221
5102
Kinh doanh
kinhdoanh
/kinhte/kinhdoanh/
778832
Loay hoay chống nạn đưa tạp chất vào tôm
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Loay hoay chống nạn đưa tạp chất vào tôm
,

(VietNamNet) - Từ các hình thức đơn giản, đến nay, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đã trở thành vấn nạn trong ngành thủy sản, đe dọa nghiêm trọng đến uy tín thủy sản Việt Nam. Việc phân định rõ trách nhiệm cũng như tìm hướng xử lý kiên quyết tình trạng này đang là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý.

Soạn: AM 736337 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các DN xuất khẩu tôm đang "đau đầu" về nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Ảnh PV.

Do vậy, cuối tuần qua, một hội nghị về chống nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vừa được Bộ Thủy sản tổ chức tại Bạc Liêu. Các đại biểu đã cùng bàn thảo để đưa ra những giải pháp, chế tài mạnh nhất nhằm xử lý dứt điểm hành vi trái phép này.

Báo động đỏ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, trong khi các DN chế biến đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý VSATTP, tốn không ít tiền của để đối phó với các quy định ngặt nghèo của thị trường thì việc thủy sản bị nhiễm kháng sinh và sinh vật có hại đang làm nhiều DN đứng ngồi không yên, căng thẳng khi xuất hàng đi.

Họ không chỉ lo hàng bị trả về hoặc buộc phải tiêu hủy mà nguy cơ lớn hơn là đe dọa đến hình ảnh thủy sản Việt Nam, làm mất thị trường xuất khẩu.

Xuất hiện vào những năm 1980, bơm chích tạp chất mới chỉ dừng ở hình thức: dùng đinh, chì, que tăm, sóng dừa... đưa vào các loại nguyên liệu thủy sản. Song, đến nay, tình trạng này bùng phát trở lại, nhất là vào thời điểm  tháng 2-3 hàng năm - khi nguyên liệu đang khan hiếm.

Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, cho biết, việc tiêm chích đã diễn ra trên diện rộng, lượng tạp chất đưa vào thủy sản ngày càng đậm đặc, tỷ lệ cao. Những kẻ này dùng Agar, tinh bột, CMC và các chất lạ khác bơm trực tiếp vào tôm sú nguyên liệu bằng dụng cụ bình áp lực. Chúng thường chọn những nơi xa xôi, hẻo lánh để tiến hành công việc, với lượng hàng phân tán nhỏ lẻ, có người canh gác chặt chẽ. Những người này sẵn sàng đối phó với lực lượng kiểm tra bằng nhiều thủ đoạn, thậm chí chúng còn mua chuộc, đe dọa người làm nhiệm vụ.

Ông Nhận bức xúc nói, chủ hàng còn gần như công khai dùng phương tiện lớn chở hàng bơm chích tạp chất, nếu bị phát hiện sẵn sàng nộp phạt (vì sau khi phạt vẫn có lời cao). 

Tính đến nay, công an Cà Mau đã bắt và xử lý 255 vụ vi phạm, tịch thu 66 tấn nguyên liệu thủy sản có chưa tạp chất, trị giá trên 3 tỷ đồng. Tỉnh đã đưa hai vụ ra tòa, trong đó một vụ phạt tù 3 năm. Riêng trong năm qua, công an tỉnh này đã xử lý 148 vụ vi phạm, tịch thu trên 43 tấn nguyên liệu thủy sản chứa tạp chất.

Tại Bạc Liêu, công an tỉnh cũng đã lập biên bản và xử lý hai vụ bơm chích tạp chất vào trên 1,73 tấn tôm nguyên liệu. Tổng giá trị lô hàng bị tịch thu gần 129 triệu đồng. Cơ quan chức năng tỉnh này phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường phát hiện và lập biên bản xử lý 11 vụ, trong đó 10 vụ bơm chích nước vào 550kg tôm và một vụ bơm chích tạp chất vào 300kg, có tổng giá trị khoảng 51 triệu đồng và xử phạt thêm 15 triệu đồng.

Kiểm soát khâu nào?

"Khoảng trắng hết sức lớn mà chúng ta thật sự còn rất lúng túng và cũng có thể nói là tỏ ra bất lực trong công tác kiểm soát, quản lý chất lượng và ATVSTP là phần lớn các công đoạn từ ao nuôi, tàu đánh cá đến khâu bán buôn nguyên liệu thủy sản đều chưa được kiểm soát có hiệu quả", Thứ trưởng Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh nói.

Từ năm 1998 đến 2000, mỗi khi giáp vụ tôm, Bộ Thủy sản đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành, hoạt động mạnh nhất ở những vùng sản xuất nguyên liệu chủ lực là Cà Mau, Sóc Trăng, TP.HCM, Bến Tre... Các tổ này đã phát hiện được các vụ vi phạm, xử lý nghiêm khắc (đưa ra tòa ở Bến Tre) song nhiều trường hợp khác ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau lại không xử lý được.

