Những con số giáo dục dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

Cập nhật lúc 09:12, 16/06/2010 (GMT+7)
- Lời toà soạn: Chiều 15/6, một ngày trước khi Quốc hội có quyết định về nhân sự của Bộ GD-ĐT, chúng tôi nhận được bài viết của Thứ trưởng Trần Quang Qúy với tựa đề "bốn năm đổi mới giáo dục qua các con số".
Bài viết hơn 2.400 chữ này điểm lại những kết quả đã được "số hóa" trong suốt 4 năm, kể từ khi GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nắm vai trò nhạc trưởng ngành giáo dục.
Để giúp bạn đọc thêm góc nhìn từ phía cơ quan quản lý ngành, VietNamNet giới thiệu bài viết này (dài gấp đôi so với dung lượng bài báo thông thường). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả (các tiêu đề nhỏ và chữ in đậm được toà soạn đặt lại và trình bày nhằm giúp bạn đọc theo dõi thuận tiện).
LeQuyDon - DongDa.jpg
Thí sinh trước giờ làm bài thi tốt nghiệp năm 2010. Ảnh: Phạm Hải


BỐN NĂM ĐỔI MỚI GIÁO DỤC QUA CÁC CON SỐ

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã có nhiều tiến bộ: trật tự kỷ cương trong các nhà trường được thiết lập, cơ sở vật chất được tăng cường, quy mô giáo dục được mở rộng, năng lực quản lý được nâng cao, đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá:
Những con số của giáo dục phổ thông

Trước tình hình tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục gây bức xúc trong xã hội, ngăn cản việc nâng cao chất lượng giáo dục và làm triệt tiêu động lực đổi mới và sáng tạo trong ngành, Bộ GD - ĐT đã chủ động tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và bắt đầu từ năm học 2006-2007, toàn ngành đã tích cực triển khai thực hiện thông qua cuộc vận động “Hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) của ngành.

Cuộc vận động “Hai không” là khâu đột phá để đổi mới giáo dục phổ thông và mầm non giai đoạn 2006-2010. Qua 4 năm triển khai, trật tự kỷ cương trong thi cử đã tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT: Số thí sinh bị đình chỉ thi năm 2007 là 2.612, thì năm 2008 chỉ còn 833, năm 2009 là 299 và năm 2010 chỉ còn 90, giảm gần 97% so với năm 2007; Số giám thị bị đình chỉ công tác coi thi do vi phạm năm 2007 là 32, năm 2008 là 15, năm 2009 là 3 và năm 2010 là 1, giảm gần 97% so với năm 2007 (trong hơn 120.000 cán bộ coi thi chỉ có 1 người bị đình chỉ); Số học sinh bị tại nạn giao thông khi đi thi cũng đã giảm: năm 2007 có 85 vụ, năm 2008 là 84 vụ, năm 2009 là 73 vụ và năm 2010 là 54 vụ, chỉ chiếm 0,005% số thí sinh dự thi (100.000 học sinh đi thi có 5 em bị tai nạn).

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng trong bối cảnh các cuộc thi được triển khai ngày càng nghiêm túc hơn: năm 2007 tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông (lần 1) chỉ đạt 66,7%, có nhiều địa phương đạt dưới 50% (năm 2006 đạt 94%,); năm 2008 (lần 1) tỷ lệ tốt nghiệp là 76% (tăng hơn 9% so với năm 2007); năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp là 83,8% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7,8% so với năm 2008. Với kết quả thi đã được qua 3 năm 2007, 2008, 2009, như vậy, có thể dự báo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ đạt khoảng 90%.
Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể: học kỳ I năm học 2007-2008 cả nước có 147.005 học sinh bỏ học (chiếm 0,94 %); học kỳ I năm học 2008-2009 còn 86.269 học sinh bỏ học (chiếm 0,56%), giảm 60.736 học sinh, bằng 41% so với năm học trước; học kỳ I năm học 2009-2010 còn 75.531 học sinh bỏ học (chiếm 0,51%). Như vậy, năm học 2009-2010, số học sinh bỏ học giảm 71.474 em, bằng 49% so với năm 2007. Tức là tỷ lệ học sinh bỏ học từ gần 1% năm 2007 xuống còn 0,5 % năm 2010.

Sau một năm triển khai cuộc vận động “Hai không”, nhằm khẳng định trách nhiệm và vị trí của người thầy trong giáo dục nước nhà ở giai đoạn hiện nay, Bộ GD - ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm rõ rệt: năm 2007 có 200 vụ, năm 2008 còn 122 vụ, năm 2009 còn 24 vụ, chỉ bằng 12% của năm 2007. Các vụ xâm phạm thân thể học sinh cũng giảm: năm 2008 có 28 vụ, năm 2009 còn 8 vụ, bằng 29% năm trước. Việc cải tiến và tự làm đồ dùng dạy học được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố, đổi mới phương pháp dạy học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được triển khai tập trung, thiết thực. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel, sau 3 năm, tỷ lệ các trường phổ thông, mầm non được kết nối internet đã tăng từ khoảng 40% lên gần 100% vào đầu tháng 6 năm 2010.

Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có sức lan toả mạnh mẽ, đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về cảnh quang trường lớp, về môi trường giáo dục nhân văn, về chất lượng dạy và học, về giáo dục kỹ năng sống, về gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn ngành đã nhận chăm sóc 2.063 di tích lịch sử cấp quốc gia; chăm sóc và phụng dưỡng 15.810 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sỹ; trồng mới được hơn 2,2 triệu cây các loại phù hợp với điều kiện môi trường; chỉ trong vòng 2 năm học đã có hơn 8.000 nhà vệ sinh được xây mới ở các trường học cũ, số trường có công trình vệ sinh đã tăng thêm 20% so với trước, nâng tổng số trường có công trình vệ sinh là 38.893 trường đạt 96,7% trên tổng số trường trong cả nước, trong đó có 83,9% công trình vệ sinh đạt chuẩn.
Tỷ lệ trẻ đi học mẫu giáo tăng mạnh: năm 2006 có 59% trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học, năm 2010 là 71 %. Tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn năm 2006 là 78%, năm 2010 là 93%.
Cơ sở vật chất được nâng cấp với tốc độ cao nhất từ trước đến nay: năm 2006 tỷ lệ phòng học được kiên cố chiếm 52%; năm 2010 số phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 41.695/57.563 phòng (đạt 72,4% kế hoạch); số phòng học đang xây dựng là 14.088 phòng (đạt 24,5% kế hoạch).

Công tác phổ cập giáo dục THCS đã được triển khai tích cực, đến tháng 6/2010 có 61/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, đạt 96,8% (năm 2006 có 30/64 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS). Như vậy, toàn quốc sẽ hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục THCS đúng vào năm 2010.

Năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo các trường phổ thông được nâng lên đáng kể, trong 2 năm học 2008-2009 và 2009-2010 đã có 25.000 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông (chiếm tỷ lệ 89%) được bồi dưỡng theo chương trình mới, hiện đại (hợp tác với Bộ Giáo dục Singapore).

Nhằm phát triển hệ thống các trường THPT chuyên, năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết và định hướng phát triển các trường THPT chuyên cả nước (đây là lần tổ chức đầu tiên sau hơn 45 năm).

Những con số của giáo dục đại học

Từ cuối năm 2007, Bộ GD - ĐT đã quyết định triển khai chủ trương “Đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Đến nay, Bộ đã tổ chức 17 hội nghị quốc gia đào tạo theo nhu cầu xã hội cho các ngành kinh tế xã hội trọng điểm, qua đó hơn 600 thoả thuận, hợp đồng đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp, bệnh viện và ngân hàng đã được ký kết với số người được đào tạo là trên 10.000 người. Tăng cường đào tạo theo chương trình của các đại học có uy tín ở nước ngoài, bằng tiếng nước ngoài: năm 2006 có 10 chương trình, năm 2010 có 27 chương trình. Xây dựng thư viện giáo trình điện tử dùng chung với hơn 1.100 giáo trình và đã có hơn 15 triệu lượt người truy cập. Triển khai và hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cả nước.
1.jpg
Tham khảo thông tin ở triển lãm du học. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhằm khắc phục sự yếu kém kéo dài về chất lượng và quản lý trong giáo dục đại học, năm 2009, Bộ đã chọn khâu đột phá là đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, trong đó giải pháp đầu tiên là thực hiện 3 công khai tại mỗi cơ sở giáo dục: Công khai cam kết chất lượng đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; công khai tài chính tại 100% các trường đại học, cao đẳng (có thể truy cập qua trang web của trường). Đồng thời, tăng cường năng lực lãnh đạo cho hơn 500 lượt hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng thông qua chương trình mới được xây dựng.

Bộ đã tích cực triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GD - ĐT đã ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng đã ban hành chương trình hành động với 11 nhóm giải pháp và ban hành mới 23 văn bản quản lý nhà nước của ngành và Bộ về quản lý giáo dục đại học.

Bộ đã tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ về vổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 qua 6 cầu truyền hình (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ); chỉ đạo 8 trường đại học tại 3 miền tổ chức 8 hội thảo điểm triển khai. Đến nay, gần 100% các trường đã thực hiện việc thảo luận ở cấp lãnh đạo trường (Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên) về các giải pháp đổi mới quản lý của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng Chương trình hành động và Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2015.

Từ ngày 09/3/2010, Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức Diễn đàn: “Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo”. Sau hơn 2 tháng tổ chức diễn đàn, đã liên tiếp đăng 34 bài viết trên ấn phẩm in và 45 bài viết báo điện tử. Tác giả là cán bộ quản lý các nhà trường, các nhà khoa học, giảng viên đại học, các vị tướng lĩnh, lãnh đạo các nhà trường trong Quân đội và Công an, đại diện Đoàn Thanh niên.

Tăng học phí và sắp xếp lại bộ máy

Trên cơ sở Nghị quyết số 35/NQ/QH12 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, Bộ đã triển khai hệ thống học phí mới, hợp lý hơn tại 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học, cao đẳng trung cấp chuyên nghiệp.

Bộ GD - ĐT đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức để đáp ứng tốt các nhiệm vụ của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay: thành lập 5 cơ quan trực thuộc để sự lãnh đạo, quản lý của Bộ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của ngành: Vụ Giáo dục dân tộc (năm 2006); Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (năm 2007); Cục Đào tạo với nước ngoài, Cục Công nghệ Thông tin và Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và Đồ chơi trẻ em (năm 2008). Năm 2009, Bộ sáp nhập Trung tâm Công nghệ giáo dục và Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc vào Viện Khoa học giáo dục Việt Nam để hoàn thiện các tổ chức nghiên cứu của ngành và thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực nhằm hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, các địa phương, các ngành, là đầu mối tiếp nhận nhu cầu và hỗ trợ triển khai đào tạo theo đặt hàng các doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập Báo Giáo dục Thời đại điện tử, sau 1 năm đạt mức truy cập 110.000 lượt một ngày.

