221
5101
Chính sách
chinhsach
/kinhte/chinhsach/
1236623
Nghịch lý giá xăng dầu, doanh nghiệp đổ cho cơ chế
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Nghịch lý giá xăng dầu, doanh nghiệp đổ cho cơ chế
,

 - Nếu như có gì phức tạp, bất ổn ở thị trường xăng dầu thì lỗi ấy là… do cơ chế, các doanh nghiệp xăng dầu bức xúc bày tỏ tại cuộc hội thảo sáng nay (21/9) ở Hà Nội về thị trường xăng dầu.

Thị trường hóa… trên giấy

Xăng dầu sẽ phải đi theo cơ chế thị trường là điều tất yếu. Thế nhưng, quá trình chuyển đổi này ngày càng lúng túng và “lệch pha” với thị trường bên ngoài. Liên tục các quy định thị trường hoá xăng dầu, hướng tới sự minh bạch, được ban hành, nhưng chưa một ngày được... thực hiện.

Thị trường xăng dầu vẫn chưa thực sự là cơ chế thị trường (ảnh: Phạm Huyền)
Kinh doanh xăng dầu vẫn chưa thực sự theo cơ chế thị trường. (Ảnh: Phạm Huyền)

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính có phần không vui: nhiều nước cũng lúng túng về điều hành giá xăng dầu chứ đâu chỉ Việt Nam.

Theo ông, điều hành thị trường xăng dầu đã có 2 đột phá lớn. Đó là Quyết định 187 và Nghị định 55.

Quyết định 187 của Thủ tướng ban hành tháng 9/2003 cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán trong phạm vi 5% đối với dầu, 10% đối với xăng, trong khung “giá định hướng” do Nhà nước xác định vào quí 4 hàng năm.

3 năm sau đó, xu hướng giá thế giới liên tục tăng và Nhà nước vẫn buộc phải quyết định giá. Giá định hướng luôn biến thành giá cố định cho doanh nghiệp và không tiệm cận được với giá thế giới.

Giai đoạn này, Nhà nước đã phải chi 5% tổng chi ngân sách để bù giá cho xăng dầu, tình trạng xuất lậu xăng dầu trở nên nhức nhối và vô tình, Nhà nước đã bao cấp cả xăng dầu cho các nước xung quanh.

Năm 2007, Nghị định 55 ra đời với lộ trình từ 1/1/2007, xăng theo thị trường và từ 16/9/2008 là dầu, chấm dứt bù lỗ. Rốt cục, do lạm phát, khủng hoảng, Nghị định này cũng không làm được và đi theo vết xe đổ tương tự như Quyết định 187. Các doanh nghiệp vẫn phải xin phép Nhà nước về giá, kể cả việc giảm giá.

Có thể thấy, vòng luẩn quẩn trong cơ chế này là mục tiêu để doanh nghiệp tự định giá luôn phải gác lại và Chính phủ lại tiếp lục nắm giá xăng dầu.

Cái được gọi là “sự đột phá” này của ông Thoả được dẫn giải như một sự thất bại nhiều hơn là bước tiến lớn trong quá trình thị trường hoá xăng dầu. Thậm chí, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex còn chua xót nói rằng, cơ chế đó đã khiến giá xăng dầu trong nước có lúc thoát ly ra khỏi thị trường thế giới, gây nên sức ỳ lớn cho doanh nghiệp.

Ông Bảo tiếc nuối, Nhà nước đã thị trường hoá xăng dầu… sai thời điểm. Trước năm 2000, không có chuyện bù lỗ thì giá cả tương đối ổn định. Giá dầu thô chỉ loanh quanh 20 USD/thùng, thậm chí có lúc 11 USD/thùng. Đáng lẽ, Nhà nước phải thị trường hoá xăng dầu ngay. Thế nhưng, trong thời điểm thuận lợi này thì giá xăng dầu hoàn toàn do Chính phủ ấn định.

Đến khi chuyển sang thị trường mạnh mẽ nhất thì thật nghịch lý là xăng dầu liên tục phải bù lỗ nhiều.

Nhà nước chỉ nên điều tiết thuế, phí

Ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định, các doanh nghiệp đã phải chịu quá nhiều qui định cứng. Ví dụ như, có quy định bắt các cửa hàng xăng dầu không được đóng cửa, bất kể lãi hay lỗ, mặc dù 80% cửa hàng bán lẻ xăng dầu là của tư nhân.

