Cuộc chơi không công bằng giữa truyền thông và giáo dục?

Cập nhật lúc 12:04, 21/06/2010 (GMT+7)

- Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6, các nhà báo làm giáo dục lại có cơ hội được "mổ xẻ" chính mình và nghe những ý kiến đóng góp của xã hội.

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif
Lời toà soạn: Ngày 18/6, sau khi đăng tải bài viết của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT về "những con số của 4 năm giáo dục từ 2006", VietNamNet nhận được nhiều ý kiến tranh luận đa chiều. Trong đó, nhà báo Vĩnh Thắng, hiện là Phó Tổng biên tập tạp chí Thế giới mới nêu vấn đề "có một cuộc chơi không công bằng giữa truyền thông và giáo dục". 21/6 năm nay cũng là dịp VietNamNet xem là thời điểm thích hợp để những người làm báo VietnamNet nhìn lại những việc đã làm, những gì còn khiếm khuyết, từ đó tìm ra hướng làm thế nào để tới đây góp phần tốt hơn vào sự phát triển chung của đất nước. Trong mạch thời sự này, chúng tôi đã mời các nhà báo làm giáo dục và những người làm giáo dục "mổ xẻ" chính mình và nghe những ý kiến đóng góp của xã hội đối với nghề nghiệp.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng: Không thể viết những biểu hiện bề ngoài

Mô tả ảnh.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm
Các nhà báo cổ vũ chúng tôi yêu nghề hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi nhà giáo trên bục giảng, mang đến cho chúng tôi nhiều thông tin mới, giáo viên được học hỏi thông qua báo chí. Báo chí giúp chúng tôi nhận ra mình một cách sâu sắc hơn để chúng tôi làm tốt sự nghiệp của mình.

Trường Đinh Tiên Hoàng có lẽ xuất hiện nhiều trên báo. Đó là dịp báo chí giúp chúng tôi khẳng định thương hiệu của mình, tổ chức tốt quá trình giáo dục. Chúng tôi luôn nhắc nhau là Trường Đinh Tiên Hoàng không chọn lọc HS đầu vào nhưng phải đảm bảo chất lượng đầu ra.

Tuy vậy, báo chí cũng có những nhược điểm. Ví dụ, có báo khai thác những mặt nghịch ngợm, phóng túng của HS chúng tôi, và do đó, chúng tôi được thêm cái "thương hiệu" là "đinh kinh hoàng". Tuy nhiên, tôi cũng phải thẳng thắn nói rằng, khi khai thác điều đó, nghiệp vụ của các bạn không vững ở chỗ này: chúng ta giúp đỡ HS để tôn vinh HS chứ không phải để chì trích HS. Có bạn nói rằng đây là "thùng rác", chứa đựng những HS nơi khác.

Như vậy là các bạn đã biến một chủ trương hết sức nhân văn của ngành giáo dục Hà Nội, biến một ý tưởng hết sức tốt đẹp của các nhà giáo Hà Nội trong cuộc vận động kỷ cương, tình thương, trách nhiệm là giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em HS chưa ngoan thành vô nghĩa. Đây cũng là một cách làm giáo dục hết sức nhân văn chứ. Lẽ ra, phải tìm hiểu sự cố gắng của HS và giải pháp giáo dục của nhà trường chứ không thể viết những biểu hiện bề ngoài. Do vậy, tôi cho rằng các nhà báo cần phải có nghề báo nhưng đồng thời cũng phải hiểu biết về nghề giáo dục của chúng tôi.

Khi nói về giáo dục, chúng ta phải hết sức thận trọng, vì hậu quả của chúng rất là lớn. Nếu nóng vội, chúng ta hiểu sai về những chủ trương, cách làm, những con người thì sẽ tác động đến hàng vạn, hàng triệu gia đình.

Trong thời gian qua, tôi nhận thấy tiếng nói đích thực của nhiều giáo viên báo chí chưa khai thác được. Có lý do: người ta rất e ngại báo chí. Nhà báo phải có nghiệp vụ để khai thác những suy nghĩ thật, cách làm thật. Không phải ai làm được cũng nói được.