Tóm lại, các giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo đã được triển khai trong gần 4 năm qua là đúng hướng, phù hợp quy luật, vừa có nhiều giải pháp tác động trên diện rộng, đồng thời luôn có giải pháp có tính đột phá, đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo, từng bước giải tỏa các bức xúc của xã hội và đáp ứng các nhu cầu phát triển dài hạn của ngành giáo dục.
  • PGS.TS Trần Quang Quý (Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Linh, Hải Phòng, 20:54, 18/06/2010

Năm đầu tiên Bộ trưởng Nhân lên làm BT tôi thực sự thấy vui mừng khi thấy những chuyển biến tích cực trong thi cử nhưng càng về sau ông càng làm tôi thấy thất vọng.Ông đã không còn làm được những điều như năm đầu tiên ông đã làm.Dường như ông đã phải chịu quá nhiều sức ép.Giờ đây khi ông Phạm Vũ Luận nhận chức BT một lần nữa tôi lại hy vọng. Tôi đã từng nghe nói khi còn là HT Đại hoc Thương mại ông đã có rất nhiều sáng kiến hay và đã áp dụng khá thành công trong trường.hy vọng ở ông

Vũ Lâm, Hà Nội, 09:24, 18/06/2010

Số hóa để chỉ ra những việc chưa làm được mới đáng khâm phục, mới đúng tầm lãnh đạo, mới thỏa sự kỳ vọng của nhiêu nguời dân đặt vào.
Có điều, "một cây làm chẳng nên non", tôi thông cảm với PTT-BT.

Phạm Nguyễn, N.A, 01:10, 18/06/2010

Không cần "XEM CHI TIẾT" làm gì nữa. Vài chục năm nay trong nghề, gắn liền với những biến động dữ dội nhất của cuộc sống dưới đáy của XH nói chung, của ngành GD nói riêng, chúng tôi chỉ cần đọc qua bài giới thiệu này cũng có thể hiểu được TT đã và định "nói" gì.
Xin nói rõ, chúng tôi rất kính trọng tài năng, đức độ của PTT - BT, nhưng giá mà chỉ là ở tư cách GS - TS thì thật tuyệt vời. Trong tư cách của một PTT - BT thì xoay chuyển cho được cả một ngành GD chuyển biến đi lên quả là vô cùng khó. Đặt trong bối cảnh chung của XH, bị XH ràng buộc ... nên càng khó.
Xin thưa, với đặc điểm của ngành, dẫu có chuyện tày trời thì khi ra đường, tới trường, lên lớp ... mọi thành viên đều phải ăn mặc chỉnh tề, thái độ niềm nở, tử tế, lịch sự... Bởi thế, các con số của TT hay cái phong trào mấy không xét kỹ cũng chỉ là "một mặt của vấn đề" mà thôi

Cái tiêu cực nay không chỉ là chuyện bình thường mà là chuyện phải làm, phải đạo, không chỉ để tồn tại mà còn là để tiến bộ, thăng tiến. Càng lên cao hơn thì nó càng tỷ lệ thuận. Nó là "bài học đầu tiên" cho những ai muồn tồn tại và thăng tiến, là bài học cay đắng cho những tấm lòng ngay thẳng thật thà.

Bùi Thế Nhưng, Hưng Yên, 22:26, 17/06/2010

"Những con số ..." chỉ là những con số!

Nguyễn Mậu Hưng, Quảng Ngãi, 17:54, 17/06/2010

@Nguyễn văn Hải, Q1, TPHCM: Nếu những con số trên là những con số thực chất thì quả là ngài bộ truởng chúng ta đã làm đựơc quá nhiều việc. Nhưng bạn lí giải thế nào khi mà từ năm 2007 đến nay, tỉ lệ đậu tốt nghiệp liên tục tăng lên (tức là điểm số tăng, tức là chất lượng giáo dục tăng) nhưng điểm sàn vào đại học thì vẫn không tăng?
Tại sao chúng ta lại giải thích chất lượng kì thi tốt nghiệp THPT lại dựa vào cái lí lẽ không giống ai: số lượng thí sinh giám thị vi phạm qui chế thi giảm chứng tỏ chất lượng kì thi tăng? Giải thích như vậy có khác nào lực lượng kiểm lâm báo cáo thành tích: kiểm lâm không bắt được lâm tặc chứng tỏ là không có phá rừng. Tin được không?

Pham Hoang Thanh, Hanoi, 16:03, 17/06/2010

Từ những thành tích mà thứ trưởng Quý kể như sau: "Các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm rõ rệt: năm 2007 có 200 vụ, năm 2008 còn 122 vụ, năm 2009 còn 24 vụ, chỉ bằng 12% của năm 2007. Các vụ xâm phạm thân thể học sinh cũng giảm: năm 2008 có 28 vụ, năm 2009 còn 8 vụ, bằng 29% năm trước".

Tôi xin hỏi thứ trưởng Quý (và mong là câu hỏi cũng được dành cho bộ trưởng Nhân) là: trong thời gian quản lý ngành giáo dục đất nước, tỉ lệ học sinh vi phạm các quy chế trong giáo dục tăng bao nhiêu phần trăm, cụ thể:
1) Tỉ lệ học sinh chơi game, nghiện game bạo lực, game không lành mạnh tăng bao nhiêu phần trăm?
2) Tỉ lệ học sinh trốn học, bỏ nhà, yêu đương, vi phạm luật an toàn giao thông, gây rối trật tự an ninh xã hội... tăng bao nhiêu phần trăm?
3) Tỉ lệ Học sinh gây gổ, chửi bới thô tục, hành hung thô bạo, đe dọa (tấn công, đánh, chém thầy cô giáo bằng Mã tấu, Kiếm, Dao, Gậy, ném Đá, gạch, ném mắm tôm...) là bao nhiêu vụ, tăng bao nhiêu phần trăm?
4) Một câu hỏi khác: Một thầy giáo bắt học sinh thụt dầu và một học sinh chém thầy bằng Mã tấu thì xử phạt ai nặng hơn, trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục như thế nào?

Tôi tha thiết mong nhận được câu trả lời của thứ trưởng Quý và bộ trưởng Nhân qua Vietnamnet hoặc qua email.
Chân thành cảm ơn.

Tran Van Hong, 18 Hoang Quoc Viet, Cau giay, Ha Noi, 15:58, 17/06/2010

Những con số nêu trên chứng tỏ trong 4 năm qua, Bộ GD&ĐT (trong đó có vai tro rất lớn của Đồng chí Bộ trưởng) đã có nhiều có gắng trong việc quản lý và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Các giải pháp mà Bộ đưa ra đã đem lại những hiệu quả nhất định. những con số mà bài viết đã đưa ra là những con số biết nói, đó là điều đáng phấn khởi.

Tuy nhiên chúng vẫn chưa phản ảnh hết thực trạng nên giáo dục nước nhà.

Đơn cử như tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm sau cao hơn năm trước (năm 2010 dự kiến đạt 90%) chưa hẳn học sinh năm nay giỏi hơn năm ngoái, đạo đức các em tốt hơn năm ngoái hoặc công tác thi năm nay nghiêm túc hơn hẳn năm ngoái?

Chỉ nhìn vào các con số là chưa đủ. Theo ý kiến chất vấn tại kỳ học Quốc hội vừa rồi (chỉ mới phản ánh một phần các vấn đề đang nổi cộm) thì ngành giáo dục chúng ta còn quá nhiều vấn đề phải bàn, quá nhiều việc phải làm.

Mong sao, chúng ta giải quyết được cốt lõi của vấn đề: ""Để nâng cao chất lượng giáo dục trước hết phải quan tâm đến chất lượng Người thầy".

Anh Minh, ĐH SPKT Tp.HCM, 15:46, 17/06/2010

Có thể tri ân người ra đi bằng nhiều cách khác.

Vĩnh Thắng, 15:38, 17/06/2010

Đọc “Những con số giáo dục dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân” của tác giả Trần Quang Quý:

CHẲNG QUA VẪN LÀ CUỘC CHƠI THIẾU BÌNH ĐẲNG VỚI GIÁO DỤC!
Đây là một bài viết hết sức thuyết phục bằng những con số cụ thể.

Về mặt thời điểm, bài viết này rất đáng quý vì nó làm cho toàn xã hội có một cái nhìn hết sức trung thực về những thành quả của ngành Giáo dục trong thời gian GSTS Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước đây tôi từng có bài viết trên Tạp chí "Người làm báo" nhan đề "Một cuộc chơi thiếu bình đẳng giữa truyền thông và Giáo dục" (http://www.violympic.vn/Page_New_Detail.aspx?ID=435).

Bài này nêu những ý kiến về thiệt thòi của ngành Giáo dục:làm nhiều nhưng ít được ghi nhận; thường bị đem ra "giã như giã giò" mỗi khi có sự kiện nào đó một cách rất khắc nghiệt.

Công tâm mà nói, nhân ngày nhà báo Việt Nam, báo chí chúng ta rất thiếu sự...công tâm khi nói về Giáo dục, khi nói sai thì ít khi đính chính.Tôi nêu ví dụ như trước đây có vài tờ báo "dập" liên tục Bộ GDĐT và trường ĐH Phan Thiết, lôi cả ông Nguyễn Minh Thuyết vào trận, phát biểu điều này điều nọ nhưng chính ông Nguyễn Minh Thuyết đã viết thư phản ứng lại là ông ấy không hề phát biểu như thế, đề nghị tòa soạn đó phải đăng lại.Tuy nhiên, tòa soạn đó có đăng lại đâu!

Trường phổ thông tư thục Trương Vĩnh Ký (TP.Hồ Chí Minh) cũng từng bị một tờ báo lớn viết bài "dập" một cô giáo tên Ngọc. Nhưng sau đó tìm hiểu lại thì thông tin đã đăng hoàn toàn sai sự thật. Một Phó Tổng thư ký tòa soạn hứa với thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Tá là sẽ điện thoại (thay vì phải đăng đính chính) xin lỗi cô giáo, nhưng đến tận hôm nay cả năm trôi qua rồi vẫn có ai xin lỗi cô giáo đâu!

Hồi tháng 11.2009, Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận có bực dọc kể tôi nghe là 1 cô phóng viên của 01 tờ "báo lớn" điện thoại cho ông
-"Thứ trưởng cho em xin phỏng vấn về việc..."

-"Tôi đang bận họp giải trình Quốc hội và tiếp khách nước ngoài nên không trả lời cô được. Vả lại, hôm nay Tuổi Trẻ đã có đăng vấn đề đó rồi".

Một cuộc trao đổi chưa đến 10 giây như thế nhưng sáng hôm sau trên tờ báo đó có cả 1 bài phỏng vấn thứ trưởng Phạm Vũ Luận mà nội dung là "luộc" từ tờ Tuổi Trẻ!

Trước đây, nhiều tờ báo viết bài phê phán trường Đại học Công nghiệp TP.HCM mở các cơ sở đào tạo ở nhiều tỉnh thành, "loạn thu học phí", không có thư viện cho sinh viên v.v...

Nhưng sau nhiều đợt các đoàn giám sát của Đảng, Nhà nước, Quốc hội mà đỉnh điểm là một đoàn do đồng chí Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương dẫn đầu có cả 5 vụ trưởng , thứ trưởng của cả 2 bộ GDĐT, Công Thương, đã kết luận "đây là một mô hình cần nhân rộng" thì chẳng có tờ báo nào đưa tin đúng kết luận của đồng chí Tô Huy Rứa, dù các báo,đài đều tham dự hội nghị đó!

Một thanh niên đánh lộn ngoài đường phố trong ngày chủ nhật thì tại sao báo chí cứ nhất thiết phải "khoèo" vào một câu "một học sinh trường ABC...đã đánh lộn"?

