221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
927844
Kỳ 5: Những tin vàng cho cách mạng
1
Article
null
Kỳ 5: Những tin vàng cho cách mạng
,

(VietNamNet) - Luôn tự nhận mình là người “ít học”, nhưng Ba Minh lại là người được Cao Văn Viên tin tưởng nhất trong việc sắp xếp hồ sơ, tài liệu. Nhờ ở vị trí đó mà ông đã đưa được rất nhiều tin tức cho cách mạng. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, ông đã chuyển ra ngoài 90 bản tài liệu, mỗi bản dày hàng chục trang.

Những bản tin tuyệt mật

Như đã viết ở trên, chiến công đầu tiên mà H3 cảm nhận thấy rõ nhất hiệu quả những thông tin ông gửi về là việc miền Bắc tổ chức bắt gọn một toán biệt kích được Mỹ đào tạo tại nước ngoài rồi tung ra phá hoại hậu phương lớn của ta.

Đấy mới chỉ là bắt đầu của 1 quá trình, dù thời gian không dài, nhưng cực kỳ hiệu quả trong việc hoạt động của lưới A3 xoay quanh điệp viên nằm ngay “ruột” của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

BaMinh4.jpg

Nếu ví căn phòng chỉ huy ở Hà Nội hằng đêm sáng rực ánh đèn thông tin tình báo quân sự và mỗi lưới điệp báo thắp lên 1 ngọn đèn, thì H3 cũng là 1 ngọn đèn sáng trong số đó. Bởi “sức ít” của Ba Minh cuối cùng cũng giúp cho quân ta “đánh được thật nhiều”. Ảnh: Hà Trường.

Không chỉ vậy, từ H3, Hà Nội nắm rõ đường lối hoạt động của Hải quân chế độ Sài Gòn theo kế hoạch 1974–1975. Chưa hết, Hà Nội biết  rõ kết quả quân đội Sài Gòn tiến hành “triệt hạ các vùng lõm của Cộng sản” ra sao, khi bản báo cáo này đến BTTM. Hoặc chi tiết hơn, Hà Nội còn biết ngọn ngành cả kế hoạch tái chiếm R.B, trước khi kế hoạch này được triển khai.

Thậm chí, thư của văn phòng tuỳ viên quân sự Mỹ (DAO) gửi BTTM quân đội Sài Gòn về kế hoạch sử dụng viện trợ quân sự của Mỹ, hay việc người Mỹ trả lời về việc Mỹ không thể đáp ứng đề nghị của VNCH trong việc cho các oanh tạc cơ tham gia can thiệp khi ta giải phóng hoàn toàn Phước Long (tháng 12/1974).

“Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng”, tất nhiên H3 không phải là nguồn thông tin duy nhất để Hà Nội đưa ra những quyết định cuối cùng về việc tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng, H3 là một nguồn tin nằm ngay trong “bộ não” chỉ huy chiến tranh của chính quyền Sài Gòn.

Với tốc độ chuyển tin không có ngày nghỉ, Ba Minh luôn làm việc mỗi ngày như là ngày cuối cùng không e ngại, sợ hãi, chỉ với 1 ý nghĩ  “góp sức để mà ít có thể đánh được nhiều”.

Tới năm 1975, khi toàn chiến trường sục sôi khí thế “giải phóng hoàn toàn miền Nam”, với những cú đấm mạnh đúng “tử huyệt” bố phòng quân lực của VNCH, ít ai có thời gian đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta đánh đúng, đánh trúng, đánh thắng như chẻ tre vậy?

Câu hỏi này, chỉ có Bộ Chính trị rõ hơn ai hết. Nếu ví căn phòng chỉ huy ở Hà Nội hằng đêm sáng rực ánh đèn thông tin  tình báo quân sự, và mỗi lưới điệp báo thắp lên 1 ngọn đèn, thì H3 cũng là 1 ngọn đèn sáng trong số đó. Bởi “sức ít” của Ba Minh cuối cùng cũng giúp cho quân ta “đánh được thật nhiều”.

Cú điểm “tử huyệt” Tây Nguyên

Chiến dịch Tây Nguyên (4/3-24/3/1975) mở màn cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1976. Tuy nhiên, với cục diện diễn biến nhanh trên chiến trường: lực lượng VNCH vỡ hàng loạt theo hiệu ứng Domino, lực lượng cách mạng liên tiếp giành các chiến thắng áp đảo, thời gian giải phóng Sài Gòn được rút xuống: trước mùa khô năm 1975.

