221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
927824
Kỳ 4: Cuộc thử lửa cho tấm lưới vàng
1
Article
null
Kỳ 4: Cuộc thử lửa cho tấm lưới vàng
,

(VietNamNet) - Tháng 4/2007. Người mang bí số H3 bí ẩn nay đôi mắt đã mờ đục. Một mắt loà, một mắt chỉ còn 30% thị lực. Ông nói, đó là kết quả những ngày đêm ông ngồi viết tài liệu đêm ngày để chuyển kịp về cho cách mạng.

"Tôi từng làm việc với rất nhiều lưới khác nhau. Nhưng quãng thời gian tôi làm việc cật lực nhất là với chị Hai Kim, từ đầu năm 1974 cho đến ngày giải phóng", đôi mắt Ba Minh dần tìm về thời kỳ hoàng kim với những người đồng đội...

Niềm tin cách mạng giữa giai đoạn thăng trầm

...Năm 1969, Trưởng trạm B.52, đồng chí Ba Phấn (tên thật là Nguyễn Văn Phấn) dẫn đoàn cán bộ xuống khu 9 (Đồng bằng sông Cửu Long), vượt qua 1 chặng đường dài gian khổ để đứng chân ở vùng giải phóng, xây dựng cụm tình báo ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.

Thử thách rơi vào trạm B.52 đúng vào thời kỳ khốc liệt nhất: Mỹ - VNCH đang tiến hành bình định cấp tốc vùng căn cứ, địch tăng cường càn quét kết hợp đánh B.52. Vùng giải phóng thu hẹp, không còn dân. Việc đi lại giữa căn cứ với vùng tạm chiếm rất khó khăn vì phải qua vùng trắng.

BaMinh2.jpg

Đại tá Nguyễn Văn Minh (Ba Minh), điệp viên mang bí số H3, người mà Frank Snepp, cựu chuyên gia phân tích chiến lược của CIA, từ năm 1977 đã tò mò đặt dấu hỏi về "con người vô danh" mà ông gọi là “điệp viên trong hàng ngũ thân cận của Tổng thống Thiệu”, trong cuốn Decent Interval (Cuộc tháo chạy tán loạn). Ảnh: Hà Trường.

Sau 2 năm đứng chân, trạm trưởng Ba Phấn về báo cáo lại với Trưởng phòng J22: "Tình hình chính trị quân sự khu 9 đang hé mở có triển vọng, nhưng khả năng tình báo còn mờ mịt. Tuy ác liệt nhưng tôi không sợ, không đáng kể đâu. Bất quá chết thì thôi. Nhưng đáng buồn là mình cứ chạy càn, đến gặp quân khu 9 làm phiền cấp trên đang trăm công ngàn việc mà không phục vụ gì được". Thiếu tướng Sáu Trí nhớ lại những day dứt của người trạm trưởng dưới quyền, nhưng cũng là đồng đội một thời vào sinh ra tử.

Sự day dứt của người lính tình báo khi đã bằng mọi cách vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ chính là điều mà người trong nghề dễ gặp và dễ chia sẻ với nhau nhất. Tình báo là bám vào dân, nguồn tin là ở dân, tài liệu cũng từ dân, điệp viên cũng từ dân mà ra. Nay, cơ sở quần chúng thì ở vùng tạm chiếm, còn trạm thì đóng ở chiến khu. Trong khi đó, đoàn của đồng chí Ba Phấn lúc bấy giờ chưa có được cơ sở hợp pháp. Vậy thì chỉ còn là 1 đơn vị vũ trang đúng nghĩa!!!

Trong khó khăn, mới thấy niềm tin cách mạng và nghĩa tình đồng đội. Vào thời gian đầu, cùng với việc xây dựng mạng lưới, trạm B.52 tạm thời dùng thông tin từ phòng tình báo J22 chuyển xuống để báo cáo với Tư lệnh khu 9, người mà về sau cái tên đã trở thành quen thuộc với nhân dân Việt Nam: Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bí danh Sáu Nam. Đồng thời, J22 tăng cường cho B.52 một cán bộ nữ hợp pháp, có tên Hai Kim.

