221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
927212
Kỳ 2: Ai là người mang bí số H.3?
1
Article
null
Kỳ 2: Ai là người mang bí số H.3?
,

(VietNamNet) - Giữa mịt mù khói và dòng người cuồn cuộn trong ngày 30/4/1975 đó, có lẽ H3 là người lính cộng hoà hiếm có thấy cuộc đời thật bình yên. Bởi hơn ai hết, H3 là người hiểu rõ rằng: Chiến tranh ở Việt Nam đã thực sự kết thúc. Và người Mỹ không có ý định quay trở lại xứ sở này.

 Để có được niềm tin chắc chắn như vậy, ông đã phải ẩn mình suốt 10 năm  trời trong hàng ngũ của chính quyền Sài Gòn.

 Những câu hỏi không được phép trả lời sai

Lính Mỹ thảm sát dân thường ở Mỹ Lai.
Lính Mỹ thảm sát dân thường ở Mỹ Lai.

Trở lại năm 1973. Hiệp định Paris về việc Mỹ chấm dứt sự can thiệp vào chiến tranh Việt Nam được ký kết. Miền Bắc nỗ lực chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chuẩn bị gấp rút cho 1 cuộc tổng nổi dậy để hoàn toàn giành chính quyền. Chính quyền Sài Gòn cũng cố gắng tối đa tận dụng mọi nguồn lực để giành đất, giành dân theo kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ".

Tuy nhiên, người ta vẫn thấy trong những trận càn, trận đánh trên chiến trường Nam bộ cái bóng dáng chiến tranh kiểu Mỹ, bởi những đồng đôla xanh, những vũ khí Mỹ, trang bị Mỹ và cố vấn Mỹ vẫn tiếp tục được gửi sang miền Nam Việt Nam.

Chính vì thế, trong hàng ngũ tướng tá cộng hoà đã xì xầm lên những tin đồn, rằng: nếu như Sài Gòn thất thủ, Mỹ sẽ không để yên cho phe cộng sản Bắc Việt. Những cuộc tắm máu có thể xảy ra...

Tin đồn ấy cứ như vệt dầu loang, trở thành đòn tâm lý chiến buộc những người cầm quân giữa hai phía phải thực sự cân não. Là người Việt, không kể Nam hay Bắc, dẫu có lạc quan nhất cũng không thể không trăn trở: Vậy thì cuối cùng, Mỹ thực sự đang quan tâm điều gì? Mỹ đã thật sự “ớn” với cuộc chiến ở xứ Đông Dương?

Tất cả mạng lưới tình báo mật của quân giải phóng ở miền Nam đã phải vào cuộc. Căng thẳng. Gấp rút. Dồn dập. Mọi sức lực và trí tuệ đều được huy động tối đa để tìm ra câu trả lời chính xác, giúp Bộ Chính trị tại Hà Nội có được quyết định đúng đắn nhất.

Chỉ riêng với đầu mối H3, ngay sau khi tổ chức tình báo miền Nam bắt lại được liên lạc, liên tiếp trong những tháng cuối năm 1974, hàng loạt câu hỏi tới tấp từ Hà Nội dội về tận trong lòng của BTTM Quân đội Sài Gòn: Liệu khi ta giải phóng miền Nam, Mỹ có thể can thiệp và can thiệp tới đâu? Khả năng cung cấp phương tiện chiến tranh của Mỹ như thế nào? Mỹ có tiếp tục duyệt ngân sách hỗ trợ quân sự cho chính quyền Nam Việt Nam hay không? Bố phòng quân lực, kế hoạch đôn quân, bắt lính của chính quyền Sài Gòn ra sao? Địch đánh giá tình hình về ta như thế nào?...

 Thời điểm đó, hai miền vẫn nằm trong thế giằng co nhau để giữ đất. Nhìn trên bản đồ bố phòng của quân đội Việt Nam Cộng hoà, rõ ràng là nếu muốn chấm dứt cuộc chiến này, chắc chắn ta phải dùng đến quân đội chủ lực.