BanMeThuot.jpg

Buôn Ma Thuột, ngày 11/3/1975. Trận đánh mở màn cho cú điểm "tử huyệt" Tây Nguyên, là kết quả tính toán thận trọng và táo báo của những nhà lãnh đạo Việt Nam. Ảnh:  Sách "Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng" - Nhà xuất bản thông tin 2004.

Đánh Tây Nguyên, cú "đòn hiểm" đầu tiên của cuộc tổng tiến công, là kết quả tính toán thận trọng và táo bạo của những nhà lãnh đạo Việt Nam. Một trong những nguồn tài liệu quan trọng để Bộ Chính trị đưa ra quyết định giải phóng vùng đất cao nguyên này chính là những tin tức tình báo mà H3 lấy được.

Nguyên phó phòng tình báo J22 (phụ trách tham mưu), Đại tá T.T nhớ lại: "Từ năm 1974, mình đã nhận được sách lược quốc gia năm 1975 của nó. Huấn thị của VNCH về việc thiết lập kế hoạch 1974-1975, ngay từ tháng 6/1974 mình đã nhận được rồi. Như vậy, công lao của anh Ba Minh là rất lớn, tin tức thu về được nhiều chứ không phải chỉ mỗi thông tin về việc Mỹ không quay trở lại Việt Nam. Tất cả những tin mà H3 gửi về đều giúp ta phán đoán được tình hình và là 1 trong những nguồn tin quan trọng phục vụ cấp trên quyết định mở chiến dịch cuối cùng năm 1975".

Chẳng hạn, tất cả những nội dung chi tiết trong bản kế hoạch Lý Thường Kiệt dày hàng trăm trang đã có mặt trên bàn Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam từ khá sớm. Căn cứ trên tài liệu này cùng với thông tin từ rất nhiều nguồn khác, các quân đoàn của ta đã phối hợp, triển khai hướng tiến công theo đúng ý đồ chiến lược của những nhà chỉ huy quân sự.

Tháng 7/1974, phòng tình báo J22 đã thu được bản tường trình của Bộ Tổng tham mưu VNCH về kế hoạch dự kiến năm 1975. Trong những tài liệu này có những thông tin đặc biệt quan trọng nói về mức độ tiếp viện của quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, giúp cho các nhà lãnh đạo của ta quyết định được cách đánh.

Theo bản tường trình này, việc quân đội VNCH triển khai các hoạt động giữ đất, chiếm đất và việc phân phối ngân sách cho các loại quân binh chủng đều phải tương ứng với tỉ lệ viện trợ của Mỹ. Cụ thể, nếu Mỹ viện trợ 1,4 tỷ đôla, quân đội VNCH sẽ kiểm soát được toàn miền Nam, 1,1 tỷ đô la sẽ mất một nửa quân khu 1 về phía Bắc, nếu chỉ 900 triệu đô la sẽ mất quân khu 1 và vài tỉnh quân khu 2, còn 750 triệu đô la sẽ mất quân khu 1 và quân khu 2, nếu chỉ còn 600 triệu đô la thì chỉ kiểm soát một nửa quân khu 3 từ Biên Hòa tới quân khu 4...

Thật là một kiểu tính toán về một cuộc chiến tranh sặc mùi đô la của các ông chủ Mỹ.

Nắm được tài liệu này, ta có thêm điều kiện để hiểu được được khó khăn của chính quyền Sài Gòn và ý đồ co cụm từng bước. Rõ ràng là chính quyền Sài Gòn đang thay đổi chiến thuật tác chiến "theo kiểu Việt Nam", "lối đánh con nhà nghèo" trước tình trạng khó khăn về viện trợ và quân số.

Sự rệu rã của quân đội VNCH càng cho thấy tương lai sụp đổ tất yếu của một chính quyền hoàn toàn lệ thuộc vào tiền và vũ khí viện trợ của Mỹ.

Ngoài ra, với mức độ “nhồi” tin 5 ngày/chuyến, đến cuối năm 1974, những tài liệu do H3 chuyển về còn giúp ta nắm rõ được tình hình Bộ Tổng tham mưu, kế hoạch bộ binh hoá sư dù, chỉ thị của Bộ Tư lệnh không quân, phúc trình của hải quân về đường lối hoạt động năm 1975; biết được mức độ yểm trợ của Mỹ khi đánh nhau thì như thế nào; lực lượng VNCH có những sư nào lớn, những trận nào mà họ có thể bỏ; mức độ giảm quân đội khi viện trợ giảm; việc thiết kế đồn bốt bây giờ không còn kiên cố sắt thép như ngày xưa nữa, khi mà Mỹ đã cắt bỏ viện trợ... 