Khi trạm B.52 đang thiếu cơ sở nằm sâu trong lòng địch, thì cơ hội đến. Bà Sáu Chi, một người trong mạng lưới lên Sài Gòn bắt liên lạc với 1 người cháu là đại uý không quân nhưng người này đã thiệt mạng. Bà Sáu Chi buồn lắm, nhất định không chịu về tay không. Nhân lúc qua thăm gia đình em chồng, biết được vị trí và nguyện vọng của Ba Minh, bà Sáu Chi giới thiệu ngay chú em mình với Cụm trưởng Ba Phấn.

Với bản năng của một người chỉ huy tình báo lâu năm đã kinh qua chiến trường, Cụm trưởng Ba Phấn (lúc đó đã là Cụm A33, đóng tại Cần Thơ) biết ngay rằng đây đã là 1 nguồn tài liệu quan trọng. Hai Kim được cắt cử lên đường vào Sài Gòn tiếp cận với Ba Minh. Lúc đó khoảng mùa mưa, chừng tháng 8-9/1973.

Thử thách đầu tiên

"Bả đến nhà đứa em gái tôi hôm 28 Tết âm lịch. Hôm đó đang có giỗ bên nhà chồng nó", Ba Minh và cô Nguyệt (em gái) nhớ lại. Khi tới, cô Hai Kim cầm theo 1 tấm ảnh của cháu Hoàng (con đầu lòng của Ba Minh) để làm tin.

"Khi chị Sáu Chi trở về, chị có dẫn thằng con lớn của Ba Minh là thằng Hoàng ra chiến khu, gửi cho A33 để được bảo đảm an toàn. Vì khi đó nó đang học lớp 12, có thể bị bắt lính. Lúc đến, trong vai là người đi mua vải, tôi đưa thẻ của thằng Hoàng ra. Cô Nguyệt tin ngay. Song cô chưa bắt chuyện ngay mà lấy nước, lấy báo cho tôi coi, với lý do nhà đông khách. Tôi biết lúc đó gia đình cổ vẫn quan sát tôi, tôi ngồi chờ cho đến phút cuối rồi hẹn mấy ngày sau sẽ gặp lại. Ngay hôm sau, cô Nguyệt báo lại với anh trai. Lúc đầu ảnh cho rằng, hoặc là thằng Hoàng đã bị bắt, hoặc hoặc vì lý do nào đó, nó đánh rơi thẻ mà thôi", cô Hai Kim nhớ lại.

chiemBTTM2.jpg

Quân giải phóng chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn. Nơi đây, H3 đã "ẩn" mình suốt 10 năm trời chờ đợi để góp sức mình cho cách mạng. Ảnh: Chụp lại tư liệu tại Dinh Thống Nhất.

Sự thận trọng đó vốn là bản tính của Ba Minh, cộng thêm được rèn giũa kỹ càng vì đang sống giữa trung tâm Bộ Chỉ huy Sài Gòn. Vì thế, mặc dù nghe Hai Kim kể rất rành rọt về chị dâu Sáu Chi, nhưng Ba Minh vẫn chỉ mới tạm nhận lời và tìm cách... thử thách “thủ trưởng”.

“Lần gặp đầu tiên, Ba Minh cứ ngồi nói, nói... liên tục, từ kiến thức quân sự, kiến thức về tổ chức bộ máy quân đội Sài Gòn, cho tới những con số chi tiết trong các bản báo cáo mà Ba Minh còn nhớ vanh vách. Sau đó, anh hỏi lại một câu thế này: “Không biết nãy giờ tôi nói, chị có lãnh hội được không?” Tôi biết ảnh nói câu đó là để thử thôi. Tôi liền bảo là để tôi báo cáo lại những gì anh nói nãy giờ. Thế rồi tôi tóm lại những ý chính, đồng thời nêu luôn tất cả các con số mà anh nêu, dù tôi đâu có ghi chép" - bà Hai Kim cười vui, kể lại.