Song lại có một vấn đề nữa đặt ra, khi đã dốc toàn lực vào miền Nam tức là ta phải đảm bảo một kết quả toàn thắng. Toàn thắng không chỉ cho một năm, hai năm mà là vĩnh viễn. Nhưng, nếu bỗng nhiên Mỹ...? Câu hỏi ấy ai cũng hiểu, nhưng chẳng ai muốn viết thêm vào.

Myrutquan.jpg

Sau hiệp định Paris năm 1973, lính Mỹ rút khỏi Việt Nam, nhưng các tướng Mỹ vẫn luôn đưa ra những lá bài "Mỹ sẽ quay trở lại". Đó là đòn cân não giữa những người chỉ huy ở cấp cao nhất từ cả 2 phía, và rốt cuộc thì Hà Nội đã chiến thắng khi ra quyết định cuối cùng: Tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ những tin tình báo đặc biệt lấy từ trung tâm "bộ não chiến tranh" của Mỹ lẫn VNCH.

Trên thực tế, những lo ngại đó của các nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam không phải không có cơ sở. Bởi ngay cho đến những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hoà, một số tướng Mỹ vẫn xem việc sử dụng sức mạnh quân đội Hoa Kỳ như một giải pháp có thể cân nhắc trên chiến trường Việt Nam.

Ngày 4/4/1975, trong bản lượng giá về tình hình Việt Nam mà Tổng tham mưu trưởng Mỹ Fred C. Weyand gửi cho Tổng thống G. Ford, chính nhân vật này đã đề cập tới khả năng tham gia trở lại của quân đội Mỹ:

Chính phủ Nam Việt Nam đang bên bờ vực thẳm của một sự thất bại quân sự hoàn toàn. Tuy nhiên, miền Nam Việt Nam đang dự tính sẽ tiếp tục phòng ngự với nguồn lực sẵn có của mình, và nếu như được nghỉ ngơi, có thể sẽ tái thiết lại khả năng chiến đấu tùy thuộc vào sự yểm trợ về trang thiết bị mà phía Hoa Kỳ cho phép. 

Tôi tin là chúng ta phải có nghĩa vụ yểm trợ giúp họ.[...] Việc sử dụng không lực Hoa Kỳ nhằm tăng cường khả năng chống lại sự xâm chiếm của Bắc Việt sẽ hỗ trợ cho chính phủ Nam Việt Nam trên cả hai bình diện: phương tiện và tâm lý, đồng thời sẽ đem lại một thế trì hoãn cần thiết trên chiến trường”.

Bình tĩnh mà ngẫm kỹ mới thấy, những đề nghị trợ giúp đó không phải để “cứu nguy” cho chính quyền Nam Việt Nam, mà chính xác hơn là “cứu nguy” cho danh dự của chính nước Mỹ. Từng thản nhiên “bỏ rơi” anh bạn nhỏ phương Nam trong Hiệp định Paris, khi vào giờ phút “lâm chung” của chế độ đó, tướng Weyand vẫn nói: “Chữ tín của Hoa Kỳ trên phương diện đồng minh đang trong thế đổ bể tại Việt Nam. Để duy trì sự tin tưởng đó, chúng ta phải nỗ lực tối đa trong việc hỗ trợ cho miền Nam Việt Nam ngay bây giờ”.

Một ngày sau, 5/4/1975, trong bản báo cáo về tình hình Việt Nam gửi cho tướng Brent Scowcroft - Phó trợ lý Tổng thống về các vấn đề an ninh Quốc gia, đại tá Clinton Granger - sĩ quan quân sự cao cấp của Nhà Trắng - vẫn còn nhắc đi nhắc lại:

Chữ tín của chúng ta với tư cách một đồng minh sẽ được đánh giá bằng những nỗ lực của chúng ta trong vài tuần tới, và hy vọng là vài tháng tới. Tuy khả năng thành công có vẻ thấp, nhưng Hoa Kỳ cần thiết phải thể hiện một hình ảnh rõ ràng về thái độ trợ giúp cho miền Nam Việt Nam. Điều này sẽ khiến cho chính phủ Việt Nam có chút cơ may sống sót và quan trọng hơn, sẽ bảo vệ được chữ tín của Hoa Kỳ trên thế giới”. 

