221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1247900
"Người thầy không thể thay đổi theo xã hội"
1
Article
null
'Người thầy không thể thay đổi theo xã hội'
,

 - Ngày 20/11 đã qua, nhiều chiếc phong bì đã được chuyển đến địa chỉ mà chủ nhân của nó mong muốn. Trong đó, ngoài ý nghĩa biết ơn, hỗ trợ thầy cô giáo thì không phải là không có những chiếc phong bì với mục đích "nhờ vả" "xin xỏ" thầy cô quan tâm đến con em mình. 

Mô tả ảnh.
"Họ phải đủ bản lĩnh, phẩm chất để vượt qua những cám dỗ đó chứ không thể ngụy biện theo kiểu “họ như thế, tôi cũng như thế”, ông Phạm Mạnh Hùng.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) Phạm Mạnh Hùng đã có cuộc trao đổi với VietNamNet về câu chuyện thay đổi trong mối quan hệ thầy trò khi xã hội có nhiều cám dỗ với những người làm thầy.

Phụ huynh nên nghĩ lại

Những năm gần đây, đến ngày 20/11 là phụ huynh "đôn đáo" lo tìm những món quà thích hợp để tặng thầy cô giáo của con, hoặc gọn nhẹ nhất là để phong bì. Quan điểm của ông thế nào trước xu thế chung của xã hội?

- Việc HS, phụ huynh HS đến nhà thầy cô chơi nhân dịp 20/11 là một biểu hiện của truyền thống tôn sư trọng đạo.

Đó là việc hoàn toàn tốt đẹp. Chỉ có điều, nếu phụ huynh, HS nào cũng đến nhà thầy cô để tặng quà với những mục đích, động cơ không trong sáng thì điều đó không thể chấp nhận. Phụ huynh, HS có thể tặng thầy cô bó hoa, cuốn sổ, cái bút... Quan trọng nhất vẫn là tấm lòng, tình cảm.

Ngành giáo dục không chấp nhận việc thầy cô nào đòi hỏi việc này, và tôi cũng tin chắc rằng đa số các thầy cô không mong đợi ngày này như một ngày để "thu hoạch" từ HS và phụ huynh.

Có nhiều phụ huynh cho rằng việc tặng quà hay phong bì xuất phát từ tấm lòng biết ơn của họ với thầy cô. Ví dụ như họ thấy lương của giáo viên mầm non rất thấp và họ muốn hỗ trợ?

- Cần phải hết sức tế nhị. Nếu thầy cô biết phụ huynh hỗ trợ một món quà có giá trị hoặc tiền, xuất phát từ tình cảm thương thầy cô đồng lương ít ỏi, thì tôi tin nhiều thầy cô không nhận, và nhiều người sẽ thấy họ bị xúc phạm.

Không phải ai cũng trông chờ ngày này để tăng thu nhập. Món tiền ấy hoàn toàn có thể nhận được nếu công khai thông qua một tổ chức nào đó hoặc qua ban giám hiệu nhà trường, rằng phụ huynh muốn hỗ trợ cô A, cô B.

Thực tế cho thấy cũng không nhiều thầy cô đủ dũng cảm và tự trọng trả lại phong bì?

- Thực tế thì đúng là có nhiều phụ huynh đến nhà thầy cô tặng và nhiều thầy cô nhận.

Chỗ này cũng có cái khó đối với các thầy. Vì như ngày Tết thầy, phụ huynh đến nhà chơi rồi mừng tuổi hay tặng món quà, nếu đôi co trong gia đình lúc đó thì tự nhiên mất vui.

Lúc đó, có ai biết được trong quà có phong bì hay là đếm phong bì có bao nhiêu tiền... Đó là một cái thuộc về ứng xử văn hoá. Vì thế, phụ huynh nên nghĩ lại, đừng nghĩ rằng phải có món quà gì có giá trị, có đồng tiền thì thầy cô mới quan tâm đến con cái mình.