Mô tả ảnh.
Nhà báo Vĩnh Thắng.
Nhà báo Nguyễn Vĩnh Thắng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thế Giới Mới: Báo chí thiếu công tâm khi nói về giáo dục

Công tâm mà nói, nhân ngày nhà báo Việt Nam, báo chí chúng ta rất thiếu sự...công tâm khi nói về giáo dục, khi nói sai thì ít khi đính chính. Ví dụ trước đây có vài tờ báo "dập" liên tục Bộ GD-ĐT và trường ĐH Phan Thiết, lôi cả ông Nguyễn Minh Thuyết vào trận, phát biểu điều này điều nọ nhưng chính ông Nguyễn Minh Thuyết đã viết thư phản ứng lại là ông ấy không hề phát biểu như thế, đề nghị tòa soạn đó phải đăng lại. Tuy nhiên, tòa soạn đó có đăng lại đâu.

Trước đây, nhiều tờ báo viết bài phê phán Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM mở các cơ sở đào tạo ở nhiều tỉnh thành, "loạn thu học phí", không có thư viện cho sinh viên v.v...

Nhưng sau nhiều đợt các đoàn giám sát của Đảng, Nhà nước, Quốc hội mà đỉnh điểm là một đoàn do đồng chí Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu, có cả 5 vụ trưởng, Thứ trưởng của hai bộ GDĐT, Công thương, đã kết luận "đây là một mô hình cần nhân rộng" thì chẳng có tờ báo nào đưa tin đúng kết luận của đồng chí Tô Huy Rứa, dù các báo, đài đều tham dự hội nghị đó!

Một thanh niên đánh lộn ngoài đường phố trong ngày chủ nhật thì tại sao báo chí cứ nhất thiết phải "khoèo" vào một câu "một học sinh trường ABC...đã đánh lộn"?

Ngược lại, một phóng viên đưa gia đình đi chơi thì cứ thích móc thẻ nhà báo ra "đòi" người khác phải ưu tiên phục vụ mình chỉ vì mình là nhà báo mà không chịu mình là một công dân bình thường!.

Tôi nêu vài ví dụ như thế trong Ngày nhà báo và nhân đọc bài của Thứ trưởng Trần Quang Quý để mọi người thấy rằng giữa báo chí và sự thật vẫn còn khoảng cách.

Tất nhiên, như tôi từng góp ý, công tác truyền thông của Bộ GDĐT vẫn còn thiếu sót. Nhưng, sự thiếu bình đẳng trong truyền thông về GD lại không hẳn chỉ vì Bộ có thiếu sót mà chính là từ cách nhìn của toàn xã hội, của báo chí về ngành giáo dục vẫn còn lệch lạc, thiếu công bằng.

Nguyễn Thái Hòa, nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM, hiện là nghiên cứu sinh: Cần tham khảo ý kiến chuyên gia nhiều hơn

Báo chí có rất nhiều thông tin rập khuôn, kiểu như “nhà nghèo, học giỏi, phấn đấu, được học bổng đi nước ngoài du học”.

Đây là một kiểu thông tin dễ gây hiểu nhầm, bạn đọc sẽ tưởng những nhân vật đó là siêu sao, xuất chúng. Việc này có lợi là đưa tin những tấm gương phấn đấu cho người khác học hỏi.

Nhưng cũng tạo nên tâm lý những suất học bổng đấy chỉ dành cho người xuất chúng. Sự thật thì một số nước có những học bổng tài trợ giáo dục cho Việt Nam, muốn lấy không khó lắm, miễn là thỏa mãn một số điều kiện nhất định nào đấy, và các điều kiện này cũng không phải quá khó. (tiếng Anh, điểm trung bình, kinh nghiệm làm việc…). Cần đưa tin chính xác hơn để nhiều người tự tin ứng cử học bổng.