Như vậy, rõ ràng là mối quan tâm lớn nhất của Mỹ lúc này không phải là “tình trạng bên bờ vực thẳm” của Sài Gòn như cách họ vẫn gọi, mà chính là danh dự của nước Mỹ, sức mạnh của nước Mỹ trong con mắt các quốc gia khác.

Tuy nhiên, giải pháp cuối cùng mà Mỹ đã lựa chọn cho cuộc chiến này là: Mỹ coi chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc. Mỹ sẽ không chi viện cho Việt Nam Cộng Hoà bằng lực lượng chiến đấu của Mỹ”. Đó chính là nội dung bức điện mà Mỹ đã trả lời Bộ Tổng tham mưu chế độ cũ khi Sài Gòn gửi thư sang cầu viện, ngay sau trận tiến công và giải phóng Phước Long của đội quân cộng sản.

Song, các tướng Mỹ vẫn luôn có cách làm cho những người Việt Nam ở cả hai phía tin rằng Mỹ sẽ trở lại. Đơn giản, để người Việt tự hồ nghi lẫn nhau, để họ sẽ dè dặt "giữ miếng" của nhau mà cuối cùng người hưởng lợi sẽ lại là nước Mỹ.

Nhưng ý đồ và nội dung bức điện mật mà Mỹ gửi cho Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn đó đã nhanh chóng được H3, cùng rất nhiều điệp viên khác của Bắc Việt, chuyển về các nhà lãnh đạo miền Bắc để họ ra quyết định cuối cùng.

Nhờ đó, những bước chân thần tốc của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn càng trở nên táo bạo. Thậm chí, họ còn giữ cho người Mỹ những danh dự cuối cùng. Trước khi vào thành phố, quân giải phóng còn dừng hẳn bên ngoài 1 ngày để người Mỹ di tản hết. Bởi họ “đợi vì mục đích chính là để giải phóng Sài Gòn chứ không phải để giết người” (Trần Văn Trà).

Bí ẩn H3?

Năm 1977, trong cuốn sách nói về sự sụp đổ của Sài Gòn (Decent Interval), Frank Snepp, cựu chuyên gia phân tích chiến lược của CIA, đã bắt đầu tò mò về "con người vô danh" mà ông gọi là “điệp viên trong hàng ngũ thân cận của Tổng thống Thiệu”.

H.3, người bí mật ở BTTM chế độ cũ, đã cung cấp những tin tức chiến lược về Hà Nội, giữ bí mật đến phút cuối cùng, mà CIA đến năm 2006 vẫn thắc mắc: Ông là ai?. Ảnh: Thế Vinh.

H.3, người bí mật ở BTTM chế độ cũ, đã cung cấp những tin tức chiến lược về Hà Nội, giữ bí mật đến phút cuối cùng, mà CIA đến năm 2006 vẫn thắc mắc: Ông là ai?. Ảnh: Thế Vinh.

Ba thập kỷ sau. Năm 2006, trong hội thảo quốc tế về “Tình báo trong Chiến tranh Việt Nam” do Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texax cùng Trung tâm Nghiên cứu Tình báo thuộc CIA, Merle Pribbenow - cựu nhân viên CIA - căn cứ từ nhận định của Frank Snepp, những đoạn hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và một vài chi tiết báo chí khác, đã chắp nối và phỏng đoán rằng: đúng là phải có một điệp viên cộng sản từng nằm ngay trong lòng BTTM. Dường như không phải là sĩ quan cao cấp, không phải là tuỳ tùng thân cận của Tổng thống Thiệu, song chắc chắn nhân vật này đã gửi ra Bộ Chính trị Bắc Việt nhiều tin tình báo chiến lược.

