221
482
Vấn đề
vande
/giaoduc/vande/
905818
Chỗ đứng nào cho giảng viên trẻ?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Chỗ đứng nào cho giảng viên trẻ?
,

(VietNamNet) - Cơ sở dữ liệu của nền khoa học còn thiếu hụt. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn eo hẹp. Cơ chế phát triển đội ngũ kế cận còn manh mún... Thế hệ giảng viên trẻ, những người sẽ là nhân tố chính của giáo dục ĐH  Việt Nam trong một thập kỷ tới đã và đang được chuẩn bị những gì?

 

g
 
"10 năm nữa, giáo dục Việt Nam sẽ khác". Đó là lời hứa của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi mới nhậm chức.

Thử làm một phép tính. Giả sử khẳng định này đúng, tức là nền giáo dục nước nhà sẽ khác, theo nghĩa tốt hơn. Khi đó, một trong những nhân tố quyết định để làm nên sự khác ấy phải là đội ngũ người thầy. Thế hệ giảng viên chủ lực của tương lai chính là những người đang ở độ tuổi dưới 35 hiện nay. Như thế, hẳn phải có rất nhiều tín hiệu lạc quan, hứa hẹn từ đội ngũ này.

Nhưng, có rất nhiều chữ nhưng...

Thế hệ trước để lại rất ít (?)

GS Toán học Hoàng Tuỵ nhận định "Giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập, và đáng lo nhất chính là giáo dục ĐH. Từ nhiều năm, vẫn bao trùm một không khí trì trệ, bảo thủ dai dẳng, tuy một vài hội thảo thỉnh thoảng có xới lên được một số vấn đề, làm cho cấp lãnh đạo bắt đầu nhận thức rõ hơn mức độ tụt hậu của ĐH và khoa học Việt Nam".

Ông dẫn ví dụ, môi trường ĐH vẫn chẳng cải thiện được nhiều so với cách đây vài thập kỷ: Lớp học cố định, chuông reo thì một thầy ra, một thầy vào, y như ở trung học. Thầy ít thảo luận, còn SV thì không được độc lập tổ chức việc học của mình, nhất nhất đều phải học theo kế hoạch chung.

Chương trình đào tạo tiến sĩ bất cứ ngành khoa học nào cũng phải có môn bắt buộc là “phương pháp luận nghiên cứu khoa học” và môn chính trị theo nội dung căn bản chẳng có thay đổi.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ, một giảng viên Văn học trên 30 năm kinh nghiệm mở đầu cuộc trao đổi về những khó khăn trong công tác phát triển giảng viên trẻ bằng băn khoăn “Cơ sở dữ liệu nội địa đang ở tình trạng đáng báo động”.

Theo ông, Việt Nam hiện tại "chưa có 1 cơ chế để tích luỹ và công khai hoá dữ liệu. Các thế hệ trước đã không làm dữ liệu khoa học một cách khoa học để lại cho thế hệ sau”.

Ông cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất của khoa học Việt Nam hiện tại là phải làm lại một cách có hệ thống cơ sở dữ liệu. Mà “làm điều này càng nhanh bao nhiêu thì chúng ta mới hi vọng ở sự phát triển của lớp trẻ”.

Một giảng viên trẻ cũng đồng tình với ý kiến này. "Khoa học xã hội ở Việt Nam rất ít những nhà lý thuyết, và đáng lẽ họ phải để lại một kho dữ liệu, thì họ thường chỉ để lại những lời bình luận khoa học. Những bình luận đó, hiện nay nói chung là lỗi thời, chưa đủ để dẫn dắt thế hệ sau đi lên". 

Nghiên cứu: Đầu tư… từ đâu?

Những giảng viên lâu năm của ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội)...
Những giảng viên lâu năm của ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội)...
"Các trường ĐH hơn nhau chính là ở chỗ có những người nghĩ ra ý tưởng, dẫn dắt nghiên cứu. Không có nghiên cứu, anh chỉ là người làm khoa học như một “worker” - GS Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ nhận định.

ĐH đúng nghĩa thì ngoài nhiệm vụ giảng dạy phải phát triển song hành công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, hầu hết các trường ĐH Việt Nam hiện nay, mô hình này vẫn là mơ ước xa xôi.

Ở các trường ĐH ngoài công lập, khoản kinh phí này hết sức hạn chế, vì cũng khoản đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị, thí nghiệm... không phải đơn giản. 

Nhìn vào nhiều dữ kiện bên ngoài, cũng có thể hình dung phần nào.

