"Ô hay, Giám đốc Sở hỏi mới kỳ..."

Cập nhật lúc 15:02, 30/06/2010 (GMT+7)

- Tại sao lãnh đạo Sở GD-ĐT hỏi mà không đọc kỹ các thông tư, quy chế ...do Bộ GD-ĐT đã ban hành?

Sau hội nghị giao ban lần thứ hai năm học 2009 - 2010, Bộ GD-ĐT đã trả lời 36 ý kiến, kiến nghị của các Sở GD-ĐT. Khi đọc 36 câu hỏi của vùng và 36 câu trả lời thì có những điều sao kỳ quá!

Dường như các lãnh đạo không chịu đọc, không chịu theo dõi các Thông tư, Quy chế , thông báo ... của Bộ GD-ĐT đã ban hành nên câu hỏi đặt ra đã “bị thừa”, vì đã có câu trả lời.

Xin dẫn ra đây một số ví dụ:

VietDuc18.jpg
Học sinh sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009 - 2010. Ảnh: Phạm Hải.

Vùng 5 hỏi: Đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27/10/2009 của Bộ GDĐT ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.

Bộ trả lời: Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 777/BGDĐT-GDTH ngày 11 tháng 2 năm 2010 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.

Vùng 5 hỏi: Đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét Thông tư số 16/TT/LB ngày 23/8/1995 của liên bộ Bộ GD ĐT và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ đối với giáo viên được điều động làm nhiệm vụ thanh tra giáo dục và sớm có văn bản thay thế để tạo điều kiện cho công tác thanh tra đạt hiệu quả.

Bộ trả lời: Ngày 21 tháng 10 năm 2009, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 28/2009/TT – BGD-ĐT quy đinh về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông trong đó có hướng dẫn việc quy đổi ra giờ dạy đối với nhiệm vụ thanh tra chuyên môn của giáo viên phổ thông.

Vùng 5 hỏi: Bộ có hướng dẫn sớm về các mẫu báo cáo (sơ kết học kì, tổng kết năm học…) để các địa phương đảm bảo kịp thời các yêu cầu.

Bộ trả lời: Hàng năm, văn phòng Bộ đều có hướng dẫn nội dung và các biểu mẫu báo cáo sơ kết học kỳ và tổng kết năm học.

Các biểu mẫu tổng hợp này đã được thống nhất với biểu mẫu thống kê của các Vụ: Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên. Văn phòng gửi dự thảo và xin ý kiến góp ý cho các mẫu báo cáo ở Hội nghị Chánh Văn phòng Sở GDĐT toàn quốc, vào khoảng tháng 4 hàng năm. Như vậy đã đảm bảo về mặt thời gian để các Sở lấy số liệu và nộp báo cáo tổng kết vào ngày 25/6.

Vùng 6 hỏi: Đề nghị điều chỉnh một số nội dung trong tài liệu hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học cho phù hợp với sách giáo khoa và phân phối chương trình (môn Toán cấp Tiểu học). Có hướng dẫn cụ thể thêm về dạy phần phát triển cho học sinh khá giỏi (môn Toán và Khoa học cấp Tiểu học). Tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy môn Tiếng Anh và Tin học ở Tiểu học (còn bất cập do bố trí giáo viên chưa nắm chắc phương pháp giảng dạy, tâm lý học lứa tuổi đối với học sinh cấp Tiểu học).

7 vùng giáo dục được Bộ GD - ĐT phân chia như sau: vùng 1 gồm 15 tỉnh ở Tây Bắc, Đông Bắc và Trung du Bắc bộ; vùng 2 gồm 8 tỉnh Đồng bằng Bắc bộ; vùng 3 gồm 6 tỉnh Bắc Trung bộ; vùng 4 gồm 10 tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên; vùng 5 gồm 7 tỉnh miền Đông Nam Bộ; vùng 6 gồm 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; vùng 7 gồm 05 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ).

Bộ trả lời: Tháng 12 năm 2008, Tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học đã được Bộ GD-ĐT biên soạn và thẩm định. Như vậy, phân phối chương trình các môn học đã được hoàn thiện ở tài liệu này cho phù hợp với thực tiễn, trong đó có môn Toán. Cũng trong tài liệu này đã đề cập đến việc dạy học phân hóa và có yêu cầu với học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, vì đây là tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng nên không quá khai thác sâu với đối tượng này ở môn Toán, môn Khoa học.

Vùng 1 hỏi: Đề nghị sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26/02/2010 về Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia. Có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn (có mẫu) cho cấp tỉnh được phép in phôi bằng công nhận trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Bộ trả lời: Việc thực hiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được thực hiện theo Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26/02/2010 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/4/2010.