Báo chí quá khai thác vào các tin giật gân, học sinh đánh nhau, sống thử, đua xe, chơi bời… quá ít những bài viết sâu sắc. Báo chí cần hợp tác với những chuyên gia trong các lĩnh vực về giáo dục, để tham khảo những ý kiến chuyên sâu hơn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Hài lòng, nhưng vẫn mong đưa tin đầy đủ

Mô tả ảnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.
Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc truyền tải những chủ trương, hoạt động của ngành đến đông đảo người dân, giáo viên, học sinh.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn thông tin cần đưa đầy đủ, kịp thời và chính xác. Về cơ bản, chúng tôi hài lòng về sự đưa tin của phóng viên.

Thời gian tới chúng tôi cũng mong nhận được sự hợp tác hơn nữa của báo chí đối với ngành giáo dục. Về phía chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin đối với báo chí. Nơi này nơi khác, lúc này lúc khác có thể chưa kịp thời, nhưng chúng tôi đã rút kinh nghiệm.

Nhà báo Ngô Thiệu Phong, Ban Giáo dục, Đài Tiếng nói Việt Nam: Phản biện chứ không chỉ tuyên truyền

Mô tả ảnh.
Nhà báo Ngô Thiệu Phong.
Nếu hỏi những người làm giáo dục thì có lẽ họ sẽ nhận xét báo chí chỉ viết về mặt tiêu cực, các vấn đề nóng bỏng của giáo dục mà không nói những cái tốt, điểm mạnh của giáo dục.

Nhưng thử hỏi các nhà giáo dục lại đứng ở vị trí người làm báo chúng ta thì ra sao. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi giáo dục còn đang bộn bề như thế mà các báo cứ tuyên truyền gương này hay gương kia thì liệu có sức thuyết phục với xã hội? Chức năng quan trọng là phản biện, diễn đàn của xã hội chứ không chỉ tuyên truyền. Trong giai đoạn hội nhập phát triển như hiện nay, đặc biệt là khi có sự phát triển của báo mạng, càng phải nhấn mạnh đến chức năng phản biện và diễn đàn của báo chí lên thêm một bước nữa.

Do vậy, tôi không cảm thấy sự thiếu cân bằng về thông tin điểm tốt đẹp và những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục. Công bằng mà nói, ngành giáo dục phải cảm ơn báo chí về những phát hiện như thế, chứ không nên chì trích người làm báo đưa tin thiếu cân bằng.

Bên cạnh đó, các báo hiện nay cũng phải tự hạch toán kinh tế, vì thế càng phải để ý đến nhu cầu người đọc cần cái gì. Hơn nữa, chúng ta chưa có những thông tin "tích cực" thật hay mà người đọc ham thích. Cũng có lẽ ngành giáo dục cần phải có những gương giáo dục, trường học hay mô hình giáo dục thật hay hơn nữa thì chắc chắn báo chí sẽ phản ánh và bạn đọc sẽ đón nhận.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng nơi này nơi kia, vẫn có những phóng viên thiếu những kiến thức nhất định về riêng giáo dục. Có những bài báo vừa đọc vài câu đã thấy kiến thức sai. Viết về giáo dục không đơn giản chút nào vì các văn bản, chỉ thị, quy định mới hàng ngày. Nếu không chịu khó cập nhật, đọc, tìm hiểu thì rất dễ viết sai. Tính thuyết phục bằng con số 0, không những thế ngành giáo dục còn chê trách chúng ta là thiếu hiểu biết.

  • Tú Uyên (Ghi)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Hoai Thanh, Hà Tĩnh, 21:23, 30/06/2010

Tại sao nhà báo hay công kích giáo dục, chuyện nhỏ xé ra to để giật gân, câu khách? Đơn giản vì các thầy cô giáo có làm gì được họ đâu, các Thầy cô cùng lắm chỉ biết co mình lại. Ngoài đường đầy rẩy chuyện tiêu cực cần nhà báo dũng cảm đấu tranh như chuyện cảnh sát giao thông đòi tiễn mãi lộ (chuyện này chỉ cần tham gia giao thông trên xe khách khoảng 200 km là thấy), không cần nghiệp vụ gì cả. Sao ít bài nói thế? Cũng rất đơn giản, không có nhiều nhà báo dũng cảm. Cũng tại vì công an là lực lượng không dễ gì động vào được! Vì thế ai cũng biết, những mấy ai dám nói đâu! Nếu cần lấy ý kiến nhân dân về họ - cánh sát giao thông (tất nhiên là phải bí mật cho người trả lời) thì sẽ có được câu trả lời chính xác về họ. Nhà báo có biết không? Có lẽ là không vì chuyện đó khó quá!