Không chỉ vậy, từ H3, Hà Nội nắm rõ đường lối hoạt động của Hải quân Sài Gòn theo kế hoạch 1974–1975. Chưa hết, Hà Nội biết rõ kết quả quân đội Sài Gòn tiến hành “triệt hạ các vùng lõm của Cộng sản” ra sao, khi bản báo cáo này đến BTTM. Hoặc chi tiết hơn, Hà Nội còn biết ngọn ngành cả kế hoạch tái chiếm R.B, trước khi kế hoạch này được triển khai.

Thêm vào đó, những tài liệu riêng ở quân khu 4 về tình hình 6 tháng đầu năm, kế hoạch 6 tháng cuối năm, quân số, đánh giá của Hội đồng An ninh quốc gia như thế nào, lượng giá của họ về tinh thần quân cộng sản ra sao... cũng bị ta nắm rõ.

H3 khẳng định với tổ chức: Năm 1974, với mức độ viện trợ bị rút xuống, VNCH không bắt đủ lính quân dịch cần thiết. Phân tích về mặt chiến lược: Điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền Sài Gòn đang phải co cụm lực lượng nếu không muốn dàn trải, nghĩa là phải chấp nhận bỏ đất.

Đến đầu năm 1975, dựa trên những thông tin và tài liệu mà tình báo của ta nắm được, phòng tình báo J22 khẳng định: Mỹ không thể can thiệp để cứu nguy cho quân đội Sài Gòn trong bất cứ tình huống nguy ngập nào. Trên chiến trường, thế bố phòng lực lượng yếu nhất và khó bảo vệ nhất là chiến trường Tây Nguyên (quân khu 2). Tại quân khu 2, chiến trường hiểm yếu nhất là Ban Mê Thuột.

"Nếu Cộng sản đánh Ban Mê Thuột thì toàn bộ hệ thống phòng thủ ở Tây Nguyên sẽ đổ vỡ, hậu quả sẽ tai hại khôn lường được cho VNCH", nội dung tài liệu này được Thiếu tướng, anh hùng tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) cung cấp nguyên bản, khẳng định "tử huyệt" là chiến trường Tây Nguyên. Và kết quả thì như các sách lịch sử đã ghi lại đầy đủ.

Trong những tháng cuối cùng của cuộc tổng tấn công, tin tức từ lưới điệp báo A3 chuyển về dày đặc. Từ trung tâm chỉ huy của quân đội Sài Gòn, những tập tài liệu về quy chế thiết lập đồn bốt; duy trì các giang đoàn để cản hướng tấn công đường thuỷ; quân số của quân đội Sài Gòn hay phương án sử dụng lực lượng hải quân sẽ như thế nào… đều nhanh chóng bay ra Hà Nội.

Trong những ngày căng thẳng nhất, thư của văn phòng tuỳ viên quân sự Mỹ (DAO) gửi BTTM chế độ cũ về kế hoạch sử dụng viện trợ quân sự của Mỹ, hay việc người Mỹ trả lời về việc Mỹ không thể đáp ứng đề nghị của VNCH trong việc cho các oanh tạc cơ tham gia can thiệp khi ta giải phóng hoàn toàn Phước Long (tháng 12/1974), những tài liệu mật liên quan đến việc hướng dẫn phân ô của Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia (chia ô để kiểm soát, theo kế hoạch “lấn đất giành dân” - NV); việc BTTM quân đội Sài Gòn đánh giá về lực lượng và lãnh thổ cho tới báo cáo của an ninh quân đội về tình hình đảng phái, tôn giáo ở miền Nam, hay quan hệ VNCH – Campuchia… đều đã có mặt tại Hà Nội.

Một chi tiết nữa của lịch sử: Chính quyền Sài Gòn trong những ngày cuối cùng, đã bắt đầu dự trù phương án bỏ Sài Gòn, rút về miền Tây “tử thủ”, đánh lâu dài.

Nhưng họ không biết rằng: kế hoạch nâng cao quân số cho các sư đoàn bộ binh ở vùng 4 chiến thuật, hay việc tăng cường lực lượng cho lực lượng đặc biệt, hoặc việc tăng cường biệt động quân, thuỷ quân lục chiến cho các quân khu, kế hoạch yểm trợ không quân… đều đã bị Hà Nội nắm rõ.

Với những chiến lược chiến tranh, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Cho nên thật khó để việc quân giải phóng tiến vào Sài Gòn không thành công, khi tất cả những suy tính của Bộ Tổng tư lệnh quân đội Sài Gòn, kể cả người có quyền chỉ huy cao nhất, đã bị Hà Nội “đọc” quá rõ như trong lòng bàn tay mình có bao nhiêu đường kẻ.