Để triển khai Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT, ngày 16/4/2010, Bộ GDĐT đã có Công văn số 2025/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn các Sở GDĐT đánh giá kết quả và các bài học kinh nghiệm công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010; Đồng thời xác định mục tiêu và các thuận lợi, khó khăn, các giải pháp đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010-2020 trên cơ sở nội dung của Quy chế mới ban hành.

Hội nghị giao ban tổ chức theo vùng giáo dục, với sự tham gia của các lãnh đạo sở GD&ĐT của nhiều tỉnh, thành. Việc đặt những câu hỏi về những vấn đề đã có trong các Thông tư, Quy chế, thông báo ... do Bộ GD&ĐT đã ban hành như thế thì có đáng suy nghĩ và lo lắng về cách quản lý, sử dụng cán bộ và quy trình làm việc của các Sở GD-ĐT ở địa phương?

  • Trần Đình Tuấn (Trường THCS Lê Văn Tám, TP Phan Rang-TC, tỉnh Ninh Thuận)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

vu hang, 09:19, 01/07/2010

Khách quan mà nói thì đẻ ra nhiều thứ văn bản giấy tờ quá, nhớ sao hết.

Điều này cũng giống như con mình đẻ ra thì mình nhớ, chứ người khác làm sao nhớ hết mặt con mình được. Mình có nhiều con thế cơ mà.

Hồng Phong, Lào Cai, 09:09, 01/07/2010

Câu hỏi của Vùng 1 rất rõ ràng. Tại sao Bộ lại trả lời vậy nhỉ? họ cần hướng dẫn cụ thể chứ không cần câu trả lời chung chung!

haiha.linh, ha noi, 08:45, 01/07/2010

Đọc bài báo trên thì có thể phân ra 2 kiểu quản lý:
- Thứ nhất: là không đọc Nghị định, thông tư... là nhóm câu hỏi cho các vấn đề mà đã có thông tư, văn bản hướng dẫn rồi mà vẫn hỏi.
- Thứ hai là đọc không hiểu: là đọc thông tư hướng dẫn rồi (thông tư là hướng dẫn cuối cùng rồi) mà vẫn không hiểu và lại đòi tiếp, hay đòi bản mẫu ?
Hoặc thông tư, hướng dẫn của Bộ kém rõ ràng, đọc khó hiểu.

huyen minh quang, Hoàng Mai, Hà Nội, 07:23, 01/07/2010

Giáo dục người khác chứ ai có quyền giáo và dục mình đâu? Đào tạo người khác chứ có phải đào tạo mình đầu. Không nắm thông tư, qui chế nên này sinh tình trạng làm bừa hoặc không làm, làm lung tung trong ngành giáo dục là điều tất yếu.

Chu Chinh, 07:10, 01/07/2010

Lẽ ra Bộ không nên trả lời các câu hỏi kiểu này.

Quách Hoan, 06:07, 01/07/2010

Bài báo trên nêu lên một hiện trạng đáng lo ngại trrong tất cả các ngành, không riêng gì ngành giáo dục. Đó là nhiều cán bộ quản lý không được đào tạo về quản lý . Họ có thể có bằng cấp, học hàm học vị cao, thâm chí là cán bộ chuyên môn giỏi trong chuyên ngành của mình nhưng lại yếu kém trong kỹ năng quản lý. Đó là chưa nói đến chuyện vô lơ là trong công việc nên không cập nhật kịp thời các thông tin pháp quy của ngành đã ban hành. bài báo nêu trên chỉ là một ví dụ cụ thể xảy ra với ngành giáo dục.

Đàm Bắc, Tân Bình, TP HCM, 02:11, 01/07/2010

Đọc bài viết của tác giả Trần Đình Tuấn viết về ngành Giáo Dục và những thực tế tôi bắt gặp trong đời thường giao tiếp với các cơ quan HÀNH CHÍNH thuộc ngành khác thì thấy nó giống nhau cả, phải chăng có khác là cách thể hiện mà thôi.

Tôi có nhận xét rằng chính từ sự quan liêu, yếu kém năng lực của cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp nhất là cấp tỉnh và huyện nên ngày càng nảy sinh nhiều rào cản HÀNH CHÍNH giăng ra trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, phàm là vấn đề gì không quản lý được thì tự đưa ra biện pháp hành chính " Giấy phép con " của cấp mình quản lý.

Thanh Hoa, Cần Thơ, 00:33, 01/07/2010

Trong ngành giáo dục, không thực hiện theo văn bản hướng dẫn có khi tốt hơn. Ví dụ: Gần thi Bộ ra cuốn " Hướng dẫn thực hiện chuẩn . . . ", ở môn Toán Bộ bắt " mọi học sinh đều được giới thiệu khái niệm điểm uốn". Thầy trò vội vàng bổ sung, vì trong sách có bắt học đâu (đọc thêm mà). Khi thi, đáp án chẳng đả động tới uốn với éo, mất công vô ích!

Minh Phúc, Hà Nội, 23:47, 30/06/2010

Thực sự khôi hài!?