Nguyễn Lê, N.A, 21:52, 23/06/2010

Nhân ngày 21.6.2010 xin gởi lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà nhà báo nói chung, đến VNN nói riêng.
Cảm ơn VNN lâu nay đã có nhiều bài viết đặc biệt có giá trị đối với bạn đọc. Hy vọng VNN sẽ là món ăn tinh thần quí giá của chúng tôi mãi về sau.
Đối với việc viết về ngành GD, tôi xin có mấy ý kiến :
- Chuyện có tốt có xấu, có đúng có sai là chuyện muôn thuở. Nên chăng là thái độ của người phản ánh và người được phản ánh.
- Công lao của ngành, của hàng triệu thấy cô giáo cũng như truyền thống hiếu học của con em nhân dân là những sự thật không thể phủ nhận, không thể bị xem nhẹ.
- Tôi cho rằng, viết về ngành GD chưa có được nhiều nhà báo có am hiểu sâu sắc, chưa nhìn thấy được thật rõ, thật chính xác cái bên trong của nó. Ngược lại, hình như các tầng lớp lãnh đạo ngành GD cũng chưa kịp thời nhìn nhận để có được những kế sách phù hợp, kịp thời mà chấn chỉnh.
- Tăng cường tính "phản biện" trong hoạt động báo chí như Nhà báo Ngô Thiệu Phong nói là hoàn toàn chính xác, hợp qui luật. Tôi hết sức tán đồng.
Một lần nữa, Kính chúc các nhà báo luôn mạnh giỏi, Hạnh phúc và thành đạt. Cảm ơn VNN thật nhiều.

Trần Đại Dương , Ninh Hải Ninh Sơn Ninh Thuận, 21:20, 23/06/2010

Hãy thử thống kê trong những năm gần đây có bao nhiêu người đã được ngành giáo dục đào tạo để trở thành những kĩ sư , những nhà khoa học,nhà chính trị, quan chức ...họ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước trong đó có cả những nhà báo .Phải chăng nhà báo chưa bao giờ làm học trò?
Nói một cách khách quan, giáo dục nước ta hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của xã hội .Tuy vậy ,không có nghĩa là giáo dục đang thụt lùi và chỉ toàn những tiêu cực .

điều chúng ta có thể thấy bằng trực quan mà không cần các số liệu thống kê là trình độ dân trí ngày càng cao , rất nhiều thành tựu mà chúng ta đạt được đều do bàn tay ,khối óc của những con người do nghành giáo dục nước ta đào tạo ra .

Vậy thì mặt tích cực ,sự tiến bộ phải là phần nhiều hơn, dễ nhìn thấy hơn thế nhưng trong những năm gần đây chúng ta thường thấy trên báo chí rất nhiều thông tin về các hiện tượng tiêu cực của ngành giáo dục như :bệnh thành tích , bạo lực học đường , trình độ học sinh quá yếu ..

.Tất cả những thông tin ấy thường xuyên xuất hiện trên báo chí tạo ra một định kiến xấu của xã hội :giáo dục -tiêu cực .

Nhà báo nên đặt mình làm người trong cuộc mới có thể nhận thức đúng về chất lượng giáo dục .Bệnh thành tích là có thật nhưng bản chất là thế nào ? Những người đang giảng dạy có thích bệnh thành tích không ? " Bệnh" này có hại không ? Nếu bạn là giáo viên hoặc là phụ huynh thì thái độ của bạn như thế nào ?

