221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1220907
Nhà nước không bao cấp giá xăng dầu
0
Article
null
Nhà nước không bao cấp giá xăng dầu
,

 - Đây là khẳng định của Bộ Tài chính trước tình hình giá xăng liên tục tăng và các thông tin về cơ chế điều hành giá xăng dầu và tương quan giá xăng dầu Việt Nam so với thế giới đang được quan tâm hiện nay.

Giá xăng trong nước hiện vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực? (Ảnh: LAD)

Xăng Việt Nam rẻ nhất khu vực?

Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng nhiều lần. Cụ thể, năm lần tăng giá xăng RON 92 từ 11.000 đồng/lít lên 14.200 đồng/lít; bốn 4 lần tăng giá dầu hỏa từ 11.000 đồng/lít lên 13.650 đồng/lít; ba lần tăng giá dầu madút từ 8.500 đồng/kg lên 10.500 đồng/kg và diezel từ 10.000 đồng/lít lên 12.100 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, mặc dù giá xăng được điều chỉnh tăng lên, gần xấp xỉ với Trung Quốc, nhưng vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực từ 924 đồng/lít đến 6.473 đồng/lít; giá dầu diezel thấp hơn từ 1.251 đồng/lít đến 6.214 đồng/lít.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, sở dĩ Việt Nam có được mức giá thấp trên là do chúng ta còn sử dụng biện pháp giảm thuế và các công cụ tài chính khác trong điều hành giá xăng, dầu.

Để tiện theo dõi, Bộ Tài chính đã cập nhật giá cả xăng dầu một số nước trong khu vực và cho thấy, giá xăng, dầu ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực.

Bảng so sánh giá xăng dầu giữa Việt Nam và các nước.

Khó có thể so sánh giá hiện nay với trước đây

Một trong những nội dung mà dư luận quan tâm là trước đây, khi dầu thô ở mức 147 USD/thùng thì giá xăng trong nước được điều chỉnh lên 19.000 đồng/lít, nhưng nay giá dầu thô chưa bằng ½ mà giá xăng đã ở mức 14.200 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, cách so sánh này chưa thật phù hợp. Bởi vì, mức giá dầu thô Mỹ (WTI) 147 USD/thùng là của thời điểm ngày 14/7/2008, chưa phải là mức giá của bình quân giá thế giới được tính bình quân tối thiểu 20 ngày dự trữ lưu thông trong nước để làm căn cứ xác định giá bán trong nước.

Việc tính giá xăng, dầu trong nước là trên cơ sở bình quân giá thị trường thế giới của từng chủng loại xăng, dầu thành phẩm mà không phải là căn cứ vào giá dầu thô.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước, cơ cấu tính giá xăng, dầu trong nước không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của giá xăng dầu thị trường thế giới, mà còn phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam với đồng đôla Mỹ, chính sách điều tiết của Nhà nước phù hợp với đường lối phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ…

Giá trong nước không nên để thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng nhằm hạn chế việc buôn lậu và gian lận thương mại.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, với mức giá bán xăng trong nước 19.000 đồng/lít thời điểm năm 2008 là cũng chưa tính toán đủ theo mặt bằng giá xăng trên thị trường thế giới.

Bởi vì Nhà nước còn thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu như: tạm ứng từ ngân sách Nhà nước tương ứng với số lỗ kinh doanh mặt hàng xăng, để các doanh nghiệp có vốn hoạt động; bù lỗ mặt hàng dầu.

Nếu tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí theo thị trường và Nhà nước không hỗ trợ, giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trong nước sẽ còn phải cao hơn. Từ năm 2009, Chính phủ thực hiện điều hành giá mặt hàng xăng, dầu theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không còn bù lỗ, hỗ trợ đối với kinh doanh các mặt hàng xăng, dầu như trước đây. Bộ Tài chính khẳng định

Tăng giá 1.000 đồng/lượt không phạm luật

Giải thích cụ thể điều này, Bộ Tài chính cho rằng, đợt tăng 10/6, căn cứ giá xăng dầu thị trường thế giới bình quân 27 ngày (từ ngày 8/5/2009 -ngày điều chỉnh giá gần nhất - đến ngày 4/6/2009) giá dầu thô và giá dầu thành phẩm tăng mạnh (12,4 - 24,4%) so với giá bình quân của thời gian trước đó, trong đó giá dầu ma dút tăng mạnh nhất là 24,4%.

