221
482
Vấn đề
vande
/giaoduc/vande/
905178
Thu nhập giảng viên trẻ: Bi kịch?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Thu nhập giảng viên trẻ: Bi kịch?
,

(VietNamNet) - “Bi kịch với các giảng viên trẻ là thu nhập không đủ sống, khiến chúng tôi phải làm thêm. Mà làm thêm thì không chuyên nghiệp” - một giảng viên trẻ bức xúc.

“Làm khoa học, làm giảng viên thực chất là phải có bi kịch. Nếu anh chưa đủ kiên nhẫn, chưa biết chấp nhận thực tại nghĩa là chưa đủ yêu nghề" - một giảng viên già thẳng thắn.

Bài 1: Giảng viên trẻ... thời @!

Bài 2: "Chiếu hoa"...có chờ giảng viên trẻ-

Nhận lương mà thấy tủi thân (!)

Ai trong số những thủ khoa này sẽ chọn con đường ở lại làm giảng viên? (Ảnh: Phạm Hải)

Ai trong số những thủ khoa này sẽ chọn con đường ở lại làm giảng viên? (Ảnh: Phạm Hải)

Tốt nghiệp thạc sỹ tại Ấn Độ năm 2004, Nguyễn Quốc Anh về ĐHKHXH&NV Hà Nội làm giảng viên khoa Đông phương học, chuyên ngành Ấn Độ.

Hàng tháng, ngoài bậc lương theo hệ số của trình độ thạc sỹ, anh nhận tiền theo số giờ đứng lớp, với mức 8.500 đồng/giờ giảng. Trung bình, dạy 1 chuyên đề 3 trình nhận thu nhập vào khoảng 400-500 ngàn đồng.

“Hiện tại, lương và tổng cộng các khoản thu nhập ở trường của tôi được khoảng 1,5 triệu/tháng, trong khi trăm thứ phải chi tiêu: thuê nhà, điện nước, xe cộ, ăn ở, chưa tính đến các nhu cầu giải trí, học hỏi.... Nói thẳng là không thể đủ”.

“Như vậy, thu nhập từ nghề chưa thể duy trì được con người về mặt cơ học chứ chưa nói đến duy trì bộ não để làm việc. Nhiều lúc nhận lương mà thấy tủi thân” - Quốc Anh bức xúc.

Quốc Anh đương nhiên không phải là thành phần thiểu số trong đội ngũ giảng viên có nhận định này.

“Thà về tỉnh chứ không làm giảng viên" - Đó là câu chuyện của một nữ sinh viên bốn năm ĐH, năm nào cũng đạt danh hiệu SV giỏi, được tuyên dương thủ khoa. Nhưng khi ra trường, được đặt vấn đề “ở lại để xây dựng trường” thì cô giãy nảy lên: “Em không muốn làm giảng viên”.

 

Ngành học của cô không phải là dạng “hot”, và việc kiếm một công việc ở thành phố đúng chuyên nàgnh không phải là dễ. Cách lựa chọn của cô là: về tỉnh. Với danh hiệu thủ khoa, cô được nhận vào làm việc không qua thời gian hợp đồng, được nhận một lúc 30 triệu tiền đãi ngộ...

 

Nếu ở lại trường thì mức lương hơn tám trăm nghìn đồng, đi thuê nhà không đủ. Ngoi ngóp 3-4 năm mới được đi học cao học, mới được đứng lớp, bao nhiêu nhiệt huyết hết cả rồi, làm sao phát huy được...”.  

Tại hội nghị cán bộ trẻ năm 2006 của ĐHQG Hà Nội, đề tài nóng nhất trong các phát biểu, đề xuất, kiến nghị vẫn là lương và thu nhập.

“Tất cả mọi người đều thừa nhận thu nhập của chúng ta là thấp. Tôi ở lại trường đến nay đã hết năm thứ 6 mà mỗi tháng nhận tổng cộng 1,7 triệu trả thẳng vào tài khoản. Vẫn phải kêu liên tục vì không cải thiện được gì. Ăn không đủ thì làm sao nói đến chuyện nghiên cứu khoa học”. Một nữ giảng viên thẳng thắn lên tiếng và nhận được sự tán thành của hội nghị.