Trao đổi với PV. VietNamNet, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký VASEP, cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là cần phân rõ trách nhiệm của người sở hữu nguyên liệu thủy sản. Khi nguyên liệu là tài sản thuộc về người nuôi, buôn bán, đại lý thu gom hay DN, thì những đối tượng này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm. Quy định trách nhiệm của cơ sản xuất kinh doanh thủy sản, nuôi trồng, chủ tàu cá, ban quản lý cảng, chợ cá, các đại lý thu mua và DN chế biến trong kiểm soát, ngăn chặn việc đưa tạp chất vào nguyên liệu đang được Bộ Thủy sản soạn thảo. Dự kiến quyết định sẽ được ban hành trong tháng 3 này.

Ông Dũng cũng không đồng ý trước nhiều ý kiến cho rằng việc DN chế biến phải chịu trách nhiệm về nạn bơm chích tạp chất, vì chính họ đã mua loại tôm này để chế biến, tạo cơ hội để tôm tạp chất gia tăng. "DN buộc phải mua nguyên liệu có tạp chất vì không còn sự lựa chọn nào khác (thị trường chưa có tôm sạch). Mặt khác, áp lực về công ăn việc làm, về nguyên liệu sản xuất, về đơn hàng đã ký... đang đề nặng lên vai họ", ông Dũng nói.

Tổng Thư ký VASEP kiến nghị, nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến phải được một cơ quan trung gian kiểm tra. Người sản xuất (ngư dân) và người cung ứng hàng hóa (các đại lý buôn bán) phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu đầu tiên. Riêng các DN chỉ mua những lô hàng đã được chứng nhận là sạch, trong trường hợp cố tình mua những lô hàng không đảm bảo thì sẽ bị xử phạt.

Trước mắt, theo Kế hoạch Hành động đảm bảo chất lượng, ATVS nguyên liệu thủy sản mà Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc vừa ký ngày 22/3, trong năm 2006, Bộ sẽ triển khai hoạt động kiểm soát tạp chất đối với 100% các lô tôm nguyên liệu tiếp nhận tại cơ sở chế biến, đại lý thu gom khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức hoạt động thí điểm chợ đầu mối thu mua tôm nguyên liệu tại Cà Mau. Khi đó, việc kiểm tra chứng nhận chất lượng sẽ được tiến hành tập trung ở chợ đối với 100% lô hàng.

Chưa hết lo

Sau khi tham dự Hội nghị này, 51 DN chế biến tôm từ TP.HCM trở vào sẽ ký vào bản cam kết kiên quyết không thu mua và sử dụng nguyên liệu thủy sản đã bị bơm chích tạp chất dưới mọi hình thức vào chế biến.

Song, việc cam kết là một chuyện và thực hiện lại là chuyện khác. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh, bởi trước đó, kể từ năm 2000, rất nhiều DN là thành viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã cam kết không mua tôm có tạp chất; đồng thời xây dựng quy chế kiểm tra chéo có thưởng phạt trong nội bộ các DN thành viên. Do chỉ là cam kết tự nguyện nên trước sức ép của nguyên liệu, lo giải quyết công ăn việc làm cho công nhân nhất là lúc trái vụ, lại không tin tưởng lẫn nhau nên các DN đã tự mình phá vỡ các cam kết.

Bên cạnh đó, theo quy định thì Nafiqaved và các chi cục trực thuộc sẽ tiến hành kiểm tra tôm nguyên liệu. Nafiqaved muốn kiểm tra tại các DN, còn việc khó là kiểm tra ở các đại lý thu mua, cơ sở sản xuất chuyển cho chi cục địa phương. Song, ngoài 3 trung tâm kiểm tra vùng đặt tại TP.HCM, Cà Mau và Cần Thơ, hầu hết Sở Thủy sản các tỉnh chưa có chi cục Nafiqaved. Ngay cả ở Cà Mau, địa phương sản xuất tôm lớn nhất nước, lực lượng này cũng rất mỏng.

Hiện phí cho việc lấy mẫu kiểm tra cho một container thủy sản nguyên liệu trước khi xuất khẩu lên tới 800-1.000 USD, chưa kể chi phí kiểm tra ở nước ngoài. Gánh nặng này đang đè lên vai các DN, làm đội giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, trên thực tế cũng đã nảy sinh hiện tượng các tổ liên ngành (kiểm tra) của địa phương lợi dụng quyền hành làm sai hoặc thông đồng kiếm lợi, gây phiền hà và thiệt hại kinh tế cho các đại lý nguyên liệu, kể cả các đại lý không vi phạm, làm công tác đấu tranh chống tệ nạn này đạt hiệu quả không cao. Do công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động này không liên tục nên tệ nạn đưa tạp chất vào nguyên liệu lúc co hẹp, lúc gia tăng, lúc âm ỉ, lúc bùng phát vẫn tiếp tục gây tác hại trên diện rộng.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,