221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1183412
Khó đàm phán giá điện, lỗi tại "một người mua"
1
Article
null
Khó đàm phán giá điện, lỗi tại 'một người mua'
,

 - Câu chuyện đàm phán giá mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà đầu tư điện độc lập luôn trong tình trạng căng thẳng, khi một bên luôn muốn lợi nhuận tối đa, còn một bên thì không thể mua cao bán thấp. Các chuyên gia ngành điện khẳng định, khi còn tồn tại cơ chế “một người mua duy nhất” thì câu chuyện này sẽ còn kéo dài.
 

Nhà máy điện Cà Mau cũng khó khăn về đàm phán giá điện. (Ảnh: VNN)

Những cuộc đàm phán chưa có hồi kết

Mới đây nhất là cuộc tranh cãi giữa EVN và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về giá bán điện của nhà máy nhiệt điện Sơn Động do TKV làm chủ đầu tư. Dự kiến, nhà máy phải phát điện thương mại trong tháng 3 này, nhưng nay đã bước sang tháng 4, giá điện vẫn chưa được thống nhất.

Tháng 11/2007, TKV đã chào bán mức giá 720 đồng/kWh, nhưng EVN thì chỉ đồng ý mua với giá 678,4 đồng/kWh. Tới tháng 1 vừa qua, TKV tính toán lại, giảm 10 đồng xuống còn 710 đồng/kWh. Tuy nhiên, phía EVN vẫn chưa chấp thuận.

Theo ông Trần Xuân Hoà, Tổng Giám đốc TKV, mức giá trên đã được Tập đoàn tính toán trên cơ sở giảm tối đa chi phí đầu vào, đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.

Còn theo tính toán của EVN, nếu chấp nhận mua giá trên, cộng chi phí truyền tải, phân phối và tổn thất điện năng khoảng 295 đồng/kwh thì tổng chi phí giá điện đến người tiêu dùng sẽ là 1.015 đồng/kWh.

Với sản lượng điện mua từ nhà máy Sơn Động vào khoảng 1,2 tỷ kWh/năm, thì mỗi năm EVN sẽ phải bù lỗ khoảng 144,2 – 173 tỷ đồng.

Do vậy, 2 Tập đoàn này đã phải nhờ đến Bộ Công Thương làm trọng tài giải quyết vấn đề.

Tình trạng đàm phán không có hồi kết này đã và đang diễn ra ở nhiều dự án khác.

Dự án nhiệt điện Cẩm Phả ký hợp đồng nguyên tắc mua bán điện từ năm 2006, dự kiến tháng 5 tới sẽ phát điện thương mại, nhưng mãi đến tháng giữa tháng 3 vừa qua, nhà máy này mới đề xuất chào bán giá 4,65 cent/kWh.

Phía EVN cũng chưa có trả lời chính thức do hồ sơ đàm phán chưa đầy đủ.

Hai nhà máy Nhơn Trạch 1 và Cà Mau của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mặc dù đã phát điện thương mại, nhưng hiện nay, hợp đồng mua bán điện vẫn chưa ký kết do chưa thống nhất được các điều khoản quan trọng như: Chi phí vận chuyển khí, chi phí vận hành và bảo dưỡng…

Lỗi do cơ chế?

Ông Phạm Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Trưởng ban quản lý dự án điện độc lập, Bộ Công Thuơng gọi đây là câu chuyện “con gà, quả trứng”. Theo thông lệ quốc tế, người bán và người mua điện phải thống nhất giá mua điện từ trước, trên cơ sở đó, chủ đầu tư mới tính toán và quyết định đầu tư, khởi công xây dựng công trình.

Tuy nhiên, tình trạng phổ biến là EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện độc lập thường chỉ ký thoả thuận về mua bán điện, chứ không thoả thuận giá trước. Do vậy, chờ sát ngày nhà máy vận hành mới thoả thuận giá thì bao giờ, việc đàm phán cũng gặp khó khăn, nảy sinh mâu thuẫn.

Cách làm không chuyên nghiệp này cũng làm khó cho cả 2 bên: Chủ đầu tư không lường trước chi phí đầu vào tăng cao trong quá trình xây dựng nên “bị động”, chào giá cao; còn EVN, tuy là người mua duy nhất, nhưng lại chịu giới hạn giá bán lẻ điện, nên cũng không thể chấp nhận ngay các đề xuất chào giá đó.

Hầu hết những cuộc tranh cãi về giá bán điện chỉ diễn ra đối với các dự án của nhà đầu tư trong nước.

Với các nhà máy điện của các nhà đầu tư nước ngoài như BOT Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Hiệp Phước, Formosa, đều thỏa thuận giá điện với EVN trước khi xây dựng nhà máy nên không có khó khăn này.

Hiện nay EVN đang đàm phán giá điện của 2 dự án BOT Mông Dương 2 (1200MW) và Vĩnh Tân 1 (1200MW) và việc xây dựng 2 nhà máy sẽ chỉ triển khai sau khi thỏa thuận được giá điện.

Nguyên tắc chung là giá điện đủ bù đắp toàn bộ chi phí đầu tư cho dự án cộng thêm một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý theo qui định của Nhà nước, đảm bảo lợi ích hài hoà của cả bên bán và bên mua.

Theo đại diện EVN, quy trình đám phán ngược về giá mua bán điện này đang gây sức ép không nhỏ cho cơ quan này. Nếu giá bán điện được thống nhất ngay từ đầu, thì chủ đầu tư có động lực để tiết kiệm chi phí trong quá trình xây dựng nhà máy.

Với tình trạng nhiều chủ đầu tư chào bán giá còn cao hơn cả giá bán lẻ điện bình quân thì “kịch bản” sẽ là, EVN hoặc phải chấp nhận mua giá điện cao, chịu lỗ, hoặc phải chịu mang tiếng là "một mình một chợ", không huy động hết công suất phát điện, gây khó cho nhà đầu tư bên ngoài.

Trước ý kiến này, ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TKV, cho rằng: “EVN chỉ nói đúng một nửa. Hợp đồng thoả thuận về giá với EVN bao giờ cũng rất lâu, mất một vài năm. Trong khi, các nhà máy điện theo Tổng sơ đồ 6 đều là diện cấp bách".

"Bộ Công Thương cũng để ’mở’, mọi chuyện vướng mắc sẽ giải quyết sau, trong đó có chuyện giá bán điện. Không thể đang thiếu điện mà cứ chờ các doanh nghiệp đàm phán xong rồi mới xây nhà máy điện, mọi dự án cần đảm bảo đúng tiến độ trước đã”.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ, EVN đang là người mua điện duy nhất, ở vị trí độc quyền nên đàm phán giá điện kéo dài là câu chuyện bất khả kháng.

Là doanh nghiệp, EVN bao giờ cũng sẽ có xu hướng chọn nguồn mua rẻ, bán cao. Ai ở vị trí này cũng sẽ làm như EVN.

Vì vậy, chỉ khi nào có tái cơ cấu ngành điện, không còn sự độc quyền và có người điều tiết thì mới giải quyết được vấn đề. Cơ chế mua bán điện giữa EVN và các nhà máy độc lập sớm ban hành ngày nào thì mọi chuyện tranh cãi này mới hy vọng có hồi kết.

  • Phạm Huyền 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,