Theo 1 cuộc điều tra ý kiến cán bộ, nhân viên của ĐHQG Hà Nội, mức thu nhập tối thiểu để các giảng viên trẻ tồn tại được là từ 2,5 - 3 triệu. Tuy nhiên, hiện tại, nếu tính tổng thu nhập, trường mới chỉ đáp ứng được với mức từ 1,5 - 2 triệu.

Làm thêm: Hy sinh tương lai cho hiện tại?

Soạn: HA 1050055 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Giảng viên trẻ thời @.
Thu nhập từ "nghiệp" không đủ sống, Quốc Anh đi làm thêm. Do mỗi tuần chỉ phải đi dạy 2 buổi và trực 2 buổi tại Khoa, thêm 4 buổi dạy hợp đồng cho khoa Quốc tế học, nên quỹ thời gian của anh tương đối dư dật.

 

“Làm thêm nghề tay trái hiện tại gần như là chuyện tất yếu với các giảng viên” - Nguyễn Duy Linh, giảng viên một trường ĐH khối kỹ thuật, khẳng định. Ngoài những giờ lên lớp, anh làm hợp đồng theo các dự án cho một công ty phần mềm ở vị trí developer, với thu nhập thêm gấp 3 lần khoản chính thức.

Nguyễn Chí Hưng, giáo viên trung học tại Australia, từng là giảng viên tại một trường ĐH lớn trong nước. Năm 1998, anh ở lại trường sau khi tốt nghiệp, nhận lương với hệ số 1,92 (khoảng hơn 200.000 đồng). Năm 2002, nhận học bổng thạc sỹ đi du học tại Australia để 1 năm sau trở lại khoa cũ làm việc, nhận lương thạc sỹ khoảng hơn 500.000 đồng.

“Trong xã hội nói chung, đã từ lâu, giới công chức đã quen với việc không phải chỉ sống bằng lương. Nhưng, đối với các giảng viên, bi kịch là đồng lương cơ bản của họ lại là thu nhập chính thức”.

Theo Hưng, khi giảng viên còn phải chia sẻ thời gian cho dịch thuật, dạy thêm, viết báo… dù là những công việc liên quan đến tri thức, nhưng vẫn mang tính chất “ăn xổi”, thì nhìn 1 cách sâu xa vẫn “lợi bất cập hại”.

“Nếu đã chấp nhận chọn nghề giảng viên thì phải nghiên cứu, phải đọc, phải tích luỹ. Làm thêm thì giải quyết được bài toán tăng thu nhập, nhưng sẽ không toàn tâm được cho nhiệm vụ chính của mình” - Quốc Anh trầm tư.

“Khát vọng các nhà khoa học có thể sống được bằng chuyên môn chưa thể có được trong đất nước này, khi mà nền phông chung của bản thân các trí thức lớn cũng chưa đạt đến tầm trung của khu vực” - thầy Nguyễn Hải Kế, chủ nhiệm khoa Sử, ĐHKHXH&NV Hà Nội thẳng thắn thừa nhận.

 “Tôi vẫn nói với con gái, cũng là một giảng viên trẻ được giữ lại khoa, khi bố chọn nghề này là phải đặt những ham muốn vật chất sang một bên”...  

 

“Làm khoa học, làm giảng viên thực chất là phải có bi kịch. Nếu anh chưa đủ kiên nhẫn, chưa biết chấp nhận thực tại nghĩa là chưa đủ yêu nghề. Khi mình chưa đủ yêu ai đó để hy sinh cho người ta thì tự trọng nhất là... nên bỏ đi!”, ông Kế bộc bạch.

Những lời giải khác nhau

Một buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) với giảng viên trẻ của trường

Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) với giảng viên trẻ của trường đầu năm học 2006- 2007 bàn về "cơ chế mới trong nghiên cứu khoa học". Ảnh: Hạ Anh

Ông Nguyễn Hùng Vỹ, giảng viên lâu năm khoa Văn, ĐHKHXH&NV Hà Nội cười hóm hỉnh khi làm một phép so sánh.

“Khi tôi ở lại trường, thì thu nhập của tôi bằng 75% thu nhập của một người công tác cách tôi 20 năm và bằng một nửa thu nhập của những GS công tác từ năm 1956. Và tất cả đều rất nghèo, nhưng độ chênh không nhiều.