Ngược lại, một phóng viên đưa gia đình đi chơi thì cứ thích móc thẻ nhà báo ra "đòi" người khác phải ưu tiên phục vụ mình chỉ vì mình là nhà báo mà không chịu mình là một công dân bình thường!

Tôi nêu vài ví dụ như thế trong Ngày nhà báo và nhân đọc bài của Thứ trưởng Trần Quang Quý để mọi người thấy rằng giữa Báo chí và Sự thật vẫn còn khoảng cách!

Tất nhiên, như tôi từng góp ý, công tác truyền thông của Bộ GDĐT vẫn còn thiếu sót.

Nhưng, sự thiếu bình đẳng trong truyền thông về Giáo dục lại không hẳn chỉ vì Bộ có thiếu sót mà chính là từ cách nhìn của toàn xã hội, của báo chí về ngành GD vẫn còn lệch lạc, thiếu công bằng.

Sự can đảm của ngành Giáo dục nói chung và của cá nhân GSTS Nguyễn Thiện Nhân nói riêng lâu nay chính là ở chỗ chủ động bộc lộ khiếm khuyết của mình để từng bước giải quyết và chủ động đòi hỏi xã hội phải có sự đầu tư đúng mức, đích đáng, hợp lý cho Giáo dục thay vì chỉ nói mồm "Giáo dục là quốc sách hàng đầu".

Nhận nhiệm vụ điều hành Bộ GDĐT trong lúc này, GS Phạm Vũ Luận cũng là một người rất can đảm!

VĨNH THẮNG (Phó Tổng biên tập tạp chí Thế giới mới)

Hoàng Nghĩa Sơn, Tp. Hồ Chí Minh, 14:32, 17/06/2010

Những gì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã làm trong 4 năm qua là một khối lượng công việc khổng lồ và rất có ý nghĩa.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là một người dũng cảm, đã dám đương đầu trực diện với công việc cải tổ ngành giáo dục có quá nhiều việc cần phải cải tổ để cho nó tốt lên.

Công việc cải tổ là công việc "cách mạng", mà làm cách mạng thì nhất định phải có nhiều thế lực muốn giữ cái cũ chống lại. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn nhưng Bộ trưởng Nhân đã làm được. Thử hỏi một cơ quan nhỏ xíu chỉ dăm chục người, muốn cải tổ hành chính cho tốt hơn cũng còn quá gian nan vất vả, có khi trả giá rất nhiều huống hồ đây là cả một Bộ chủ chốt của cả một đất nước, phải động chạm đến hàng triệu triệu con người.

Làm nhiều thì tất yếu cũng có lúc gặp phải những điều không đúng, hoặc đúng mà chưa được chấp nhận. Và Bộ trưởng Nhân cũng là một con người nên không thể tròn trịa suốt được.

Công việc cải tổ phải được hưởng ứng nhiệt liệt hơn nữa để chấn hưng ngành giáo dục.

Phải có những người dũng cảm như Bộ trưởng Nhân thì mới có hy vọng nhanh chóng cải tổ để đưa đất nước thoát khỏi bệnh quan liêu, cửa quyền...

Nếu chỉ đứng ngoài hô khẩu hiệu và tìm những cái sai nhỏ nhặt để chỉ trích người làm việc thì thử hỏi đến khi nào chúng ta mới ngóc đầu dậy được?

Đến khi nào chấm dứt cảnh các công chức không đi làm mà vẫn cứ đòi nhận lương, nếu không thì quậy phá, coi phép nước chẳng ra gì?

ddl.autorun.inf, Sóc Sơn - Hà Nội, 11:51, 17/06/2010

Thật là buồn. Ý kiến không được đăng lên thảo luận.
Vậy thì nền giáo dục nước nhà có giám nhìn thẳng vào sự thật không nhỉ?

Nguyễn văn Hải, Q1, TPHCM, 11:18, 17/06/2010

Thời gian 4 năm mà làm được bấy nhiêu việc đã là khá nhiều rồi. Nhiều vị còn bày đặt lên tiếng chê bai. Nói thật nhé. Tôi đố quí vị làm được gì, thậm chí có thể nghĩ ra được gì để làm tốt hơn những gì Bộ trưởng Nhân đã làm. Chỉ được cái nói mà thôi.

nguyễn, 11:01, 17/06/2010

Những con số này chẳng nói lên được điều gì cả...

Đành rằng ông Nguyễn Thiện Nhân có công làm cho ngành giáo dục trong sạch lành mạnh hơn..

Sinh, Hà Nội, 10:51, 17/06/2010

Tôi nghĩ Thứ trưởng Qúy chưa đủ dũng cảm để nêu thông tin 2 chiều đâu vì ông là nhà quản lý cấp cao chứ đâu phải dân thường như chúng ta.
Tôi thấy là ông Nhân là người làm được việc nhưng cần trau dồi thêm bản lĩnh của người lãnh đạo. Ví dụ như mấy cái vụ thành lập mấy trường đại học kém chất lượng, biết nó là vớ vẩn, thế mà sao vẫn ký !?

can1610, HÀ nội, 10:37, 17/06/2010

Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân làm được rất nhiều điều cho GD nước ta.

Nhưng có một điều nay là chưa được. Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, bóng ma tiêu cực đã trở lại thật sự rồi đó.Ông có biết không? Ông đừng có tin những bản báo cáo từ cơ sở gửi lên.Ông phải đi thạnh tra đột xuất nhiều vào,có di mới biết được thực tế.

Mong rằng những người kế nhiệm của ông phải có cai tâm như ông và đặc biệt là phải thực tế hơn.

phương nam, 09:54, 17/06/2010

Không phủ nhận cái tâm của cựu bộ trưởng đối với giáo dục nhưng 4 năm là một thời gian khá ngắn để đem lại những thay đổi tích cực. Nói về vấn đề mới nhất là kỳ thi TN PTTH với tỉ lệ đậu tốt nghiệp rất cao. Đó có phải là chuyển biến đáng mừng. Không! Vì tôi khẳng định đó là những kết quả ảo. Một mình bộ trưởng không thể làm gì nổi khi ở mỗi lãnh đạo địa phương còn nặng bệnh thành tích như vậy...

hoanghip, son la, 09:45, 17/06/2010

nếu bảo giáo dục có sự thay đổi thì không chính xác đâu chú ơi? khi cháu bắt đầu dạy thêm cho 1 học sinh hoc hết lớp 7 chuẩn bị lên lớp 8, hỏi em đó 2 nhân 3 bằng mấy? thì nhận được câu trả lời là 5, còn hỏi 8 nhân 9 thì em đó trả lời bằng 42. không thể tin nổi.
còn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, cháu hỏi 1 em vừa thi xong là có làm được bài không? thì em đó trả lời là họ cho chép hết ý mà, giám thị trông thanh tra cho chép ý mà. đúng là phải vậy thôi vì tỉnh cháu năm ngoái đứng cuối cùng trong bản danh sách tỷ lệ tốt nghiệp THPT mà. năm nay tỉnh quan tâm để tránh xấu mặt cho tỉnh mà. điều này cháu thấy so với cách đây 6 năm, năm cháu thi tốt nghiệp THPT chẳng khác nhau là mấy
quan trọng hơn là giáo dục còn nhiều điều bất cập ai cũng thấy rõ mà bản tổng kết này không thấy nêu ra, chắc sợ bị sếp phật ý.

quangminh, quangnam, 08:53, 17/06/2010

Kính gởi báo VNN, tôi là một người làm trong ngành giáo dục vì vậy khi đọc về những số liệu trên tôi thấy đáng mừng.

Tuy nhiên tối thấy rằng người viết chỉ thống kê từ số liệu gởi lên từ dưới mà không đi sát vào thực tế, còn thực tế thì bệnh thành tích vẫn còn và có chiều hướng nặng hơn trước

Đỗ Quốc Đại, Hà Nội, 08:41, 17/06/2010

+04 năm , thời gian quả là ngắn so với một chuyển biến, khi mà thành kiến quá nặng nề
+Trong nhiệm kỳ kiêm nhiệm (có hỗ trợ của chức danh Phó Thủ tướng),ông Nhân cũng đã làm cỗ xe giáo dục của chúng ta có chuyển biến tiến bộ.
+Bệnh thì thuộc diện chưa đến mức hiểm nghèo mà thuộc diện bệnh nặng, mãn tính, muốn chữa được thì phải đồng tâm hiệp lực của tòan xã hội, phải có người cầm lái đủ Tâm, đủ Tài
+Cứ nghe phát biểu của người phụ trách tài chính trong phiên điều trần trước Quốc hội(...nếu cứ chặt chém...thì bầu cử không kịp...) cho thấy bệnh của ta lây lan trong xã hội là thuộc diện rộng, ngại điều trị

tran duc thong, 40/78/310 nguyen van cu, 08:36, 17/06/2010

Tôi thấy trong 4 năm lãnh đạo ngành giáo dục Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân là người đầu tiên có tư tưởng và hành động cụ thể đổi mới ngành giáo dục đào tạo tiếp cận dần với các nước trên thế giới. Kết quả bước đầu như vậy theo tôi là rất tốt.

Các Bộ trưởng tiền nhiệm trước chưa ai dám làm điều đó đã để ngành giáo dục đào tạo ngày càng thụt lùi so với các nước trên thê giới, tất nhiên trong quá trình thay đổi không thể ttránh khỏi những kết quả chưa như mong muốn, những Bộ trưởng tiếp theo phải có trách nhiệm tiếp tục đổi mới và hạn chế những việc chưa được xã hội chấp nhận. Ví dụ không nên cho phép mở quá nhiều trường đại học, không nên cho mở loại hình đào tạo từ xa tràn lan, hạn chế đào tạo tại chức, kiểm soát chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở trong nước và kết hợp với các ngành khác nói không với bệnh bằng cấp tràn lan ở mọi nơi mọi chỗ đã làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước.

Lê Trực, XXX, 08:25, 17/06/2010

Giá mà Thứ trưởng lập bảng, biểu từ các con số thì người đọc chúng tôi dễ so sánh để rút ra kết luận cần thiết.

quang long, hanoi, 07:33, 17/06/2010

Sau khi đọc bài của thứ trưởng, là một người làm trong ngành giáo dục bản thân tôi cũng như những đồng nghiệp khác hết sức vui mừng và phấn khởi với những đổi thay của ngành, dù là rất muộn màng. Công bằng mà nói, ngành giáo dục nói chung và những người đứng đầu ngành nói riêng đã có những nỗ lực rất nhiều để chấn hưng ngành, nhưng bản thân tôi và những đồng nghiệp khác vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.
Những việc làm nhằm chấn hưng ngành giáo dục vừa qua nói cho cùng cũng chỉ là những cuộc vận động, những phong trào mang tính mùa vụ hơn là chiến lược mang tính lâu dài. Tôi xin lấy ví dụ, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của vài năm học trước Bộ đã làm một cách hết sức rầm rộ, kết quả là kỷ luật trường thi nghiêm túc hơn, cứ tưởng Bộ sẽ duy trì thêm một thời gian để diệt tận gốc những tiêu cực trong thi cử, thì đùng một cái năm 2010, Bộ lại đổi hướng quá nhanh, chúng tôi e bệnh cũ lại tái phát và thực tế nó đã tái phát. Những cơ sở mà tôi đưa ra nhận định, đó là:
- Thanh tra cắm chốt, họ là ai? Là những tổ trưởng chuyên môn, là những giáo viên bộ môn không có chức vụ gì. Lãnh đạo hội đồng là ai thì ta đã rõ. Kỳ thi năm 2010, tôi may mắn nằm trong lãnh đạo Hội đồng nên càng có cơ sở để nói lên điều đó. Lãnh đạo, thanh tra ăn ở cùng nhau, thanh tra lại là “lính” của các lãnh đạo. Thấy sai cũng đành làm ngơ.
- Chấm thi tự luận vừa qua, những người đồng nghiệp của tôi chấm môn toán phản ánh, có những phòng thi bài làm sai nhưng lại giống nhau như đúc, không thể nói là trùng lặp ngẫu nhiên, vì nó xuất hiện ở một số hội đồng thi có bài được chấm chéo. Giám khảo phát hiện nhưng không muốn phiền hà đành làm ngơ.
Là những người trong ngành chúng tôi phẫn nộ trước những tiêu cực này. Chúng tôi tha thiết mong rằng Bộ hãy tiếp tục có những giải pháp chấn hưng nền giáo dục nước nhà, mà trước mắt là tận diệt những tiêu cực trong thi cử. Trân trọng cảm ơn./.