Tất nhiên, cũng có một số ít các thầy cô nghĩ đến động cơ đó, có mong ước đó, nhưng số này không nhiều, tôi tin như vậy.

Cũng có những người thầy kiên quyết và nghiêm khắc đã trả lại phong bì cho phụ huynh, dù rằng có gì đó mất vui. Tôi cũng đã nhiều lần trả lại phong bì cho SV. Ngày 20/11 có một số SV cũ đến chơi chỉ tặng bó hoa hay chỉ một cuộc điện thoại để biết rằng các em nhớ đến mình là tôi đã thấy rất vui.

 

Ảnh: An Bang
Ảnh: An Bang

Khi mà “phong bì” trở thành một phần ứng xử của cả xã hội thì mối quan hệ thầy trò cũng không nằm ngoài tác động đó. Vì thế, nếu cực đoan về "văn hoá phong bì" trong quan hệ thầy trò thì  liệu có phải là cách nhìn siêu hình và không thực tế?

- Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này. Thực ra, thầy giáo cũng là tổng hoà các mối quan hệ xã hội, chịu tác động tích cực và tiêu cực của các mối quan hệ xã hội. Trong cơ chế thị trường hiện nay thì nhiều mặt trái tác động lớn đến nhà giáo, nhưng có điều BẢN LĨNH nhà giáo không cho phép họ chấp nhận dễ dãi những tiêu cực.

Họ phải đủ bản lĩnh, phẩm chất để vượt qua những cám dỗ đó chứ không thể ngụy biện theo kiểu “họ như thế, tôi cũng như thế”. Đã chấp nhận làm nghề giáo thì phải: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Khi ấy, thầy trong mắt học sinh mới có những hình ảnh đẹp và xứng đáng với chữ THẦY.

Việc tặng quà, phong bì, xuất phát từ nguyên nhân sâu xa, đây là sự tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, làm một số thầy giáo không đủ bản lĩnh không vượt qua được cám dỗ. Đồng thời, cũng xuất phát từ chính tâm lý phụ huynh không đi lại lo con mình cô không quan tâm.

"Chuẩn mực" của người thầy không bao giờ đổi

Trong mối quan hệ thầy trò ngày nay, nhiều học sinh trong độ tuổi từ 12-16 cho thấy, nhiều thầy cô họ rất quý, hiểu tâm lý học sinh và đối xử với trò như người anh, người chị, người bạn. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng, đa số thầy cô chỉ dạy chữ, chứ ít dạy HS về lẽ sống, cách sống và sự chuyển động, đồng thời hay áp đặt và có lạnh lùng. Ông nghĩ thế nào về cách nhìn của thế hệ trẻ về người thầy?

Trước hết, đòi hỏi của các em về người thầy là hoàn toàn chính đáng, người thầy có thể là người anh, người bạn và chia sẻ. Thế hệ của tôi là được như thế. Còn thế hệ này, để có thể kết luận có phải như vậy không, có được thế không thì phải có một cuộc khảo sát cụ thể, chứ không thể hỏi 10-15 em HS mà kết luận được. Thứ nữa, nếu phỏng vấn phải khắp vùng miền thì mới đến được khái quát chung. Ở thành phố, các thầy bị cuốn vào cuộc sống gia đình thì có thể xao nhãng. Nhưng ở vùng quê thì vẫn còn nhiều mối quan hệ đẹp.

 

Giáo viên trẻ TP.HCM trong ngày lễ tuyên dương của Thành Đoàn
Giáo viên trẻ TP.HCM trong ngày lễ tuyên dương của Thành Đoàn. Ảnh: An Bang

Tôi tin rằng, nếu khảo sát cụ thể thì đại đa số những người thầy là những người bạn. Còn áp đặt, không chia sẻ cũng có nhưng không nhiều. Qua đây nên có hồi chuông cảnh tỉnh các thầy, không nên vì quá lo cho cuộc sống, chạy theo đời thường mà quên đi chức năng không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ là người thầy mà còn là người bạn. Có như vậy những người thầy đó mới tồn tại mãi trong lòng các thế hệ học sinh, mà tôi nghĩ cái này là vô giá với người thầy.