Nhưng bây giờ, một SV ở lại trường làm giảng viên thì thu nhập chỉ bằng 25% của tôi, một người công tác 30 năm.

Ngày xưa, chúng tôi còn được tiêu chuẩn phân nhà, dành cho cán bộ. Hiện tại, cứ tự thân vận động mà nhà đất thì đắt đỏ. Ngẫm ra, các giảng viên trẻ bây giờ, ở 1 khía cạnh nào đó, còn vất vả hơn”.

ĐH Bách Khoa Hà Nội hiện tại có đội ngũ giảng viên trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm tỷ lệ lớn (53%). TS Nguyễn Cảnh Lương, hiệu phó nhà trường cho biết, trường cố gắng tạo điều kiện nâng cao thu nhập từ các hoạt động: giờ giảng vượt định mức, dạy tại chức, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các đề tài, dự án.

“Mặc dù vậy, đời sống của giáo viên nói chung và cán bộ trẻ nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn” – ông nhận xét. 

Trường ĐH Ngoại thương, một trường “danh giá” và có khả năng thu hút giảng viên, mức lương thử việc 3 tháng đầu được tính 400 nghìn đồng, một năm tập sự chỉ được 85% lương theo quy định của Nhà nước nhưng nhân hệ số 2 theo “cơ chế” của trường.  

 

PGSTS. Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Trường ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên. “10 năm qua, chúng tôi không xây hạng mục gì mới trừ một cái nhà ăn cho sinh viên.”

 

Thế nhưng, thu nhập của giảng viên chỉ có thể được điều tiết thông qua giảng dạy. Trường ĐH Ngoại thương áp dụng chi trả 8.000 đồng cho một giờ lên lớp. Với giảng viên chính, số tiền này là 35.000 đồng. Giáo viên trẻ các trường này muốn đủ sống thì cứ việc “cày cuốc”, quay vòng trong các lớp giảng dạy.

 Ở ĐH Thương mại, thu nhập của giáo viên lại khá "xông xênh" do số giờ đứng lớp của giảng viên rất cao, mà giảng viên trẻ được coi là chủ lực. “Lớp rất nhiều, nên nhiều giảng viên đi dạy suốt mà không hết việc” - hiệu trưởng Nguyễn Bách Khoa thổ lộ.

 GS Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội cũng thừa nhận thực tế: "Ở các trường ĐH hiện nay, lương thấp là yếu tố thiếu hấp dẫn các bạn trẻ. Ở ĐH Công nghệ, nói thật là cũng không thể tăng lương cho cán bộ trẻ, vì những người già sẽ so sánh".

Một trong những cách trường thu hút người trẻ giỏi là đảm bảo cán bộ trẻ về sẽ có đề tài NCKH ngay. Hiện tại, lương khởi điểm của Tiến sỹ ở trường là hệ số 3, nhân mức lương tối thiểu 450.000, cộng 25% bổ sung là khoảng 1,7 triệu. Trong khi đó, nếu có 1 đề tài cỡ vài chục triệu thì nguồn thu nhập sẽ khá hơn hẳn.

Nhưng, con số trường ĐH năng động triển khai hướng này chưa nhiều. Và, thực trạng thu nhập giảng viên thấp vẫn là trở ngại lớn khi các trường tìm cách thu hút người giỏi về làm việc .

  • Hoàng Lê - Duy Hải

Bài 4: Cơ sở dữ liệu của nền khoa học còn thiếu hụt. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn eo hẹp. Cơ chế phát triển đội ngũ kế cận còn manh mún... Thế hệ giảng viên trẻ, những người sẽ là nhân tố chính của giáo dục đại học Việt Nam trong một thập kỷ tới đã và đang được chuẩn bị những gì?

**************

Ý kiến bạn đọc: 

Thành Trung, Hà Nội, eletth@yahoo.com: Giảng viên ĐH chưa làm việc đúng chức năng

Sự khác biệt giữa GVĐH và giáo viên phổ thông (GVPT) là ở chỗ GVĐH phải tạo ra được tri thức mới. Tuy nhiên, phần lớn GVĐH ở nước ta chỉ đi dạy như GV phổ thông và ngoài phần lương công chức không đủ sống thì GVĐH được trả thêm tiền đi dạy. Việc nghiên cứu khoa học thích thì làm cho vui, ai đam mê thì làm. Đó là loại công việc được khuyến khích chứ không phải là yêu cầu công việc. Cho nên, lương GVĐH như vậy thì cũng đúng thôi.