GS Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long thẳng thắn thừa nhận "Các giảng viên trẻ về trường có thể yên tâm về mặt thu nhập, vì trường trả thù lao giờ giảng khá cao, nhưng sẽ thiệt thòi vì ít cơ hội nghiên cứu".

Làm giảng viên đòi hỏi phải đọc nhiều, phải nghiên cứu để nâng cao trình độ và tích luỹ kiến thức liên tục, nhưng… một cán bộ trẻ với mức lương 1,2 triệu/tháng thì không thể chụp 5,7 cuốn sách đắt tiền với giá 2.000-2.500 đồng/trang.

Trong khi đó, trường ĐH lại không giúp đỡ nhiều được về mặt tư liệu. Nhiều tạp chí nghiên cứu uy tín của nước ngoài vẫn chưa thấy có trong danh mục của hệ thống thư viện. Tức là chưa có sự đầu tư. Một phần vì đắt tiền, một phần vì có thể chưa thấy đủ tầm quan trọng.

“Như vậy làm sao mà mảng nghiên cứu của mình khá lên được” -  Nguyễn Quốc Anh, giảng viên trẻ ĐHKHXH&NV Hà Nội đã lên tiếng như thế vài lần trong những cuộc thảo luận “vì chất lượng dạy và học”. Anh dẫn chứng, ví dụ, chuyên ngành học của mình, hiện tại có gần 100 tạp chí quốc tế, nhưng hầu như chẳng thấy ở Việt Nam.

“Những người muốn nghiên cứu như tôi phải bỏ tiền ra mua. Tôi chi một số tiền tương đối lớn để làm thành viên của các tổ chức cung cấp tài liệu, để được đọc các tài liệu. Đáng lẽ những việc như vậy trường có thể hỗ trợ bằng cách mua”.

Thêm một khó khăn cơ bản nữa, mảng nghiên cứu của chúng ta còn một khoảng cách quá lớn với thế giới. Có nhiều cuốn sách làm thay đổi cả bộ mặt khoa học xã hội thế giới, nhưng giờ vẫn chưa được dịch và xuất bản ở Việt Nam.

Song song với thực tiễn ấy, nhiều nhà nghiên cứu lại cám cảnh với tình hình của các tạp chí khoa học nước nhà. Hầu hết các tạp chí chuyên ngành này trực thuộc Viện, trường lớn mà mục tiêu phổ biến khoa học không cao, còn mục tiêu duy trì để nó tồn tại lại cao hơn.

Tạp chí khoa học trong nước hầu như không để bán, không sinh lãi, nên chỉ được dùng kinh phí tối thiểu. Mới có cảnh, các Viện tập trung vào việc tìm đề tài, tìm hợp đồng để nuôi sống Viện, còn tạp chí thì chỉ giao cho một ban miễn là hoàn thành nhiệm vụ “duy trì” là xong. Trong khi đáng lẽ ban đó phải tập hợp trí tuệ để nâng cao chất lượng.

Thành ra, tiền thiếu vẫn thiếu và tiền thừa vẫn thừa. Và chất lượng nghiên cứu vẫn chưa phải là nhân tố quan trọng được cân nhắc trong những con tính “thiếu thừa”.

"Từ từ... rồi khoai sẽ nhừ"!

...lắng nghe ý kiến của đội ngũ giảng viên trẻ (Ảnh: Hạ Anh)
...lắng nghe ý kiến của đội ngũ giảng viên trẻ (Ảnh: Hạ Anh)
Lương đã ít, nên thu nhập chính đáng của giảng viên được cho là từ các đề tài, dự án, từ công sức nghiên cứu khoa học. Nhưng đây cũng chẳng phải một cầu kích thích tốt.

Giảng viên trẻ đa số chỉ tạm được tin cậy giao cho làm chủ các đề tài cấp trường. Các đề tài cấp cao hơn thì chỉ làm chân “lon ton”. Điều này là hợp lý.

Nhưng, thử làm một con tính ngắn: Một đề tài cấp trường thường chỉ có kinh phí khoảng 7-10 triệu. Có những khoa, trường có cơ chế tốt hơn thì được khoảng vài chục triệu. Một năm 1 đề tài. Trừ đi khoản đầu tư mua tài liệu nghiên cứu, các khoản chi phí thực nghiệm, các khoản nghiệm thu... thì phần “lợi nhuận” còn rất ít, thậm chí âm.