Và đến giờ, họ vẫn đang cố đoán thử: Đó là ai?

Nếu đảo sáng góc bên kia, nhìn từ phía những người lính của quân đội Việt Nam, manh mối đầu tiên để những trùm mật vụ Sài Gòn hay CIA khởi sự điều tra thường là: Đó có phải là Đảng viên Đảng Cộng sản?

Nhưng câu trả thứ nhất: H3 chưa từng là Đảng viên trong suốt quá trình cấp tin cho ngành tình báo thời kỳ trước giải phóng Sài Gòn. Ông chỉ chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng vào cuối năm 1975, khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất.

Vậy thì câu hỏi thứ hai: Đó hẳn là một cán bộ cao cấp, một người được đào tạo tình báo bài bản, có thời gian tập kết hay tham gia kháng chiến 9 năm...? Bởi chỉ những người như vậy mới có đủ trình độ và lá gan để làm công việc nguy hiểm tày đình này.

Nhưng câu trả lời thứ hai vẫn chỉ là... bỏ ngỏ.

Những phút giây vọng về

…Trong ngôi nhà nằm ở ngay quận ngoại ô TP.HCM, vào một ngày cuối tháng 4/2007, H3 lặng ngồi hồi tưởng lại khoảnh khắc 30/4 của đời mình:

"Khi đó, đang ở toà nhà chính, tôi thấy người của anh Bảy Vĩnh treo cờ. Tôi liền kiếm cái khác cho mấy ảnh treo.

Đến 3 giờ chiều, thấy máy truyền tin vẫn hoạt động, tôi tắt máy. Khi bàn giao cho quân giải phóng, tôi nói 20 năm nữa mình cũng không sản xuất được máy truyền tin tự động như thế này đâu.

Rồi lúc trung đoàn xe tăng vô, đi tới đâu bắn tới đó. Tôi ngồi trong nhà lầu chắc chắn nhưng vẫn thấy rung rinh. Tôi lấy áo trắng ngoắc làm tín hiệu cho xe vô để khỏi bắn tốn đạn. Lúc đó tôi đã thay thường phục rồi. Cảm giác khi ấy mừng lắm. Mấy chục năm rồi... nay tôi đã thoát vòng nguy hiểm. Mừng, mà không chia sẻ được với ai".

Mấy ngày sau, ông ra trình diện, đi học tập cải tạo mất... 3 ngày, trước khi chính thức khoác lên mình bộ quân phục của người chiến sỹ tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bộ quân phục của ông khi ấy hẳn vẫn là bộ ngoại cỡ: dài lòng khòng cho cái thân gầy lọc cọc.

·         Việt Hà – Hà Trường - Thế Vinh

Kỳ tới: Tìm đôi mắt cộng sản cho anh lính cộng hoà

Dưới vỏ bọc của anh lính "cộng hoà" không chịu ngồi yên, H.3 ấy đã lặn lội tìm kiếm suốt hàng chục năm trời cho tới ngày gặp được "đôi mắt, cái đầu" của tổ chức tình báo đủ sức đánh giá, nhìn nhận giá trị chiến lược của những tài liệu ông đang giữ.


LTS
: Trong quá trình sưu tầm tư liệu, tài liệu, nhân chứng cho loạt bài viết này, VietNamNet chưa có dịp gặp gỡ đầy đủ, đa chiều về tất cả nhân chứng, tài liệu của sự kiện. Vì vậy, những thiếu sót rất có thể xảy ra. Toà soạn mong muốn nhận được sự góp ý, tư liệu, tài liệu của người đọc, để có thể hoàn thiện hơn góc nhìn, dẫn chứng về sự kiện, nhân vật.

 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,