Hơn nữa, việc tuyển dụng GVĐH ở nước ta còn sai lầm, chủ yếu là giữ sinh viên có bằng giỏi lại. Điều này khiến cho hoạt động của GVĐH càng lệch lạc. Sinh viên có bằng giỏi mới ra trường thì không thể có công trình ở các tạp chí uy tín quốc tế đuợc, tức là họ chưa có sản phẩm của chính mình để xứng đáng là GVĐH. GVĐH trẻ của ta về trường rồi mới tiếp tục đi học thạc sỹ, tiến sỹ. Trong khi đó ở nước ngoài họ đào tạo biết bao tiến sỹ mà chỉ có những tiến sỹ có năng lực nghiên cứu thực sự (được chứng minh bằng các công trình nghiên cứu đăng ở các tạp chí hàng đầu thế giới) họ mới tuyển làm giảng viên. Qua đó ta thấy rằng tình trạng GVĐH làm việc không đúng chức năng (tạo tri thức mới) và nhận lương thấp là hiển nhiên và còn kéo dài ở nước ta.

Phạm Tuấn Anh, 118- Lê Duẩn, phamtuananh1@yahoo.com:

Tôi hoàn toàn hiểu, chia sẻ và thông cảm với những khó khăn của các giảng viên(bao gồm các thầy giáo lớn tuổi và giảng viên trẻ)về vấn đề thu nhập, chi phí tái tục sức lao động. Nhưng báo chí, các phươngtiện truyền thông ngày nay ít quan tâm nên chưa có việc đồng loạt lên tiếng để giúp các giảng viên bớt đi khó khăn mà lo cho sự nghiệp trồng người. Liên hệ lại thấy buồn, và nực cười. Hai ông nông dân, có chút trách nhiệm(bên cạnh đó là nghĩa vụ công dân) bắt được đoàn tầu tránh tai nạn được thưởng đến nay có lẽ đến hàng trăm triệu (có lẽ bằng giảng viên làm việc đến khi về hưu) mà vẫn có người nói rằng ít (thậm chí còn viết thư đến báo chí để than vãn rằng ĐSVN thưởng chưa xứng đáng). Sự nghiệp trồng người và chấn hưng đất nước có lẽ còn rất nhiều khó khăn, vậy các giảng viên hãy như thầy Kế nói: hãy để những ham muốn vật chất bên cạnh nếu yêu nghề và có niềm tin.
 

Một bạn đọc ở Hà Nội, nguoianhtrai_hn@yahoo.com: Lương và lậu - làm nhà nước hay bên ngoài
Noi dung: Tôi nghĩ các bạn không nên kêu vì chế độ lương thấp. Đó là sự lựa chọn riêng của mỗi người, con đường đó các bạn đã tự lựa chọn, và do đó các bạn không có quyền và không nên kêu ca.

Thực ra, có nhiều con đường để lựa chọn? Kinh tế đang phát triển nhanh, tốt, có rất nhiều cơ hội ở bên ngoài thị trường và xã hội với mức lương tốt hơn. chỉ có điều các bạn không dám và không muốn chấp nhận rủi ro, không nghĩ đến hoặc biết mà không dám "take action".

Tôi cũng đã từng ohải suy nghĩ rất lâu trước khi quyết định từ bỏ các cơ quan Nhà nước để ra làm cho một công ty nước ngoài. Thực ra ra các công ty nước ngoài không phải không có rủi ro, nhưng có điều chắc chắn là bạn sẽ khẳng định được mình, nếu thực sự bạn có năng lực. Hơn nữa, bạn không phải hối lộ cấp trên để được nhìn nhận về năng lực, để được tuyển dụng.

Tôi thì thấy tính ưu việt hơn hẳn khi đi xin việc ở các công ty nước ngoài, không phải ngoại giao đến nhà sếp, không phải mất một xu mua quà, không phải nhớ ngày sinh nhật sếp, vợ sếp, con sếp là ngày nào. Ngược lại, tôi còn được sếp tặng quà mỗi khi ông ấy về nghỉ phép năm tại chính quốc, được trả một mức lương cao đủ để sống, để tái tạo sức lao động và tích lũy, có đóng thuế thu nhập đàng hoàng, nói thực còn đàng hoàng hơn gấp nhiều lần cán bộ nhà nước.

