221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
999146
Tổng Thanh tra Chính phủ: Sớm đưa ra xét xử vụ 112
1
Article
null
Tổng Thanh tra Chính phủ: Sớm đưa ra xét xử vụ 112
,

(VietNamNet) - Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo ráo riết điều tra để đưa ra xét xử vụ Đề án 112. Trong khi đó, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đề xuất thu thêm nhiều loại phí nhằm giảm phương tiện giao thông cá nhân.

a
Đại biểu Lê Văn Cuông: "Cử tri băn khoăn vì việc xử lý các vụ án trọng điểm còn chậm".

Năm 2008: Hoàn thiện thể chế chống tham nhũng

Là đại biểu cuối cùng phát biểu ngày hôm nay (29/10), Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền báo cáo: "Trong năm qua, đã kiểm tra, thanh tra về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng ở 10 Bộ và 48 tỉnh, thành. Đã thanh tra 8.601 cuộc, kết thúc 5.904 cuộc, phát hiện sai phạm về kinh tế 2.870 tỷ đồng và 1, 2 triệu USD, 1.371 héc ta đất".

Ông Truyền cho hay, Thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật bằng các hình thức 1.464 cán bộ vi phạm và chuyển hồ sơ sang Công an điều tra xử lý 52 vụ việc với 89 đối tượng. Riêng về kiểm toán, phát hiện sai phạm 1.519 tỷ đồng, kiến nghị điều tra 2 vụ việc có liên quan đến tiêu cực tham nhũng. 

Tổng Thanh tra Chính phủ nói, trong 8 vụ án trọng điểm mà Chính phủ tập trung chỉ đạo, đã đưa ra xét xử được 4 vụ, 4 vụ khác đang kết thúc và chuẩn bị xét xử từ nay đến cuối năm.

"Một số vụ mới đang chỉ đạo khẩn trương điều tra để xét xử, nhất là 2 vụ: buôn lậu của Công ty Thiên Lợi Hòa và Đề án 112 cũng đang chỉ đạo rất ráo riết và khả năng các vụ việc này sẽ kết thúc sớm".

Ngày mai, Kiểm toán Nhà nước sẽ họp báo để công bố công khai kết quả kiểm toán Đề án 112.

Ông Truyền cho biết, trong năm 2008, Chính phủ chỉ đạo sẽ tập trung 2 vấn đề lớn là hoàn thiện thể chế, hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hơn nữa tính chất phòng ngừa tham nhũng và công khai, minh bạch. Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng một cách kiên quyết và đúng mức hơn.

Trước đó, vào buổi sáng, đại biểu Lê Văn Cuông, tỉnh Thanh Hóa nhận xét: "Kể từ ngày được Quốc hội trao nhiệm vụ tư lệnh trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng đã có những động thái tích cực đối với các vụ án trọng điểm, kịp thời tháo ngay ngòi nổ dư luận khi xử lý một phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, một phó Tổng Thanh tra Chính phủ và gần đây đã cương quyết chỉ đạo, yêu cầu làm rõ để xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm liên quan đến Đề án 112 đầy tai tiếng".

Tuy nhiên, ông Cuông cho rằng, sự chuyển biến trong phòng, chống, tham nhũng ở các cấp, các ngành, địa phương "chưa mạnh, chưa rõ nét. Một số nơi, công an tỉnh, công an huyện còn né tránh, nên kết quả thực hiện sau thanh tra đạt thấp, hoặc việc xử lý các vụ án trọng điểm tiến độ còn chậm, khiến cử tri băn khoăn".

Bộ trưởng Giao thông Vận tải: Tăng phí để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận với Quốc hội: Ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ đều có số tai nạn chết người tăng cao hơn so với mức tăng bình quân của cả nước:  "Tình hình diễn ra rất phức tạp, đáng báo động". 

Trước đó, khi thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu đã từng bức xúc về con số 10.000 người chết/năm do tai nạn giao thông, "hơn cả một cuộc chiến tranh".

Về ùn tắc giao thông, ông Dũng cho hay, Hà Nội luôn có khoảng 71 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc, TP. Hồ Chí Minh có tới hơn 30 điểm ùn tắc nghiêm trọng kéo dài trong nhiều giờ. 

Sau khi đưa ra 4 nguyên nhân (do kết cấu hạ tầng giao thông đô thị manh mún, tăng dân số và tăng phương tiện quá nhanh, ý thức của người tham gia giao thông, quản lý Nhà nước về quy hoạch còn nhiều bất cập), Bộ trưởng cho hay, giải pháp đầu tiên phải tính đến là giảm mật độ giờ cao điểm bằng cách bố trí làm việc lệch giờ 

Là đại biểu tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng, cần phân làn riêng cho xe 4 bánh và 2 bánh, tổ chức giao thông cho người đi bộ.

"Phải tạo thói quen cho người đi bộ, khuyến cáo dưới 1km thì nên đi bộ. Như vậy, sẽ giảm thiểu việc sử dụng xe gắn máy vốn rất thuận tiện, nhưng cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông".

Là Bộ trưởng thứ tư phát biểu trong 2 ngày thảo luận về tình hình, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ông Dũng cho rằng, phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ, không để kinh doanh buôn bán, trông giữ xe ở trong vỉa hè, đặc biệt ở nội thành. 

Ngoài việc xử phạt nghiêm nhờ phương tiện camera ghi hình, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói: "Cần nghiên cứu xây dựng những cơ chế đóng góp của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng, qua đó có thể giảm phương tiện cá nhân. Ví dụ, phải thu phí bảo vệ môi trường, phí giao thông đô thị, tăng phí trước bạ, phí bảo hiểm bắt buộc sử dụng điểm đỗ xe và sử dụng vỉa hè".

Giải pháp cuối cùng mà Bộ trưởng nêu trước Quốc hội là giải pháp lâu dài: quy hoạch phát triển giao thông 2 thành phố lớn. "Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông TP. Hồ Chí Minh và đang trình để phê duyệt quy hoạch của Hà Nội, đồng thời đang xây dựng chiến lược an toàn giao thông quốc gia từ nay đến năm 2010". 

Trong phiên thảo luận chiều nay (29/10), nhiều đại biểu đến từ các tỉnh miền núi và Tây Nguyên đề nghị Quốc hội xem xét các chính sách đãi ngộ gồm lương, bảo hiểm xã hội... cho các cán bộ cấp xã. Đời sống của công nhân lao động cũng được phản ánh bằng dẫn chứng số liệu. 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết một kết quả điều tra: Có 24,7% công nhân làm việc cả 7 ngày trong tuần, số phải làm việc thêm giờ bình quân tới 500 - 600 giờ trong năm không phải là cá biệt.

" Tiền lương và thu nhập của công nhân còn thấp, vẫn còn 13,3% công nhân có mức thu nhập bình quân dưới 300.000 đồng/tháng. Nếu so với thời gian cường độ làm việc của công nhân và sự tăng lên rất nhanh của giá cả hàng hoá, dịch vụ thì đời sống của một bộ phận công nhân gặp rất nhiều khó khăn", ông Vinh cho biết. 

"Khu vực ngoài Nhà nước chỉ có 21% doanh nghiệp với khoảng trên 30% công nhân được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm chưa được quan tâm đúng mức nên tình trạng vi phạm chế độ chính sách đối với công nhân vẫn diễn ra nghiêm trọng. Từ năm 1995 đến cuối 2006, đã xảy ra 1.265 cuộc đình công".

Ông Vinh cũng đề nghị Quốc hội "cần sớm xây dựng, ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Thất nghiệp".

  • Vân Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,