Mô tả ảnh.
Nhà nước can thiệp sâu và có tính sự vụ vào kinh doanh xăng dầu, ý kiến của ông Vương Đình Dung - TGĐ Công ty xăng dầu Quân đội. (Ảnh: Phạm Huyền)

Ngay cả việc đưa ra Quỹ bình ổn giá hiện nay, việc vận hành không hề đơn giản. Khi mà, kinh doanh xăng dầu có đặc thù là, cùng 1 mặt hàng, có thể doanh nghiệp này lãi, doanh nghiệp kia lỗ. Song, các doanh nghiệp này vẫn phải trích một mức như nhau để đưa vào Quỹ bình ổn giá.

"Hướng giải quyết cho thị trường xăng dầu vẫn là chuyện các quyết định đưa ra rồi phải được thực hiện đầy đủ. Ta có quyết định rồi nhưng trong thực tế thì chưa bao giờ thực hiện. Một mặt ta tuyên bố đi theo cơ chế thị trường trong kinh doanh xăng dầu, nhưng mặt khác vẫn liên tục có sự can thiệp. 

Không có cơ chế đầy đủ doanh nghiệp không phát huy được vai trò. Tới đây, Nhà nước phải xem lại các quyết định đó thực hiện như thế nào. Cách cụ thể nên định mức thu nhất định, trên cơ sở đó doanh nghiệp căn cứ tự tính toán. Còn lại yếu tố giá, tìm nguồn, lỗ lãi họ sẽ ra và tìm được cách tốt nhất
".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Ông Vương Đình Dung, TGĐ Công ty xăng dầu Quân đội cũng than thở, Nhà nước can thiệp sâu và có tính sự vụ vào kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là giá từ chỗ quyết định hoàn toàn do Nhà nước đến lúc cho DN tự quyết định trong khung nhất định nhưng cuối cùng vẫn là Nhà nước quyết định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp luôn sốc vì những sự điều chỉnh thuế rất… bất ngờ. Tàu chở dầu về trước hay về sau 1 ngày đã là khác rồi.

Bên cạnh đó, quá nhiều mục tiêu đặt cho mặt hàng xăng dầu khiến doanh nghiệp khó xử. Bộ Tài chính muốn có nguồn thu, muốn bình ổn giá. Bộ Công Thương thì muốn bình ổn thị trường cung cầu…

Đó chính là sự phức tạp mà Nhà nước đang tạo cho doanh nghiệp không cần thiết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A đúc kết.

Bây giờ là lúc, phải đẩy mạnh sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hơn nữa.

Nhà nước chỉ nên quản lý các khoản thu của mình, đó là điều chỉnh thuế, phí chứ không nên tiếp tục can thiệp vào định giá. Phải làm sao, Petrolimex định một giá, Saigon Petro một giá thì mới là sự cạnh tranh thực sự.

Theo vị chuyên gia này, thị trường xăng dầu Việt Nam có tới 11 doanh nghiệp là quá nhiều mà rốt cục, vẫn không ra… thị trường. Bởi Petrolimex vẫn nắm tới 57% thị phần.

Việt Nam chỉ nên có khoảng 3 doanh nghiệp tương đương nhau về thị phần.

Làm sao để 10 doanh nghiệp còn lại có cách thức nhóm lại với nhau để cạnh tranh bình đẳng với Petrolimex. Đó là việc cần làm của Nhà nước, chứ không phải việc tính công thức giá, định giá.

 

Nghị định sửa đổi nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu vừa được Liên Bộ chính thức trình Thủ tướng.

Theo đó, khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới biến động làm cho giá vốn hay còn gọi là giá cơ sở tăng lên 7% so với giá bán lẻ hiện hành, DN được tự động tăng giá. Đồng thời, DN phải gửi văn bản đăng ký giá lên Cục quản lý giá và nếu có vấn đề, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hậu kiểm. 

Nếu giá thế giới làm giá vốn biến động tăng trên 7%-12% thì DN được tăng giá 7% này, cộng thêm 50% của khoảng tăng giá từ trên 7-12%. 40% phần giá vốn tăng còn lại sẽ được bù từ Quỹ bình ổn giá. 

Khi giá vốn tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì Nhà nước sẽ điều chỉnh thuế, phí và cho phép DN tăng giá ở mức độ nhất định.

Trường hợp giảm giá xăng dầu cũng tương tự theo công thức trên nhưng là ngược lại. Trong đó, khi giá vốn giảm quá 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì DN có thể giảm giá tuỳ ý, không hạn chế số lần giảm và mức giảm giá.

Tuy nhiên vẫn còn 2 ý kiến khác nhau về khoảng thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá. Bộ Tài chính cho rằng vẫn nên giữ là 20 ngày như hiện nay theo số ngày quy định dự trữ xăng dầu trong lưu thông, Bộ Công Thương kiến nghị chỉ nên là 10 ngày.
  • Phạm Huyền

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,