Thực ra, cán bộ Nhà nước chỉ có ăn đút lót hoặc tham ô mới đủ sống. Tôi có thể cam đoan với các bạn rằng, nếu thực sự cán bộ nhà nước sống bằng chính đồng lương, không lợi dụng chức quyền để trục lợi trực tiếp cho họ, hoặc gián tiếp cho công ty của vợ con họ, thì chắc chắn đến bật đèn buổi tối hay không, tôi tin họ cũng phải cân nhắc. 

Cao Xuân Hoàng, Cẩm Phả, Quảng Ninh, email: khaithacda@.com.vn
 

Đề nghị Nhà nước có chính sách đặc biệt cho công tác nghiên cứu khoa học và các nhà giáo dạy tại các trường đại học. Vì đây là cái nôi của nền khoa học nước nhà. Như Bác Hồ đã nói: "Mười năm trồng cây không bằng trăm năm trồng người". Như vậy, ta trồng người thế là quá chậm.

 
Nguyễn Công Bằng, Thái Nguyên, email: nguyencongbang@thainguyen.gov.vn
Đâu chỉ có "bi kịch" với đội ngũ giảng viên!
Tôi rất tán thành với nội dung bài viết về bi kịch của giảng viên trẻ hiện nay. Tuy nhiên, thiết nghĩ, khó khăn là khó khăn chung. Hiện nay, đâu chỉ giảng viên mới "bị đối xử" như vậy? Vì hầu hết công nhân viên chức đều làm việc và hưởng lương theo ngạch, bậc, điều này có nghĩa là ai cũng vậy, chẳng lẽ giảng viên không sống nổi thì công chức trẻ đủ sống? Ngoài ra, bài báo có nêu giảng viên còn có tiền đứng lớp, công chức lấy đâu ra? Nói là về tỉnh được 30 triệu? Điều này có ở bao nhiêu trên tổng số 64 tỉnh, thành? Có đếm được trên đầu ngón tay không? Và cuối cùng, nếu thu nhập của giảng viên không đủ sống như bài báo nêu thì tại sao bây giờ các giảng viên lại là thành phần sử dụng xe hơi nhiều nhất? Như vậy, họ lấy đâu ra tiền nhỉ?
 

Lê Văn Quang, Bình Thạnh, TP.HCM, email: quanghuce83@yahoo.com
Tâm huyết nghề nghiệp ở đâu

Đúng là như vậy, tôi thấy hiện nay, giảng viên trẻ được giữ lại trường, đời sống vật chất còn gặp rất nhiều khó khăn. Tính mức lương 1,5 triệu đồng/tháng mà còn phải thuê nhà, các hoạt động xã hội khác nữa. Mặt khác, giá cả thị trường bất động sản ở các thành phố lớn, Hà Nội và TP.HCM lại rất đắt. Tính như vậy, cõ lẽ các giảng viên phải "cày" vài trăm năm mới đủ tiền mua đất ở Hà Nội như hiện nay.

 

Nguyễn Thị Hiền, Thanh Trì, Hà Nội
Tôi là một SV cao đẳng mới ra trường. Khi được đọc bài viết này, tôi thấy đó là một thực trạng và tôi rất tâm đắc với ý kiến của một bạn đọc ở Hà Nội.

 

Thực chất khó khăn là khó khăn chung, các giảng viên trẻ cần năng động hơn vì họ được công nhận là những người có tài, họ có trình độ giỏi thì họ mới được giữ lại trường làm giảng viên. Và theo tôi, họ nên cống hiến sức lực trí tuệ cho đất nước Việt Nam. Thử hỏi nếu không có những con người yêu nghệ, chấp nhận những khó khăn ban đầu hay cả nghiệp giảng viên thì làm sao có những sinh viên giỏi như họ. Và thực tế, giá trị sức lực họ bỏ ra là tương đối với những gì họ nhận được. Con người đã có tài thì họ có thể sống tốt trong bất kỳ môi trường nào. Và khi giảng viên vừa có lý luận vừa có thực tế thì những Tri thức họ truyền lại cho thế hệ sau mới càng có sức thuyết phục.  

