221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1232737
Petrolimex giải thích chuyện tăng giá xăng
1
Article
null
Petrolimex giải thích chuyện tăng giá xăng
,

 - Tối 29/8, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam đã trao đổi với phóng viên VietNamNet xung quanh việc tăng giá bất ngờ này. 

Mô tả ảnh.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Petrolimex

Thưa ông, tại sao lần này, giá xăng dầu lại tăng mạnh như vậy? 

- Nguyên nhân cơ bản vẫn là do xu hướng giá dầu trên thế giới tăng lên. Thực ra, chỉ có mặt hàng xăng là có biến động giá đúng trong 20 ngày qua và đã được điều chỉnh tăng lên theo sự biến động đó. Còn lại, dầu diesel biến động mạnh và bị lỗ là trong hơn 50 ngày rồi. 

Lần điều chỉnh giá xăng dầu trước, ngày 9/8, mặc dù bị lỗ nhưng Liên Bộ không cho tăng giá. Vì vậy, lần này tăng mạnh 1000 đồng đối với dầu diesel cũng là bình thường. 

Sau khi tăng giá mạnh như vậy, mức lãi lỗ kinh doanh xăng dầu sẽ như thế nào?

- Việc lãi lỗ còn tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp. Sau khi tăng, với mặt hàng xăng, chúng tôi tiếp tục có phần dư địa để trích trả nợ tiền ngân sách đã tạm ứng để bù lỗ trước kia là 1000 đồng/lít và đồng thời, có chút lãi. Còn dầu, coi như là vừa đủ hoà vốn, đủ chi phí. 

Suốt từ tháng 4 đến nay, giá xăng trong nước liên tục tăng lên với lý do, giá thế giới tăng, doanh nghiệp lỗ. Lúc nào các doanh nghiệp cũng kêu lỗ, điều đó không thuyết phục được người tiêu dùng?

- Nhiều năm gần đây, việc tăng, giảm giá xăng theo xu hướng giá thế giới lên, xuống ở nước ta không thể hiện rõ rệt. Trên thực tế, việc điều chỉnh giá trong nước không bao giờ là vừa đủ cả, mà bao giờ, doanh nghiệp cũng phải với theo. Do đó, biến động thêm một chút là lại lỗ. 

Mặt hàng xăng dầu bị đặt quá nhiều “trách nhiệm” như phải vừa đảm bảo vấn đề dân sinh, vừa đảm bảo ngân sách. 

Mô tả ảnh.
Giá xăng lại leo thang (ảnh: Phạm Huyền)


Doanh nghiệp thì mang tiếng rất nhiều trong chuyện này. Ngay cả chuyện bù lỗ năm trước, thực tế, đó là Nhà nước bù cho người tiêu dùng thông qua chúng tôi mà thôi. 

Nếu xăng dầu được kinh doanh theo cơ chế bình thường thì chắc chắn, nó không lỗ được. Giá thế giới lên bao nhiêu thì giá trong nước cũng lên, giá bên ngoài xuống thì nó cũng xuống. Còn nhìn chung, doanh nghiệp luôn cố gắng đảm bảo, đã kinh doanh thì không để lỗ.

Tuy vậy, trong thời gian qua, cũng có lúc giá thế giới giảm, tại sao doanh nghiệp không hạ giá? 

- Chính phủ luôn xác lập giá xăng dầu theo hướng làm sao để nó ổn định, dù cho, giá thế giới đang lên. 

Ngoài ra, mặt hàng xăng dầu tác động rất nhiều đến đời sống. Nhà nước muốn nó ổn định càng dài càng tốt, bất luận giá cả bên ngoài biến động lên xuống nhiều. Đó cũng là một lý do mà giá thế giới giảm, nhưng giảm ngắn hạn nên giá trong nước không giảm ngay.  

Tôi cũng cảm thấy thật khó để giải thích cho người dân hiểu. Vì xăng dầu của chúng ta có vận hành theo thị trường đâu? Tất cả chúng tôi đều đang kiến nghị để đạt được điều đó.