Hoàng Thi Ngọc Hà, NghệÂn, 07:30, 17/06/2010

Là một giáo viên,nên tôi có thể nhìn nhận một cách tương đối chính xác về những đóng góp của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Phải nói rằng nghành giáo dục những năm qua có nhiều tiến bộ vượt bậc so với trước kia. Chỉ đơn cử không khí thi cử tốt nghiệp THPT thì cũng đã thấy được điều đó.

Còn nhớ trước khi có "hai không", Trời ạ! tất cả nhồn nháo, giám thị thì thực ra là đi xem học sinh thi thôi, gạch đá ném rào rào phải tìm nhanh chỗ ẩn nấp nếu không sẽ bị thương. sân trường thì nhốn nháo như chợ. Mấy năm nay khác hẳn bình yên và quy cũ.

Tuy nhiên, càng ngày thấy kỉ luật càng buông lỏng hơn và tính thực tế chưa cao, phải chăng kết quả tốt nghiệp cao như thế là do học sinh mình đã học giỏi vượt bậc?

Chỉ mong người kế nhiệm tiếp bước Phó Thủ Tướng phát huy những cái được và khắc phục cái chưa được..Đặc biệt quan tâm hơn đến đời sống của chúng tôi- những người làm nghề dạy học- Trồng người

Phan Văn Kỳ, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ- Vinh-Nghệ An, 05:42, 17/06/2010

Bộ trưởng bộ GDDT Nguyễn Thiện Nhân đã có nhiều phát hiện và có nhiều biện pháp tình thế để khắc phục dần các hiện tượng tiêu cực trong hệ thống GDDT Việt Nam Theo con số thì thành tích rất rõ rệt, rất tốt nhưng thành tích này cũng đang mang bệnh thành tích trong đó.

Lê Văn, Gwang-ju Korea, 04:04, 17/06/2010

Tôi không thể không nói đôi lời khi đọc bài viết này của ông Quý.
Phàm đã làm quản lý thì đương nhiên mọi kết quả dù xấu tốt đều phải được thể hiện qua những con số. Ngành thống kê vì vậy được tôn vinh từ nhiều năm nay. Thế nhưng những người có con em đang được dạy dỗ, chịu sự quản lý chi phối và cả giúp đỡ của ngành giáo dục thì không thể đồng tình với những con số khô khan kia được.

Tôi thấy đau lòng khi chính tôi được con gái tôi đang học lớp 8 kể chuyện các cô "buông" trong giờ thi cuối kỳ thế nào. Và chính tôi được nghe các cô giáo nói chuyện với nhau về việc bị "khoán" mỗi lớp không để quá một cháu lưu ban?! Thế là cái chuyện phải lên lớp vẫn thường xảy ra dù đôi khi chính các cháu học kém và cả phụ huynh không muốn. Tôi chỉ muốn nói ngắn gọn, rằng bệnh thành tích và thậm chí là bệnh giả dối trong ngành giáo dục của chúng ta ngày càng trầm kha..

ddl.autorun.inf, Hà Nội, 01:05, 17/06/2010

Dù sao cũng ghi nhận sự cố gắng của toàn thể mọi người, đều muốn nền giáo dục của nước nhà phát triển.

Nhưng
"Con vua rồi lại làm vua
Con sãi ở chùa đi quét lá đa...''

Có công bằng ko nhỉ?
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn "Nguyễn Mậu Hưng, Quảng Ngãi, gửi lúc 16/06/2010 09:49:39". Muốn hết tiêu cực thật ư? Tại sao ko đầu tư camera trong phòng thi đi?
Tỷ lệ tốt nghiệp tăng à? Số thí sinh vi phạm giảm ư? hay số thí sinh và cán bộ coi thi bị đình chỉ cũng giảm?...hì! Con số thì cũng được đấy...
Bao giờ đã thực sự thực hiện được "HAI KHÔNG" như đã đề ra nhỉ. À, mà hình như cũng đã thực hiện được rồi thì phải (không công bằng, không có gì là không thể làm được).
Thay đổi từ tư duy, nhận thức... rồi mới đến hành động. Thay đổi từ trên xuống dưới... Phải biết hi sinh, phải biết từ bỏ cái này mới đạt được cái khác.
"ĐÚNG" không nhỉ?...

Lê Phú Thịnh, 178 Cầu Giấy Hà Nội, 00:39, 17/06/2010

Bài viết này chỉ chỉ ra những ưu điểm. thế còn nhược điểm đâu ?

Lê Quốc Hùng, Nguyễn Văn Cừ, HN, 00:17, 17/06/2010

Tôi nhận thấy, ngành giáo dục tuy có 1 vài thay đổi, nhưng quá chậm và chưa căn bản, điển hình ở phương pháp giáo dục, phương pháp giao tiếp giữa học sinh và giáo viên, giáo trình học chủ yếu vẫn làm theo phương pháp cũ gây ra sự lãng phí cho xã hội, tốn kém cho phụ huynh.

Hãy xem con cái chúng ta phải học như thế nào từ bậc tiểu học, các cháu phải học quá nhiều không có thời gian chơi và rèn luyện thể chất, kỹ năng sống. Cặp sách của các cháu vẫn nặng Ban ngày đi học ở trường về, buổi tối vẫn phải học đến 11-12h đêm mới làm hết bài tập... Các cháu vẫn phải học những kiến thức không cần thiết, không thiết thực mà CẢ ĐỜI KHÔNG PHẢI SỬ DỤNG ĐẾN LẦN NÀO.

Nói không với bệnh thành tích nhưng lại đi thống kê tỷ lệ tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước và coi đó là thành tích thì khác nào lại khuyến khích bệnh thành tích???

Người dân và phụ huynh chỉ mong sao những người làm giáo dục làm sao để học sinh, sinh viên được học những gì thiết thực nhất, có thể sử dụng cho cuộc sống sau này đặc biệt là các cháu cấp tiểu học có 1 tuổi thơ đúng nghĩa, mỗi mùa khai giảng không phải là nỗi lo cho phụ huynh học sinh.

Nguyễn Thị Xoan, TPHCM, 22:41, 16/06/2010

Nói như vậy không có nghĩa là giáo dục VN không tiến bộ, có tiến bộ nhưng rất chậm, thiếu sáng tạo, quá lỗi thời đặc biệt tại các trường đại học

Huỳnh Phương Nam, TpHCM, 22:30, 16/06/2010

Tôi ko cho rằng những thành tựu,n hững đổi mới và tiến bộ của ngành giáo dục nước nhà trong mấy năm qua là công lao của ông Nguyễn Thiện Nhân, mà đó là công sức và trí tuệ của cac thầy cô giáo trong cả nước. Thậm chí là sự "mím môi chịu nhục" bởi những lời phỉ báng mang nặng định kiến thành kiên và có tính "a dua" của một số người đối với ngành giáo dục.

Với tình thế như vậy thì ngành giáo dục không bao giờ được nhìn nhận và đánh giá một cach khoa học,công bằng và có đạo lí. Sản phẩm của nhà trường là con người, không như một sản phẩm hàng tiêu dùng có thể xài ngay biết ngay chất lượng của nó.

Lợi dụng đặc thù này, nhiều người có thể phủ nhận vĩnh viễn chất lượng giáo dục Vietnam.

quên rằng đất nước chúng ta đang phát triển tiến nhanh tiến mạnh trên đường công nghiep hóa,hiện đại hóa; là do những con người được đào tạo dưới mái trường XHCN Việt Nam - kể cả một số it du học về thì cũng xuất thân là những hoc sinh giỏi từ Việt Nam.

Là một phụ huynh có con đang học phổ thông và Đại học trong nước,tôi tin cac con tôi sẽ trưởng thành nên người và thành đạt.

Cảm ơn cac thày giáo cô giáo Vietnam, từ Mầm non đến Đại học.

Pham Phương, HCM, 22:11, 16/06/2010

Lượng thì tăng rõ rệt còn chất thì... giảm một cách đáng chê trách, đặc biệt là giáo dục đại học. Bài báo cáo có lẽ còn thiếu về những chính sách dành cho giáo viên và giảng viên.
Tôi mong sao các lãnh đạo giáo dục cần nhìn vấn đề cụ thể hơn chứ đừng đưa ra những phương châm chung chung để rồi cấp cơ sở tự hiểu và giải quyết.
Vấn đề nữa là tôi mong nhà nước tăng lương thêm cho đội ngũ giảng viên đại học, những người có bằng thạc sỹ, tiến sĩ nhưng lương tháng thua cả một ông thợ xây dựng...

Phạm Đức Thịnh, Thành Công- Ba Đình- Hà Nội, 21:26, 16/06/2010

Kính Vnn.vn và các Quý vị!
Sự nghiệp " Trăm năm trồng người" có mục đích làm cho năng lực mỗi một công dân, người lao động chúng ta trở thành một người chủ thực sự (chủ động, sáng tạo, hiệu quả và trách nhiệm) trong công việc, trong cuộc sống, với bản thân, gia đình, và cộng đồng xã hội.
Và vì vậy, hệ thống giáo dục quốc gia mà Bộ trưởng Giáo dục là tư lệnh trưởng, có sứ mệnh của hệ thống giáo dục quốc gia trên phương diện vĩ mô: thống nhất và phát triển bền vững- Quốc Kế. Về điểm này có thể thấy bác Nguyễn Thiện Nhân được trên 5 điểm/10.
Hệ thống giáo dục quốc gia còn có nhiệm vụ thường trực: tạo động lực và cơ chế cho một quá trình sáng tạo và đột phá phát triển của hệ thống giáo dục phục vụ Kinh tế Dân sinh. Về điểm này mong bác Nhân cũng như Bộ trưởng kế nhiệm tiếp tục lưu ý và chú ý cho.
Quốc Kế và Dân Sinh, Dân Giàu Nước Mạnh: Những mong Cả nước là một xã hội tự do học thuật, học tập, học nghề, làm việc và làm giàu, làm một người làm thuê đắt giá trong nền kinh tế thị trường sôi động và cạnh tranh đáng CẠNH TRANH.

