221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
865960
Giảng viên trẻ... thời @!
1
Article
null
Giảng viên trẻ... thời @!
,

(VietNamNet) -

Vừa là những 7X, 8X “sành điệu” đến lớp với laptop, camera, MP3, vừa là tổng đài 1080 chuyên giải đáp thắc mắc của SV, lại vừa chăm chỉ nghiên cứu để lồng những vấn đề nóng hổi của đời sống vào bài giảng. Đó là phác thảo chân dung của những giảng viên trẻ trong con mắt SV.

“High-tech”

 

 

Giảng viên trẻ lỉnh kỉnh đồ công nghệ cao như laptop, MP3, loa... đến lớp. Ảnh: Lê Anh Dũng
Giảng viên trẻ lỉnh kỉnh đồ công nghệ cao như laptop, MP3, loa... đến lớp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đến trường ĐH Hà Nội, rất có thể bạn sẽ gặp một “anh chàng” mà SV trong trường vẫn kháo nhau là “cao hơn Tây, gầy hơn ta” với chiếc balô to đùng sau lưng, bên trong lỉnh kỉnh đủ thứ, nào laptop, máy ghi âm, MP3, thậm chí cả loa nữa. Trông đúng kiểu một thanh niên “sành điệu” thời high-tech (công nghệ cao)!

 

Nhưng khi “anh chàng” đó bước vào lớp học, ngay lập tức tất cả mọi tiếng ồn ào đều im bặt, cả lớp bắt đầu giờ học mới rất nghiêm túc. Đơn giản vì “anh chàng” high-tech đó chính là thầy Nguyễn Quý Tâm, giáo viên môn biên - phiên dịch, Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội.

 

Những dụng cụ lỉnh kỉnh trong chiếc ba lô nặng trịch thầy vẫn đeo kia chính là dụng cụ giảng dạy. Nguyễn Thanh Thuý (Lớp trưởng lớp Cử nhân tài năng 02, Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội) hào hứng: “Trong các buổi học, thầy Tâm thường ghi âm phần dịch của SV rồi phát lại cho cả lớp nghe và phân tích ngay tại chỗ. Vì thế, giờ học rất sôi nổi và SV nhớ bài lâu hơn. Hơn nữa, tiếng Anh của thầy rất “Tây”, thầy dịch rất thoát nghĩa nên nghe thích lắm”.

 

Thầy Tâm còn nổi danh là “cao thủ” công nghệ trong trường. Các GV và SV có vấn đề gì về máy móc, công nghệ đến tìm thầy luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình.

 

Cũng như thầy Tâm, các giảng viên trẻ khác của Khoa tiếng Anh như thầy Phạm Ngọc Thạch, thầy Khuê đều đưa công nghệ hiện đại vào bài giảng. Các thầy mang camera đến lớp, ghi hình SV thuyết trình hoặc phiên dịch rồi chiếu để cả lớp nhận xét ưu, khuyết điểm.

 

“Đặc biệt, đề tài các thầy đưa ra luôn gắn với cuộc sống, WTO thì có WTO, APEC có APEC nên bọn em thấy hào hứng lắm” - Thuỳ Linh (lớp 2A-03) cho biết.

 

Có lẽ, làm chủ công nghệ hiện đại là một ưu điểm nổi bật của những giảng viên thế hệ 7X, 8X.

 

Thầy Phan Thế Công, giảng viên trẻ trường ĐH Thương mại còn lập hẳn một website riêng, dày công sưu tầm tài liệu và đẩy lên trang web đó để SV dễ dàng tra cứu. Hay như một số thầy, cô giáo ĐH Dược còn mua cả tài khoản (account) của một thư viện điện tử ở Mỹ để tìm nguồn tài liệu rộng lớn cập nhật cho SV.

 

Những bài giảng điện tử thiết kế trên power-point với âm thanh, hình ảnh sống động cũng tăng sức lôi cuốn cho giờ học. Bên cạnh đó, giáo viên trẻ còn yêu cầu SV liên tục cập nhật kiến thức mới từ sách báo và internet, sử dụng power-point để làm bài thuyết trình khiến trình độ tin học của SV cũng tăng lên đáng kể.

 

Nguyễn Duyên (SV Khoa Kế toán Tài chính, ĐH Thương mại) tâm sự: “Chính các thầy, cô giáo trẻ đã thúc đẩy bọn em phải làm quen và sử dụng internet như một công cụ tìm kiếm tiện ích nhất bởi vì bài giảng của các thầy, cô luôn đầy ắp những thông tin cập nhật, nếu không lên mạng tìm thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu”.

 

Dạy từ cuộc sống, học từ cuộc sống

 

 

Tin tức thời sự chính là một "chất liệu" quan trọng trong bài giảng của những giáo viên trẻ. Ảnh: Lê Anh Dũng

 “Lịch sử là gì? Bạn vừa bị mất 10.000 đồng. Đó có phải sự kiện lịch sử không? Thầy giáo dạy môn Lịch sử Đảng đã khiến chúng em bất ngờ ngay từ ngày đầu tiên vào lớp với những câu hỏi như thế.” Vân Anh  (Lớp K41, D1, ĐH Thương mại) chia sẻ.