Có ý kiến của một người thầy gửi về tòa soạn báo VietNamNet rằng, xã hội đã có cái nhìn không hay về thầy cô, phụ huynh đưa mối quan hệ trở thành quan hệ mua - bán, vậy sao lại kỳ vọng quá nhiều vào thầy giáo như vậy trong khi xã hội đã thay đổi quá nhiều rồi?

Phải nói rõ ràng, xã hội thay đổi nhưng chuẩn mực người thầy không thể thay đổi. Có thể chuẩn nghề nghiệp giáo viên thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao lên. Nhưng cái chuẩn theo nghĩa chung nhất về một người thầy thì không thể thay đổi. Phải là người thầy viết hoa, phải là phẩm chất, là tri thức, là những tấm gương mẫu mực cho học sinh.

Không thể nói, xã hội thay đổi thì người thầy thay đổi. Do đó, đòi hỏi của xã hội với người thầy là hoàn toàn chính đáng. Bức xúc của xã hội trước các hiện tượng tiêu cực của người thầy cũng hoàn toàn đúng đắn. Không thể nói xã hội xấu rồi tôi cũng xấu theo, điều đó không chấp nhận được.

Nhưng cũng chia sẻ ở chỗ, mong rằng báo chí bên cạnh đưa những vấn đề phi đạo đức thì cũng tích cực hơn trong việc nêu gương điển hình thì công bằng hơn cho người thầy. Vì cho đến nay, tôi khẳng định là góc tiêu cực trong đội ngũ người thầy là góc nhỏ, nhưng đôi khi mình đưa góc nhỏ thành góc lớn để xã hội quy chụp cả ngành làm nhiều người thầy bức xúc, chạm vào lòng tự trọng. Từ đó, vô tình giảm đi hình ảnh người thầy trong con mắt của học sinh.

Theo ông làm thế nào để quan hệ thầy trò có thể trở lại thiêng liêng như trước đây?

Cho đến ngày hôm nay, quan hệ thầy trò nhìn chung vẫn là thiêng liêng chứ không hề phải "trở lại". Vì nói trở lại là đã hết. Có thể trong mối quan hệ của một vài cặp thầy trò nào đó là không còn thiêng liêng nữa. Có thể có những người thầy không còn lưu luyến đến học sinh nữa. Cái này lỗi tại người thầy.

Nhưng còn rất nhiều người thầy, học trò giữ được tình cảm. Ra trường nhiều năm, trò vẫn điện thoại hỏi thăm, đến thăm thầy, đó là mối quan hệ thiêng liêng. Thầy phải sống, phải học và làm việc, tự khắc học sinh sẽ nhìn vào và có mối quan hệ thiêng liêng. 

Chấp nhận nghề thầy giáo thì khó mà giàu được

Đồng lương của nhà giáo hiện nay, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay thành phố lớn cũng khó khăn. Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội, có người cho rằng thu nhập của giảng viên ĐH rất cao. Điều này hoàn toàn không đúng mà chỉ đúng với một số ít người và ngành nghề cụ thể, với một số người có học hàm học vị, còn giảng viên trẻ rất khổ.

Giáo dục phổ thông cũng vậy, lương 1,5-2 triệu/tháng, không đủ sống.

Để giải quyết được việc này chỉ có cách giải quyết chế độ chính sách cho nhà giáo để sống đủ được bằng lương. Sống đủ chứ không mong giàu vì chấp nhận nghề thầy giáo thì khó mà giàu được. Tuy nhiên, việc này cũng rất khó vì ngân sách nhà nước thấp. Nếu tăng lương cho giáo viên thì ngành khác cũng muốn. Cho nên, đây là bài toán rất khó giải đối với Chính phủ.

(Ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục).

  • Bảo Anh - Sơn Khê (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,