Tình người dồn dập vào đề thi

Cập nhật lúc 07:24, 04/06/2010 (GMT+7)

- Sau chủ đề "lòng nhân ái và sự vô cảm", Bộ GD-ĐT lại tiếp tục đưa chủ đề về "lòng yêu thương con người" vào đề văn thi tốt nghiệp THPT. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên khẳng định chủ đề này sẽ còn lặp lại trong các kỳ thi.

PGS.TS Lê Quang Hưng, Chủ nhiệm khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo viên tham gia chấm thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm trao đổi với VietNamNet về hiện tượng này, cũng như gợi ý cách làm bài xuất sắc nhất đối với loại đề tự luận.

Mô tả ảnh.
Thí sinh trước giờ thi môn Ngữ văn. Ảnh: Phạm Hải.

Thưa ông, tại sao Bộ GD-ĐT lại tiếp tục đưa đề dạng nghị luận và chủ đề về lòng yêu thương yêu, lòng nhân ái vào các đề thi văn quốc gia?

Đưa đề nghị luận xã hội vào đề thi là một chủ trương của Bộ GD-ĐT, có tác dụng gắn việc dạy và học với thực tiễn đời sống.

Lâu nay, người ta kêu dạy văn chỉ là dạy chữ, dạy tác phẩm mà xa rời cuộc sống. Nhiều em cứ phân tích tác phẩm dựa trên bài mẫu có sẵn.

Mục đích của đề thi là phát huy cảm nhận và suy nghĩ cá nhân về những vấn đề thiết thực của cuộc sống, về tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống. Tránh lối học vẹt, học sáo và chép bài mẫu. Đồng thời, đề thi cũng kiểm tra suy nghĩ cá nhân và năng lực biện luận của HS.

[video(17342)]

(Nghe PGS Lê Quang Hưng trả lời)

Tình yêu thương, quan hệ giữa con người với con người, sự chia sẻ, đồng cảm là một vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay.

Điều đó có nguyên nhân từ cơ chế thị trường, cạnh tranh, giao lưu văn hóa. Vấn đề đặt ra là tình yêu thương bị phai nhạt đi, không còn sự nhạy cảm, đồng cảm như trước nữa.

Đi ra đường, thấy một người bị nạn ít người tự nguyện cứu ngay. Thấy cảnh bất bình, người ta làm ngơ, né tránh, do cách sống ai lo người nấy, can thiệp vào có thể lại mang vạ. Đó là một hiện tượng rất buồn. Và vì thế, đó là đề tài rất hay cho các em thảo luận.

Bộ quan tâm đến chủ đề đó vì nó đúng với thực tiễn bây giờ và phù hợp với các em HS.

Ông có thể gợi ý cách làm bài này?

Có lẽ, mỗi em làm bài sẽ có quan điểm không giống nhau nhưng phải nói được vẻ đẹp của lối sống, ứng xử, vẻ đẹp của lòng yêu thương trong xã hội hiện nay.

Có thể nêu một số phong trào rất tích cực trong giới trẻ như thanh niên tình nguyện, nấu cháo cho người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, nhóm hát đường phố quyên góp tiền từ thiện...

Sau đó, có thể nêu mặt tiêu cực của một bộ phận lớp trẻ sống ích kỷ, không quan tâm đến người khác, không biết nhường nhịn, hy sinh, được cưng chiều nên không đồng cảm với người khác. Có những bạn vô cảm, chưa nhiệt tình hưởng ứng những phong trào, hoạt động của xã hội.

Mô tả ảnh.
Thí sinh thở phào sau mỗi buổi thi vì đề "dễ thở". Ảnh: Phạm Hải

Những bài viết như thế nào sẽ được điểm rất cao?

Em nào khá thì phải nêu cái được hay mất của tình yêu thương nằm trong tình hình chung của xã hội, có vấn đề của người lớn. Có những nguyên nhân không phải là do lớp trẻ.

Khá nữa thì nên nói đến nguyên nhân dẫn tới vẻ đẹp của lòng yêu thương cũng như vì sao lại thiếu vắng lòng yêu thương trong xã hội.