Trần Hùng Thắng, Vĩnh Phúc, 21:03, 16/06/2010

Tôi không phủ nhận các thành tích mà ngài thứ trưởng đưa ra. Vì tôi không phải là thanh tra hay là người trực tiếp kiểm chứng được nó. Nhưng cá nhân tôi cho rằng đã có những tiến bộ (ít nhất là qua các con số, đôi khi là con số biết nói dối nữa). Tuy vậy, tôi vẫn phải đặt câu hỏi: Thực chất ( thôi không cầu toàn quá) là con số mà ngài thứ trưởng đưa ra có tính chính xác như thế nào? Ai kiểm chứng điều ấy? Các con số cho thấy GD được cải thiện, nhưng cải thiện như thế đã đáp ứng được nhu cầu của Xã hội? Những người trực tiếp liên quan đến chất lượng giáo dục như nhà giáo và các nhà quản lí GD đã/đang và sẽ được sử dụng như thế nào trong thời gian tới? Liệu họ có đủ sống và cống hiến hay lương tăng gấp đôi thì giá cả bây giờ tăng trên gấp đôi? Như thế là chất lượng sống của họ không khác gì mấy thời bao cấp. Cơ chế dùng người vẫn cứ dựa trên qui tắc "5c" và "quan hệ" nhưng được núp dưới vỏ bọc khách quan dân chủ hay dựa vào điều gì? .....

Phạm Duy Nghĩa, 63/24 Âu Dương Lân, 20:23, 16/06/2010

Theo tôi, để nhìn nhận kết quả đạt được giáo dục cả nước trong những năm vừa qua nên thu thập ý kiến của giáo viên và học sinh. Bộ chỉ đứng ở nơi cao mà thu thập những con số thì... chỉ là những con số không nói lên điều gì. Trong 4 năm vừa qua, là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, tôi chỉ thấy có mỗi thi tốt nghiệp là tương đối nghiêm túc, nhưng năm nay nhiều học trò tôi nói coi thi cũng còn lỏng lẻo lắm. Còn lại tôi thấy chẳng có gì tiến triển cả, nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến giáo viên và học sinh còn tệ hơn trước. Các bác ở Bộ nên nghe và nghe ý kiến của giáo viên... Tôi không tin những con số, chỉ nhìn vào số lượng cũng như chất lượng của sinh viên ở các trường ĐHSP những năm nay mới thấy giáo dục có vấn đề. Dân là gốc, phải hỏi dân. Chúng tôi thường quan niệm: muốn đánh giá GV thì cứ hỏi học sinh, không biết bộ có biết điều này không.

Nghiệp Cầm Phấn , Long Xuyên An Giang , 20:05, 16/06/2010

Cho phép tôi nói thật cảm nghĩ của mình dưới thời bộ trưởng Các vị ở trên Bộ trên cao thì luôn nhìn thấy những con số . Riêng tôi , những người ở dưới tận cùng cơ sở ,Tôi vẫn thấy dưới thời Bộ trưởng biến động quá , mỗi khẩu hiệu của bộ trưởng chúng tôi phải làm kế hoạch và báo cáo như điên.

Minh Tâm, tp.HCM, 19:47, 16/06/2010

Tôi nghĩ rằng Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã hết lòng vì nền giáo dục nước nhà. Và chắc rằng Ông cũng đã gặp không ít khó khăn khi triển khai công việc.

THO LOC, 19:24, 16/06/2010

Những con số này chẳng nói lên điều gì cả vì dĩ nhiên số 1 và 2 thì lớn hơn 0! Nói cách khác những thay đổi, cải tiến của giáo dục nước nhà chỉ vụn vặt, chắp vá, mang tính phong trào, đối phó và thiếu tầm nhìn, thiếu triết lý và chiến lược giáo dục! Không dám nhìn trực diện các vấn đề mang tính sống còn của giáo dục như thế thì ngành giáo dục nước nhà chắc còn lâu mới sáng sủa! Thật buồn thay!

Võ Trọng Trí, Nghệ An, 19:12, 16/06/2010

Việc tiêu cực trong thi cử đã có xu hướng như lò xo, tức trở về gần nguyên dạng ban đầu, nhưng ở mức tinh vi hơn. đó là đề thi dễ dàng hơn các năm trước, và tiêu cực xảy ra trong nội bộ phòng thi, dù không có phao từ ngoài vào, nhưng trong phòng vẫn trao đổi " bằng miệng " được, đó là thực tế do các thầy cô coi thi phản ánh. Việc đẩy lùi tiêu cực và nâng cao chất lượng chỉ thay đổi nếu dẹp được hiện tượng chạy chức, chạy quyền, bè phái trong bộ máy quản lí giáo dục

minchucat, 19:03, 16/06/2010

Mình cũng không rõ con số này có đúng không? Tuy nhiên, hôm nay mình mở giáo trình tin học lớp 9, đọc phần PHẦN MỀM THIẾT KẾ TRANG WEB bằng Kompozer, mình thấy hơi hoảng. Vì đến bản thân mình không hiểu đó là phần mềm gì, thì cứ tự trách mình yếu kém, nhưng đến phần hướng dẫn thiết kế trang web thì câu đầu tiên là " Để khởi động phần mêm Kompozer, ta nháy đúp chuột trên biểu tượng màn hình nền". Giả sử học sinh học ở trường thì có thể biết đó là biểu tưởng gì, vì hiển nhiên, nó đã có sẵn trên hàng loạt các máy tính trường. Tuy nhiên nếu học ở nhà, học sinh sẽ lôi đâu ra phần mềm đó? Các bậc phụ huynh nếu không giỏi IT cũng sẽ chẳng thể hiểu được rằng phải download phần mềm đó trên mạng, thực hiện một chương trình cài đặt dài khoảng 2 phút rồi mới có thể "thiết kế trang web" được.

Một vấn đề nữa tôi hơi băn khoăn, liệu tin học văn phòng căn bản các em đã biết hết chưa mà lại dạy làm web. Nếu giáo trình như vậy khác gì bảo học sinh biết nhiều rồi chẳng biết gì chuyên sâu. Rồi vài ba năm nữa khi đi tìm việc, liệu các em có thể sử dụng nổi tin học văn phòng cơ bản hay không?

Tôi không dám nói ngành giáo dục cổ hủ, việc đưa mục thiết kế trang web vào giáo trình đào tạo giáo dục là tốt. Nhưng cần đưa ở thời điểm nào, lứa tuổi nào, và cấp độ nào thì nên xem xét!

Do vậy giáo trình có nhiều người truy cập, và chuyên nghiệp, không phản ánh đúng hiện thực khách quan của xã hội!

Nguyễn Thái Sơn, Hà Nội, 18:21, 16/06/2010

Là một người làm trong ngành giáo dục tôi thấy ngành giáo dục đã làm được rất nhiều việc trong 4 năm qau mặc duc cón những việc mới khởi đầu nhưng có nhiều dấu hiện tin tưởng vào quyết tâm của ngành giáo dục đổi mới giáo dục nước nhà.
Bên cạnh những con số ghi nhận được, còn rất nhiều con số khác không thể liệt kê ra được.
Đó là nỗ lực của cán bộ giáo viên và học sinh, sinh viên trong toàn ngành tham gia vào quá trình đổi mới. Nhiều địa phương giáo viên đã làm việc khong quản ngày đêm để ngăn chặn học sinh bỏ học, dìu dắt các em năng lực học tập còn hạn chế. Không thể lấy gì đo được hao phí lao động của thầy cô giáo và học sinh trong những năm qua vì một nền giáo dục tốt hơn.
Chưa bao giờ tôi thấy toàn bộ hệ thống lao vào cuộc một cách quyết liệt. như những năm qua.
Những cái được lớn nhất là đối với hệ thống giáo dục trong những năm qua. Theo tôi có 2 cái căn bản:
1. Thay đổi nhận thức của xã hội trong việc đấu tranh với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục (và bệnh này chẳng kiêng dè gì ngành nào?). Hãy xem, ông Bộ trưởng có 3 đầu 6 tay, thần thông biến hóa đến đâu chăng nữa mà không tạo ra sự thay đổi nhận thức của 3 chủ thể chính trong hoạt động giáo dục: Nhà quản lý - Giáo viên - học sinh, sinh viên. Trược khi có việc chống tiêu cực trong thi cử (corruption), ở bất cứ nơi đâu đụng đến thi cử đều có thể thấy gian lận từ thi kiểm tra dánh giá trong nhà trường, thi tốt nghiệp, thi tuyển công chức, viên chức, thi chuyển ngạch công chức, bảo vệ luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ...tôi tin rằng tình hình tiêu cực gian lận trong thi cử dã giảm đi nhiều. Một nền giáo dục sẽ không thể phát triển nếu không có người thầy giỏi và tâm huyết và ngay cả khi có thầy giỏi mà người học không muốn học, tâm lý mua bằng bán điểm, học tập chiếu lệ, gian lận trong thi cử thì nền giáo dục đó coi như vất đi.
Khi còn trong nhà trường, học sinh, sinh viên còn có hành vi gian lận thì chắc chắn ra ngoài xã hội sẽ chẳng bao giờ trở thành người trung thực và xã hội ta sẽ ra sao trong một vài thập kỷ nữa...
Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh lâu dài không thể thấy hết được ý nghĩa của nó. Một nhà giáo dục Pháp có nói:"chỉ cần làm một tính toán đơn giản nhất cũng có thể thấy mọi chính sách giáo dục chỉ có thể đơm hoa và kết trái sau hàng thập kỷ và sau đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội trong1 hoặc 2 thậm chí đến nửa thế kỷ sau" (Jacques Lesourne).
Nếu ai đó làm Bộ trưởng đặt ra được những định hướng phát triển giáo dục có ảnh hưởng đến nhiều năm sau thì ông Bộ trưởng Nhân là một trong số đó.
Nhưng ông Nhân không phải là người làm tất cả mà chỉ là đại diện to nhất của ngành giáo dục - vì thế sự khởi xướng rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là những giáo viên, các nhà quản lý và người học cùng xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục.
Một ví dụ mà báo cáo chưa nêu ra. Đã có hàng triệu sinh viên nghèo được vay vốn để học nghề, CĐ và ĐH. Chỉ với hơn 3 năm dưới thời ông Bộ trưởng Nhân với sự chỉ đạo kiến quyết, sự vào cuộc của các Bộ ngành...đến nay số dư nợ cho sinh viên nghèo đã vượt qua con số 19 nghìn tỷ đồng cho trên 1,7 triệu lượt người vay. Nếu so sánh 10 năm trước con số này chỉ khoảng trên 291 tỷ đồng với hơn 100 nghìn sinh viên. Mấy gia đình nghèo ở quê tôi biết ơn Chính phủ, Thủ tướng và ông Bộ trưởng lắm nhờ vậy mà con em họ bớt khó khăn trong học hành.
Ngành giáo dục làm được nhiều việc, nhưng cũng còn nhiều việc khác chưa làm được là một thực tế. Bổn phận của người trong ngành phải quyết tâm hơn nữa trong đổi mới giáo dục và nên nhớ công việc này không phải của riêng ai? Cũng chẳng phải là của riêng ông Bộ trưởng.
Phê bình thì rất dễ nhưng cũng cần dựa trên những hiểu biết và tôn trọng khách quan thì mới thuyết phục.
Nếu không dánh giá đúng công sức của các thầy cô giáo của những người lãnh đạo ngành giáo dục thì ai còn dám làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục nữa đây?

