221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
619880
Thí điểm THPT phân ban: Chỉnh nữa hay dừng?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Thí điểm THPT phân ban: Chỉnh nữa hay dừng?
,

Không hề nằm ngoài dự đoán, phương án phân hai ban ở lớp 10 và 11, đến lớp 12 phân thành bốn ban đã được Bộ GD-ĐT lựa chọn đề nghị Chính phủ xem xét để điều chỉnh.

Với phương án này, Bộ GD-ĐT tin rằng có thể đảm bảo tiến độ triển khai đại trà chương trình - mục tiêu mà bộ đã hơn một lần không thực hiện được. Nhưng có đơn giản vậy không?

Luyện thi ĐH trong trường phổ thông?!

Được triển khai thí điểm bắt đầu từ năm học 2003-2004, đến năm học này chương trình THPT phân ban mới đã thí điểm đến vòng hai đối với lớp 10 tại 37 trường và vòng một đối với lớp 11 tại 48 trường THPT thuộc 11 tỉnh thành trong cả nước.

Trong số hơn 45.000 HS được tuyển vào các lớp 10 phân ban thí điểm đầu năm học vừa qua, 70,8% theo học ban KHTN và chỉ có 29,2% theo học ban KHXH & NV. Bộ GD-ĐT cho rằng, phương án này có ưu điểm phân hóa sâu và triệt để hơn ở lớp cuối cấp, để chuẩn bị tốt hơn cho việc thi vào ĐH, CĐ và hướng nghiệp.

Xem ra, cuối cùng thay vì phân ban để phân luồng HS, chủ trương và mục tiêu chương trình phân ban của bộ đã đầu hàng để chạy theo thị hiếu “mọi con đường đều dẫn đến... trường ĐH” của xã hội. Đó có lẽ cũng là cách nhanh nhất để xóa đi khoảng cách quá chênh lệch 7/3 giữa ban KHTN và KHXH & NV ở các trường THPT đang thí điểm hiện nay?

Nhưng với cách phân ban và yêu cầu nâng cao kiến thức môn học của từng ban như vậy có khác gì luyện thi ĐH ngay trong trường THPT? Và thay vì phân luồng (nghề nghiệp, hàn lâm...) rồi mới phân ban, Bộ GD-ĐT sẽ làm ngược lại phân ban rồi mới phân luồng. Để đến lớp 12 mới chuẩn bị cho việc hướng nghiệp có phải quá trễ?

Hơn nữa, nếu loay hoay hướng tới các môn thi của từng khối thi ĐH như vậy, phân ban trong giáo dục phổ thông sẽ đi ngược lại với xu hướng cải tiến trong tuyển sinh, đào tạo ĐH mà chính Bộ GD-ĐT đang chủ trương thực hiện: Kết hợp một kỳ thi vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, có thể xét tuyển ĐH cơ bản dựa trên ba môn công cụ toán, văn, ngoại ngữ (bên cạnh các tiêu chí khác theo yêu cầu cụ thể của từng trường, ngành đào tạo) vì các môn thi tuyển sinh ĐH theo khối hiện nay không phản ánh bản chất nghề nghiệp, nhu cầu kiến thức đào tạo ở bậc ĐH... trong khi lộ trình thực hiện cải tiến là nhằm đón đầu khóa HS tốt nghiệp đại trà chương trình THPT phân ban!?

Còn một phương án thứ tư?

Tuy Bộ GD-ĐT đánh giá hướng điều chỉnh kể trên là một phương án đảm bảo tính khả thi nhưng bộ vẫn phải “thòng” thêm một câu: “Những trường THPT trong thời gian trước mắt chưa có đủ điều kiện phân ban thì tổ chức dạy học theo chương trình chuẩn kết hợp với các chủ đề tự chọn”.

Điều này khiến nhiều giáo viên, HS và cả phụ huynh băn khoăn: như vậy sau khi đã điều chỉnh để triển khai đại trà, vẫn có những trường THPT chưa học theo chương trình phân ban, đồng nghĩa với việc lại tái diễn tình trạng song song hai chương trình với những hệ quả lỉnh kỉnh trong thi cử, đánh giá…?

Hơn nữa, chương trình chuẩn mà các trường này được chọn để dạy kết hợp với các chủ đề tự chọn là chương trình nào khi đến nay khái niệm chương trình chuẩn vẫn chưa rõ, còn nội dung, tài liệu tự chọn thì lúng túng, chắp vá?

Trong khi đó, với phương án điều chỉnh bộ đang dự kiến, sẽ phải tổ chức biên soạn lại chương trình và sách giáo khoa của tám môn ở lớp 12 với tổng cộng 11 đầu sách giáo khoa cần viết lại. Nhưng liệu tốn kém công sức, tiền của như vậy có mang lại cho chương trình THPT phân ban một chương trình hợp lý, khoa học, được thực tiễn chấp nhận không, khi những vấn đề đang tồn tại đã được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu giáo dục đề cập vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Đó là tại sao độ chênh lệch kiến thức các môn giữa hai ban lại là 20% mà không phải nhiều hay ít hơn? Đâu là chuẩn chương trình của bậc THPT nói chung và mỗi ban nói riêng?

Những người xây dựng chương trình sẽ làm gì để khắc phục những nhược điểm của chương trình phân ban trước mà Bộ GD-ĐT đã đau đớn rút ra như “biểu hiện quá tải trong nội dung các môn chính ban, nội dung dàn trải và sơ lược trong các môn chéo ban, trình độ chuẩn trong chương trình môn học của các ban khác nhau chưa được làm rõ, có sự sai lệch giữa thiết kế mục tiêu và nội dung dạy học của các ban với thực tiễn xã hội...”?

Nhiều nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng đã lên tiếng đề nghị Bộ GD-ĐT không nên cố gượng ép, chỉnh sửa chắp vá, chạy theo thực tế, cần dừng chương trình THPT phân ban thí điểm hiện nay để thiết kế lại chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa một cách bài bản, khoa học như một phương án thứ tư.

Liệu quyết tâm chỉnh sửa để tiếp tục thực hiện đại trà có phải là một quyết định kiểu “đâm lao thì phải theo lao” hay chúng ta vẫn còn một phương án thứ tư để lựa chọn?

(Theo Tuổi trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,