Đến khi đó, Ba Minh mới yên tâm vào người cộng sản có đôi mắt mà mình đang cần. Khi đã đặt trọn vẹn niềm tin rồi thì mức độ "nhồi" tài liệu của Ba Minh tới giao thông viên đặc biệt Hai Kim thật... kinh hoàng. Từ lịch hẹn gặp 2 tháng/lần, Ba Minh chủ động rút xuống còn 1 tháng..., rồi cuối cùng là 5 ngày/lần gặp, mỗi lần là hàng chục trang tài liệu gốc. Đó là khoảng thời gian làm việc khủng khiếp nhất trong cuộc đời làm tình báo của Ba Minh.

Bắt đầu nhập lưới

Đại tá Ba Minh dù đến nay đã qua tuổi 70, trí nhớ kém nhiều, nhưng vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đó: "Lúc đầu tôi cũng đâu có chép nguyên gốc nguyên bản cho bà Hai Kim. Tôi chỉ nói thôi, tôi cũng có viết nhưng mang tính tóm lược chứ không viết rõ ràng hết.

Văn hoá tôi kém nhưng lúc đầu tôi đọc báo thiếu nhi có sách hồng của ông Tố Hữu, mặt sau có mục ai? ở đâu? tại sao? thế nào? lúc nào? (5 yếu tố W khởi nguồn của truyền đạt tin tức - NV). Vì thế, một nguồn tin tôi đưa cũng có tổ chức, đơn vị nào, làm gì, ngày giờ, thực hiện ở đâu, tại sao lại cần thiết như vậy. Phải mất một vài tháng tôi mới bắt đầu chép thử chuyển cho bà Hai Kim".

Rồi từ tháng 2/1974, bí số H3 ra đời. Đó là Thượng sĩ nhất Nguyễn Văn Minh, thư ký đánh máy tại văn phòng Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng VNCH. Hai Kim mang bí số T2. Người em gái Ba Minh là Nguyễn Thị Nguyệt mang bí số H4. Một người em trai nữa của Ba Minh tên Nguyễn Văn Chí (sinh năm 1941) cũng tham gia nhưng không đặt bí số. Lưới điệp báo xoay quanh H3, theo tài liệu lưu trữ, được đặt là A3. 

Người chỉ huy T2 nhớ lại, để chuyển tin cho một mình H3, có tới gần chục người sẵn sàng làm nhiệm vụ. Trước khi bắt đầu, họ có một lời tự thề với mình rằng: sẽ sẵn sàng im lặng tuyệt đối nếu lỡ bị bắt, bị tra tấn hay thậm chí bị giết, chỉ bởi vì một điều đơn giản, họ có nhiệm vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho H3. 

Và cả một lưới gồm rất nhiều người đang nằm ở chiến tuyến khác nhau, thậm chí chưa hề biết đến nhau, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyệt mật, đến giờ phút quân giải phóng cắm cờ lên Dinh Độc Lập và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.  

  • Hà Trường - Thế Vinh - Việt Hà

Kỳ tới: Những tin vàng cho cách mạng
"Đó là quãng thời gian tôi làm việc đến... chết bỏ. Cố gắng lấy được càng nhiều càng tốt. Kể cả thư Mỹ gửi cho tướng lĩnh cao cấp của BTTM chế độ cũ, tôi chép nguyên xi cả bản tiếng Anh rồi gửi ra ngoài đó", Ba Minh nhớ lại.

LTS: Trong quá trình sưu tầm tư liệu, tài liệu, nhân chứng cho loạt bài viết này, VietNamNet chưa có dịp gặp gỡ đầy đủ, đa chiều về tất cả nhân chứng, tài liệu của sự kiện. Vì vậy, những thiếu sót rất có thể xảy ra. Toà soạn mong muốn nhận được sự góp ý, tư liệu, tài liệu của người đọc, để có thể hoàn thiện hơn góc nhìn, dẫn chứng về sự kiện, nhân vật.

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,