THÁI SƠN (ntson1311..@gmail.com)

NHUONG TONG, 8/4 TRUONG CHINH P.14 Q.TB TP.HCM, 18:06, 16/06/2010

Qua bài viết trên tôi nhận thấy bác Nhân đã có sự nỗ lực ghê gớm... Các con số kia tuy không phản ánh tất cả nhưng cũng là cơ sở cho việc ghi nhận về công việc không hề đơn giản...

Nhưng thú thật, tôi chỉ đánh giá cao bác Nhân qua câu nói chân tình: Hiện trạng nền giáo dục ta là hệ lụy của cả một quá trình mà tất cả các đời bộ trưởng trước đều phải có phần trách nhiệm.

Câu nói chua chát nhưng hàm ý rõ ràng: Gốc nền giáo dục của ta vốn chưa vững, cái bộn bề trăm mối như hiện nay chính là phản ảnh cái Gốc nay thế này, mai thế khác... nay hướng này, mai hướng khác, người này nói hôm nay đúng, người kia hôm sau bảo sai... hôm nay thấy cần nên làm việc này, mai không cần thì dẹp bỏ... Tất cả là biểu hiện của bản chất của một nền văn hóa đầy biến động... ít mang tính kế thừa => các giải pháp mang tính tinh thế là chủ yếu... Trách chi mọi việc bộn bề như hiện nay...

Tôi thiết nghĩ, Bộ giáo dục cùng xã hội phải xây dựng ngay các Chuẩn cho nền giáo dục:
Chuẩn vì một nền giáo dục văn hóa dân tộc
Chuẩn vì nhu cầu đào tạo của xã hội
Chuẩn vì sự tiêu chuẩn con người hiện đại

Nếu k có Chuẩn: ai dẻo mồm thì ý kiến chú ấy đúng... Chả biết đâu là chân lý, đâu là Gốc, đâu là nhu cầu nhất thời... xã hội khác gì đám hỗn độn của kỳ Sơ khai.

Mà nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, đâu đâu cũng thấy những tồn tại do thiếu Chuẩn mà ra!

Thế sự như thế, vạn bác Nhân cũng không xoay chuyển nổi chứ đừng nói một mình bác... Dẫu biết đó là biểu hiện của sự vận động tất yếu trong bất kỳ xã hội nào nhưng cũng Mong giai đọan này nhanh chóng qua đi, mọi việc nhanh chóng vào đúng quỹ đạo để lao nhanh về phía trước! Thật mong lắm!!!

DKT, 62 Nguyen Chi Thanh, 17:50, 16/06/2010

Những con số mà tác giả đưa ra có xuất phát từ thành tích không?

Còn nhớ 2 năm trước đây, tức là 2 năm sau thời điểm BGD ban hành chỉ thị 2 không, tôi đi họp phụ huynh cho con trai vẫn nghe cô giáo trình bày chỉ tiêu lớp là 50% học sinh giỏi, xx% học sinh tiên tiến, còn lại không có học sinh trung bình. Tôi hỏi chỉ tiêu đó ở đâu ra thì cô giáo lúng túng trả lời rằng nhà trường cho chủ trương còn cô giáo tự đặt con số. Tôi lại hỏi đó có phải bệnh thành tích không thì cô giáo không trả lời được. Tôi theo dõi cả quá trình thì thấy các bài chấm điểm khi luyện tập cô thường cho điểm rất thấp và bắt từng lỗi nhỏ nhất như dấu chấm, dấu phẩy. Nhưng trong các bài kiểm tra lấy điểm thi toàn 9 với 10 mặc dù các lỗi tương tự vẫn có. Kết quả, lớp con tôi đạt tới 98% giỏi và chỉ có 2% là khá. Thế đấy, trên bảo, dưới không nghe. Trên nói nhưng trên đã làm gương chưa khi báo cáo hằng năm vẫn đưa ra các thành tích?

le linh tâm, Quảng ninh, 17:47, 16/06/2010

Có lẽ ngày càng có nhiều người người nhạn ra rằng kỳ thi này chỉ là thủ tục ( quá tốn kém) để công nhận các em đã học hết 12 năm mà thôi. Bắt các em trượt để làm gì. Kỳ thi này hoàn toàn không có nghĩa phân loại học lực gì cả nên tỷ lệ đổ cao cũng không nói lên điều gì

Hứa Đại Bình, Đà nẵng, 17:47, 16/06/2010

Bài viết chỉ "cặm cụi" với những con số, không thể hiện tư duy vĩ mô của người lãnh đạo.
Tôi cố xem kỹ Thứ trưởng có thông tin hay kế hoạch gì đến dự án trường đại học "đẳng cấp quốc tế" mà Bộ đã dự kiến; hay bảng xếp hạng tốp 200 đại học châu Á mà không có Việt nam nhưng hoàn toàn không thấy. Các trường đại học ra đời hoàng loạt mặc dù không đủ điều kiện cũng có những con số ấn tượng đấy, phải thêm vào.
Có con số hài hước rằng, "tỷ lện trẻ đi mẫu giáo tăng mạnh". Chẳng lẽ trẻ em ngày càng đông các cháu không đến trường hay sao?
Tôi cũng đồng ý với độc giả Nguyễn Mậu Hưng rằng chỉ cần lắp camera ở các trường thi thì chẳng cần nhiều giám thị, chẳng cần đi thanh tra tốn kém nhưng hiệu quả sẽ rất đáng kể. Đố ai dám làm?

le viet hung, ha noi, 17:34, 16/06/2010

Xin cam on bo truong nguyen thien nhan da lam duoc nhung viec lon cho nganh giao duc trong nhiem ky qua toi rat an tuong ve ong vua lam cong viec pho thu tuong vua lam bo truong bo giao duc mot bo ma qua nhieu cong viec phai lam va toi rat an tuong bai phat bieu cua ong khi ve ky niem nga ba dong loc que huong toi ong xung " chi va em " toi rat cam dong chan thanh cam on ong

Ngo Trong Hiep, 48 Lang Ha - Dong Da - Ha Noi, 17:30, 16/06/2010

Những vấn đề về quá tải chương trình ở các bậc học không thấy đề cập! Việc học thêm vẫn là vấn nạn cũng không đề cập! Nạn bạo lực học đường, những thầy cô mất tư cách ngày càng tăng trong môi trường giáo dục cũng không thấy PGS.TS Trần Quang Quý đề cập! v.v... Đây cũng là những con số biết nói trong ngành giáo dục!
Theo tôi việc bộ trưởng Nguyên Thiện Nhân thôi giữ cương vị này cũng phần nào nói được sự bất lực của ông. PGS.TS Trần Quang Quý viết bài báo này cứ cho là đúng sự thật, nhưng cũng mới chỉ là một nửa – đó là là nửa thành tích! Còn nửa yếu kém chưa khắc phụ sửa chữa được thì không “vạch áo cho người xem lưng”, vậy người đứng gần đầu (thứ trưởng) ngành giáo dục cũng vẫn còn bệnh thành tích thì chẳng biết đến bao giờ nền giáo dục Việt Nam ta mới tiến bộ được!

Ly van Dung, 17:25, 16/06/2010

Cảm ơn ông Quý đã cung cấp thông tin về ngành GD trong 4 năm qua, đã cho thấy có bước tiến bộ qua từng năm. Tuy nhiên chưa thấy nêu những tồn tại bức xúc cần khắc phục thời gian tới, như vậy vẫn chưa khách quan. Cũng cần xem lại xem có bị bệnh thành tích không ?
Cần nghiêm túc xem xét lại cách giảng dạy các môn học từ bậc phổ thông đến ĐH hiện nay, giáo viên phải có phương pháp khơi dậy niềm say mê học hỏi kiến thức mới trên giảng đường, phát huy khả năng tiềm tòi, sáng tạo của học sinh.

Nguyễn Thụy Hanh, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội, 17:24, 16/06/2010

Lạ thật, tỉ lệ học sinh và giám thị vi phạm quy định thi giảm đi mà lại gọi là tiến bộ, thực ra đó là sự quay lại thời kỳ coi thi lỏng lẻo thì đúng hơn. Theo tôi, trong tình hình chất lượng giáo dục như hiện nay, tỷ lệ thí sinh hoặc giám thị bị bắt quả tang vi phạm quy định thi cử càng cao, tỉ lệ học sinh trượt tốt nghiệp càng cao thì mới là thể hiện sự tiến bộ của ngành giáo dục VN, bởi đó mới chính là sự phản ảnh đúng chất lượng hoc tập của học sinh, đó mới là sự nghiêm túc của cơ quan quản lý và sự không chạy theo thành tích.

Dinh Thi, Ho Chi Minh, 17:23, 16/06/2010

Bộ trưởng đã đóng góp khá nhiều cho giáo dục nước nhà, đó là điều không thể phủ nhận được.
Thay đổi nền Giáo dục nước nhà theo tôi nghĩ là phải dùng từ "Cải tổ giáo dục" Tức là phải thay đổi cả một hệ thống quan điểm, tư tưởng giáo dục của cả một hệ thống giáo dục (Bộ - Ngành - Giáo Viên- Quản lý - Cơ sở vật chất). Tại Việt Nam học sinh, sinh viên vẫn rất thụ động do vậy nếu không có thầy giáo tốt thì học sao có học sinh tốt được.
Theo tôi, nên chọn những người vừa học giỏi ( GS, TS) vừa phải có TÀI có TÂM (Nhà quản lý) thì mới mong thay đổi được.

Trần Văn Quang, Đà Nẵng, 17:19, 16/06/2010

Kính thưa ông Thứ trưởng
Nếu cứ số hóa, tha thiết xin quí ông thâm nhập cơ sở, mạnh dạn nhìn thẳng sự thật để có những giải pháp căn cơ hơn chứ không phải những cuộc vận động hình thức, duy ý chí. Thử về một cơ sở bất kì nào đó làm một giáo viên ông sẽ biết thực trạng ngành giáo dục hiện nay ra sao (đừng làm cán bộ quản lí ông nhé).

Phạm Sơn, Hanoi, 17:17, 16/06/2010

Bài viết hay quá.

Bác Quý đưa người đọc ngất ngây với những con số thật ấn tượng.

nguyen Xuan Hai, Phu tho, 17:05, 16/06/2010

Có một chỉ tiêu ở trong bài viết mà không phải thành tích của ngành giáo dục đó là tỷ lệ thí sinh đi thị bị tai nạn giao thông giảm rõ rệt.