Hoà Minh Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, email: hoaminhtan05@yahoo.com

Không nên tả khuynh hay hữu khuynh
Giảng viên trẻ kêu lương không đủ sống và rõ ràng là không đủ sống, 1 bậc cao niên trong nghề giảng dạy bảo phải chấp nhận bi kịch để theo nghề. Tôi nghĩ cả 2 trường phái này đều không nên chấp nhận.

 

Thứ nhất, giảng viên trẻ kêu ca lương thấp nhưng vãn có thời gian đi làm thêm để có thu nhập gấp 3 - 4 lần lương, vậy thử đặt vấn đề là anh ta lấy thời gian ở đâu để đi làm thêm nếu không tận dụng thời gian mà anh chưa sử dụng hết trong trường? Và anh lấy danh hiệu gì để người ta mời anh làm thêm nếu không phải là cái chân giảng viên của 1 trường ĐH? Như vậy, công bằng mà nói, tổng thu nhập mà XH mang lại cho anh ta cũng đủ sống đó thôi. 1 phép tính đơn giản nhất, nếu nhà trường trả cho anh bằng tổng thu nhập cả lương và làm thêm thì đồng nghĩa anh ta hoàn toàn bị kiểm soát thời gian và mức độ công việc, đừng mơ đến việc kiếm thêm ở bên ngoài. Xét như vậy, anh phải biết cảm ơn và hài lòng với môi trường anh đang làm mới là đúng.

 

Thứ hai, lớp người trước bảo phải chịu đựng để cống hiến cho nghề cho khoa học xem ra là rất giáo điều. Ngày xưa, cho dù lương thấp nhưng bên cạnh đó là nước lo nhà, lo chế độ cho cán bộ cũng tạm coi là có nơi ở, có cái ăn và phải có nó thì mới nói chuyện làm việc chứ? Thử hỏi hôm nay nếu đến tháng anh thuê mà chưa trả tiền nhà thì tâm trạng của anh sẽ ra sao? Đi làm không có xe máy hoặc không đổ xăng thì làm sao? Rồi anh ta cũng phải có bạn bè, quê hương, gia đình..., tất cả những chi phí ấy thời bao cấp chả phải lo hoặc chí ít không lo cũng chả sao vì ngày trước có ai phải giao du bạn bè ở ngoài quán, ở nhà hàng đâu.

 

Tôi nghĩ, bên cạnh việc các trường cần tìm mọi biện pháp để tăng thu nhập cho giao viên (thật ra các trường ĐH ở ta bộ máy lãnh đạo hết sức trì trệ trong việc kéo tiền, kéo việc về cho nhà trường) thì mỗi giao viên trẻ phải biết rõ vị trí của mình và những gì nhà trường và XH mang lại cho họ chứ không chỉ kêu ca cảm thán.
 

Hải Dương, Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh
Tâm sự "chuyện nghề"
Đọc xong bài viết này, tôi thấy giảng viên trẻ còn... sướng chán! Họ còn được giảng dạy... Như tôi, một nghiên cứu viên trẻ của một viện khoa học cũng như nhiều nghiên cứu viên trẻ khác, đi làm được 5-6 năm mà lương chỉ khoảng 1,1 triệu làm sao đủ sống, tiền thuê nhà đã chiếm hết tiền lương thì còn đâu mà "vực được đạo" nhỉ! Biết là mình học ngành khoa học xã hội, được làm đúng ngành nghề là mừng nhưng chế độ lương bổng như thế thì dù có "yêu rút ruột rút gan" thì không sớm thì muộn cũng "chịu hết siết" thôi. Buồn thật, làm "nhà khoa học" mà lúc nào cũng lo "cơm áo gạo tiền" thì...
 

Trần Văn Khánh, Hoàng Cầu, Bắc Ninh, email: trananhtong_sp@yahoo.com

Cần vượt qua thử thách
Tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh làm giảng viên với mức thu nhập thấp trong 6 năm kể từ khi ra trường. Đến bây giờ, thu nhập của tôi đã khá lên nhiều do đi dạy thêm và NCKH khi mà kiến thức chuyên môn của tôi đã vững. Tôi nghĩ, trong khi ngân sách nước ta còn hạn hẹp thì các bạn cần một sự cố gắng lớn để vượt qua thử thách về lòng yêu nghề.
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,