Thời điểm đó, DN đề xuất tăng giá từ 1.000 đồng/lít, kg đến 1.900 đồng/lít, kg nhưng Bộ Tài chính chỉ chấp thuận tăng 1.000 đồng/lít, kg xăng dầu, sau khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ DN. Mặc dù vậy, sau khi tăng giá, chỉ có xăng, dầu hỏa là có lãi, diesel hòa vốn, còn dầu mazut vẫn lỗ.

Chưa đủ điều kiện áp dụng tăng giá 500 đồng/lần. (Ảnh: anpha)

Đến ngày 1/7, giá dầu thô và giá xăng, dầu thành phẩm tăng mạnh (10,6 - 20,3%) so với giá bình quân của thời gian trước đó, trong đó giá dầu hoả tăng mạnh nhất là 17,6%.

Các DN lại tiếp tục đề nghị tăng giá thêm 5% tương đương từ 500 đồng/lít, kg đến 1.000 đồng/lít, kg cho mỗi chủng loại xăng, dầu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ chấp thuận tăng giá 5% đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu. Mức tăng cao nhất là 700 đồng/lít đối với xăng.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giá không quá 500 đồng/lít, kg là trong điều kiện giá thị trường thế giới diễn biến bình thường, không có biến động lớn và gắn liền với hoạt động của Quỹ Bình ổn giá.

Có nghĩa là khi Quỹ Bình ổn giá đã có nguồn lực (số dư lớn), giá thị trường thế giới biến động tăng làm cho giá vốn bán lẻ trong nước tăng vượt quá 500 đồng/lít, kg so với giá bán lẻ hiện hành. Doanh nghiệp được điều chỉnh giá tăng 500 đồng/lít, kg phần tăng vượt trên 500 đồng/lít, kg được trích Quỹ Bình ổn giá để bù đắp. 

Trước thời điểm Liên Bộ Tài chính - Công Thương chấp thuận để các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh giá 1.000 đồng/lít, các doanh nghiệp đã ba lần đề nghị được tăng giá.

Xét thấy tại thời điểm đó chưa thích hợp cho việc điều chỉnh giá, nên Liên Bộ tạm thời chưa chấp thuận tăng giá mà sử dụng các công cụ tài chính khác để bình ổn giá, như: giảm thuế nhập khẩu, tạm dừng trích Quỹ Bình ổn giá, kéo dài thời gian hoàn trả Ngân sách Nhà nước 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng.

Tuy nhiên, giá xăng dầu thị trường thế giới tiếp tục biến động mạnh, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện hàng loạt các công cụ tài chính,  Liên Bộ thấy cần phải có sự điều hành giá linh hoạt, phù hợp với giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới. Và đây được Bộ Tài chính cho là giải pháp mang tính tình thế và cần thiết.
 

Sửa đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu

Bộ Tài chính cho biết sẽ đề xuất sửa đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu trên các nguyên tắc: Thực hiện cơ chế thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, Nhà nước không bao cấp.

Rà soát mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu (barem về thuế) và mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để các doanh nghiệp làm căn cứ chủ động xác định giá bán lẻ và đảm bảo nguyên tắc hạch toán trong hoạt động kinh doanh của mình.

Các doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán lẻ theo giá thị trường, không gây ra sự biến động lớn (giật cục) về giá bán lẻ. Trường hợp đặc biệt (giá xăng dầu thị trường thế giới tăng quá cao), Nhà nước sẽ xem xét can thiệp bằng các quyết sách cụ thể.