 

Vân Anh nhớ lại ngày đầu tiên vào lớp, trông thầy “trẻ măng” như một SV. Cả lớp ban đầu có phần... ngao ngán vì nghĩ môn Lịch sử Đảng đã khô, nay lại “bị” một thầy trẻ, ít kinh nghiệm dạy thì... chắc chết. Nhưng thầy đã sớm chinh phục hàng trăm SV bằng kiến thức sâu rộng và phương pháp giảng dạy rất hiện đại của mình.

 

Không chỉ đơn thuần truyền đạt những kiến thức trong sách vở mà thầy còn yêu cầu SV phải tư duy để trả lời những câu hỏi kiểu như “Tại sao ngay sau đổi mới năm 1986, Đảng ta vẫn xác định nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển?” hay đơn giản là những câu hỏi kiểm tra kiến thức như “Bí thư Thành uỷ Hà Nội hiện nay là ai?”.

 

Vân Anh nói thêm: “Thầy luôn đưa kiến thức môn Lịch sử Đảng vào sự kiện nóng hổi của đời sống, ví dụ như yêu cầu lớp thảo luận về chiến lược của Đảng khi VN gia nhập WTO, tổ chức APEC. Vì thế, SV chúng em không thể đứng ngoài cuộc, buộc phải tìm hiểu sâu các vấn đề thời sự. Nhờ thầy mà môn Lịch sử Đảng không còn khó hiểu và khô khan như chúng em nghĩ nữa.”

 

Việc lồng ghép những sự kiện thời sự, những vấn đề nóng hổi mang hơi thở của cuộc sống thường ngày vào bài giảng khiến cho giờ học của các giảng viên trẻ luôn sinh động, hấp dẫn và thu hút SV.

 

Nguyễn Thị Lệ Thu (Lớp trưởng lớp C, K54, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) tâm sự: “SV Sư phạm bọn em đôi khi hơi kém năng động. Các thầy, cô giáo trẻ thường chủ động giới thiệu những cuốn sách best-seller đang nóng trên thị trường để chúng em tìm đọc.

 

Vì chúng em sẽ là những giáo viên dạy văn trong tương lai nên các thầy cô còn sưu tầm những bài văn xôn xao dư luận trên mạng cho bọn em đọc và phân tích, học hỏi cách ra đề, chấm điểm”.

 

Đinh Văn Tương (lớp Thực phẩm Pháp K48, ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng hào hứng kể về những giờ học với các giảng viên trẻ: “Các thầy, cô thường đưa ra chủ đề “nóng” để cả lớp thảo luận như vấn đề nhân bản vô tính, vụ sữa thanh trùng dán nhãn sữa tươi khuấy đảo thị trường thời gian qua”.

 

Sự trẻ trung và tự tin của các GV trẻ cũng truyền nhiệt huyết cho các SV, đặc biệt là SV ngành sư phạm.

 

Diệu Hà (SV hệ Sư phạm, Khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) tâm sự: “Theo em thì ngoại hình của GV rất quan trọng vì nó sẽ tạo thiện cảm cho SV ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bọn em được học nhiều cô giáo trẻ như cô Huệ Chi, cô Vân Anh... ăn mặc rất trẻ trung, hiện đại và lịch sự. Đó cũng là hình mẫu để em học tập khi đi dạy sau này”.

 

"Chuyên gia" tâm lý

 

 

Không có khoảng cách với SV. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngọc Nguyên (SV năm thứ 4, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh-Mỹ) rất ấn tượng với lời chào đầu tiên của một cô giáo trẻ khi vào lớp: “Các em hãy coi tôi như là bạn, tôi đến đây là để chia sẻ kiến thức cho SV và cũng mong muốn học được điều gì đó từ SV”.

 

Không chỉ truyền đạt kiến thức mà các GV trẻ nhiều khi còn là những người bạn, là tổng đài 1080 giải đáp mọi thắc mắc trong cuộc sống, thậm chí trong cả tình yêu cho SV.

 

Trang Duyên (bạn cùng lớp Ngọc Nguyên) nhớ mãi về lời khuyên của cô Thuỷ, giáo viên chủ nhiệm từ năm thứ nhất: “Trong giờ Writing, em viết bài luận về về puppy love (tình yêu tuổi học trò). Cuối giờ cô gọi em ở lại và chia sẻ rằng cô cũng vừa qua thời SV, cô biết tình yêu SV rất đẹp nhưng cần phải cẩn thận. Tình yêu học trò nếu trong sáng thì sẽ là động lực cho mình nhưng nếu không đúng mực thì để lại những hậu quả xấu”. Cô Thuỷ còn tâm sự với SV về chuyện riêng tư của mình và mời cả lớp đi dự đám cưới cô như những người bạn thân.

 

Thầy Phạm Tiến Hùng của ĐH Hà Nội cũng rất “nổi danh” với vai trò “chuyên gia tư vấn hướng nghiệp” cho SV. Trong các bài giảng của mình, thầy thường lồng ghép những kinh nghiệm làm việc, quan điểm sống tích cực cho SV. Thầy khuyên mỗi SV hãy khám phá năng lực bản thân và hết mình theo đuổi nghề nghiệp bởi “nghề nào cũng tốt, miễn là chúng ta say mê với nó”.

 

Hầu hết các GV trẻ đều thường xuyên trao đổi email và chat với SV.Nhiều giáo viên trẻ còn công khai blog cho SV và rất hay đọc blog, để lại comment (bình luận) trên các blog của học trò.

  • Lan Hương

Bài 2: "Chiếu hoa"...có chờ giảng viên trẻ?

 

 

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,