Ở nhiều trường ĐH, và có thể đó là bệnh chung của đời sống công chức hiện nay: tồn tại tình trạng "văn phòng hoá" đội ngũ giảng viên.

Một giảng viên trẻ ở lại trường sau 2-3 năm được cử đi học cao học mất 2 năm, thuận lợi thì được học lên tiến sĩ, còn nếu không tiếp tục tham gia giảng dạy độ 5-7 năm nữa. Khi đó, họ mới đặt chân vào công việc thực sự, bắt đầu có “tiếng nói”. Một quy trình như vậy trung bình mất khoảng 10-12 năm.

 

Đấy là còn suôn sẻ. Nhiều trường hợp, cứ pha trà, đun nước 4-5 năm mà vẫn chưa được giao việc, cũng chưa đến suất đi đào tạo lên. 10-15 năm vẫn là giảng viên trẻ, chưa được tin cậy, chỉ rón rén giảng độ 10-15 tiết trong các chuyên đề chung với các giảng viên lớn tuổi.

 

Đã có trường hợp như T.N.T, một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, nhưng trường không có chỉ tiêu đành đầu quân cho một trường khác khá “danh giá”. Sốt sắng với viễn cảnh “biến trường thành HaRvard của Việt Nam” như lời một lãnh đạo nhà trường tuyên bố, anh lao vào nghiên cứu, đọc sách.

 

Thế nhưng, quy định của trường là chỉ được giảng dạy khi có bằng thạc sĩ trở lên, mà muốn học thạc sĩ theo quy định của trường là phải thành đảng viên. Muốn là đảng viên thì ít nhất đạt lao động tiên tiến, nhưng khổ nỗi chưa tham gia giảng dạy thì làm sao đạt tiên tiến... Cứ cái vòng luẩn quẩn ấy độ 6-7 năm, anh đành rẽ sang ngả khác, bỏ lại quãng thời gian khá “lãng mạn” và cay đắng!

Nguyễn Chí Hưng, từng là giảng viên ĐHQG Hà Nội phải “mất nhiều thời gian” vào việc làm chủ nhiệm, dù biết đó là phương pháp rèn luyện giảng viên trẻ qua các công tác tổ chức.

Những việc có thể phân bổ cho bộ phận chuyên trách thì vẫn "rơi" vào tay giảng viên trẻ: Theo dõi tình hình SV đi học, đôn đốc SV thu học phí, báo cáo tình hình, làm trợ lý chính trị công tác SV, quản lý các thiết bị...

Không ít giảng viên trẻ nhận thấy, môi trường ĐH chưa đủ tạo sự kích thích vươn lên, dễ tạo sức ỳ. Trong khi đó, nhìn ra bạn bè, cuộc sống xung quanh muôn vàn màu sắc, các bạn đã đi được xa, mình chẳng hơn được gì nhiều so với lúc tốt nghiệp.

Nhiều tình trạng như vậy dần dần tiêu diệt khát vọng của những người trẻ, hoặc tệ hơn, khiến họ mất dần say mê với nghề.

Hưng chia sẻ: Khi đi học, ở ngoài quan sát thì mình là người ngoài cuộc. Nhưng khi làm giảng viên, mình là 1 mắt xích trong guồng máy đó. Và khi nhận thấy guồng máy đó không vận hành theo hướng mà mình mong muốn và thực sự mình không thể tự thay đổi được nhiều tình trạng đó...

Sau 5 năm, với 2 lần “ra đi rồi lại trở về”, Hưng đã quyết định rời trường ra đi vì không thể thoả hiệp được với môi trường ĐH.

Và, có thể còn rất nhiều Hưng như thế nữa….

  • Hoàng Lê - Duy Hải

Bài 5: "Trong nhận thức của tôi, cán bộ trẻ không phải là ngày mai mà là hiện tại. Nếu chỉ để đủ sống thôi thì chưa hẳn, phải tính đến cả những yếu tố lãng mạn nhất. Phải nhìn vào khát vọng của giới trẻ. Khát vọng lớn nhất của họ là làm khoa học, làm chuyên môn thì khuyến khích họ" - GS Nguyễn Hải Kế, chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV Hà Nội chia sẻ về những vấn đề xung quanh công tác phát triển giảng viên trẻ.

*****************

Ý kiến của bạn:
 

 

Bài 1: Giảng viên trẻ... thời @!

Bài 2: "Chiếu hoa"...có chờ giảng viên trẻ-

Bài 3: Thu nhập giảng viên trẻ- Bi kịch?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,