DongTich, Cà mau, 15:53, 23/06/2010

Theo 5 tiêu chí của báo chí thì phần lớn báo VN đều là báo lá cải: Vì lợi nhuận, đưa tin giật gân.

Vu Linh, 23:27, 22/06/2010

Tôi rất bức xúc với hiện trạng 1 số nhà báo làm việc không nghiêm túc, chỉ chạy theo thị hiếu, câu khách là chính mà luôn quy chụp, phóng đại vô căn cứ, gây ảnh hưởng tiêu cực về cách nhìn của công chúng tới ngành giáo dục, nhất là 1 số báo mạng hiện nay. Vẫn biết nói thât mất lòng nhưng phải khẳng định VNN là 1 trong số đó. => Lời phê bình trên đây dù nặng nề và có thể không được đăng lên nhưng đó là những ý kiến đóng góp chân thành của tôi gửi cho quý báo, mong quý báo có thể rút ra được kinh nghiệm để tiếp tục xứng đáng là 1 trang báo mạng lớn và uy tín của Việt Nam! Thân!

nguyen hoang tu, tphcm, 21:08, 22/06/2010

Tôi thấy ông Vĩnh Thắng nói rất tào lao.

KHAI, cali, 08:54, 22/06/2010

Theo tôi, báo chí hiện nay mới chỉ phản ánh được bề nổi của ngành chứ chưa phân tích và đi sâu vào bản chất. Những gì được nói chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

HoàngHồng, Thanh hóa, 01:04, 22/06/2010

Xin đừng làm "nhà Chí " - (chí = chấy), chuyên gây ngứa ngáy khó chịu trên đầu cac thầy cô giáo; va truyền dịch bệnh vô ơn bạc nghĩa trong đầu học trò của một đất nước ngàn năm văn hiến!

NguyễnĐỗNhựtDuy, TpHCM, 00:48, 22/06/2010

Bản thân tôi lâu nay rất khó chịu và khó hiểu trước nhiều bài viết chuyên rình chộp rồi bé xé ra to, rồi qui chụp vô lối, vô tình hay cố ý hạ nhục nhà giáo trước hoc trò và cha mẹ cac em. Theo những tac giả này thì mọi chuyện xấu xa,tiêu cực,phạm pháp của thời mở cửa này đều là tội lỗi của ngành GD. Phụ huynh chúng tôi rất bất bình,nhưng đâu có "quyền lực thứ tư" như cac nhà báo?!

Nhân ngày Nhà Báo,xin cảm ơn cac nhà báo công tâm trung thực,như cảm ơn cac nhà giáo đã tận tâm cùng con em chúng tôi. Chuc hai "nhà" là "hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau", xin đừng nhà nào vì cãi lộn rồi châm lửa đốt nhà nhau!

Huỳnh MinhQuang, TpHCM, 23:58, 21/06/2010

Viết để "chưởi" giáo duc là dễ nhất. Vì sao? -vì nhân sự cái ngành này "đông như quân Nguyên","ra ngõ là gặp thày trò". Mà đông đúc như vậy,độ tuổi từ trẻ sơ sinh mấy tháng đến ông lão về hưu. Thế nào chả có tội đồ!? - Nhưng cái lí do này mới là chính yếu:

Đó là "tính phi vật thể" của sản phẩm 'đào tạo, dù thực ra đó là cao quí nhất trong vũ trụ - Con Người. N

hà máy sản xuất ra vải cho ta mặc,nhà nông làm ra lúa gạo cho ta ăn; vải xấu hay đẹp;gao dẻo thơm hay ko; ta biết liền -để khen chê.

Nhưng nhà trường, dạy cho ra học sinh dốt, tất nhiên phải "chưởi",nhưng ra hs giỏi, nhà báo cũng vẫn "chưởi".

Vậy nhưng nhà giáo ko "phản biện" được. Vì sản phẩm của mình ko giống mét vải, ko giống hat gạo của cac ngành khac. Cãi sao lại với nhà báo!

