221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1130811
Chật vật doanh nghiệp hàng không
1
Article
null
Chật vật doanh nghiệp hàng không
,

 - Giá xăng dầu lên cao chót vót và khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các doanh nghiệp (DN) hàng không trong nước vất vả chống đỡ. Đến thời điểm này, Vietnam Airlines công bố đã vượt qua được sóng gió, Jetstar Pacific thì than lỗ, trong khi Indochina Airlines háo hức đón chờ chuyến bay đầu tiên trong thận trọng.

Lỗ thật và lãi có... thật?

Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), ông Phạm Ngọc Minh, cho biết, giá xăng lên đỉnh hồi tháng 7-8 năm nay buộc hãng phải lên 3 kịch bản cho các mức 120-130-140 USD/thùng. Lịch bay cũng được điều hành theo kịch bản của giá xăng và sau đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Cùng đó, một chính sách "thắt lưng buộc bụng" cũng được Vietnam Airlines đưa ra để giảm chi phí. Khẩu hiệu "tiết kiệm" được quán triệt trong mọi bộ phận tổng công ty, đặc biệt là với đội bay. Nhờ đó, hãng tiết kiệm được vài trăm tỷ đồng từ điều hành sản xuất và vượt qua được khủng hoảng.

Giá xăng dầu đã hạ nhiệt, các DN hàng không đang thở phào (ảnh H.Y).

Từ con số thua lỗ 83 tỷ đồng cuối tháng 6/2008, ngày 19/11, ông Phạm Ngọc Minh công bố, năm nay Vietnam Airlines sẽ không lỗ, thậm chí còn có lãi. Hãng đã tăng thu được 1.000 tỷ đồng để bù đắp cho chi phí giá xăng đội lên 2.200 tỷ đồng. Riêng phần nhiên liệu, cả năm Vietnam Airlines tiết kiệm được 25.000 tấn xăng dầu, tương đương 25 triệu USD.

Theo ông Minh, Vietnam Airlines không phải cắt giảm đường bay nào mà điều hành linh hoạt, đạt hệ số ghế 84%. Tỷ lệ chuyến bay đúng giờ đạt xấp xỉ 89% (so với 84% của năm 2007). Đến 15/12/2008, hãng bắt đầu triển khai bán vé điện tử.

Ông Minh cho rằng, khủng hoảng kinh tế là thử thách lớn đối với hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để mua hàng hoá, dịch vụ. Nếu trước đây, thị trường nằm trong tay người bán thì từ 2008 sẽ được chuyển sang người mua. Điều này có nghĩa, Vietnam Airlines có nhiều quyền hơn trong việc quyết định mua sắm, đổi mới đội bay.

Sau khi cân đối bài toàn ra - vào, năm nay, tổng công ty chủ yếu mua mới ATR 72-500 và đổi số ATR 72-200 cũ sang thế hệ mới (mua mới 11, trả lại 7 để đổi sang thuê mới). Đến cuối năm 2009, số máy bay mới tăng thêm 11 chiếc và toàn bộ là ATR 72-500.

Tuy nhiên, có ý kiến nhận xét, việc Vietnam Airlines công bố lãi là ít khả thi trong bối cảnh giá xăng vừa qua, kể cả khi hãng này thực hiện cắt giảm chi phí tối đa. Bình thường, riêng xăng dầu chiếm 38,5% tổng chi phí của hãng. Trung bình mỗi tháng, Vietnam Airlines lỗ hơn 13 tỷ đồng. 

Từ tháng 7-9, xăng dầu có thời điểm lên 154 USD/thùng, khi đó, chi phí xăng dầu ước tính chiếm khoảng 60%. Như vậy, bình quân số lỗ trong 3 tháng tiếp theo còn lớn hơn nhiều. Với giá xăng giảm như hiện nay, may ra từ tháng giữa 10-11, Vietnam Airlines mới có lãi, nhưng thời gian này lại chưa phải là mùa cao điểm.

Bên cạnh đó, nếu tính gộp cả nguồn thu từ các đơn vị thành viên (như Công ty Bay dịch vụ, Xăng dầu hàng không, Giao nhận hàng hoá, XNK Hàng không... ) thì có thể mới hoà vốn, chứ tính riêng kinh doanh vận tải hành khách thì khả năng lãi rất khó. Trong cuộc gặp gỡ gần đây, khi báo giới chất vấn về số lãi ông Minh cũng khất tới dịp cuối năm.

Khó khăn vẫn chồng chất

Khác với Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lương Hoài Nam thừa nhận rằng DN vẫn đang lỗ nặng, mặc dù đã cố gắng điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Hãng đã ngừng triển khai một loạt đường bay, kể cả nội địa và quốc tế. Một số đường bay không ngừng hẳn nhưng giảm tần suất bay. Nhiều biện pháp kiểm soát, cắt giảm chi phí đã được ráo riết thực hiện.

Đối với số máy bay đã ký thuê, Jetstar Pacific đang đàm phán với các công ty cho thuê để hủy hợp đồng thuê, hoặc đổi thời điểm nhận máy bay muộn hơn một vài năm. Theo kế hoạch cũ thì đến hết năm 2009 sẽ có 14 chiếc, nhưng công ty vừa điều chỉnh lại thì chỉ bay 8 đến 10 chiếc, có nghĩa sẽ phải hủy 4-6 chiếc.

TIN LIÊN QUAN

Bản thân Jetstar Pacific cũng đang gặp rắc rối khi Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa yêu cầu hãng này không được sử dụng biểu tượng chữ "JET" và "Jetstar" cùng ngôi sao màu vàng cam trong khai thác, vận chuyển hàng không do việc dùng chúng dễ gây nhầm lẫn với biểu tượng thương hiệu Jetstar Airways của Australia (thuộc tập đoàn Qantas).

Ngoài ra, Cục Hàng không cũng chưa cấp quyền vận chuyển hàng không quốc tế tới các thị trường mới cho hãng này (10 thị trường châu Á, như Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản... ) theo đề xuất của Jetstar Pacific.

Nguyên nhân căn bản là do hãng chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm soát hữu hiệu hàng không, tức là số người Việt Nam trong bộ máy điều hành chưa đạt 2/3 theo quy định tại Nghị định 76.

Riêng "đàn em" Indochina Airlines (Công ty CP Hàng không Đông Dương) đang háo hức cho chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/11 tới, với tổng cộng 12 chuyến; trong đó có 8 chuyến từ TP.HCM ra Hà Nội và ngược lại, cùng với 4 chuyến ghé qua Đà Nẵng. Tổng giám đốc Hà Dũng cho VietNamNet biết, 2 máy bay B737-800, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam sẽ được sử dụng cho các chuyến bay này.

"Chúng tôi chỉ biết bay lên đã, còn chuyện khủng hoảng kinh tế có ảnh hưởng không thì tính sau. Các hãng hàng không thế giới đều bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng rồi thì nói mình không lo cũng là vô lý", ông Dũng nói.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,