Vấn đề còn lại, chỉ phụ thuộc vào những đoàn quân với khí thể hừng hực hành quân như vũ bão trên mọi nẻo đường tiến về Sài Gòn mất bao nhiêu thời gian.

Đến giữa tháng 4/1975, khi quân giải phóng áp sát Xuân Lộc, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn, H3 đã hoàn thành xong sứ mệnh mà ông theo đuổi: Góp chút sức mình cho cách mạng, thống nhất đất nước.

Ông lặng lẽ ẩn mình, lưới điệp báo A3 ngưng liên lạc. Việc duy nhất cuối cùng còn phải làm chỉ là bảo vệ trọn vẹn hồ sơ tài liệu, chờ đợi ngày toàn thắng.

Huân chương chiến công sau 10 tháng hết mình

Khối lượng tài liệu H3 chuyển về trong gần 2 năm rất lớn. Đặc biệt, tin tức, tài liệu phần lớn ở dạng nguyên bản chính xác của cơ quan cấp rất cao của cả Mỹ và VNCH.

Đại tá T.T thống kê, bắt đầu từ tháng 2/1974 tới cuối năm 1974 (trừ các tháng 7, 8, 9), H3 chuyển được 90 bản tài liệu. "Mỗi bản tài liệu thì số lượng khổng lồ, đánh máy rất nhiều, những năm đó, tin tức, tài liệu của H3 chuyển ra ào ạt, xử lý nhiều khi không kịp".

Vì thế, chỉ chưa đầy 10 tháng chuyển tài liệu trong năm 1974, H3 được xét tặng Huân chương chiến công Hạng 3 vì những thành tích của mình, mặc dù ông chỉ được nhận huân chương bằng thông báo... miệng qua người trực tiếp chỉ huy là bà Hai Kim.

Đến giờ, Ba Minh vẫn cười khi nhớ lại quãng thời gian ông cung cấp thông tin tình báo về: "Đó là quãng thời gian tôi làm việc đến... chết bỏ. Cố gắng lấy được càng nhiều càng tốt. Vì tôi biết tôi đang nằm trên 1 mỏ vàng. Kể cả thư Mỹ gửi cho tướng lĩnh cao cấp của BTTM chế độ cũ, tôi chép nguyên xi cả bản tiếng Anh rồi gửi ra ngoài đó".

Ít ai hay, để chuẩn bị tinh thần cho những ngày nhọc nhằn nhất của mình, ngay từ khi chưa bắt được vào lưới bà Hai Kim, ông Ba Minh đã dành riêng 1 năm học tiếng Anh trước đó.  

Làm việc quần quật, “tống hết cả sức đi” như cách Ba Minh nói, chỉ sau ngày Sài Gòn giải phóng ít lâu, ông phải nhập viện vì... kiệt sức.

Thiếu tướng Sáu Trí, Trưởng phòng tình báo J22, ghi lại những dòng tưởng thưởng về người đồng đội ẩn danh H.3: "Anh đã lấy tin, tài liệu về các phòng hành quân (BTTM); tin tức, tài liệu giá trị lâu dài như kế hoạch Lý Thường Kiệt; về lực lượng đặc biệt. Âm mưu và thủ đoạn bình định của địch. Tình hình quân số, bố trí quân (chủ lực và địa phương). Có những tin định kỳ quan trọng như biệt kích đổ bộ; tàu lặn, tinh thần quân đội Sài Gòn ở Quân khu 1 sau chiến dịch Quảng Trị của ta...

Chất lượng công tác của H3 đáp ứng đúng yêu cầu của lãnh đạo trong giai đoạn then chốt của cuộc chiến tranh: Ta cần hiểu sâu về địch để giành toàn thắng”.

Kỳ tới: Anh lính Việt sống bằng giờ của... Mỹ

Lịch sử có thể sẽ phải nhắc tới 1 người lần đầu tiên tạo ra lịch mới: Một tuần chỉ có 4 ngày. Rồi một ngày lại bị đảo ngược thời gian, đêm là lúc để sống, ngày là lúc để quên. Đó là quãng thời gian H3 làm việc quên mình để chuyển tin về tổ chức...

LTS: Trong quá trình sưu tầm tư liệu, tài liệu, nhân chứng cho loạt bài viết này, VietNamNet chưa có dịp gặp gỡ đầy đủ, đa chiều về tất cả nhân chứng, tài liệu của sự kiện. Vì vậy, những thiếu sót rất có thể xảy ra. Toà soạn mong muốn nhận được sự góp ý, tư liệu, tài liệu của người đọc, để có thể hoàn thiện hơn góc nhìn, dẫn chứng về sự kiện, nhân vật.

Ý kiến của bạn về vấn đề này?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,