Còn muốn "phản biện" trên báo,thì đừng hòng được lên trang. (báo mạng là thể hiện dân chủ,nhưng chính tôi đã từng bị duyệt bỏ khi những ý kiến của tôi bình luận khac với quan điểm-mà họ gọi là "tiêu chí" của báo. Hi vọg lần này "thoát").

Ngày Nhà báo năm nay mới có nhà báo nói ra là đã trễ,nhưng chưa muộn. Mong từ ngày này báo chí hãy khach quan, trung thực và công bằng khi viết vế giáo dục (công bằng chứ ko cần "cân bằng" như ông Phong nói).

Viêt về đời tư cac nàng "chân dài váy ngắn" đã rất cần chừng mục,thì viêt về nhà giáo, về giáo dục càng cần phải rất đúng mực và có trach nhiệm với việc duy trì và phát huy truyền thống hiếu học,truyền thống tôn Sư trọng Đạo của dân tộc.

Vu thuy, quảng bình, 21:36, 21/06/2010

Hiệu trưởng Đinh Tiên Hoàng nói không thuyết phục. Năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, xã hội có vui mừng đâu?

Nhi Vy, 21:21, 21/06/2010

Sự lệch lạc, chạy theo thị hiếu, thiếu xây dựng và thiếu tính nhân văn ở một số nhà báo là hiện tượng có thật và khác phổ biến. Nạn nhân không chỉ riêng ngành giáo dục. Nhưng xét cho cùng, nhà báo cũng là sản phẩm của nền giáo dục nước nhà.

Lê Sơn, Hà Nội, 21:05, 21/06/2010

Đã là phản biện thì cứ nói những điều chưa tốt, những việc làm sai. Làm đúng, làm tốt là trách nhiệm, không cần phải khen. Làm không được thì làm ơn tránh ra chổ khác, cho cơ hội để người khác công hiến. Còn làm xuất sắc thì không cần nói cũng được mọi người khâm phục , quý mến.và trân trọng.

Thanh Long, Nha Trang, 19:21, 21/06/2010

Trước tiên, nhân ngày Báo chí Việt Nam, xin có lời chúc mừng và cảm ơn tới những người làm báo chân chính. Cả xã hội ghi nhận công sức của các bạn.

Tôi không hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nên xin phép không có ý kiến về việc "cuộc chơi không công bằng".

Tôi chỉ nhìn nhận với góc độ của một phụ huynh: một mặt chúng tôi ghi nhận sự công lao của ngành giáo dục (vì con cái chúng tôi cần được giáo dục và những gì chúng có được, có công lao to lớn của các thầy cô), nhưng cũng xin được nói rằng, với những bức xúc của xã hội hiện nay với ngành này, tôi nghĩ rằng báo chí còn chưa phản ảnh hết các mặt của nó.

Tất nhiên tôi luôn ủng hộ những bài báo khách quan và công tâm.

Một lần nữa xin chúc sức khỏe đối với các nhà báo cũng như các nhà giáo.

Hathanh, 18:59, 21/06/2010

Chúng ta cần phải quen với những cú sốc khi sự phản biện đúng của báo chí đưa ra.

Sao một số trường không có học sinh bạo lực, một số trường lại có. trốn học bỏ ra đường để đánh nhau bạo ngược thì lỗi đó phải thuộc nhà truờng. Báo đưa tên trường nào là đúng.

Giáo dục của chúng ta đang quá tồi tệ, phải dũng cảm nhìn vào để tìm ra quyết sách đúng.Bản kê thành tích của ông thứ trưởng nọ quá quen với chúng ta , nó phổ biến ở mọi ngành, mọi cấp.

Đọc ra chẳng ai thèm nghe, thèm tin, thèm để ý; viết đoạn đầu, biết đoạn sau nói gì, biết mục đích làm gì. Dối trá trong giáo dục nó vô cùng nguy hiểm.

T T M H, Cầu giấy Hà Nội, 17:10, 21/06/2010

Là một người công tác trong ngành giáo dục, tôi cảm thấy được an ủi và rất vui khi TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng đã công tâm phản biện cho ngành giáo dục.

Các tin khác