Vậy thưa ông, có biện pháp nào để mặt hàng này thực sự cạnh tranh hơn và quyền lợi người tiêu dùng được tôn trọng? Hiện nay, đồng loạt các mặt hàng xăng dầu của mọi doanh nghiệp đều tăng với cùng 1 lý do, người tiêu dùng không có quyền lựa chọn

- Trong thời gian ngắn thôi, tổng công ty sẽ đổi mới phương thức bán hàng xăng dầu tới người tiêu dùng. Xăng dầu sẽ được coi như một sản phẩm kinh doanh thông thường. Chúng tôi sẽ có những chính sách riêng cho khách hàng truyền thống và khách hàng vãng lai. 

Dự kiến đầu tiên, chúng tôi sẽ phát hành thẻ mua bán xăng dầu, phối hợp với kệ thống ngân hàng. 

Trước đây, chúng tôi không có công cụ nào theo dõi đâu là khách truyền thống, dùng nhiều xăng của mình, đâu là khách vãng lai, thi thoảng mới mua. Vì vậy, rất có thể có nhiều người dân đã trung thành mua xăng của Petrolimex nhưng không ai theo dõi việc đó cả và họ thì xứng đáng có những chính sách khuyến khích ưu đãi. 

Ví dụ, các khách hàng này có thể có thoả thuận riêng với phía doanh nghiệp để có một mức giá ổn định nào đó từ nay đến cuối năm, bất luận có sự biến động giá nào khác. 

Người mua nhiều sẽ khác người mua ít, giống như bạn được tích điểm khi dùng nhiều sản phẩm của một doanh nghiệp. Do đó, khi tăng giá, người sử dụng dài hạn vẫn được mua giá cũ, mặc dù giá lên. Nó là văn minh thương mại và khi đó, xăng dầu thực sự là cạnh tranh. 

Ông có dự báo gì về giá dầu thế giới từ nay đến cuối năm?

- Rất khó dự đoán vào lúc này! Bởi lẽ, giá dầu thế giới hiện nay không còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu bình thường như trước nữa, mà nó bị tác động quá mạnh bởi các thế lực đầu tư, đầu cơ, mà đến cả Chính phủ Mỹ cũng đang phải nghiên cứu giải pháp để ngăn cản chuyện này. Chỉ khi nào khủng hoảng kinh tế qua đi, nhiều quỹ đầu tư tham gia, quan hệ cung cầu mới trở lại bình thường. 

Tuy nhiên, tôi tin rằng, giá dầu thế giới sẽ không biến động bất thường vào cuối năm nay. Nó sẽ duy trì và ổn định dần, nhưng đứng ở mức cao. Theo dự đoán của chúng tôi, giá dầu thô thế giới sẽ chỉ loanh quanh 70-75USD/thùng nhưng như thế là cao. Tổng công ty vẫn đánh giá trung bình giá dầu cả năm nay là 65USD/thùng. 

Tuy nhiên, dù vậy, mức trung bình như thế vẫn là cao, là bất lợi cho nền kinh tế. Còn về giá dầu thành phẩm, do vào mùa đông, theo quy luật, giá sẽ nhích lên. Thông thường nó tăng 5-10%. 

Vậy, từ nay tới cuối năm, liệu giá xăng trong nước có cơ hội giảm không, thưa ông?

- Cơ hội giảm giá hoàn toàn có thể, nhưng tuỳ thuộc vào thị trường thế giới. Từ đầu năm, thực chất, thị trường xăng dầu đã vận hành tương đối ổn định. Chẳng qua là còn 1 số dư âm do cơ chế cũ. Do đó, cơ cấu giá thành còn có sự bất cập. 

Chúng tôi kỳ vọng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu được ban hành thì nó sẽ được thực hiện theo thị trường hơn. Khi đó, người tiêu dùng sẽ cảm thấy rõ nhất việc lúc lên, lúc xuống theo thế giới như thế nào, và sẽ thấy sự minh bạch. Công thức tính giá cũng rõ ràng. Doanh nghiệp cứ thế mà điều chỉnh theo. 

  • Phạm Huyền (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,