Nguyên nhân khách quan là do xã hội phát triển, cơ chế thị trường, tính toán, lạnh lùng, vô cảm bởi cạnh tranh. Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức cá nhân, kỹ năng sống, tình cảm của mỗi bạn. Từ đó đề xuất giải pháp, biện pháp.

Trong văn nghị luận thì sau khi luận bàn, giải thích, các em nên rút ra ý nghĩa của vấn đề, cái chung của xã hội, ý nghĩa đối với bản thân. Cá nhân phải tham gia vào các phong trào, hoạt động xã hội như thế nào...

Xin cảm ơn ông.

Tạ Ngọc Anh, giáo viên văn, Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội): Đang báo động

"Lòng yêu thương con người" lại tiếp tục có mặt trong đề thi văn tốt nghiệp THPT không có gì đáng ngạc nhiên, vì chủ đề này vẫn có mặt trong các tiết kiểm tra tại lớp từ bậc tiểu học lên tới bậc THPT.

Tại cuộc thi Olympic Hà Nội - Amsterdam văn lớp 8 vừa qua, đề thi cũng đề cập đến vấn đề này khi cho HS tự luận về chủ đề "hãy gieo yêu thương, con sẽ gặp được hạnh phúc".

Bậc tiểu học cũng có nhiều bài học về tình yêu thương con người. Đề thi một tiết lớp 8 vừa qua cũng là "Em hãy chứng minh trong các tác phẩm, tình yêu thương là một nội dung chủ đạo trong các tác phẩm văn xuôi học kỳ I". Đề văn lớp 7 yêu cầu giải thích câu "Bầu ơi thương lấy bí cùng".

Sở dĩ, có hiện tượng như thế là vì vấn đề này đang trở thành báo động của xã hội.

Nhịp sống xã hội ngày một gấp gáp, đề cao sự thực dụng. Cha mẹ, con cái sống có kế hoạch để định hướng về sự thành công.

Cha mẹ thì lo lắng nhiều bởi công việc, phải cạnh tranh, từ đó dẫn đến đố kỵ, như vậy cũng giảm dần lòng yêu thương. Vì có ít con nên bố mẹ tập trung cho con cái, đầu tư học hành để dẫn đến thành đạt, chỉ cần con học giỏi là đạt yêu cầu mà không đòi hỏi gì ở con cái.

Nhưng cũng chính vì vậy mà trẻ con ngày nay càng trở nên ích kỷ, thậm chí quên đi lòng biết ơn đối với cha mẹ và thầy cô giáo.

Các giáo viên thường hay nói chuyện với nhau: kể cả những đứa học giỏi và không học giỏi bây giờ cũng đều ích kỷ, thực dụng và không biết ơn người giúp nó. Một hiện tượng phổ biến là khi thầy cô đang dạy chúng thì chúng chào hỏi, khi không dạy thì không chào nữa.

Vì thế, việc liên tục ra đề văn có chủ đề về lòng yêu thương có thể hiểu như là một hình thức kêu gọi, khuấy động suy nghĩ của các em học sinh định hướng lại cách sống của mình. Chắc hẳn là, khi làm một đề văn như thế, các em có những giây phút dừng lại suy nghĩ về cuộc sống.

Nghiêm Xuân Trường, học sinh lớp 11E, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân( huyện, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc):

Không có lòng thương sẽ viết sáo rỗng

Nếu sang năm thi tốt nghiệp gặp phải đề văn về lòng yêu thương, em cũng không biết viết như thế nào.

Vừa qua đề kiểm tra một tiết của lớp 11 cũng là: Em hãy cho biết cảm nhận về tình yêu thương con người. Em cho rằng, đề này vừa dễ, vừa khó.

Dễ là vì ai cũng có thể viết được một đoạn dài, khó là vì để viết hay và được điểm cao thì phải có kiến thức rộng và đặc biệt là trong cuộc sống cũng phải có kỷ niệm sâu sắc về lòng yêu thương.

Nếu trong cuộc sống không có lòng yêu thương người khác thì sẽ viết rất sáo rỗng.

  • Tú Uyên (Thực hiện)

Ý kiến của bạn

Các tin khác