  • Phước Hà

Ý kiến phản hồi của độc giả

Không nên so sánh giá xăng dầu một cách khập khiễng như vậy. Bởi: Thứ nhất thu nhập tính theo đầu người của họ cao hơn ta nhiều lần, vậy giá xăng dầu của họ cao hơn ta vài ba ngàn đồng thì cũng chả thấm vào đâu Thứ hai giá xăng dầu ở các nước họ cao hơn giá xăng dầu của ta cũng là lẽ thường tình vì họ có chính sách bình ổn giá xăng dầu tốt hơn ta, họ sử dụng tốt sự gia tăng của giá để bình ổn giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới có biến động, nên biên độ tăng giá của họ ổn định, không thay đổi chóng mặt như ta. Thứ ba cơ cấu giá xăng dầu hoặc giá bất kỳ loại hàng hoá, dịch vụ nào đều bao hàm tính cộng đồng xã hội trong đó, như các dịch vụ công của xã hội, tiền trợ cấp thất nghiệp ngắn hạn, dài hạn, phúc lợi xã hội và nhiều ưu đãi khác mà công dân của họ được hưởng.

Thứ tư là giá xăng dầu của họ không bao hàm các chi phí lãng công, chi phí hao hụt do ăn cắp, chi phí trại trẻ của ngành xăng dầu và các chi phí khác của Nhà nước. Theo số liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cơ cấu giá thành xăng dầu thì đã có 40% là thuế và các chi phí khác do Nhà nước thu. Nước ta trên phương diện sổ sách giấy tờ thì cái gì cũng có, kể cả nguồn kinh phí dự phòng bình ổn giá xăng dầu cũng được tính vào cơ cấu giá thành một cách đầy đủ, ấy vậy mà người dân không được hưởng gì mấy từ phúc lợi, vậy ngành xăng dầu và Nhà nước có nên so sánh giá xăng dầu của ta với các nước như vậy hay không và liệu sự so sánh đó có khập khiễng?(Nguyễn Anh Minh, Địa chỉ: Hà Nội, Email: tuan54vn@...)

Theo nguồn mà bài báo trên cung cấp, giá xăng dầu của nước ta hiện nay tương đương với giá của Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Và theo Bộ Tài chính thì còn thấp hơn một số nước trong khu vực. Tuy nhiên khi so sánh, ta cũng nên cân nhắc một số điều kiện tương quan khác để thấy thực chất vấn đề. Tôi biết, thu nhập bình quân của những nước và vùng lãnh thổ trên đều cao hơn ta khoảng vài ba bốn lần, chưa kể đến Singapore. Cũng theo bảng so sánh trên, nếu lấy thu nhập bình quân dân VN là 3 triệu đồng/tháng, mua được khoảng 211 lít xăng và nếu thu nhập bình quân dân Thái Lan tương đương 6 triệu đồng/tháng thì họ có thể mua được 402 lít xăng. Đây mới là chỉ tiêu đáng xem để so sánh. Khi nói về giá bán, rất nhiều lần tôi thấy các cơ quan quản lý cho rằng giá của ta thấp hơn so với giá thế giới nhưng họ lại quên rằng thu nhập của dân ta đang thấp hơn rất nhiều so với thế giới (chưa kể hiện ta đang có giá bán một số hàng thuộc loại cao nhất trên thế giới như: ôtô, sữa...). (Trần Bảo, Địa chỉ: Hà Nội, E-mail: bao.tq@...)

Khi lấy tham chiếu với giá xăng của các nước khác, Bộ Tài chính nên lấy các nước có cùng điều kiện với VN, nghĩa là cũng khai thác được dầu thô, ví dụ như Malaisia, Indonesia. (Nguyễn Quang Dũng, Địa chỉ: 202 B4b Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội, E-mail: nqdungsnu02@...)