Nguyễn Thị Lĩnh, Kon Tum, 17:04, 16/06/2010

Tôi là một giáo viên nên tôi không đồng ý với bài báo trên. Thật ra chúng ta chưa thực hiện được "Hai không" trừ năm đầu tiên triển khai. Hiện nay tình trạng này đã biến tướng và tinh vi hơn rất nhiều. Tất cả vẫn đanh chạy theo thành tích mà quên đi chức năng của giáo dục. Rất mong các cấp lãnh đạo đi sâu vào vấn đề này để giáo dục thật sự đi vào chất lượng, phải chấp nhận làm lại từ đầu và sẽ có những con số đáng thất vọng nhưng thực tế.

nam, số nhà 16, ngõ 74 đường trường chinh, 17:03, 16/06/2010

Không thể phủ nhận công sức và cố gắng của thầy Nhân. Nhưng nếu nói là chuyển biến rõ rệt thì không nên. Thầy cô độc trên con đường cải cách lắm, thầy cũng đâu phải là người sắt đá nên chưa làm được những việc mạnh mẽ. Nền giáo dục muốn chấn hưng cần bàn tay sắt hơn là sự mềm mỏng. Chờ đợi 20- 30 thậm chí 100 năm nữa GD sẽ tiên tiến thì TG đã đạt đc đẳng cấp khác rồi. Cái cơ chế xin cho, các tệ nạn trong nhà trường, chất lượng GV thấp...tất cả làm nên những 8x, 9x và 10x như bây giờ - đặc biệt là 9x và 10x. Giáo dục là dạy con người biết làm người, chứ không phải biết tất cả.

Hoàng Ngọc Sơn, Hà Nội, 17:00, 16/06/2010

Tôi thấy còn một thành tích rất lơn mà tác giả không nêu ra đó là số lượng trường ĐH mới được thành lập.

Phạm Thị Thảo Nguyên, Xóm 17 - Nghi Phú - TP Vinh - NA, 16:56, 16/06/2010

Tại sao chỉ có tích cực mà không thấy điểm còn hạn chế. Như vậy là không khách quan cho ngành giáo dục Việt Nam

nguyen hop, ha noi, 16:55, 16/06/2010

Những con số đó chưa nói được điều gì nhiều cả. Thực tế giáo dục nước nhà vẫn còn quá nhiều điều cần giải quết. Tôi thấy kì thi tốt nghiệp năm nay không khác gì mấy cách đây mấy năm trước, hình như lại lỏng lẻo mất rồi.

Tuấn Anh, HCM, 16:53, 16/06/2010

Phải nói thẳng nền giáo dục của chúng ta vẫn còn lạc hậu, chưa theo kịp yêu cầu xã hội hiện nay.
Tôi cho rằng nhiệm kỳ vừa qua Bộ trưởng Thiện Nhân đã làm được nhiều điều đổi mới ở một một nền giáo dục vốn lạc hậu & thủ cựu; rất khó khăn & đáng trân trọng
Thay đổi guồng máy giáo dục đâu phải ngày một ngày hai! Hãy nhìn chúng ta đang ở đâu & Bộ đã và đang làm gì. Trước nay tôi đọc các báo, các diễn dàn đa phần chỉ thấy chê trách mà thôi. Phê bình là tốt, nhưng phải thấu đáo, phải tích cực. Nhìn mặt tiêu cực để phê phán rút kinh nghiệm, nhìn mặt tích cực để khuyến khích cổ vũ. Không a dua, đánh hội đồng.
Nếu bạn là Bộ trưởng bạn làm gì với mớ bòng bong cơ chế để lại? với những con người "từ đường dây nào về"?
Hãy cổ vũ và động viên những người dám nghĩ dám làm, dám thay đổi!

Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn những gì Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã làm, và mong rằng người kế nhiệm ông sẽ phát huy được tinh thần ấy để từng bước nâng cao nền giáo dục nước nhà.

Tuandinhvan, ĐN, 16:33, 16/06/2010

Những con số vô cảm và thực tế giáo dục diễn ra hằng ngày là hai đường thẳng song song. Đây cũng là một bệnh thành tích trong giáo dục, thành tích báo cáo.

Đoàn Trường Giang, Linh Trung, Thủ Đức, TP. HCM, 16:26, 16/06/2010

Xin thứ trưởng viết thêm 1 bài tương tự nhưng đề cập đến các vấn đề tồn tại, yếu kém chưa giải quyết được của ngành Giáo dục.

Mr, 16:25, 16/06/2010

Những con số trên không phản ánh được thực trạng giáo dục hiện nay. Về đầu tư thì nhìn thấy rõ rệt chất lượng trường lớp điều kiện học tập của các em học sinh thì cải thiện và ngày càng tốt hơn nhưng chất lượng giảng dậy và chất lượng học sinh ngày càng đi xuống.
Ví dụ đơn giản trong đội ngũ giáo viên tiểu học trung học cơ sở trung học phổ thông hiện tượng khoán chỉ tiêu chất lượng giảng dậy số phần trăm giỏi, khá, trung bình đạt được là bao nhiêu? Đấy mới chỉ là người ngoài nhìn thấy trong nghành giáo dục thì như thế nào?

Vu Huy Nam, 460 Kim Ma, 16:18, 16/06/2010

Chính báo cáo này đã thể hiện rõ cuộc vận động hai không đã không thành công mà còn làm cho bệnh thành tích trầm trọng hơn.

lưu, 16:16, 16/06/2010

Những con số chưa biết chính xác không (không nói nguồn số liệu), những chỉ là những con số đẹp! "Con số" ở đây chỉ là một mặt của vấn đề, con số có thể đẹp, nhưng bản chất có đẹp không?

Pham Quang Viet, Ha Noi, 16:05, 16/06/2010

Chỉ nói về một khía cạnh của giáo dục là thi cử thôi cũng không ít vấn đề. Là một giáo viên trẻ mới vào nghề được 3 năm, năm nào tôi cũng đi coi thi tốt nghiệp. quả thực những gì bạn Hưng nói và cảm nhận là khá giống tôi. Tôi xin bổ sung một điều mà tôi thấy được trong các hội đồng thi như sau:
- Về thanh tra
+ Thanh tra của sở thì cũng chỉ giống như giám thị 3 ( giám thị hành lang) chỉ đi đi lại lại quan sát thôi còn có thấy các thi sinh vi phạm chỉ chủ yếu là "nhắc nhở, ngăn chặn là chính"
Thực tế tôi thấy hai năm gần đây thanh tra sở thực tế không làm đúng vai trò thanh tra của mình. Khi tôi làm giám thị trong phòng thi thì thanh tra sở đi qua còn nhắc nhỏ " thanh tra bộ về đấy". Như vậy thì chúng ta chỉ lo mỗi thanh tra bộ thôi. còn thanh tra sở thì cũng như các giám thị 3 thôi.
- Còn giáo viên coi thi. Thực sự mà nói nhiều lúc là thương học sinh nên chúng nó có trao đổi cũng chỉ nhắc nhở chứ đâu nỡ lập biên bản.

Chúng tôi cũng muốn làm nghiêm túc lắm chứ. Như năm 2007, 2008 thì tôi ghi nhận là khá nghiêm túc. còn đến năm nay tôi cũng không hiểu thế nào, mối buổi họp đầu tiên của kì thi thì chủ tịch hội đồng thi đã rất nhấn mạnh " chúng ta ngăn chặn là chính" , " tránh căng thẳng" tức là theo tôi thì có tài liệu thì thu thôi, học sinh trao đổi bài thì nhắc nhở thôi chứ không có lập biên bản, nếu lập biên bản là căng thẳng rồi.

Nếu cứ tình hình thi cử như thế này thì chắc vài năm tới thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ là 99,9% và có thể bỏ qua kì thi tốt nghiệp để các em có thể thi đại học luôn giống như chúng ta đã bỏ qua tốt nghiệp cấp 2 để các em lên cấp 3 luôn.

nguyễn văn thành, thành phố vinh, tỉnh nghệ an, 16:03, 16/06/2010

Tôi nhận thấy thứ trưởng vẫn bị mắc bệnh thành tích không dám nhìn thẳng vào sự thật của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Chúng ta không nên đổ lổi cho các đời Bộ trưởng trước mà phải xem lại trong 4 năm qua những khiếm khuyết của nền giáo dục Việt Nam đã được Bộ GD&ĐT có phương sách gì để chữa trị một cách hiệu nghiệm

Vũ Tuấn, Thủ Đức, 16:00, 16/06/2010

Thực tế không ai phủ nhận những gì Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã làm cho ngành giáo dục 4 năm qua. Và những con số trên đã minh chứng. Tuy nhiên, cái cần của nền giáo dục VN đang khủng hoảng hiện nay lại không đúng ở những chuyện đó

Đăng Phạm, Hà Nội, 15:52, 16/06/2010

Tôi thấy bài của Thứ trưởng quá dài với đầy rẫy những con số, nhưng không phản ảnh được bản chất và thực trạng của nền GD.

Trần Văn Quỳnh, Hà Nội, 15:51, 16/06/2010

Cho dù tỉ lệ tốt nghiệp PTTH có lên 100% nhưng tôi không chắc các kiển thức mà các em học được ở trường có thể giúp gì nhiều cho các em ở cuộc sống sau này, đó mới là kết quả giáo dục mà ông Thứ trưởng đã quên không nhắc tới.
Đó là các kỹ năng sống mà các em sắp phải đối mặt nhưng 12 năm, qua các bậc học các em chẳng thu nhận được gì nhiều.
Tôi biết nhiều em sắp tốt nghiệp lớp 12 rồi mà không thể nấu được một bữa cơm đơn giản, không biết là quần áo, không biết thu dọn phòng riêng cho sạch sẽ, giao tiếp ứng xử thì không tự tin nhiều khi còn ngô nghê, vụng về.
Tôi không hề có ý trách các em mà chỉ thấy thương cho các em. Lý do thì ai cũng
biết rồi đấy " Học những cái vô bổ quá nhiều".
Ý nghĩa nhân văn của giáo dục là" Dạy cho con người biết thích nghi với cuộc sống" thì vẫn chưa làm được.

Nguyen Thanh Binh, Hanoi, 15:42, 16/06/2010

Sau khi đọc bài tổng kết tôi có một số thắc mắc thế này.
" Trật tự kỷ cương thi cử đã tiến bộ rõ rệt" nhưng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, phao thi vẫn tràn ngập nhiều sân trường.
" Số học sinh đi thi bị tai nạn giảm" điều này thì có liên quan gì đến giáo dục?
" Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng". Ai dám chắc chất lượng có tăng?
" Các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo và xâm hại thân thể học sinh giảm". Nhưng học sinh đánh nhau trong lớp, thầy giáo, cô giáo đánh học sinh thì vẫn còn nhiều. Học sinh đánh bạn quay clip đưa lên mạng. Học sinh hôn nhau ở trong lớp. Người đương thời Đỗ Việt Khoa nghỉ việc là vì đâu?
"Tỷ lệ học mẫu giáo tăng" nhưng nó cũng tăng cùng với số lượng nhà mẫu giáo không đạt tiêu chuẩn, không có giấy phép, nhiều vụ đánh đập trẻ em bởi giáo viên mẫu giáo, thậm chí chết người...
"25,000 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được bồi dưỡng theo sự phối hợp với Singapore” nhưng lại được đưa sang Trung Quốc, Thái Lan để học tập.
" Tổ chức 17 hội nghị quốc gia, ký 600 thoả thuận đào tạo theo nhu cầu xã hội" Nhưng có thực sự các trường đại học việt nam đào tạo theo nhu cầu xã hội hay không, hay là theo nhu cầu người học. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường là bao nhiêu phần trăm. Trong vài năm mà bao nhiêu trường đại học được cấp phép đào tạo, trong đó nhiều trường không đủ tiêu chuẩn, không có cở sở đào tạo phải đi thuê thì có đáp ứng được nhu cầu xã hội không?
" Tăng cường năng lực lãnh đạo của các Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng". Hiệu quả của chương trình này là bao nhiêu, tiêu tốn bao nhiêu tiền của nhà nước?
" Học phí tăng hợp lý tại 100% cở sở đào tạo” có phải là ước mơ xa vời không?. Cơ sở nào cho thấy hợp lý hơn?
Đó là một số vấn đề mà bài báo đáng lẽ ra nên làm rõ hơn để khỏi có những thắc mắc như thế này.

