốp xe Trung Quốc, một sự xoa dịu yếu ớt với các nghiệp đoàn Mỹ.

 

Chủ nghĩa thực dụng ôn hoà và điềm tĩnh được hoan nghênh sau những quyết đoán hung hăng của George Bush, nhưng nó mang theo những rủi ro. Các nhà chỉ trích thuộc cánh hữu đã sai khi chê bai cái cúi đầu của Obama trước hoàng đế Nhật. Sự lịch sự và nhã nhặn sẽ giúp khôi phục hình ảnh nước Mỹ, chứ không thu nhỏ nó. Điều bất ổn là dường như ông Obama lại tử tế với các đối thủ của Mỹ hơn là với bạn. Vị khách của ông vào tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, có thể đã than vãn về cách cư xử mềm mỏng của ông Obama đối với Trung Quốc. Các nước đồng minh ở Đông Âu, dù binh sỹ của họ thiệt mạng ở Afghanistan, đã tức giận vì chỉ được gọi là những “đối tác”. Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng nhận được rất ít lời cảm ơn.

 

Ông Obama đúng khi cho rằng sức mạnh Mỹ đã bị hạn chế. Nhưng liên minh châu Âu không phù hợp để giúp ông kiểm soát thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ và Nga cũng không sẵn lòng.

 

Ông Obama còn rất nhiều gánh nặng phải giải quyết. Trong những tuần tới ông Obama có thể chứng minh những người đang nghi ngờ ông đã sai. Ông có thể  có những bước đi để đạt được một thoả thuật đột phá về biến đổi khí hậu. Ông có thể thoả thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân với Nga. Có thể ép buộc người Palestine và ông Netanyahu đồng ý thương thảo. Và ông có thể buộc Karzai và Pakistan thể hiện rằng họ có thể mang lại ổn định cho Afghanistan. Chỉ làm được một phần của những việc này cũng đã biến ông thành một tổng thống biết ngoại giao. Nhưng nếu không tiến triển, ông Obama sẽ bị coi là yếu kém và mơ mộng hão huyền.

 

Ông cũng tự thừa nhận điều đó trong những bài phát biểu gần đây: “Nguyên tắc phải có sự ràng buộc. Sự vi phạm phải bị trừng phạt. Lời nói phải có ý nghĩa nào đó”. 

  • Quốc Toản (Theo The Economist)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,