Theo tôi cần đưa thêm các loại phí và thuế các nước tính vào giá xăng dầu. khi đó mới thấy rõ được giá xăng dầu nước nào cao hay thấp. Nếu đưa số liệu như trên thì không giải quyết vấn đề gì hết.(Dinh Van Tuyen, Địa chỉ: Từ Liêm, Hà Nội, E-mail: XLVT3@...)

Tôi đồng ý với quan điểm của chính phủ, trong cơ chế thị trường, Nhà nước điều hành cần phải tuân theo qui luật. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, giá xăng dầu liên tục tăng mà không giảm, kể cả khi xăng dầu thế giới giảm dưới mặt bằng thị trường trong nước thậm chí cả khi Nhà nước công bố không tăng giá xăng dầu, nhưng chỉ ngay sau đó giá xăng dầu lại tăng ngay tức thì. Theo tôi giá xăng dầu tăng là do Nhà nước chưa quản lý được giá thực của xăng dầu, mà chỉ dựa trên báo cáo đề xuất của ngành xăng dầu. Giá xăng dầu hiện nay chưa phản ánh đúng là do ngành xăng dầu còn cộng nhiều chi phí chưa hợp lý và giá, tôi đề nghị Nhà nước nên có một cơ quan đủ năng lực, độc lập tham mưu trên lĩnh vực quản lý giá cả thị trường không để các nhà nhập khẩu độc quyền định giá hàng hoá.(Bui Huy Luc, Địa chỉ: Quảng Ninh, E-mail: buihuyluc@...)

Tôi vẫn theo dõi lúc giá xăng bán lẻ lên đến đỉnh điểm tháng 7/2008 ở Việt Nam là 19.000 đồng/lít, thì giá xăng bán lẻ ở Mỹ vẫn luôn rẻ hơn ở Việt Nam. Hình như giá xăng ở Việt Nam chỉ rẻ hơn ở Mỹ vào thời điểm giá xăng còn ở hạn mức 5.200 đồng/lít. Sau này thì giá xăng bán lẻ ở Mỹ luôn luôn rẻ hơn ở Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn than lỗ, trong khi doanh nghiệp Mỹ lại có lời?(Thanhthat, Địa chỉ: 118 cong quynh, E-mail: thanhthat@...)

Tính toán giá mà không so sánh đến lương là một sự so sánh khập khiễng. Ở nước người ta giá như vậy là hợp lý so với lương, nhưng ở Việt Nam thì lương không tương hợp với giá. Tôi chẳng hiểu nổi.?(Bùi Anh Kiệt, Địa chỉ: 406 Hà Huy Giáp, E-mail: buianhkiet2003@...)

So sánh thế thì thử hỏi mức sống của người dân Việt Nam so với các nước khác có bằng không mà phải điều chỉnh giá để bằng các nước khác.(Nguyễn Hoàng Quý, Địa chỉ: Hà Nội, E-mail: nguyenhoangquy1@...)

Theo tôi, các nhà quản lý không nhìn ra được điểm bất hợp lý trong cách giải thích vấn đề: Thứ nhất, nếu dầu nhập khẩu được dự trữ ở mức 20 ngày, nghĩa là giá tại thời điểm hiện tại chính là giá của 20 ngày trước đó. Vậy khi giá dầu nhập khẩu giảm thì đương nhiên giá nhập giảm theo. Do vậy, khi giá dầu tăng thì cũng phải 20 ngày sau thì lượng dầu đã nhập khẩu mới được bán đúng giá trị của nó. Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh luôn kêu lỗ, trên thực tế thì những người làm trong lĩnh vực xăng dầu luôn có mức sống thuộc loại đẳng cấp trên so với mặt bằng. Và nếu luôn lỗ như vậy thì lấy gì để duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp này. Thứ ba, bảng giá tham khảo mà Bộ Tài chính đưa ra là không thể so sánh được vì mức giá sinh hoạt tại các nước này không tương đồng với Việt Nam.(Ngô Trường Hải, Địa chỉ: Hải Phòng, E-mail: haingotruong1985@...)

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
Email:
bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,