Những người đã từng làm công tác quản lý nhà nước (nhất là đến cấp Sở) ắt hẳn phải biết Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:

(1) Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

(2) Quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách;

(3) Quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao. Như vậy, Thông tư chính là một loại văn bản quy phạm pháp luật "hướng dẫn" thực thi Luật, Nghị định..., "hướng dẫn" các quy trình, thủ tục...

Nói một cách khác, Thông tư là một loại văn bản "hướng dẫn".

Ấy vậy mà các Giám đốc Sở vẫn cứ yêu cầu Bộ phải ban hành thêm văn bản để hướng dẫn thực hiện Thông tư?

Xin lưu ý thêm với các quý vị đưa ra câu hỏi thêm rằng, các văn bản hướng dẫn của Bộ, nếu không ban hành dưới dạng Thông tư thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản cá biệt và vì thế không thể có hiệu lực thi hành (áp dụng) đối với toàn ngành Giáo dục.

Thực tế này cho thấy, các Quý vị đưa ra câu hỏi vừa hạn chế về kiến thức pháp luật, vừa có tư tưởng ỷ nại, trông chờ cấp trên "bắt tay, chỉ việc" mới làm. Các nhà quản lý mà còn như thế, thử hỏi làm sao mà chất lượng giáo dục không ngày càng đi xuống!?

Thanh Long, Nha Trang, 21:51, 30/06/2010

Đâu chỉ riêng ngành giáo dục mới có hiện tượng này! Nếu đến các cơ quan hành chánh, ai cũng sẽ thấy cách làm việc chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, trong khi văn bản hướng dẫn không phải lúc nào cũng thiếu.

Lê Minh Hiền, Phú Tân AG, 21:31, 30/06/2010

Thật ra thì có rất nhiều vấn đề bức xúc trong giáo dục cần được cấp trên giải quyết nhưng Lãnh đạo Phòng, Sở ngày càng xa rời thực tế, quản lý 1 chiều , cứ chỉ đạo và kiểm tra , thanh tra hội họp bây giờ cũng một chiều , trên chỉ xuống , mọi ý kiến đóng góp thì đều bị bỏ qua , các kiến nghị của cấp dưới thường làm cho cấp trên rất khó chịu và sẽ có ngay những giải trình và áp đặt thực hiện.

Từ đó các phiên họp của giáo dục bây giờ không ai muốn có ý kiến. Có rất nhiều giáo viên, cán bộ quản lý tâm huyết trước khi bước vào phiên họp phải tự khuyên mình "Tốt nhất là nên im lặng".

Thử hỏi như vậy thì làm sao có được nhưng câu hỏi thiết thực trước Bộ Giáo Dục và nếu như có những câu hỏi xác đáng liệu Bộ có " khó chịu không ?"

quy trung, 24 Giải Phóng Hà Nội, 21:12, 30/06/2010

Cán bộ quan liêu quá. Những cái cần phải nắm để điều hành, quản lý, thực hiện mà lại không nắm được. Thế mới hay trình độ của bộ máy công chức hiện nay.

Minh Thắng, Khe sanh - Huong Hoa Quang Tri, 16:03, 30/06/2010

Thư ký chưa đọc cho nghe thì sao biết?

patriod_vn, HCM, 15:52, 30/06/2010

Cám ơn bạn Trần Đình Tuấn về bài viết mang tính thông kê nhưng lại rất thời sự.

Sự vô tình hay "dốt nát" của các Sở GD-ĐT một số tỉnh đã vô tình đưa ngành GD xuống cấp?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã làm được rất nhiều. Nhưng cũng rất khó cho ông với những cộng sự dưới quyền..

Trần Lan Hương, Hà Nội, 15:41, 30/06/2010

Dù tôi chỉ là thường dân, nhưng cũng xin phép mục này để nhiệt liệt hoan nghênh cả biên tập viên lẫn thày giáo Trần Đình Tuấn.
Lý do : Thày Tuấn đã "bắt" đúng một trong những bệnh, mà là bệnh nặng, của địa phương là không chịu đọc văn bản (ngoài ra còn không chịu ... làm việc, nhưng đó là chủ đề khác !).
Thời quản lý bằng pháp luật, tìm hiểu văn bản là việc đầu tiên của cái đầu tiên.
Những phát hiện của thày Tuấn không chỉ chứng tỏ nhiệt tâm với công việc, mà còn là trình độ. Cái đó rất đáng quý. Vì có tới hơn 90% những giáo sư, nhà quản lý giáo dục, thày giáo các cấp phổ thông mà tôi có quan hệ, không biết và không muốn tìm hiểu, nâng cao hiểu biết pháp lý.
Và việc phát hiện trúng vấn đề này mà viết bài, cũng là việc đáng vỗ tay.
Một lần nữa, xin cảm ơn.

Trần Lan Hương

Các tin khác