Pham Quang Viet, Ha Noi, 15:40, 16/06/2010

Tôi cũng thừa nhận là có đổi mới thực sự. Những cũng chỉ được một hai năm rồi lại đâu vào đấy. Những con số mà thứ trưởng thống kê theo tôi chỉ đúng được một phần thôi.

Bên cạnh đó theo tôi thì nó còn phản ánh một khía cạnh khác khiến cho con số đó tăng, đó là: Việc tổ chức thi bên ngoài nói có vẻ là nghiêm túc nhưng thực tế thì mỗi năm lại lỏng lẻo hơn.

Cụ thể như tôi đi coi thi các năm tôi thấy các năm đầu thu tướng làm triệt để đúng là hiện tượng quay cóp bài là hầu như không có, còn đến năm nay thì lại bắt đầu có xu hướng phát triển trở lại. và mức đề theo các năm cũng có xu hướng dễ hơn, như thế thì thực tế của việc đỗ tốt nghiệp cao và tỉ lệ này tăng nhanh chưa hẳn là do trình độ của học sinh tăng nhanh.

Tôi rất mong muốn bộ trưởng bộ Giáo duc mới lên có thể làm sát sao hơn. Cũng không nhất thiết là phải đổi mới trong chính sách mà là phải thực thi, kiểm soát như thể nào để thấy được hiệu quả thực tế chứ không phải là những con số tăng nhanh của bệnh thành tích.

Nguyễn Minh Tuấn, Tuyen Quang, 15:23, 16/06/2010

Đọc xong bài viết vừa rồi, thấy có nhiều đổi mới thật đấy. Nhưng đó là những con số làm cho người đọc tưởng là tiến bộ nhiều mặt của ngành giáo dục. Thực tế nhìn lại, ngành giáo dục từ mẫu giáo cho đến đại học, trên đại học thì ai hiểu được thực tế mới thấy sự yếu kém của ngành giáo dục, yếu kém trong đội ngũ giáo viên, yếu kém trong nghiên cứu trong giáo trình giảng dạy, yếu kém trong quản lý nhà nước, yếu kém trong thi cử , trong vấn đề đạo đức học sinh và đạo đức người thầy v.v... Hi vọng, trong những năm tới, ngành giáo dục cần phải đổi mới nhiều mặt thì tương lai đất nước mới phát triển bền vững.

huyha, 15:17, 16/06/2010

Vẫn chỉ là những con số. Những con số từ trước tới nay được viết ra rất hay từ các ban ngành đấy thôi, chẳng nói lên được gì thực tế cả.

Thanh Tung, Trung Hoa, 15:14, 16/06/2010

Một bài báo dài đặc chữ, con số chi chít thế này thì ai có đủ kiên nhẫn để đọc? Đáng ra nên rút ra những con số tiêu biểu nhất dưới thời ông Nguyễn Thiện Nhân, và so sánh với các thời kỳ trước, thì người đọc dễ theo dõi hơn, và cũng sát với tiêu đề bài báo hơn. Chứ đăng nguyên cả bài này, e rằng hơi bị kiss *** các vị lãnh đạo ngành.

nguyễn Anh Tuấn, bình long bình phước, 15:04, 16/06/2010

Nói về tỉ lệ đạt tốt nghiệp tăng qua từng năm mà khẳng định là chất lượng giáo dục tăng là hoàn toàn không đúng. Năm anh mới lên chức anh làm căng triệt để nên tỉ lệ đậu thấp, lý do là nhiệm kỳ trước yếu. Các năm sau anh nới lỏng dần cộng với kiểu ra đề một năm một dễ hơn thì tỉ lệ tăng dần lên điều đó thật dễ hiểu. Không cần chất lượng tăng, thì hàng năm tỉ lệ đậu tốt nghiệp vẫn tăng.

Lê Minh Tâm, Hà Nội, 15:00, 16/06/2010

Số liệu là một trong những bằng chứng quan trọng nhất khi ta muốn chứng minh một điều gì đó. Tuy nhiên, nếu số liệu đó không phản ánh được sự thật thì nó lại trở thành đám mây mù che mắt người đời. Nhưng bởi vì nếu như nó chỉ là đám mây mù thì rốt cuộc cũng sẽ bị gió xua tan và sự thực sẽ hiện ra nguyên hình.
Người dân mong rằng những con số chính quyền đưa ra là những con số thực chứ không phải là những con số ảo.

Trần Hoàng Ngân, Thái Bình, 14:48, 16/06/2010

Có phải Thứ trưởng Trần Quang Qúy đang làm gì đó với lãnh đạo không?

Bình Minh, minhbg99@yahoo.com, 14:26, 16/06/2010

Giáo dục phổ thông hiện nay được chữa chạy theo kiểu bệnh đâu chữa đấy hay nói cách khác là nhà dột chỗ nào thì vá chỗ đó.

Với tư duy giáo dục cổ hủ học nhiều chữ là học giỏi vẫn làm phương châm chỉ đạo của ngành giáo dục đẫn đến chương trình nhồi nhét chưa có cải thiện gì.

Bộ máy chỉ huy tuyệt đối thời bao cấp vẫn như thời bao cấp. Hiệu trưởng các trường phổ thông chỉ như quản gia của ngành giáo dục.

Chương trình đào tạo không có gì mới vẫn do mấy người trên Bộ soạn ra và các thày cô giáo trên cả nước giảng dạy theo lộ trình lập sẵn, không có sự sáng tạo nào cả

Nguyễn Thuỳ Dương, BN, 14:10, 16/06/2010

Ở đời, người kế nhiệm khen người tiền nhiệm. Mời ông Quý hãy hoá thân thành phụ huynh học sinh, hay giáo viên thuần tuý đi.

Hoàng Minh Tân, Thái Nguyên, 14:05, 16/06/2010

Bài viết trên đây không có tính thuyết phục, bởi theo nhiều người nhận xét trong 4 năm qua nền giáo dục Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém nhất là bậc giáo dục đại học.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề này, thế mà bài viết này cố tình không đề cập đến. Vậy những vấn đề Thứ trưởng nêu chỉ là bệnh thàn tích.

Theo tôi phải đánh giá, mổ xẻ nền giáo dục Việt Nam hiện nay theo tinh thần nhìn thẳn vào sự thật, nói đúng sự thật để có những giải pháp quyết liệt để vực dậy nền giáo dục VN, đấy mới là điều mong muốn nhân dân.

Lò Quang Minh, Điện Biên, 14:03, 16/06/2010

Thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đạt kết quả quan trọng trong bối cảnh nền giáo dục còn nhiều bất cập. Tuy nhiên việc thực hiện "Hai không với bốn nội dung" đạt kết quả chưa rõ nét. Vẫn còn tình trạng không dám nói thật trong đánh giá chất lượng giáo dục. Nơi này nơi kia lãnh đạo tỉnh vẫn chỉ đạo kết quả các kỳ thi, kiểm tra phải đạt theo nghị quyết. Đây là câu hỏi ngành giáo dục không dễ trả lời. Hay nói cách khác muốn đạt được yêu cầu cuộc vận động trước lãnh đạo phải thay đổi về mặt nhận thức và hành động đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Lê Minh, 687b thanh da, 13:57, 16/06/2010

Tôi không đồng tình với ý kiến năng lưc quản lý của hiệu trưởng được nâng lên rỏ rệt sau các đợt tập huấn(rất tốn kém).Các biểu hiện thực tế cho thấy rõ ràng việc quản lý trong ngành giáo dục không được nâng lên chút nào.

Thai Hong Pham, 226 Le Duan -Ha Noi, 13:30, 16/06/2010

Sau 4 năm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã làm được nhiều việc lớn cho Ngành giáo dục nước nhà, thông qua bài viết của Thứ trưởng và những con số và sự kiện đã đạt được của Ngành giáo dục dưới thời Bộ trưởng chúng ta có thể tin tưởng ngành giao dục sẽ có bước tiến xa hơn nữa.

Nguyễn Thanh Tùng, Phường Bách khoa, Q. Hai Bà Trưng, Ha Nội, 13:28, 16/06/2010

- Bài viết hơi dài.
- Số liệu nhiều nhưng thiếu chính xác.
- Mục đích bài viết này là kể thành tích.
- Tai sao không đề cập tới những vấn đề yếu kém như cho ra đời hoăc nâng cấp một hàng trăn trường đại học và cao đảng; chất lượng giao dục ngày càng đi xuống.....

Nguyễn Mậu Hưng, Quảng Ngãi, 09:49, 16/06/2010

Tỉ lệ trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp là đúng, có khi còn đạt đến 95% luôn.

So với năm học trước là hơn 80%, kết quả năm nay quả là tuyệt vời. Thế nhưng kết quả đó là do đâu?

Do sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục ư? Nếu như vậy, chắc hẳn điểm trung bình của việc thi tuyển sinh đại học năm nay cũng sẽ cao hơn năm trước, ít nhất là 8-10% chứ?

Về quan điểm cá nhân, tôi xin khẳng định là sẽ không có điều đó xảy ra đâu. Vì kết quả kì thi tốt nghiệp năm nay là một kết quả ảo, hết sức ảo, không thực chất.

Ngài thứ trưởng có phát biểu trên báo chí là: "kì thi năm nay trung thực, khách quan và công bằng".

Trong 3 ý đó, tôi chỉ thấy đúng chỉ có một ý duy nhất mà thôi, đó là công bằng. Tại sao vậy? Bởi vì tất cả các thí sinh ở trong phòng thi, cũng như ở các phòng thi khác, và ở các hội đồng thi khác nhau đều được trao đổi thoải mái, thậm chí, các em còn được xem tài liệu một cách tự do.

Điều gì để kiểm chứng vấn đề trên? Dựa vào báo cáo của lực lượng thanh tra ư? Thanh tra tại chỗ?

Để kiểm chứng được điều tôi vừa nói ở trên, trong kì thi năm 2011, thay vì thanh tra lung tung, Bộ hãy dành kinh phí đầu một vài máy quay phim trong một số phòng thi ở tất cả các hội động thi. Tôi tin là kết quả ở các phòng này sẽ làm Bộ ngạc nhiên lắm.

Cuộc vận động "hai không" của Bộ chỉ có tác dụng trong năm đầu tiên (2007), còn những năm sau, kết quả cứ tụt dần. Bằng chứng là những con số mà Ngài thứ trưởng đã nêu ra. Tất cả đều "giảm rõ rệt".

Số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi "giảm rõ rệt" là do giám thị không dám bắt tài liệu và lập biên bản. Lập biên bản thì giám thị được gì? Không được gì mà mất đi nhiều thứ. Ai đảm bảo cho sự an toàn khi ra về? Và chắc chắn sẽ nổi tiếng toàn tỉnh ngay, và tất nhiên, sẽ khó khăn cho những mối quan hệ sau này.

Số lượng giám thì vi phạm quy chế thi "giảm rõ rệt" là do thanh tra không làm việc thì chủ tịch hội đồng thi dại gì làm khó anh em.

Các tin khác